Đạo Pháp & Dân Tộc

TẠI SAO PHẬT TỬ MẾN CHÙA- TS. TT. Thích Chân Quang

03/06/2022 Phúc Khiết Giác 0 Nhận xét
TẠI SAO PHẬT TỬ MẾN CHÙA- TS. TT. Thích Chân Quang

Tại sao Phật tử mến chùa? Nếu hỏi có bí quyết nào thì Thượng toạ Thích Chân Quang cho rằng mình không có bí quyết nào hết, vì Người không có mục tiêu đó. Tuy nhiên, trên nguyên tắc của một ngôi chùa, nguyên tắc của một người xuất gia thì phải cố gắng làm sao thu hút cho được Phật tử quần chúng về tu, vì đó là trách nhiệm đối với đạo pháp và cũng là trách nhiệm đối với dân tộc.

Chúng ta thấy Phật tử đến chùa đông là dấu hiệu đạo Phật hưng thịnh, được xã hội đón nhận yêu quý, cũng là thước đo giá trị của chùa đó, và cũng là danh dự chung của Phật giáo. Phật tử đến chùa đông chứng tỏ Phật giáo đã trở thành nếp sống tinh thần, thu hút được đông đảo mọi người không kém gì tôn giáo bạn có ngày lễ Giáng sinh đã biến thành sinh hoạt văn hóa của nhiều người.

Thiết nghĩ, một ngôi chùa được xây nên với bao công sức, tiền của từ đàn na tín thí. Từng viên ngói, cây cột đều thấm đẫm mồ hôi nước mắt. Vì thế nếu chùa hoang miếu lạnh, không ai tới lui, người Trụ trì sẽ mang tội với chư Tổ, với đạo pháp. Có người đến chùa thì mới tạo thành những thế hệ Phật tử tiếp theo để hộ trì Tăng đoàn, mới xuất hiện những vị xuất gia để tiếp nối, kế thừa mạng mạch Phật pháp. Nên việc thu hút chúng sinh đến chùa tu tập là trách nhiệm rất nặng nề của người Trụ trì tại mỗi ngôi chùa. Mà muốn vậy thì chùa phải có cái gì đó để thu hút Phật tử tìm về, và khi về rồi lại không nỡ rời đi. Đó là ngôi chùa thành công. Nhưng để quý Phật tử mến chùa thì chư Tăng Ni đều là những người chân tu tuyệt vời, ai cũng là những tấm gương đạo hạnh, mẫu mực. Cho nên, trong một ngôi chùa, vai trò của Tăng Ni tu hành rất quan trọng.

Tuy nhiên, người Trụ trì không bao giờ được nghĩ rằng Phật tử là của riêng mình. Trong Phật giáo không có bất cứ điều gì được gọi là riêng tư, là của ta. Cũng vậy, với tinh thần hòa hợp, đoàn kết, thì người Phật tử mặc dù có duyên tìm đến với một vị thầy để quy y, nhưng ta vẫn là đệ tử của mười phương Phật, trong đó ta tôn kính tất cả những vị tu hành chân chính, ta hộ trì chùa chiền không phân biệt. Đó là lí do trong thời gian qua, nhiều khi chùa này chùa kia nhờ hoặc Giáo hội phân công Thượng toạ làm việc này việc kia thì các Phật tử (đệ tử của Thượng toạ) đều tham gia tích cực là vậy. Bởi vì không có phân biệt Thầy riêng, trò riêng với nhau, đã là Phật tử ở trong đạo thì đều là của chung, của Tam bảo cả. Như vậy mới là Phật Pháp, còn ngược lại là sai. Đó là nói tới Đạo pháp.

Dân tộc ta cũng vậy, chỉ khi nào ta hòa hợp, đoàn kết thì mới đúng với tinh thần dân tộc Việt Nam. Nhân đây, Thượng toạ cũng nhắc nhở mọi người nên đề phòng tránh lọt bẫy với những bậc đạo sư giả hiệu, chỉ dùng thủ đoạn để lôi kéo quần chúng, rồi giữ riêng quần chúng cho mình để thành một lực lượng gì đó rất mờ ám phía sau. Tức có những người sau khi thu hút được rất đông tín đồ, họ không cho người đệ tử hướng về Giáo hội chung mà chỉ quy phục một tông sư, tổ sư nào đó. Cuối cùng, Phật tử sẽ bị họ lèo lái để dần biến chất, đi ngược lại với lộ trình giác ngộ của Phật pháp.

Để hiểu vì đâu Phật tử mến chùa, mến thầy mà tìm tới mãi. Thượng toạ đặt vấn đề với các Phật tử để họ trả lời. Thông qua đó cũng để nắm bắt và tổng hợp ý kiến của các Phật tử là gì. Tuy mỗi người một ý kiến nhưng tựu chung cũng nói lên được Phật tử mến chùa khi họ cảm thấy được lợi ích gì đó. Chẳng hạn, người mộ đạo thì muốn được học đạo lý mới lạ sâu sắc; người chưa hiểu đạo sâu thì mong tìm được sự phù hộ của ơn trên Trời Phật; người tò mò về những hiện tượng tâm linh thì muốn tìm thấy sự kỳ lạ, phi thường gì đó tại chùa; người chưa thể đi sâu vào tâm linh tu học thì muốn có không khí vui tươi lành mạnh… Mỗi người một vẻ, nhưng cũng đều tin Phật là đấng cao siêu.

Qua ý kiến của các Phật tử, Thượng toạ tóm lược lại, Phật tử thích đến chùa được hình thành từ bốn tâm lý: Thứ nhất là yêu mến; thứ hai là tin tưởng; thứ ba là kính trọng; và thứ tư là hi vọng.

Thứ nhất, Phật tử YÊU MẾN những vị xuất gia tu hành trong chùa. Tình cảm này đến từ hai nguyên nhân. Một là Phật tử đã có duyên xưa với vị thầy trong chùa. Ngày xưa vị đó đã từng bố thí rộng rãi, hoặc làm thầy thuốc, làm quan, thậm chí làm vua nhưng chăm lo cho dân chúng, gieo ơn nghĩa với rất nhiều người. Đến kiếp nào đó, nếu những vị này trở thành tu sĩ, chắc chắn họ sẽ có đông tín đồ. Đó là nhân quả.

Tuy nhiên, tình cảm yêu mến cũng đến từ nguyên nhân của kiếp này. Nhiều người không có duyên đời trước với thầy, nhưng khi đến chùa, bằng lý trí họ nhận thấy vị thầy từ bi, đức độ, nên họ đã quy y để học hỏi đạo lý. Vị thầy đó sẽ không quá sướt mướt, nhưng cũng không hề dồn dập, vồn vã. Dù chỉ nhẹ nhàng như mây gió nhưng lòng bi mẫn của thầy vẫn làm chúng sinh luôn cảm thấy tươi mát, dễ chịu. Và chính vì tin vào tình thương của thầy nên mọi người mới tới chùa.

Khi có lòng từ bi, biểu hiện dễ thấy nhất là Tăng Ni luôn thương yêu, trân trọng những người đến chùa từ cụ già, em bé cho đến cả loài súc sinh. Khi tâm người xuất gia lúc nào cũng mong cho bất cứ ai đến chùa đều được an vui, được lợi ích, được thuận tiện, tức vị Trụ trì có lòng từ bi chân chính thì Chư Thiên xúi, khiến nhiều chúng sinh tìm về như là một phần thưởng của trời Phật cho. Lý do là nằm chỗ này, chắc chắn ngôi chùa sẽ dần đông Phật tử đến.

Thứ hai, Phật tử thích đến chùa bởi tâm lý TIN TƯỞNG. Người đến chùa hầu hết đã có thiện căn từ đời trước, vì thế tâm hồn họ hướng thượng và muốn tìm điều gì đó vượt hơn những điều tầm thường của cuộc đời. Khi bước vào cổng chùa, họ mong sẽ tìm được điều đạo đức thực sự trong cuộc sống này. Cuộc sống vốn dĩ con người cứ hơn thua, lừa dối, ích kỉ, gian tham, nên họ muốn tìm một bờ bến mà nơi đó, cuộc đời họ neo lại, họ ngồi nghỉ trưa giữa bóng mát của từ bi, họ đặt chân lên bến bờ của trí tuệ, của đạo đức. Giữa cuộc đời lăng xăng, sóng gió quay cuồng mà ta có một góc yên tĩnh, nương tựa bởi tấm lòng cao cả của sự đàng hoàng, mẫu mực, yêu thương, chính vì điều đó mà ta đến chùa.

Do vậy, đạo hạnh của một vị thầy ở trong ngôi chùa là cực kì quan trọng để người Phật tử đặt niềm tin vào. Tuy nhiên, người xuất gia chưa phải là Thánh nên chưa thể tuyệt đối hoàn hảo đến mức không còn sơ suất nào trong đời sống. Vì thế Phật tử dù mong chờ, tin tưởng vào những người xuất gia đạo hạnh, nhưng cũng hãy dành một góc nhỏ trong tâm mình để bao dung cho những khuyết điểm của các vị, chứ đừng suốt ngày xét nét thầy.

Thứ ba là tâm TÔN TRỌNG, KÍNH TRỌNG. Từ tâm lý ban đầu là yêu mến, tâm lý thứ hai là tin tưởng, người Phật tử tiến đến tâm lý thứ ba là kính trọng được Thầy mình. Tuy nhiên, một vị thầy chân chính còn phải xây dựng được cho Phật tử lòng kính trọng vô bờ dành cho Đức Phật và cho giáo pháp. Nếu ai vì mến một vị thầy rồi thường xuyên tới lui thăm viếng chùa nhưng lòng vẫn hờ hững, không hề kính ngưỡng Đức Phật thì ngày nào đó khi cái duyên với vị thầy, với ngôi chùa đã hết, chắc chắn họ sẽ không đến chùa nữa.

Khi nương theo đạo lý thầy chỉ dạy, có thực hành tu tập ta mới dần kính trọng được giáo pháp. Ví dụ khi nghe câu "Lửa nào tắt được lửa/ Thù nào diệt được thù/ Tình thương diệt thù hận/ Là định luật nghìn thu", nhiều người không hề có cảm xúc bởi vì họ chưa bao giờ thực hành. Chỉ khi đã vất vả mở lòng để thương yêu cả những kẻ xấu ác từng mưu hại mình, họ mới dâng lên niềm xúc động kính ngưỡng sâu xa trước đạo lý trong câu nói trên. Vì thế mức độ thứ ba này đòi hỏi người Phật tử đã có nỗ lực tu hành, đến đây đạo tâm của họ mới tạm gọi là bền vững.

Tâm lý thứ tư là HY VỌNG. Người Phật tử đến chùa vì hy vọng sau này chính mình sẽ thành tựu được Thánh quả giải thoát. Và ta phải tu tập đến một ngày mà niềm hy vọng đó cắm được vào tâm ta thì mới gọi là ta đạt được trình độ bất thoái chuyển, không lui nữa. Chứ còn trước đó, dù ta đến chùa vì quý mến thầy, vì có niềm tin, vì kính trọng… thì đạo tâm ta vẫn có thể bị thoái chuyển. Đặc biệt vào thời đại hiện nay luôn có những người được ngoại đạo cài cắm vào một ngôi chùa với duy nhất một nhiệm vụ: nói xấu những bậc tài đức trong đạo Phật để cho mọi người mất niềm tin, ngã lòng.

Cho nên tâm lý thứ nhất là yêu mến, không bảo đảm. Tâm lý thứ hai là có niềm tin vẫn chưa chắc vì có thể bị một thủ đoạn phá mất. Tâm lý thứ ba là kính trọng thì bắt đầu ta đứng hơi vững. Nhưng chỉ tới khi nào mà thật sự ta có hi vọng vững chắc nơi tâm mình cũng sẽ tu hành đắc đạo được. Hy vọng một lúc nào đó nhân gian này trở thành một cõi tịnh độ an vui. Và hy vọng một ngày nào đó chính ta cũng sẽ là người lên đường hoằng pháp độ sinh… thì tới chỗ này ta mới đạt được sự bất thoái chuyển. Khi đó ta không hề lung lay trước những sự dèm pha, nói xấu, công kích có chủ đích, nhằm phá hoại đạo tâm của ta. Và Phật tử nào đạt đủ bốn tâm lý này thì người đó là Phật tử thuần thành trong đạo Phật.

Bên cạnh đó, yếu tố NGHI THỨC – NGHI LỄ cũng cực kỳ quan trọng trong việc thu hút Phật tử đến chùa. Đó chính là mũi nhọn trong việc hoằng pháp. Một bài kinh tụng dù ngắn gọn mà có nghĩa lý, có đạo lý, có tính giáo dục cao, được tải bằng ngôn ngữ của thời đại, được tải bằng điệu nhạc mà mọi người ưa thích… thì sẽ khiến mọi con tim lay động, họ thay đổi liền. Cho nên để Phật tử mến chùa thì các vị Trụ trì phải hết sức khéo léo mà cải cách nghi thức tụng niệm lại, đừng chấp nê theo lối cũ mãi, vì có những điều thời xưa với thời đó là hợp, nhưng thời này hết hợp rồi. Hình thức tụng kinh cổ sẽ không hấp dẫn được lớp trẻ thời đại kỹ thuật số hôm nay. 

Thật sự, những cổ ngữ khó hiểu, những bài chú bí hiểm… đều làm người đọc tụng khó lòng lĩnh hội nghĩa lý trong kinh. Cho nên đã đến lúc các vị phải cải cách nghi thức tụng niệm lại một cách quyết liệt, đừng chần chờ, đừng do dự, mà mất Phật tử hết. Vì thế Phật giáo cần những bài kinh tụng đầy đạo lý, đầy tính giáo dục và rất rõ nghĩa do được chuyển tải qua ngôn ngữ của thời đại. Thậm chí, trong các nghi thức Phật giáo ta phải khai thác âm nhạc hiện đại. Điệu tụng ngày nay chính là điệu nhạc ngày xưa đã được chư Tổ đưa vào trong đạo Phật để đáp ứng tâm tình chúng sinh.

Giờ thời đại thay đổi, ta phải nhanh chóng đưa điệu nhạc mới vào trong kinh tụng thì mới làm cảm xúc được mọi người. Ví dụ những ca từ "Vì đạo Pháp ta đi gieo rắc ngàn nơi. Với con tim bao la như ánh mặt trời. Giữa cuộc đời Phật đạo bừng lên sáng tươi. Vui bên nhau hạnh phúc sáng lên rạng ngời". Khi hát những bài tràn đầy đạo lý như vậy, tự nhiên tinh thần yêu đạo, yêu thương con người bừng dậy trong tim, khiến con người ta trở nên đạo đức hơn, sống có trách nhiệm hơn. Hiện nay, lớp trẻ chỉ thích nhạc hiện đại, nhưng đến bây giờ ta vẫn chưa kịp đưa nhạc hiện đại vào trong chùa – nếu thiếu điều này là ta chậm hơn các tôn giáo bạn. Thiết nghĩ gặp nhau đông đảo, hát vui cũng là yếu tố để họ đến chùa cảm thấy dễ chịu. Cho nên thư giãn cũng là yếu tố mà ta phải tạo không khí đó cho chùa mình.

Một điểm nữa để Phật tử đến chùa đông là chùa có những hoạt động tu tập, Phật sự phù hợp cho từng lứa tuổi, phù hợp với nhiều trình độ, phù hợp với nhiều ước vọng tâm lý. Chẳng hạn: 

Đối với người lớn tuổi phải được ưu tiên sắp xếp nhiều thời gian cho sự tu tập tâm linh hơn. Tuy các cụ vẫn phải làm phúc, nhưng không làm bằng tiền bạc, bằng sức mạnh cơ bắp mà bằng uy tín, bằng đức độ của mình. Đó là sự vận động, thuyết phục con cháu, những người trong làng xóm đến chùa tu tập.

Với thanh niên, chùa phải có thêm các hình thức tu học mới, chuyên sâu hơn, phong phú hơn. Ngoài thời khóa tọa thiền, lễ bái, tụng kinh, nghe pháp, tập khí công, dạy nhạc đạo hiện đại, bàn bạc hoạt động từ thiện xã hội, các em còn phải được đàm đạo, đàm luận để biến đạo lý thành cuộc sống của mình. Thêm nữa, quý thầy cô cũng nên tổ chức nhiều hoạt động cho các em dấn thân, hi sinh, phụng sự. Ví dụ cho các em nhặt rác trong làng xóm, hoặc tình nguyện trang trí cảnh quan trước nhà của mọi người trong xóm làng như: trồng cây, đắp đường, xén bụi cỏ… Đó vừa là công đức, vừa là kỹ năng tạo khung cảnh đẹp ở chung quanh.

Kỹ năng này đồng thời là biểu hiện của trí tuệ biết phân biệt đẹp xấu, biết tạo ra cái đẹp chung quanh mình. Công việc sẽ mang lại những cơ hội và thách thức để các em được rèn luyện những kỹ năng sống, được phụng sự cuộc đời. Chính sự nỗ lực làm điều thiện sẽ tạo thành công đức lâu dài cho suốt cuộc đời của các em. Thanh niên là lớp người gánh vác trách nhiệm với xã hội, nên phải được rèn luyện rất nhiều, chứ không giống người lớn đã qua trách nhiệm và chuẩn bị đi vào chiều sâu tâm linh.

Lớp trẻ được tu học sẽ là tương lai của đạo pháp và của dân tộc. Trẻ có lý tưởng sống, có đạo lý để tu dưỡng, sẽ trở nên người có ích, làm được nhiều công đức lành, dễ thành công, và góp phần làm cho xã hội tốt hơn. Vì thế, các chùa phải quan tâm thu hút dạy dỗ lớp trẻ nhiều hơn.

Riêng đối tượng thiếu nhi cần được tham gia những lớp đạo đức. Mỗi tuần được học một đề tài đạo đức gần gũi với lứa tuổi, trong đó các em được nghe, được hỏi, được đáp, được khen thưởng… Lớp học có thể do Tăng Ni hoặc những thanh niên Phật tử phụ trách. Tuy nhiên không phải chùa nào cũng có thể tổ chức nhiều loại hình sinh hoạt nhộn nhịp như thế vì nó đòi hỏi khả năng, tiền bạc, nhân sự, kiến thức chuyên môn… Ta có thể tập trung lại vài loại hình sinh hoạt cũng giúp Phật tử thích thú đến chùa hơn đã là tốt rồi.

Người Phật tử đến chùa ngoài việc ăn uống được đáp ứng đầy đủ, một điều ít ai ngờ, rất nhiều chùa không giữ chân Phật tử được chỉ vì WC kém chất lượng. Vì thế chùa phải chú ý đầu tư lắp đặt nhà vệ sinh (WC) hiện đại, sạch đẹp để phù hợp với đời sống văn minh hiện nay. Và ta chọn những người có lòng nhất thường xuyên dội nước, dọn rửa nhà WC để không bị mùi hôi. Việc thu hút người sử dụng nhà WC cũng là một việc làm không kém phần quan trọng. Điều này góp phần bảo vệ môi trường, nếp sống văn minh nơi chùa chiền hay có khi chùa tổ chức Lễ hội.

Không chỉ vậy, Phật tử tới chùa phải nghe được đạo lý. Có khi quý thầy thuyết Pháp, hay chỉ trao đổi vài câu nhưng câu nào thấm thía câu đó, có ý nghĩa và đầy đạo Pháp ở trong. Chỉ vậy thôi, các Phật tử vẫn thấy tràn ngập mùa xuân Phật pháp ở trong chùa mình.

Một lý do nữa để Phật tử thấy thoải mái khi đến chùa là quý thầy cô không vận động cúng dường quá nhiều. Sự cúng dường chỉ nên được thực hiện khi người Phật tử đã sắp xếp ổn định về tài chính, đã cân đối giữa trách nhiệm với chùa và những bổn phận khác với gia đình, xã hội. Bằng không, nếu bị áp lực phải cúng dường, việc đến chùa bỗng trở nên nặng nề và người Phật tử vì thế dễ bỏ chùa. Tuy nhiên, người Phật tử đến chùa hãy khiêm tốn và đừng vội vàng phán xét quý thầy cô có tâm phân biệt, trọng phú khinh bần. Bằng con mắt tâm linh, vị thầy đó tuỳ duyên mà độ người thôi. Chúng ta nếu hiểu nhầm, mình mất niềm tin không muốn tới chùa nữa thì rất là uổng.

Cuối cùng, để đến chùa được bền bỉ, trong tâm ta phải nguyện chấp nhận mọi điều rầy la quở phạt của thầy. Hãy đón nhận sự rầy la trách mắng của thầy mình với tất cả niềm yêu kính biết ơn, bởi đó chính là bài học, là cơ hội để ta được thử thách đạo tâm của mình. Có tâm lý này ta mới bắt đầu được gọi là một người Phật tử thuần thành.

Trên đây những kinh nghiệm quý báu được Thượng toạ hết lòng chia sẻ, chúng ta có thể học hỏi để tiến đến việc xây dựng, tổ chức các hoạt động tu học, sinh hoạt, Phật sự tại chùa mình, góp phần đáp ứng những nhu cầu chính đáng mang tính cộng đồng, thiết thực. Và trên tất cả là một khát vọng mong muốn đạo Phật được tiến bộ, phát triển, nên Thượng toạ sẵn sàng cống hiến với đôi bàn tay không nắm lại từ tinh thần, trí tuệ đến vật chất, để góp phần cùng với các chùa, với Giáo hội làm nên những Phật sự thật ý nghĩa.

Không chỉ vậy, Thượng toạ còn là Người "tiếp lửa yêu thương, lan tỏa cống hiến" cho giới trẻ đến chùa. Cho nên, Chúng thanh niên Phật tử khắp nơi cũng vào cuộc nhiệt tình năng nổ, góp một phần sức trẻ để cống hiến cho đạo pháp. Thiết nghĩ, tình thương là nét đẹp tiềm ẩn, là niềm hạnh phúc quý giá của con người. Chúng ta biết trân trọng nhau trong tình yêu thương và san sẻ những gì mình đang có chỉ để cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn, cũng như làm được nhiều điều lợi ích cho Phật pháp, cho cuộc đời hơn là vậy.

Nội dung bài viết theo Pháp thoại TẠI SAO PHẬT TỬ MẾN CHÙA do Tiến sĩ luật học Thượng tọa THÍCH CHÂN QUANG – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN từ bi ban bố Pháp nhũ vào chiều ngày 12/04/2016 (06/03/2016) sau khi nhận lời thỉnh mời của Sư thầy Thích Diệu Tâm - Trụ trì chùa Sùng Ân (Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội).

Được biết, chùa Sùng Ân tọa tại thôn Lã Côi - xã Yên Viên có từ thời Lý, với diện tích hàng trăm gian - là nơi thờ tự thiêng liêng rất lâu của nhân dân Phật tử tại đây. Và từng lưu dấu chân các vị Tổ sư đến hoằng pháp độ sinh trau dồi đạo nghiệp. Tuy nhiên, trong một biến cố, chùa bị cháy, thế nên rất nhiều năm qua chùa "vắng bóng tượng, thiếu tiếng chuông". Mãi sau này mới có Chư Ni đến tu học, vun bồi đạo hạnh, trùng tu xây dựng, nhằm duy trì mạng mạch Phật pháp cho đến ngày nay. Hiện Sư thầy Trụ trì đã xây dựng được hai mươi bảy gian.

Nói về nhân duyên để có bài Pháp thoại TẠI SAO PHẬT TỬ MẾN CHÙA là do một vị Thầy trẻ nổi tiếng trong Phật giáo tại thành phố Hồ Chí Minh đề nghị TT. Thích Chân Quang viết một cuốn sách – nêu những bí quyết làm sao thu hút được Phật tử đến chùa đông, để cho các chùa, các Tăng Ni học tập, để chùa nào cũng được đông Phật tử. Thượng toạ cho rằng ý của Thầy rất hay, tức là mỗi một chùa có những ưu điểm gì thì nên san sẻ cho các chùa khác biết.

Với đề tài TẠI SAO PHẬT TỬ MẾN CHÙA được Thượng toạ thuyết giảng tại chùa Sùng Ân, nhằm chia sẻ một vài quan điểm cần thiết trong sự tu hành cũng như công việc Phật sự với mong muốn chùa nào cũng phải là một điểm đến tâm linh tốt đẹp, thu hút mọi người về.

GIÁC HOME tổng hợp

Pháp Quang là kênh Youtube chính thức tổng hợp các ấn phẩm của Thượng tọa Tiến sĩ Luật học THÍCH CHÂN QUANG do Công ty TNHH Văn Hóa Pháp Quang- Trực thuộc Thiền Tôn Phật Quang sản xuất và phát hành: Bài giảng, Kinh tụng, Âm nhạc, Khí công, Võ thuật, Khóa hè, giao lưu... Các bài giảng đã có đầy đủ trong Ứng dụng nghe Pháp trên điện thoại App PHÁP QUANG, mọi người hãy tải App PHÁP QUANG tại CH Play và App Store để đón nhận các ấn phẩm mới nhất.

Link hướng dẫn: https://apps.congtyphapquang.vn/media...

MỜI NHAU TẢI APP PHÁP QUANG - MỜI NHAU VỀ CÕI HUY HOÀNG YÊU THƯƠNG
Link CH Play:
 https://play.google.com/store/apps/details?id=com.pqsoft.phapquang
Link App Store: https://apps.apple.com/app/id1608669200
<

popup

Số lượng:

Tổng tiền: