Tam bảo Phật-Pháp-Tăng

TĂNG NÀO

09/12/2021 Phúc Khiết Giác 0 Nhận xét
TĂNG NÀO

Giới - Định - Tuệ chiếc gương thần
Tu thật, tu giả dần dần hiện ra.

TĂNG NÀO (P.1)

HỎI: Mọi người vẫn nói rằng Kính Phật thì phải trọng Tăng, quan điểm này đúng hay sai ạ?

ĐÁP: Tăng có nhiều hạng. Nếu là hiền Thánh tăng thì được xếp vào một trong Tam Bảo, một trong 3 điều cực kỳ cao quý của vũ trụ trời đất. Nếu chưa phải hiền Thánh tăng, chỉ có hình tướng tu sĩ, chưa biết nội tâm tu hành ra sao, thì chỉ được xếp vào Tăng đoàn, Tăng chúng, Tăng sĩ mà thôi.

Đối với hiền Thánh tăng thì ta phải có lòng chí thành quý kính. Còn đối với Tăng chúng bình thường thì ta phải xem xét đạo hạnh ở mức độ nào mà đặt lòng quý trọng cho phù hợp.

HỎI: Phật tử tín đồ làm sao có khả năng đánh giá đạo hạnh của quý thầy được. Chi bằng ai có lỗi thì để Phật xét, còn mình cứ quý kính Tăng Ni hết cho đơn giản.

ĐÁP: Nếu sự đối xử của ta thiếu công bằng thì sẽ gây tai họa cho đời và gây ác nghiệp cho ta. Trong gia đình mà cha mẹ đối xử không công bằng, đứa con tốt thì không được khen thưởng, đứa con xấu thì lại được nâng niu, thì cuối cùng gia đình đó sẽ tan vỡ, cha mẹ sẽ đau khổ.

Nếu ta cứ gặp thầy tu thì quý kính vô điều kiện chính là ta đang khuyến khích các tu sĩ không cần phấn đấu tu hành nữa, chỉ cần cố gắng giữ áo ca sa thật đẹp thì sẽ sống thoải mái. Điều này khiến cho Phật Pháp suy tàn nhanh chóng. Lỗi này do tín đồ Phật tử.

Nếu ta xét nét đánh giá đạo hạnh của quý thầy rồi mới quyết định thái độ đối xử, chính là khuyến khích các thầy phải tinh tấn tu hành, công đức rất lớn.

HỎI: Mình tu có tới đâu mà dám đánh giá đạo hạnh của quý thầy, sợ làm như vậy tín đồ Phật tử kiêu mạn hư hết.

ĐÁP: Ta đánh giá đạo hạnh của quý thầy rồi đối xử công bằng thì đâu có sai. Nếu quý thầy đó giới hạnh nghiêm chỉnh, thiền định thanh tịnh, trí tuệ sáng suốt thì ta sẵn lòng tôn kính cúng dường, thừa sự ủng hộ mà. Còn nếu rõ ràng thầy đó tầm thường thì tại sao ta phải mất công ủng hộ.

Nếu ta đặt lòng thành kính rất công bằng với từng thầy thì ta đang ủng hộ Phật Pháp trường tồn bền vững, công đức này rất lớn.

TĂNG NÀO (P.2)

HỎI: Thật là khó khi phải đánh giá đạo hạnh của một Tăng sĩ. Có thể có cách nào khác trực tiếp hơn, rõ ràng hơn, để đánh giá tu sĩ chăng?

ĐÁP: Có một cách khác để đánh giá tu sĩ qua ảnh hưởng mà người đó gây ra trong tâm hồn của tín đồ Phật tử. Có 05 mức độ như sau:

- mức độ thấp nhất là khi một thầy tu làm cho quần chúng trở nên thù ghét đạo Phật. Kẻ giả dối này đã làm nhiều chuyện thất đức tổn hại đến lợi ích của nhiều người. Kẻ này vừa phạm pháp vừa phạm giới.

- mức độ tiếp theo là khi một thầy tu làm mất niềm tin của tín đồ Phật tử. Kẻ này không xâm phạm lợi ích của ai, nhưng sống tầm thường quá, cũng hưởng thụ cá nhân, cũng nói năng bậy bạ, chẳng thấy có tư cách của một con người bình thường, mà hình như đạo đức còn thua kém một người bình thường. Tiếp xúc với loại tu sĩ này xong người ta chán ngán mất niềm tin với Phật Pháp.

- hạng thứ ba là những tu sĩ gây được niềm tin cho tín đồ Phật tử bởi đời sống biết thúc liễm kềm chế của mình, không hưởng thụ, không phạm giới. Gia đình cha mẹ nghe con cái đến chùa thì yên tâm không lo lắng gì. Chồng nghe vợ đi chùa thì biết là an toàn. Thầy không tài giỏi gì nhưng có giới hạnh đàng hoàng, có uy tín, khuyên bảo dạy dỗ tín đồ chịu nghe. Mọi người yên tâm về thầy.

- hạng thứ tư là loại Tăng sĩ có chiều sâu tu tập vững chắc. Đạo đức giới hạnh kiên cố không tì vết là đương nhiên rồi, nhưng lại thêm tâm linh thiền định và khả năng thuyết phục giáo hóa chúng sinh. Cái mà vị này gây được cho tín đồ Phật tử là LÝ TƯỞNG TU HÀNH. Gặp hạng tu sĩ thế này khiến ta bị thôi thúc muốn tu hành giác ngộ, không muốn sống tầm thường như trước nữa. Hạng tu sĩ này làm thay đổi tâm hồn, thay đổi số phận của nhiều người, và làm thay đổi xã hội tốt lên theo.

- hạng thứ năm là các bậc Thánh tăng. Các vị là dòng Thánh. Ta gặp được các vị rồi thì không cưỡng lại được sức hấp dẫn mãnh liệt từ nội tâm của các vị và lập tức bị đạo lực của các vị cuốn trôi. Các vị Thánh tăng có khả năng gây nên sự chứng ngộ quả Thánh cho chúng sinh.

Trên đây là 05 mức độ ảnh hưởng mà tu sĩ gây ra vào tâm hồn của quần chúng. Đó cũng là cách phân loại tu sĩ.

HỎI: Nhưng thực tế có trường hợp cùng một ông thầy mà người này khen còn người khác chê thì sao?

ĐÁP: Khi đi vào chi tiết từng trường hợp thì sự tình phức tạp hơn nhiều do nhân duyên của mỗi người từ nhiều kiếp trước. Ví dụ ông thầy đó không tốt lành gì, nhưng riêng có một gia đình bảo vệ ông tới cùng, chỉ bởi vì cái gia đình này trong quá khứ chịu ơn ông nhiều quá.

Hoặc có ông rất tốt, nhưng cứ bị gièm pha mãi, chỉ vì đời xưa giữa chiến trường chém giết quân địch nhiều quá. Kiếp này gặp lại nhiều người còn thù.

Ngoài ra chưa kể các âm mưu rỉ tai, tuyên truyền lôi kéo ngầm nữa.

HỎI: Các hạng tu sĩ như thế là cố định hay có thể thay đổi được?

ĐÁP: Nếu ai quyết tâm chân chính tu hành thì đều có thể thay đổi từ hạng dưới thấp lên cao dần, nhưng không hề dễ dàng, và cũng phải đi qua nhiều kiếp.

Còn ai ở hạng khá nhưng bị tâm kiêu mạn ngấm ngầm chi phối thì cũng có thể bị rớt hạng. Kiêu mạn ngấm ngầm phá tan nội tâm.

HỎI: Nếu đánh giá tu sĩ theo bằng cấp của trường Phật học được không?

ĐÁP: Bằng cấp Phật học nhằm đáp ứng yêu cầu thủ tục hành chính giáo hội. Các trường Phật học cũng có giáo trình và giáo thọ sư khác nhau nên kết quả đào tạo tăng ni sinh cũng khác nhau. Muốn đánh giá kết quả của trường Phật học nào đó thì ta cũng lại phải dựa vào 05 hạng tu sĩ đã nêu ở trên, xem trường cho ra hạng tu sĩ nào.

HỎI: Có thể nào không cần Tăng, chỉ cần dựa vào giáo lý của Phật mà tu hành được không? Phân loại tăng, tìm chân tu phức tạp quá.

ĐÁP: Chỉ có bậc siêu nhân thượng căn mới tự mình đọc kinh Phật rồi lĩnh hội hết. Còn lại mọi người phải nhờ minh sư giảng giải, chỉ vẽ, hướng dẫn, thị phạm làm gương mọi thứ. Vai trò của tu sĩ là cực kỳ quan trọng. Họ là những người dồn hết cuộc đời nghiên cứu lời Phật dạy, thực hành lời Phật dạy, nên am hiểu về giáo lý hơn chúng sinh, có thể đại diện phần nào cho Phật để giáo hóa chúng sinh. Chỉ lo rằng khi các tu sĩ yếu kém đạo hạnh, sa sút trí tuệ, thì lại làm Phật Pháp suy tàn.

Đi tìm bậc chân tu để thừa sự học hỏi là điều vô cùng quan trọng.

Cũng vậy, gây áp lực buộc các tu sĩ phải tu hành chân chính là một công đức lớn.

TĂNG NÀO (phần 3)

HỎI: Xin nêu ra những phẩm chất cần thiết nơi một tu sĩ.

ĐÁP: Ta có thể lấy Tam Vô Lậu Học làm tiêu chuẩn cho phẩm chất cần thiết của tu sĩ. Tam Vô Lậu Học là Giới Định Tuệ.

Tu sĩ phải có khả năng giữ giới. Ta dùng chữ "khả năng" vì thật sự giữ giới rất khó. Giới là những điều cấm đoán không cho phép tu sĩ vi phạm. Hầu hết những điều cấm đoán đó đều xung đột với bản năng tham sân si rất tự nhiên của chúng sinh. Những vị đã chứng thánh quả thì các bản năng đó đã bị tiêu diệt. Còn những người mới xuất gia làm tăng, bản năng còn nguyên, nhưng phải kềm chế không vi phạm, thật là khó như lên trời. Vị này phải có phước lớn lắm mới có thể kềm chế bản thân để không phạm giới. Giữ giới là việc chiến đấu vất vả hết đời này sang đời khác, cho đến khi đắc đạo.

Thiền định là công phu nhiếp tâm thanh tịnh. Bản chất của Thánh là tâm phải thanh tịnh. Vì thế người tăng sĩ phải tu tập thiền định mãi mãi để đạt được nội tâm thanh tịnh vững chắc. Đắc đạo rồi thì tâm thanh tịnh tự nhiên. Chưa đắc đạo thì phải giữ gìn thu nhiếp kiểm soát nội tâm mãi không cho loạn động xao lãng. Có nhiều phương pháp nhiều tông phái dạy thiền, tuy nhiên ta cố gắng tìm về phương pháp đúng của Phật Thích Ca dạy từ thuở ban đầu sẽ bảo đảm hơn.

Trí tuệ là sự sáng suốt của những người có khả năng hướng thượng. Người có trí tuệ là người biết lỗi của mình để sửa chữa, biết lỗi của người để dạy bảo, biết đạo lý trong trời đất để tuyên giảng, biết làm điều đúng bỏ điều sai, biết hướng về Vô ngã. Tín đồ phật tử quý kính thầy tu cũng bởi vì thầy tu có trí tuệ đạo đức hơn mình mà dạy dỗ cho mình.

HỎI: Cả ba tiêu chuẩn Giới Định Tuệ đều rất khó thực hiện, thế nên rất ít tu sĩ nào có đủ ba điều đó.

ĐÁP: Chính vì nó khó nên nó mới tạo ra một sự khác biệt giữa phàm phu và bậc thánh, giữa tín đồ và tăng sĩ. Đó cũng là lý do mà các tín đồ phật tử dù tuổi đời bao nhiêu cũng tôn kính một bậc chân tu.

Cha mẹ mình thì có ân nghĩa lớn với mình nên mình phải hiếu kính là đúng. Nhưng cha mẹ mình cũng không thể có phẩm chất Giới Định Tuệ như một bậc chân tu tràn đầy lợi ích cho đời được.

Sự khó khăn khi thực hiện tu tập Giới Định Tuệ là thử thách rất lớn cho các tăng sĩ. Nó đòi hỏi lý tưởng rất mạnh mẽ, ý chí sắt đá. Cái lý tưởng đó, cái ý chí đó, vừa là trách nhiệm của bản thân, vừa là cảm xúc được trao truyền từ các bậc thầy khả kính ở những đời trước.

HỎI: Thấy ở các giới đàn hay giăng biểu ngữ "Giới luật là thọ mạng của Phật Pháp. Giới luật còn thì Phật Pháp còn". Nên hiểu câu này ra sao ạ?

ĐÁP: Nghĩa là nếu còn có thầy tu giữ gìn được giới luật thì chúng sinh còn có niềm tin vào Phật Pháp, còn quy hướng về Phật Pháp, còn ủng hộ Phật Pháp, nên Phật Pháp sẽ còn tồn tại.

Chúng sinh không đánh giá đạo hạnh của một tăng sĩ vào trong thiền định và trí tuệ được rõ ràng nên đánh giá trên hành vi là cụ thể nhất. Giới luật tức là hành vi chuẩn mực không sai lầm.

Tuy nhiên, nếu không được nuôi dưỡng đều đặn bởi Công đức, Thiền định và Trí tuệ thì lâu ngày khả năng ý chí giữ giới sẽ cạn dần và việc phạm giới sẽ xuất hiện. Nhiều người tu lâu rồi lại bị phạm giới vì mất công đức, thiếu thiền định, khô trí tuệ.

Tại sao lại mất công đức?

Bởi vì không còn lễ kính Phật và các vị tôn giả Alahán với lòng chí thành nữa. Có khi đi theo một quan điểm sai làm mất lòng tôn kính Phật, làm tăng tâm kiêu mạn, nên mất công đức. Cũng có khi đi theo một quan điểm sai làm lười nhác không làm gì lợi ích cho chúng sinh, làm mất công đức. Có khi chê bai tha nhân nhiều quá cũng làm mất công đức.

HỎI: Làm một vị tăng chân chính đúng nghĩa khó quá.

ĐÁP: Làm tăng là đang phấn đấu để làm thánh, mà Thánh thì vượt hơn chúng sinh phàm phu một đẳng cấp rất xa. Di chuyển từ đẳng cấp này lên đẳng cấp khác là rất khó.

Đơn giản như muốn di chuyển từ đẳng cấp nghèo khổ lên đẳng cấp sang trọng đã là rất khó rồi. Nhiều người cả đời gian nan vất vả mà cũng không làm nổi. Huống hồ di chuyển từ phàm lên thánh thì đâu có dễ, phải khó gấp vạn lần. Do không hiểu mức độ khó của việc tu hành, không quyết chí bồi đắp công đức, không tinh tấn thiền định, không hướng về Vô ngã, nên một số tăng sĩ chỉ còn lại chiếc áo ca sa, bên trong rỗng hết rồi.

Tuy nói là khó, nhưng nếu ta bắt đầu bằng hạnh lễ kính Phật chí thánh mỗi ngày thì con đường sẽ mở ra.

TĂNG NÀO (phần 4)

HỎI: Có thể dựa vào đầu vào để đánh giá một vị tăng tốt hay xấu không ạ? Nghĩa là xem bổn sư để biết đệ tử, nghĩa là đánh giá ngay từ vị bổn sư để đánh giá gần đúng về vị tăng đó...

ĐÁP: Đúng là ảnh hưởng của vị bổn sư lên đạo hạnh của một tăng sĩ là rất lớn, tuy nhiên cũng không tuyệt đối đúng.

Đa phần người đệ tử sẽ đi theo khuôn mẫu của thầy mình. Thầy tốt 5 thì trò sẽ giao động trên dưới mức độ 5 đó. Trò kém hơn thầy thì chỉ được 4 hoặc 3 hoặc 2. Trò giỏi hơn thầy thì có khi vượt lên 6 hoặc 7. Nhưng đa phần vẫn bám theo mức độ 5 của thầy mình.

Vị thầy giỏi thì biết kén chọn đệ tử. Dĩ nhiên không phải đệ tử nào cũng giỏi cả, nhưng đừng tệ quá. Có trường hợp chùa quạnh quẽ quá, ông thầy nhận bừa đệ tử cho có người phụ việc mà không xét kỹ tâm hạnh. Việc nhận bừa đệ tử có nguy cơ đưa vào đạo những thầy tu tệ hại về sau.

HỎI: Có thể dựa vào pháp môn tu tập của ông thầy để đánh giá đệ tử được không ạ?

ĐÁP: Điều này khá chính xác. Hệ thống giáo lý của Phật Thích Ca Mâu Ni rất đồ sộ, chặt chẽ, bài bản, từ thấp lên cao dần. Nếu ông thầy dạy đệ tử đúng với chánh pháp của Phật Thích Ca thì sẽ có khả năng tạo ra những đệ tử có Giới có Định có Tuệ. Nếu ông thầy dạy đệ tử theo các bản kinh hư cấu, đơn giản, chỉ niệm Phật (cũng là vị Phật hư cấu) để chờ chết được Phật rước về cõi hư cấu, thì chắc chắn không tạo ra những đệ tử nghiêm túc được. Cái may mắn trong đạo Phật hiện nay là nhiều chùa tuy lấy tịnh độ làm căn bản nhưng vẫn nghiên cứu kinh điển của Phật Thích Ca. Nhờ vậy mà vẫn còn có các thầy đạo hạnh. Các lời dạy quý báu đều do Phật Thích Ca thuyết giảng. Còn kinh điển hư cấu về các Phật hư cấu thì chẳng có giáo lý gì nhiều.

HỎI: Nếu cho rằng tu theo các kinh điển hư cấu với các vị Phật hư cấu thì sẽ cho ra các thầy tu hư hỏng, nhưng sao thấy rất nhiều chùa đi theo sự hư cấu đó mà.

ĐÁP: Khi cái sai lọt vào Phật giáo rồi phát triển mạnh thì đó là sự nguy hiểm, vì đến lúc nào đó điều sai trái sẽ làm cho Phật Pháp suy tàn nhanh chóng. Các chùa đang vắng dần vì các giáo lý hư cấu không đủ sức duy trì sức mạnh của Phật Pháp nữa. Thấy đông khoan vội mừng.

Nếu các chùa quay lại tu cho đúng với chánh pháp của Phật Thích Ca thì tự nhiên chùa sẽ xuất hiện sức mạnh nội tại thu hút sự quy kính của tín đồ phật tử trở lại hưng thịnh hơn.

HỎI: Nếu bây giờ đổi qua tu thiền, liệu mọi pháp thiền đều đúng chăng, liệu mọi pháp thiền đều đủ sức vực dậy sức mạnh nội tại của chùa chăng ?

ĐÁP: Nếu là loại thiền đề cao bản ngã thì ban đầu làm mọi người thỏa mãn thích thú, nhưng về sau sẽ suy tàn giống như tịnh độ.

Nếu là loại thiền chỉ chú trọng chứng thiền mà không biết con đường chứng thánh quả thì ban đầu cũng làm mọi người hy vọng, nhưng sau đó cũng ít có kết quả bền vững.

Nếu loại thiền phủ nhận mọi sự hiện hữu, đi tìm sự cô độc hư vô, thì về sau mất hết phước cá nhân, mất hết duyên với chúng sinh, cũng làm Phật Pháp suy yếu luôn.

Nếu là loại thiền đi tìm quyền năng siêu nhiên, muốn thay đổi số phận của người mà không cần nhân quả tội phước, thì trước sau cũng bộc lộ tà kiến.

Chỉ có loại thiền như Phật dạy, hướng về Vô ngã, càng tu càng có đạo đức, càng tu càng làm được nhiều công đức, thì mới có thể làm cho tăng sĩ thành tựu Giới Định Tuệ, làm cho Phật Pháp hưng long

TĂNG NÀO (phần 5)

HỎI: Xuất gia là chính thức bước vào cuộc phấn đấu trở thành bậc thánh siêu phàm, mà dù chưa chứng thánh thì người này cũng đáng ngưỡng mộ quý kính. Thế nhưng thực tế là rất nhiều người xuất gia nửa chừng đã phai nhạt lý tưởng tu hành, không còn nỗ lực phấn đấu nữa, không còn quyết tâm giữ gìn giới luật, không còn quyết tâm thiền định, nên cũng không mở mang khai sáng trí tuệ. Những tu sĩ xuống cấp đó chẳng giấu ai được lâu, nên làm hoen ố giá trị uy tín của tu sĩ. Nguyên nhân nào dẫn đến sự xuống cấp thê thảm vậy?

ĐÁP: Có nhiều nguyên nhân, chủ quan và khách quan, trong việc làm cho tu sĩ xuống cấp thê thảm.

Một là người này không gần gũi được minh sư thiện hữu để lây nhiễm đời sống đạo hạnh cao cả của các vị ấy. Môi trường tu tập kém quá, chung quanh là người giả tu, nên KHÁCH QUAN bị ảnh hưởng xấu rồi hư dần. Tuy nhiên cũng có lỗi CHỦ QUAN, tại từ đầu người này không thiết tha đi tìm minh sư cao cả để nương tựa.

Thứ hai, tu sai đường. Thế nào là tu sai đường rồi công đức mất hết, đạo đức mất mất hết? Đó là đường lối tu hành không vun đắp lòng tôn kính Phật đến tuyệt đối, không phát triển lòng từ bi đến vô hạn, không kềm giữ tâm khiêm hạ đến tột cùng, không hướng về mục tiêu Vô ngã, không có phương pháp thiền định nhiếp tâm, không có quyết tâm giữ giới. Việc tu sai đường này do khách quan, vì mình không được dạy dỗ chính xác, nhưng hậu quả là cuộc đời mình tan vỡ.

Một lý do khác nữa là bị ai đó cố ý lôi kéo rủ rê làm điều sai quấy mà không cưỡng lại được. Kẻ rủ rê lôi kéo này có thể có tổ chức xấu cài vào nhằm phá đạo Phật từ bên trong, rất lặng lẽ nhưng rất nguy hiểm.

Một lý do khác nữa là do tâm tự mãn, thấy mình tu bao lâu là công đức nhiều rồi, ở vai vế vị trí tuổi tác lớn rồi. Tâm kiêu mạn ngấm ngầm phá hư hết tư cách mà không hay.

Một lý do nữa là bị một số lý luận gây kiêu mạn. Có lý luận cho rằng tụng kinh rất nhiều thì phước lớn lắm rồi. Có lý luận cho rằng mình có sẵn Phật tánh cao siêu nên không cần kính trọng ai. Có lý luận cho rằng tụng chú được quyền năng sai khiến cả quỷ thần. Có lý luận cho rằng mình đã là tu sĩ thì hơn xa cư sĩ.... Nhiều lý luận mớm vào đầu người tu tâm kiêu mạn âm thầm làm mất hết công đức.

HỎI: Có nên xem xét vai trò của xã hội hiện đại hay không ạ?

ĐÁP: Đúng vậy. Xã hội hiện đại cũng góp phần tạo điều kiện cho tu sĩ bị phóng tâm ra ngoài. Thời nào thì đời sống thế tục và đời sống thiền môn cũng khác nhau một chút vì người tu không có nhu cầu như người đời. Cái khác một chút đó vào thời xưa thì đơn giản. Nhưng đời nay, chỉ cần khác một chút là chùa đã có đầy đủ mọi thứ rồi. Công nghệ kỹ thuật phương tiện là con dao hai lưỡi, vừa hỗ trợ công việc, cũng vừa mở cánh cửa kết nối với thế giới.

Kết nối với thế giới là cơ hội để tu sĩ giáo hóa rộng rãi, nhưng cũng có thể là nguy cơ bị nhiễm đời nhanh hơn mạnh hơn. Rất nhiều tu sĩ đã sử dụng điện thoại riêng, email riêng, app riêng để tìm tình cảm bên ngoài

rồi hư theo luôn.

HỎI: Làm sao để tăng sĩ giữ vững chí nguyện lý tưởng suốt đời, càng lúc càng mạnh mẽ, để làm chỗ nương tựa tinh thần cho chúng sinh?

ĐÁP: Nếu tu đúng đường, nếu ở trong môi trường nghiêm trang đạo đức, nếu tinh tấn không lười nhác, thì người này sẽ tăng trưởng lý tưởng chí nguyện tu hành maimãi mãi cho đến khi đắc đạo.

Lễ kính Phật mỗi ngày, trải lòng từ bi bao la, luôn tìm xét lỗi mình từng chút, siêng làm công đức phụng sự Phật Pháp và chúng sinh, không chấp công kể công, lòng lúc nào cũng mong cho chúng sinh giác ngộ, công phu thiền định miệt mài... Nếu bền bỉ thực hành như thế thì đạo tâm sẽ tăng tiến mãi.

TĂNG NÀO (phần 6)

HỎI: Nếu ta hỏi một cụ già, giữa cái điện thoại thông minh và ông thầy, cụ sẽ thích bên nào. Ông cụ sẽ trả lời là thích ông thầy hơn, vì cụ không biết sử dụng điện thoại kỹ thuật cao. Nếu ta hỏi một em thiếu nhi thì nó sẽ trả lời là thích điện thoại hơn, vì trong đó có cả một thế giới, còn thầy tu không có gì hấp dẫn, tụng kinh nghe buồn chết được, nên chỉ hợp với đám ma. Với cái đà này thì sau khi người già chết hết, chùa chẳng còn ai lui tới tu hành nữa.

ĐÁP: Đó là sự thật, đó là sự thử thách dữ dội đối với chư tăng hiện nay. Chư tăng phải biết nâng cấp mình lên thật cao đủ để đem cho mọi người lợi ích trong cuộc sống thực tế.

Nói như thế không có nghĩa là chư tăng phải làm cho mình đa năng giống như chiếc điện thoại kỹ thuật cao. Nói như thế nghĩa là chư tăng phải đủ kiến thức, đủ đạo hạnh, đủ tâm linh để đánh thức mọi người đi tìm một giá trị cao hơn cái điện thoại.

Chư tăng phải rất giỏi, hiểu hết, lý giải được hết mọi việc trên đời theo đạo lý của Phật, nhất là theo luật nhân quả nghiệp báo. Giỏi kiến thức và đạo lý rồi, chư tăng phải giỏi đạo đức, xử sự mọi việc hợp lý, đối xử với mọi người tử tế, kiểm soát được tâm hồn thẳm sâu của mình. Giỏi đạo đức rồi chư tăng phải giỏi về tâm linh thiền định để giúp mọi người cùng tiến lên một đẳng cấp mới.

Nếu giỏi được cả 3 yếu tố như thế thì lớp trẻ sẽ thích ông thầy nhiều hơn là thích cái điện thoại.

HỎI: Nghi thức tụng kinh ở chùa cũng là một sự cản trở lớn. Có hai loại nghi thức tụng niệm. Một là nghi thức phổ thông, ai tụng theo cũng được, giọng điệu cổ, đơn giản, bài nào cũng một điệu đó mà tụng. Hai là nghi thức chuyên nghiệp chỉ có các thầy học trước mới tụng với nhau được, giọng điệu rất phức tạp gần giống điệu nhạc Hát bội cổ, ngân nga ư a kéo dài rất khó. Quần chúng chịu thua không tụng theo được.

Còn một phái chỉ tụng bằng tiếng Pali thì quần chúng cúng bó tay. Nghi thức đã xa rời quần chúng thì quần chúng cũng sẽ xa rời chư tăng.

ĐÁP: Nghi thức cũng là một phương tiện để hoằng dương chính pháp. Nếu nghi thức có đạo lý chuẩn mực, có ngôn ngữ dễ hiểu, có văn phong sang trọng, và được chuyển tải bằng điệu nhạc ai cũng thích, thì nghi thức đó sẽ đưa nhiều người về chùa về với Phật Pháp, về với chư tăng.

Nhưng nếu các thầy bỏ mặc tâm tình của phật tử, ai không thích thì mặc kệ, tôi cứ tụng kinh theo cách tôi đã được học từ buổi đầu, thì hậu quả là phật tử cũng mặc kệ các thầy, không đến chùa nữa. Các thầy cần một sự can đảm lớn trong việc cải cách nghi thức sao cho ai cũng thích. Lớp người lớn tuổi đi qua rồi thì đến lớp trẻ nối tiếp đến chùa tu hành ủng hộ. Hiện nay các người trẻ không đến chùa cũng vì nghi thức đã lạc hậu.

HỎI: Nhưng những nghi thức đó do chư tổ truyền lại, ai dám thay đổi.

ĐÁP: Ngày xưa khoảng vài trăm năm trước cũng có vị tổ nào táo bạo soạn mới nghi thức đó chứ có phải là nghi thức được truyền từ thời Phật Thích Ca đâu ạ. Thời đó dùng nghi thức đó là phù hợp ai cũng thích. Nhưng bây giờ âm nhạc hội nhập thế giới, sự cạnh tranh so sánh là khốc liệt. Điệu tụng và ngôn ngữ của tổ đã hết hợp rồi. Tư tưởng thì ta đã yêu cầu phải đúng với chánh pháp của Phật Thích Ca rồi, nhưng còn ngôn ngữ và điệu nhạc tụng phải làm cho ai cũng thấy hay và thích tụng theo mới được.

Chư tăng phải khiêm hạ học hỏi tham khảo, phải thông minh hiểu tâm tình của quần chúng, và phải mạnh dạn cải cách. Đó là vì lợi ích cho chúng sinh, vì sự trường tồn của Phật Pháp, và cũng vì lý tưởng độ sinh của chính các thầy. Chùa vắng tanh rồi các thầy độ ai.

HỎI: Các thầy cho rằng hát hò là phạm giới nên e ngại không dám đưa âm nhạc hiện đại vào nghi thức tụng niệm .

ĐÁP: Âm nhạc trữ tình mới là phạm giới. Còn âm nhạc chuyển tải đạo lý là công đức lành đáng tán thán biểu dương. Ngày xưa chư thiên hay tấu nhạc trời để cúng dường Phật và các tôn giả Alahán, đó là việc công đức mà.

Ai nói hễ âm nhạc là phạm giới là người rất nông cạn.

Nhưng muốn nâng cấp nghi thức tụng niệm lên cho bằng với thế giới thì chư tăng phải được học về THANH MINH, là một trong Ngũ Minh của Bồ tát đại thừa. Thanh Minh tức là Âm Nhạc. Học căn bản cho đúng, vì nhạc lý có tính khoa học rất cao.

HỎI: Nếu học nhiều thứ quá rồi chư tăng còn tâm trí đâu mà thiền định.

ĐÁP: Thiền định cần công đức rất lớn. Chư tăng phải học những điều giúp tạo ra công đức. Thiếu công đức là hết tu. Càng học nhiều điều tạo ra công đức thì càng dễ tu. Chỉ sợ học những điều không đưa đến công đức, không đưa đến Giới Định Tuệ, thì học nhiều loạn tâm.

TĂNG NÀO (phần 7)

HỎI: Sự liên hệ giữa Tăng sĩ và Giáo hội ra sao ạ?

ĐÁP: Giáo hội là đoàn thể tập hợp tất cả tăng sĩ Phật giáo để cùng hỗ trợ nhau tu hành và giáo hóa. Nói thì đơn giản nhưng thực tế thì vô cùng phức tạp. Giáo hội trong lòng quốc gia nên phải tuân thủ luật pháp của quốc gia. Giáo hội lại cũng phải có hiến chương nội quy đường lối của mình sao cho vừa giúp tăng ni thực hiện lý tưởng tu hành giải thoát vừa không trái với lợi ích của xã hội.

Rồi không phải lúc nào Giáo hội cũng được các bậc thánh tăng chân tu lãnh đạo, cũng có khi Giáo hội bị các thế lực xấu cài người vào làm chức sắc để làm nội gián gây chia rẽ, trù dập hãm hại tăng tài để làm suy yếu Phật giáo từ bên trong.

Nếu có bậc cao tăng thánh triết lãnh đạo thì tăng ni sẽ có động lực phấn đấu tu hành. Nếu nhằm kẻ "ngụy quân tử" leo lên lãnh đạo Giáo hội thì tăng ni sẽ bị mất niềm tin và rủ nhau hưởng thụ phá giới.

Rồi vì được luật pháp quốc tế cùng bảo vệ nhân quyền tín ngưỡng nên tăng sĩ hư hỏng không sợ bị luật pháp trừng trị vì họ nghĩ luật pháp quốc gia sẽ ngại đụng chạm đến tu sĩ.

Người cư sĩ tại gia cũng ngại đụng chạm đến thầy tu nên chặc lưỡi bỏ qua dù biết có thầy tu sai trái.

Rồi có khi các vị chức sắc cao mà thiên vị một tông phái của mình thì sẽ kéo theo rất đông các chùa đi theo tông phái đó dù cho tông phái đó chẳng còn đúng gì với chánh chánh pháp của Phật Thích Ca.

Chứ thật sự mà được sự lãnh đạo tốt thì Giáo hội là môi trường giúp cho tăng ni tu học và giáo hóa rất tốt.

HỎI: Thế tăng ni có cần phải dính líu tới chính trị nhà nước không?

ĐÁP: Ta hãy chỉ ra xem trong thời đại này ai là người không dính líu đến chính trị quốc gia, chẳng ai cả. Có trốn vô rừng sâu thì cũng bị kiểm lâm vào quản lý. Hoàn toàn không có chủ thể nào thoát khỏi luật pháp và sự quản lý của Nhà nước cả. Như vậy có nghĩa là ai cũng dính líu đến chính trị quốc gia.

Nếu không ra khỏi chính trị, nếu đã liên quan đến chính trị, thì tăng sĩ phải xác định một quan điểm chính trị đúng đắn để có thể yên tâm tu hành suốt đời. Quan điểm chính trị đúng đắn là phải phù hợp với đạo lý Phật dạy, phù hợp với đạo đức loài người, phải có lợi cho nhân sinh, phải góp phần giữ gìn sự bình yên ổn định cho xã hội mà mình đangở trong đó, phải khiến cho Nhà nước tin cậy ủng hộ, và phải giúp cho việc giáo dục đạo đức mọi người một cách hiệu quả.

Quan điểm chính trị đúng đắn là không để cho vi phạm pháp luật và Hiến pháp quốc gia, không để cho Nhà nước nghi kỵ bận tâm về mình, phải làm cho Nhà nước yên tâm về mảng tăng sĩ không bao giờ bí mật cấu kết ngoại bang để phản bội đất nước.

HỎI: Thánh tăng đắc đạo là thầy của trời người rồi còn cần gì phải lệ thuộc chính trị quốc gia.

ĐÁP: Đúng là nếu đắc đạo rồi thì siêu việt thế gian. Nhưng bậc thánh tăng đắc đạo lại cũng không hề bỏ mặc chúng sinh trong thế gian. Các ngài sẽ tìm cách giáo hóa đạo giác ngộ cho mọi người còn phàm phu khổ ải. Khi giáo hóa cho chúng sinh thì các ngài cũng không thể đem chúng sinh ra khỏi thế gian đến một chỗ khác giáo hóa. Các ngài vẫn phải để chúng sinh nơi thế gian đang có đủ luật pháp chính trị này mà giáo hóa. Và như vậy, các ngài vẫn phải thuận theo luật pháp và chính trị để làm công việc giáo hóa của mình. Các ngài chẳng bao giờ giáo hóa chúng sinh bằng cách chống lại luật pháp và chính trị cả.

Tags: Phật-Pháp-Tăng bảo
popup

Số lượng:

Tổng tiền: