Tâm Lý Đạo Đức

Tâm Lý Đạo Đức- TINH TẤN (Phần 1)- TS. TT. Thích Chân Quang

24/11/2021 Phúc Khiết Giác 0 Nhận xét
Tâm Lý Đạo Đức- TINH TẤN (Phần 1)- TS. TT. Thích Chân Quang

1. TINH TẤN LÀ SỰ CỐ GẮNG THỰC HIỆN THIỆN PHÁP

Nếu Nhẫn nhục là biết chịu đựng nghịch cảnh, đối diện với những quả báo trong quá khứ thì Tinh tấn là đối diện với tương lai, gieo những nhân tốt cho tương lai. 

Tinh Tấn là nỗ lực, là sự cố gắng thực hiện Thiện Pháp cho vị lai. Thiện Pháp có hai loại chính: Một là, tạo công đức để làm lợi ích cho chúng sinh. Hai là, nhiếp tâm trong Thiền định. Thực ra, nghĩa chính của Tinh tấn là nhiếp tâm trong Thiền định, còn tạo công đức, làm lợi ích chúng sinh chưa hẳn gọi là Tinh tấn vì chữ Tinh trong Tinh tấn có nghĩa là tinh tế, tinh xảo, tinh vi. Có lúc chúng ta cũng cố gắng làm những việc tốt, việc thiện nhưng những việc làm ấy vẫn chưa được gọi là tinh, vẫn chỉ là thô. Việc làm thực sự tinh vi, tinh tế phải là sự nỗ lực nhiếp tâm trong Thiền định. Tuy nhiên, nếu mở rộng phạm vi ý nghĩa, Tinh tấn còn là những nỗ lực trong những thiện pháp khác, cũng như trong việc làm lợi ích chúng sinh. 

Ngoài ra, cố gắng học hỏi giáo pháp cũng có thể gọi là Tinh tấn, vì cố gắng học để hiểu và đi đúng con đường của đạo Phật cũng đem lại lợi ích cho chúng sinh. Ngày xưa, Đức Phật thường ca ngợi những người đa văn (nghe nhiều). Lúc bấy giờ, ở Ấn Độ nghe có nghĩa là học, nghe người khác nói gọi là văn. Người nghe nhiều có nghĩa là người học nhiều, hiểu nhiều. Bây giờ, chúng ta gọi đó là những người hiếu học. Trong việc học, có những điều rất khó, nhiều khi chúng ta học sai nên càng học càng rối, không biết vận dụng vào việc tu như thế nào. Cũng có trường hợp, vì nghe giảng không đúng dẫn đến thực hành sai khiến cho việc tu hành của chúng ta không tăng trưởng, không đem lại lợi ích. Đây cũng là điều rất nguy hiểm. Thật ra, chân lý chỉ có một khung cửa hẹp, lách qua rất khó. Chúng ta cần phải học thật kỹ. Điều quan trọng là làm sao chúng ta biết được ai là thầy tốt, ai là người dạy đúng để theo học. Chúng ta phải luôn luôn cầu nguyện Tam Bảo cho mình gặp được Minh sư Thiện trí thức để được nghe những giáo pháp chân chính, từ đó tu tập được đúng đường. 

Thiện pháp thứ tư là công hạnh lễ Phật. Đây là công hạnh rất quan trọng. Chúng ta phải siêng năng lễ Phật để tạo phước căn bản cho mọi công hạnh khác. Đó là sự Tinh Tấn, sự nỗ lực mà chúng ta không được quyền buông bỏ cho đến suốt cuộc đời mình. 

a. Tinh tấn nghĩa là sự nỗ lực, cố gắng. Nhưng đó là cái cố gắng không thể dùng lời để diễn tả được. Chỉ những lúc cố gắng vượt qua khó khăn để thực hiện công việc chúng ta mới hiểu được. 

Chẳng hạn, một lần nào đó, trong khó khăn, chúng ta cố gắng làm một việc cho bằng được. Sự cố gắng đó chỉ chúng ta mới hiểu. Còn dùng lời để diễn tả, để định nghĩa một cách cụ thể, chúng ta không làm được. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng, sức Tinh tấn hay còn gọi là Ý chí, là yếu tố thuộc về tinh thần, không phải thể chất. 

Ví dụ: Hai người cùng làm một công việc. Cả hai đều mệt nhưng một người muốn bỏ cuộc, một người muốn làm tiếp, không chịu bỏ cuộc. Như vậy, cảm giác mệt đó thuộc về thể chất, do cơ bắp hoạt động, bị những phản ứng hoá học gây nên. Nhưng người muốn làm tiếp là người sử dụng đến ý chí, có sức Tinh Tấn của tinh thần. Hoặc khi đẩy xe kéo, chúng ta chất đồ đạc lên xe rất nhiều vừa kéo, vừa đẩy. Có những lúc rất mệt, xe phải qua hố, qua ổ gà nhưng chúng ta vẫn cố gắng đẩy. Lúc đó, chúng ta đã gắng sức. Và lực mà chúng ta gồng lên thuộc về thể chất. Nhưng cái tạo nên sức mạnh nơi bắp thịt ấy lại thuộc về tinh thần. Chính Ý chí đã ra lệnh, buộc nó phải gồng lên để vượt qua. Chúng ta phải phân biệt được sự khác nhau đó. 

Cố gắng là gì? Ý chí là gì? Chúng ta không thể trả lời được. Nhưng nếu đã từng cố gắng, chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa của nó. Cố gắng là sức mạnh của tinh thần nhưng không phải tự nhiên mà có. Chúng ta phải rèn luyện ngay từ khi còn nhỏ. Khi đã qua thời tuổi trẻ, chúng ta rất khó rèn luyện vì Ý chí sẽ không khởi được nữa. Bởi vậy, khi còn trẻ, nếu có được những cảnh khổ để rèn luyện, chúng ta nên xem đó là một diễm phúc của cuộc đời. Phần lớn những người có một thời tuổi trẻ sung sướng là những người không có ý chí, nghị lực. Những 

người ấy chưa biết cố gắng là gì nên rất dễ dàng chùn bước trước khó khăn hay gục ngã trước hoàn cảnh. ,

Rèn luyện Ý chí thường đi từ thô đến tế. Thô là sự cố gắng từ những công việc thuộc về lao động tay chân. Dần dần, chúng ta rèn luyện trong những lúc ngồi Thiền. Đến một lúc nào đó, cảm thấy đau, nhưng chúng ta không phải dùng sức nữa, chỉ dùng Ý chí một cách vô hình để chịu đựng. Đó là sự cố gắng thuộc về tinh thần, tinh tế hơn. Mọi việc tu học, làm việc công quả, chúng ta đều phải cố gắng. Tuổi còn trẻ đã khởi được Ý chí, tinh thần thì sức mạnh ấy sẽ tồn tại trong suốt cuộc đời. Khi có tuổi, nếu cần phải cố gắng, chúng ta đã có sẵn sức mạnh để vượt lên khó khăn, không bao giờ trở thành người bạc nhược.

b. Chúng ta có thể nhầm lẫn cố gắng với bướng bỉnh. Người bướng bỉnh là người cố gắng duy trì ý kiến sai, việc làm sai dù đã được người khác nhắc nhở. Đây cũng là mẫu người có cố gắng trong công việc nhưng sự cố gắng của họ không được gọi là Tinh Tấn. Chúng ta dựa vào mục đích, tính chất của sự việc để phân biệt Tinh Tấn và bướng bỉnh. Nếu có trí tuệ soi sáng, chúng ta chọn được con đường đúng để đi, chọn được việc tốt để làm, đó là Tinh Tấn. Ngược lại, thiếu sáng suốt, chọn con đường sai để đi, người khác góp ý, nhắc nhở vẫn không nghe, đó là bướng bỉnh, cố chấp, lì lợm. 

Ví dụ, Huynh đệ trong chùa cảm thấy cần mở một con đường để đi lại cho thuận tiện. Sau khi bàn bạc, mỗi người một việc, ai cũng hăng hái, cố gắng hết mình. Sự cố gắng đó gọi là Tinh Tấn. Nhưng công việc đang tiến hành bỗng có người góp ý rằng mở con đường này sẽ gây nên những bất lợi cho chùa. Họ phân tích rõ ràng những lợi hại. Lúc ấy, mọi người không những không rút lui mà còn cố gắng, quyết tâm làm cho xong. Sự cố gắng đó không gọi là Tinh Tấn mà là cố chấp, bướng bỉnh, lỳ lợm, bởi biết việc không có lợi, không phải là việc tốt đẹp mà vẫn làm, vẫn cố chấp ý kiến của mình. Như vậy, mặc dù Ý chí khởi lên rất giống nhau, nhưng tính chất hoàn toàn khác nhau nên chúng ta cần phân biệt rõ để thực hiện Tinh Tấn, tránh thái độ cố chấp, bướng bỉnh. Nghĩa là chúng ta phải dùng Trí tuệ để nhận định sự việc. Nếu việc đó sai, chúng ta phải dừng ngay, không được cố chấp. Nếu đó là việc làm đúng, chúng ta phải bảo vệ ý kiến, quan điểm của mình đến cùng và dù gặp khó khăn hay trở ngại cũng thực hiện bằng được. Đó chính là sự Tinh Tấn, nỗ lực. 

Khi ngồi Thiền, có lúc chúng ta bị hôn trầm. Nếu ngồi Thiền điều thân đúng, mở mắt và biết rõ toàn thân, ít khi chúng ta bị buồn ngủ. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hôn trầm. Có trường hợp hôn trầm vì nghiệp, có trường hợp hôn trầm vì sai phương pháp, vì làm việc nặng nhọc. Tùy theo từng trường hợp mà chúng ta có cách xử lý khác nhau. Nếu cảm thấy trong ngày làm việc quá nặng nhọc, hoặc trước đó thức quá khuya, chúng ta biết ngay là buồn ngủ do sinh lý tự nhiên. Lúc đó, chúng ta nên xả thiền đi ngủ. Nhưng trường hợp không làm việc gì nặng, cũng không thức khuya, chúng ta phải nhận định đây là hôn trầm do nghiệp. Như vậy, chúng ta phải tìm cách chống lại hôn trầm, sống chết cũng phải chiến đấu với nó, không được xả thiền. Bởi vì chúng ta biết hôn trầm này do ác nghiệp ngăn trở. Lúc này, chỉ có dùng sức mạnh của Ý chí chúng ta mới chiến thắng được nó. 

Câu chuyện Hòa Thượng Kosen viết Thắng Nghĩa Đế trong Góp nhặt cát đá khiến nhiều người phải suy nghĩ. Khi mới xây chùa, ông định viết ba chữ thật đẹp để thợ khắc lên cổng chùa. Lúc đầu, ông viết ba chữ Thắng Nghĩa Đế lên giấy. Có một người đệ tử mài mực tàu cho ông viết và luôn phê bình. Hầu hết khi xem xong, người đệ tử đều lắc đầu cho rằng không đẹp. Ông nghĩ chữ khắc ngay ở cổng chùa mà có người chê là không ổn nên bỏ tờ giấy đó và viết chữ lên tờ khác. Viết xong, đệ tử của ông vẫn cho là không đẹp. Ông lại bỏ và viết lại. Cứ thế, hai thầy trò người mài mực, người viết suốt một buổi sáng, không biết hết bao nhiêu giấy. Đến tờ thứ tám mươi rồi mà người đệ tử vẫn lắc đầu, không hài lòng. Khi đệ tử có việc phải ra ngoài một lát, ông tranh thủ viết liền ba chữ Thắng, Nghĩa, Đế. Lúc quay vào, người ấy bỗng reo lên “Tuyệt vời!”. Ba chữ viết của Hòa Thượng Kosen, kết quả của một quá trình kiên trì để đạt được ý nguyện đã trở thành một tuyệt phẩm để lại cho muôn đời sau. Cho đến bây giờ, ngôi chùa với ba chữ nổi tiếng ấy vẫn còn là niềm tự hào của những người theo đạo Phật ở nước Nhật. Như vậy, Hòa Thượng viết được những chữ rất đẹp ấy là do đâu? 

Rõ ràng, khi người đệ tử bỏ ra ngoài, Hòa Thượng cảm thấy tự nhiên hơn. Ông viết chữ với một cái tâm thoải mái, không sợ hãi, không có cảm giác bị ức chế bởi sự để ý, theo dõi của người khác. Vì thế, chữ tự nhiên sẽ đẹp. Nhưng chúng ta không nên căn cứ vào chi tiết cuối cùng mà ca ngợi (như bên Thiền tông). Thực ra, kết quả Hòa Thượng đạt được là do cả buổi sáng ông không nản lòng, viết tám chục lần một cách chú tâm. Đến khi tâm buông ra một cách thoải mái, ông mới thành tựu được. Giá trị của cố gắng là vậy. Cho nên, chúng ta phải suy xét trước sau, đừng bao giờ cho rằng kết quả cuối cùng là do nhân duyên gần đó mà phải hiểu rằng, nhân đó là sự cố gắng trong một thời gian rất dài. Tinh Tấn là sự tiềm tàng, sự tích lũy, sự tôi luyện. Bởi vậy, khi đánh giá thành quả cuối cùng, chúng ta phải cẩn thận, nếu không, sẽ phủ nhận cả một sự nỗ lực lâu dài. 

2. TINH TẤN LÀM LỢI ÍCH CHÚNG SINH

Theo định nghĩa, Tinh Tấn là nỗ lực thực hiện thiện pháp, làm lợi ích cho chúng sinh và nhiếp tâm trong Thiền định. Vậy, tại sao muốn làm lợi ích cho chúng sinh, chúng ta cần phải Tinh Tấn nỗ lực?

Đã nói đến nỗ lực nghĩa là việc không đơn giản, dễ dàng. Quả thật, giúp đỡ người khác là việc rất khó khăn, chúng ta phải cố gắng rất nhiều mới thực hiện được. Những khó khăn ấy thường do nhiều nguyên nhân gây nên: 

Thứ nhất, việc thiện thường đi ngược với khuynh hướng vị kỷ của con người. Trong mỗi người chúng ta đều có bản năng chấp ngã. Từ bản năng chấp ngã, khuynh hướng vị kỷ sẽ xuất hiện và khiến chúng ta chỉ muốn làm điều có lợi cho mìn; những điều có lợi cho người khác, chúng ta thường không quan tâm. Chúng ta biết rằng, phá được bản năng, khuynh hướng vị kỷ để làm lợi cho người khác là một việc rất khó khăn, không dễ dàng thực hiện được. Làm việc đó, chẳng khác nào chúng ta đang lội ngược dòng nước xiết. Một khi đã quen làm lợi cho mình, bây giờ phải làm lợi cho người khác, chúng ta phải đấu tranh, giằng xé dữ dội trong tư tưởng và tình cảm của mình. 

Chẳng hạn, khi thấy người khác gặp khó khăn, thiếu thốn, chúng ta rất muốn giúp đỡ. Nhưng khi nghĩ lại, thấy rằng nếu giúp người ta, mình sẽ sống không thoải mái, sinh hoạt hằng ngày sẽ rất khó khăn, chúng ta lại chần chừ, không muốn giúp. Cứ thế, chúng ta sẽ rơi vào trạng thái tâm lý rất khó xử, cứ băn khoăn, giằng co mãi. Nếu muốn thoát khỏi sự giằng co ấy, chúng ta phải có Ý chí, phải chiến đấu với bản năng vị kỷ của mình. Như vậy, nỗ lực trong lúc này không phải là gắng sức, không phải gồng người lên như kéo chiếc xe nặng mà là sự Tinh Tấn, vượt lên chính mình bằng Ý chí. Bao giờ cũng vậy, việc gì đem lại lợi ích cho mình, chúng ta đều làm rất dễ dàng, không cần tính toán nghĩ suy. Nhưng làm việc thiện một cách vô tư, hoàn toàn không nghĩ đến lợi ích của mình mai sau, không cầu phước là điều rất khó. 

Tuy nhiên, trong cuộc sống cũng có những người làm phước một cách dễ dàng, sẵn sàng giúp đỡ người khác mà không hề cầu phước. Đó là những người đã thuần thục từ nhiều đời về tâm Vị tha. Đây là điều mà người tu chúng ta phải phấn đấu. Khi người khác cần, chúng ta sẵn sàng giúp đỡ bất cứ việc gì, không bao giờ từ chối. Làm được như vậy, chúng ta sẽ cảm nhận được hạnh phúc rất lớn lao. Đây cũng là điểm mâu thuẫn trong quan niệm của một số người. Có người nghĩ rằng, tu tập là hướng vào trong, tránh duyên, tránh cảnh để tâm được yên tịnh, còn làm việc từ thiện phải hướng ra bên ngoài sẽ không đưa đến một sự giải thoát thanh tịnh. Thực ra, chính cuộc sống vị tha hỗ trợ rất nhiều cho Thiền định. Thử hy sinh cả cuộc đời mình, sống cho người khác, chúng ta sẽ cảm nhận được, mỗi việc làm thiện của chúng ta đều làm cho tâm xuất hiện trạng thái khinh an, hỷ lạc. Đây là một Chi trong Thất Giác Chi, hay còn gọi là Thất Bồ Đề Phần, bảy yếu tố đưa đến Giác Ngộ. Người hy sinh vị tha, làm lợi ích cho người khác sẽ xuất hiện được trạng thái khinh an của Thất Giác Chi. Chính phước đó hỗ trợ cho việc nhiếp tâm trong Thiền định. Người tu chúng ta không được quay lưng sống một cuộc đời vị kỷ, chỉ lo nhiếp tâm. Sống như vậy, chúng ta không bao giờ nhiếp tâm vào Định được. 

Thứ hai, chúng ta không đủ phước nên không đủ điều kiện thực hiện. Chẳng hạn, nhìn thấy chúng sinh đau khổ vì nghèo đói, vì bệnh tật, chúng ta rất xót xa, muốn giúp đỡ nhưng lại không đủ khả năng. Chúng ta không có tiền, có gạo nên dẫu muốn giúp cũng đành bó tay. 

Đó là do chúng ta không đủ phước. Hoặc có khi nhìn thấy tình trạng Đạo đức của xã hội suy đồi, chúng ta muốn đem Đạo đức truyền bá rộng rãi, nhưng bản thân không đủ Trí tuệ hoặc không đủ biện tài, chúng ta vẫn không thực hiện được. 

Tuy nhiên, đã khởi được tâm thiện, chúng ta không được thóai tâm. Dù hôm nay chưa làm được, chúng ta vẫn phải nuôi dưỡng và hy vọng một ngày nào đó sẽ thực hiện được. Vì tâm thiện có khả năng chiêu cảm, chắc chắn sẽ có người gia hộ chúng ta. Đây là việc khó, chúng ta phải có sự nỗ lực. Nếu không cố gắng, chí nguyện của chúng ta sẽ không bao giờ thành tựu.

Thứ ba, người ta không đủ phước nên không nhận được sự giúp đỡ của mình. Nói điều này chúng ta nhớ đến câu chuyện Ngài Xá Lợi Phất giúp cho Ngài Losaka Tissa được ăn bữa ăn cuối cùng no đủ. Trưởng lão Losaka Tissa là người đã chứng Alahán. Ngay từ nhỏ, Ngài đã bị mẹ bỏ rơi, phải đi xin ăn vất vưởng khắp nơi. Suốt cuộc đời, Ngài không bao giờ đủ ăn, chịu cảnh đói khổ ghê gớm. Một hôm, Ngài gặp ngài Xá Lợi Phất. Thấy hoàn cảnh thương tâm, ngài Xá Lợi Phất đã độ cho Losaka Tissa xuất gia. Lớn lên, ông ta cũng chứng Alahán, nhưng không bao giờ đủ ăn, lúc nào cũng đói. Khi cùng một đoàn Tỳ Kheo đi khất thực, những người khác luôn được chủ nhà bố thí, riêng Ngài bát vẫn trống không. Không hiểu sao, mỗi lần định san thức ăn vào bát Ngài, người ta thấy bát vẫn đầy nên lại thôi. Cứ thế, Ngài phải liên tục nhịn đói. 

Do ăn uống ít quá nên thân xác Ngài ngày càng tiều tụy và cũng đến lúc thọ mạng chấm dứt. Ngài Xá Lợi Phất muốn cho đệ tử của mình được một bữa ăn no đủ cuối cùng nên đã rủ người đệ tử đi cùng. Họ vào làng khất thực với hy vọng có ngài Xá Lợi Phất đi bên cạnh, người ta sẽ cúng cho. Nhưng đi mãi, đi mãi, hai thầy trò vẫn không được cúng món gì. Thấy vậy, ngài Xá Lợi Phất bèn nói: “Bây giờ hiền giả hãy trở về tịnh xá ngồi chờ, tôi sẽ đi xin mà gởi về”. Ngài Losaka Tissa vừa đi khỏi, người ta tấp nập cúng cho ngài Xá Lợi Phất rất nhiều. Ngài vội san thành một bát nữa và nhờ một vị Tỳ Kheo mang về tịnh xá cho đệ tử mình. Giữa đường, không hiểu gặp chuyện gì, vị Tỳ Kheo ấy đã quên luôn việc ngài Xá Lợi Phất nhờ. Sau khi thọ thực, tọa thiền xong, buổi chiều ngài Xá Lợi Phất trở về mới biết bát cơm chưa đến được tay ngài Losaka Tissa. Ông vẫn đang nhịn đói ngồi đó. Lúc này, mặt trời đã nghiêng bóng, Ngài không thể đi khất thực được nữa. Biết chắc trong chiều nay, ông ta sẽ nhập Niết Bàn, Ngài vội biến mất ngay khỏi tịnh xá, hiện vào trong cung vua. Ngài đích thân xin vua những thức ăn, những loại bánh mà Phật cho phép ăn rồi hiện trở về tịnh xá. Ngài cầm bát đưa cho ông. Ông đón lấy bát, nhưng Ngài cản lại và nói: “Nếu tôi không cầm cái bát này thì bánh sẽ biến mất”. Thế là ngài Xá Lợi Phất đứng cầm bát như vậy. Ngài Losaka Tissa ngồi xuống, lặng lẽ lấy từng chiếc bánh trong bát ăn. Đó là lần duy nhất trong đời, Ngài được ăn no đủ. Và chiều đó, Ngài nhập diệt.

Ngài Xá Lợi Phất đã rất cố gắng giúp đỡ người khác. Khi người ta không đủ phước, khó nhận được sự giúp đỡ của mình, chúng ta phải hết sức cố gắng, không được nản lòng, bỏ mặc họ. Vì như vậy là không cố gắng, là thiếu từ bi. 

Thứ tư, do ác nghiệp quá khứ của mình vẫn còn nên việc làm phước bị ngăn ngại. Có trường hợp, chúng ta muốn làm việc thiện nhưng những ác nghiệp của mình cứ ngăn cản nên không thực hiện được. Tuy nhiên, dù bị ngăn cản, chúng ta cũng không được thối tâm, phải hết sức cố gắng thực hiện cho bằng được.

Chúng ta đều đã nghe câu chuyện ngài Huyền Trang hay ngài Pháp Hiển đi thỉnh kinh. Ngài Huyền Trang vượt sa mạc, sang Ấn Độ để tìm kinh Phật. Trên suốt hành trình sang Ấn Độ, Ngài đã chịu đựng biết bao gian khổ. Nhiều người đã chết, chính bản thân Ngài cũng từng sắp chết. Khi đến sa mạc, không còn nước uống, không còn thức ăn, Ngài kiệt sức và lịm vào hôn mê. Nhưng do phước lớn, trong cơn hôn mê, Ngài thấy hình ảnh Bồ Tát Quan Âm hiện ra vẩy nước cam lồ xuống thân mình. Thế là Ngài cảm thấy khỏe khoắn trở lại. Như vậy, những khó khăn mà chúng ta gặp phải trong quá trình làm việc thiện có thể do ác nghiệp của quá khứ gây nên. Chúng ta phải cố gắng tạo phước để có thể vượt qua được những khó khăn ấy. 

Việc làm phước có thể ví với việc đi gieo lúa. Phải có nắm lúa, chúng ta mới gieo được những cây lúa ban đầu. Cứ thế, dần dần chúng ta sẽ nhân lên rộng khắp. Chúng ta phải có phước mới làm phước được. Bởi vậy, bước đầu làm phước sẽ rất khó khăn, chúng ta phải kiên trì, đừng bao giờ thóai tâm. 

Trong Thất chân Nhân Quả có nhiều câu chuyện kể về những vị tu Tiên. Có lần, một vị Tiên là đệ tử của ông Vương Trùng Dương tình cờ gặp một tu sĩ khác. Để tranh hơn thua về sự tu hành, người kia thách ông ta ngồi thiền. Ông cũng đồng ý. Thách ngồi qua một đêm, Ngài cũng ngồi qua một đêm, nhưng người kia ngồi một chút lại phải đứng dậy làm việc riêng. Cuối cùng, Ngài đã thắng. Nhưng khi nói với bạn bè, Ngài cũng cho là nhờ hư không gia hộ chứ không phải tự sức mình. 

Thông thường, người ta cho những câu chuyện trong Thất chân Nhân Quả là những chuyện bịa. Nhưng chúng ta vẫn tìm thấy tính hợp lý của nó, nhất là ở những chuyện về Đạo đức, về Nhân quả. Trong câu chuyện này, chúng ta gặp một quan điểm rất đúng đắn, khi làm một việc thành công, người ta vẫn không nghĩ là do sức mình, mà luôn nghĩ là nhờ sự gia hộ của ơn trên. 

Hoặc trong đó có một câu chuyện nổi bật là ông Khưu Trường Xuân đến học với ngài Vương Trùng Dương. Do nghiệp nặng, ông bị ông Vương Trùng Dương quở mắng, hành hạ đủ điều. Sau này, khi ngộ Đạo, ông hiểu được sự thiếu phước của mình nên quyết tâm làm công quả. Ông không có tiền nhưng lại có sức khỏe. Lúc bấy giờ, tại nơi ông ở có một dòng sông rộng nhưng không có chiếc cầu nào bắc ngang. Nước sông cũng cạn nên mọi người có thể lội qua được. Nhưng mỗi khi muốn qua sông, mọi người phải cởi quần áo cho khỏi ướt, lên đến bờ lại tìm chỗ mặc vào, rất vất vả. Ông đã đến đó, tình nguyện cõng người ta qua sông. Một thời gian dài chịu đựng khó nhọc như vậy, phước của ông dần dần tăng trưởng. Sau này, ông được làm Thầy, nghe đâu còn là Thầy của vua nữa. Theo Nhân quả, điều đó hoàn toàn hợp lý. Khi người ta cố gắng làm phước trong điều kiện rất khó khăn, phước của họ sẽ rất lớn. 

Chúng ta từng nghe chuyện về những quan tòa Ý đấu tranh chống Mafia để bảo vệ công lý. Trước đây, ở nước Ý có một tổ chức tội phạm, người ta hay gọi là Mafia. Tổ chức này hoạt động theo ba nguyên tắc: 

- Kinh doanh bất hợp pháp, buôn lậu, buôn ma tuý, mở sòng bạc, chứa gái… 
- Sẵn sàng dùng bạo lực để giết người.
- Cấu kết với những viên chức Nhà nước bị hủ hóa. 

Do đó, chống lại tổ chức này là điều rất khó. Khi có động, những người trong bộ máy Nhà nước đã bị hủ hoá sẽ báo cho họ biết để trốn thoát hoặc tìm cách đối phó. Chúng bắn cả cảnh sát, cả những quan tòa, không chừa một ai khi biết người đó theo dõi, truy nã chúng. Trước sự lên án của thế giới, chính phủ Ý phải tìm đủ mọi cách để chống lại tổ chức này. Nhiều quan tòa đã bị chúng giết hại. Ông Falcon là một trong những người nhiệt tình điều tra, truy bắt bọn tội phạm ấy để bảo vệ công lý. Bọn chúng theo dõi, biết đường đi lối về của ông và đã đặt một trái bom nửa tấn bên lề đường khi ông từ phi trường về. Cuối cùng, cả xe và người đều bị bom nổ làm cho tan tành. Nhưng những người kế tục vẫn không sờn chí, vẫn tiếp tục truy lùng bọn Mafia, không chịu bó tay để chúng gây thêm tội ác. Đó là sự cố gắng, là những nỗ lực để thực hiện thiện pháp trong hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm. 

Trong cuộc sống, chúng ta thấy rằng, những người sống trong cảnh thuận tiện, sung sướng quá thường sẽ không có Ý chí, không có sự Tinh Tấn. Những người như vậy sẽ rất khó tu. Vì nỗ lực là một công hạnh quan trọng để nhiếp tâm. Nếu không cố gắng, không có Ý chí, chúng ta sẽ không nhiếp tâm vào Định được. Sự cố gắng ấy phải được rèn luyện bằng những công việc thô trước. Đó là làm phước giúp đỡ mọi người. Dần dần, từ những việc làm tạo phước ấy, chúng ta sẽ nhiếp tâm vào định, gọi là Tinh Tấn trong tu tập Thiền định. 

(Trích sách TÂM LÝ ĐẠO ĐỨC - Bài: TINH TẤN)

DANH SÁCH BÀI VIẾT

Tags: TINH TẤN
popup

Số lượng:

Tổng tiền: