Chánh Kiến An Vui

UY LINH DÂN TỘC- TS. TT. Thích Chân Quang (Khu Du Lịch ĐỀN HÙNG- Phú Thọ, 07/04/2010)

18/04/2024 Phúc Khiết Giác 0 Nhận xét
UY LINH DÂN TỘC- TS. TT. Thích Chân Quang (Khu Du Lịch ĐỀN HÙNG- Phú Thọ, 07/04/2010)

Bằng nhãn quan của đạo Phật, Thượng tọa đã phân tích, dẫn giải về nguồn gốc lịch sử nước nhà, đặc biệt từ đời Vua Kinh Dương Vương đến Vua Hùng thứ XVIII. Qua đó cho thấy con người Việt Nam ngoài dòng giống Tổ tiên, ta được hưởng uy linh của dân tộc.

Thượng tọa nhấn mạnh "chính đức độ tạo thành uy linh của dân tộc". Bất kỳ tổ chức nào, đức hạnh của người lãnh đạo rất quan trọng, nó ảnh hưởng đến sự sướng khổ, thành bại của toàn dân, của cộng đồng. Mà để có đức hạnh, theo lời Phật dạy ta không làm gì sai trái, cố gắng thương yêu giúp đỡ mọi người và hơn thế nữa ta giữ được tâm hồn an tịnh. Với người có đạo đức lớn như thếthì ai không kính trọng, nể sợ, làm việc gì cũng không sợ thất bại.

Nên nhớ, khi ta được thừa hưởng uy linh của Quốc Tổ, ta có bổn phận phải bồi đắp thêm vào để tạo thành uy linh của dân tộc, cho đời sau con cháu ta tiếp tục hưởng. Nếu ta làm ít mà hưởng nhiều quá thì ta không có di sản để lại cho con cháu ngàn đời sau. Và một điều khẳng định có từ đời Vua Lý Thái Tổ là "Phật giáo là mạch sống của dân tộc ta". Vì vậy là người Phật tử, ta phải có bổn phận gắn kết đạo Phật với dân tộc. 

Bằng cả tấm lòng, Thượng tọa nhận định và xem như là một vài ý kiến để tham khảo, đó là: 

– Đất nước ta đang bước vào sân chơi toàn cầu, nếu ta không có bản lĩnh, không có công đức của cả dân tộc, ta sẽ bị làm nô lệ một lần nữa mà không hay.

– Ta phải xây dựng đất nước giàu mạnh để có tiềm năng, tiềm lực giúp các nước khác.

– Ta phải phát triển văn hóa dân tộc song song với việc phát triển văn minh tâm linh. Khi đã có hai điều đó rồi thì ta phát triển đất nước lên một đẳng cấp mới. Một ngày nào đó ranh giới quốc gia bị xóa nhòa do kinh tế hòa nhập, ta phải làm gì để ta là người dẫn đạo chứ không phải bị cuốn theo.

Bản lĩnh là vậy, hướng đi là thế cho đất nước Việt Nam trong một nghìn năm tới.

Bài Pháp kết thúc trong sự tiếp nhận và hoan hỷ của thính chúng. Trước khi dứt lời, Thượng tọa kêu gọi các Phật tử là con dân đất Việt nên tham gia công đức tu bổ, tôn tạo khu di tích lịch sử đền Hùng, nơi thờ tự Tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

Dẫu ai buôn bán đường xa
Nhớ ngày giỗ Tổ tháng ba mùng mười
Bên trời dong ruổi ngược xuôi
Cũng về giỗ Tổ mùng mười tháng ba

Mộng đời như gió đi qua
Làm sao quên được tháng ba mùng mười
Ngày đông rét, sáng xinh tươi
Trái tim vẫn nghĩ mùng mười tháng ba 

Bé thơ hái một cành hoa
Nhờ bà gửi đến để hòa niềm vui
Gặp nhau khách mĩm miệng cười
Dẫu rằng xa lạ cũng người nước ta

Nhớ thương thưở trước ông cha
Dầy công gây dựng bao la đất trời
Non sông yêu dấu đẹp ngời
Anh hùng tài đức nhiều đời bước ra 

Giữ gìn gấm vóc sơn hà
Điểm tô phong hóa mọi nhà an vui
Nghìn sau chẳng dám quên lời
Tình yêu non nước cao vời thiết tha 

Hòa cùng thế giới bay xa
Mái đình hạnh phúc chan hòa muôn nơi
Làm sao quên được người ơi
Uy linh đất Tổ mùng mười tháng ba.

CHÚ THÍCH

Sáng ngày 07/04/2010 (23/02/Canh Dần) TT. Thích Chân Quang đã đến viếng thăm đất Tổ, Đoàn chùa Phật Quang đã viếng và dâng hương tưởng niệm Tổ tiên tại đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Mỗi ngôi đền có một truyền thuyết và ý nghĩa riêng. Ví dụ đền Hạ, đền được xây vào thế kỷ 15. Tương truyền nơi đây bà Âu Cơ sinh bọc trăm trứng nở thành trăm người con. Âu Cơ dẫn 50 người con lên núi, Lạc Long Quân dẫn 49 người con xuống biển, để lại người con trưởng làm vua hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang.

Trước cửa đền Hạ có cây thiên tuế, nơi đây, ngày 19/9/1954 Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm đền Hùng, Người nói chuyện với các đồng chí cán bộ Đại Đoàn quân tiên phong, Người căn dặn: Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.

Đền Trung- tương truyền là nơi các Vua Hùng cùng Lạc Hầu, Lạc Tướng ngắm cảnh và họp bàn việc nước. Nơi đây vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu, người con hiếu thảo sáng tạo ra bánh chưng, bánh dầy.

Đền Thượng- điện thờ trời trên núi Nghĩa Lĩnh. Tương truyền các vua Hùng thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để tiến hành nghi lễ tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thờ trời đất, thờ Thần lúa cầu mong cho mùa màng tốt tươi, nhân khang vật thịnh.

Đặc biệt, tại đền Hạ có chùa Thiên Quang Tự hay còn gọi là Chùa Tổ "Am Đường Thiền Tự". Đó là lời dạy không lời của Tổ tiên có từ đời Vua Lý Thái Tổ, cho thấy uy linh dân tộc và uy linh tâm linh gắn quyện vào nhau. Ai là người Phật tử phải hết sức yêu kính Tổ tiên và yêu Nước của mình.

Ngoài ra còn có đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân được xây dựng dưới chân núi Sim vào năm 2006, nằm trong quần thể kiến trúc của Di tích lịch sử Đền Hùng. Trong đền đặt tượng Quốc Tổ Lạc Long Quân, tượng Lạc Hầu, Lạc Tướng được đúc bằng đồng. Và đền Tổ Mẫu Âu Cơ đ­ược xây dựng trên đỉnh núi Vặn hay là núi Ốc Sơn. Đứng trên đỉnh núi Vặn có thể bao quát một vùng rộng lớn sơn thủy hữu tình. Trong Hậu cung đền đặt tượng Tổ Mẫu Âu Cơ đ­ược làm bằng đồng.

Sau khi thăm viếng các đền, đúng 9 giờ tại chùa Thiên Quang (đền Hạ), trong không khí trang trọng của lòng thành kính ngưỡng vọng, TT. Thích Chân Quang niêm hương, chủ trì nghi lễ cầu Quốc Thái Dân An.

GIÁC HOME tổng hợp

 

 

popup

Số lượng:

Tổng tiền: