Pháp lạc Tâm an

SỰ SỐNG ĐÁNG QUÝ- TT. TS. Thích Chân Quang (Nhà hàng Sen Hồng- Đắk Nông, 24/08/2016)

16/12/2023 Phúc Khiết Giác 0 Nhận xét
SỰ SỐNG ĐÁNG QUÝ- TT. TS. Thích Chân Quang (Nhà hàng Sen Hồng- Đắk Nông, 24/08/2016)

Ngoài việc dạy con người phải xây dựng cuộc sống đúng đắn cho mình, bài Pháp thoại còn chỉ cho mọi người biết xây dựng cuộc sống cho người khác trong sự tôn trọng, gìn giữ phẩm giá và yêu thương nhau. Người nhấn mạnh rằng: Đệ tử Phật phải biết yêu quý màu xanh, nhất là màu xanh của cây cỏ. Tu theo đạo Phật giúp tình yêu trong ta ngày càng một lớn dần và trải khắp chúng sinh. Tu đến khi mà biết yêu cây cỏ thì đạo đức của ta tương đối vững chắc. Hãy xem lại lòng mình, dù biết thương yêu những người xung quanh, nhưng chưa chắc ta đã là người có đạo đức, vì sâu trong tâm ta vẫn còn có bản ngã, sự vô minh. Dù là yêu thương nhưng tình yêu thương của ta chưa bao giờ là chắc chắn, lúc nào cũng thường trực sự cãi vã, giận hờn. Chỉ có thể vun đắp, xây dựng đạo đức liên tục thì tình yêu của ta mới bền vững, làm động lực cho ta thực hiện nhiều việc phúc trên đời.

Nói về đạo đức của người Phật tử, đầu tiên là phải biết tôn kính Phật. Không làm được điều này, chúng ta sẽ không mở lòng được với những điều khác. Khi trong tâm có đạo đức rồi, nó sẽ lan tỏa dần vào trong cuộc sống của mình và những người xung quanh. Dần dần, cùng với những công đức ta làm được, nó giúp ta hình thành nền đạo đức vững chãi.

Tu tập theo đạo Phật giúp trí tuệ của ta ngày càng được mở ra. Dần dần, ta nhận biết được sự đúng sai, biết cách cư xử hợp lí trước mọi tình huống. Nhờ thế, phước của ta cũng được tích lũy từ từ trong cuộc sống. Cái phước lớn này giúp ta trả cái nghiệp trong quá khứ, ổn định cuộc sống, đồng thời mang lại cho ta nhiều niềm vui, hạnh phúc trong cuộc đời.

Nói về vai trò của Phước, Thượng tọa nêu ra một số điều tiêu biểu. Đầu tiên, có phước lớn, chúng ta mới tạo dựng, bảo vệ sự sống cho mình và người khác. Thứ hai, chúng ta biết xây dựng một cuộc sống no đủ, hạnh phúc, biết san sẻ và giúp đỡ những người khó khăn. Thứ ba, cái phước giúp chúng ta biết phân biệt thiện ác, biết sống tử tế, tốt đẹp và biết tin tưởng những người xung quanh.

Để giúp cho mọi người hiểu được giá trị của cuộc sống đích thực, Thượng tọa đưa ra 4 câu hỏi để ai cũng thấy được 4 điều ta cần trong cuộc sống này:

  • Câu hỏi thứ nhất, ta thích sống hay thích chết? Thích sống.
  • Thứ hai, ta thích sống đau khổ hay sống hạnh phúc? Hạnh phúc.
  • Thứ ba, ta đã no đủ, đã hạnh phúc rồi, nhưng thích sống trong tội lỗi hay trong đạo đức? Đạo đức. 

Xác định được 3 câu trả lời này là ta bắt đầu định hướng được cuộc sống và biết mình phải làm gì. Nhưng vẫn còn câu thứ tư: Ta thích mình cứ mãi, già, bệnh, chết. Rồi đầu thai lên, tiếp tục già, bệnh, chết… Cứ luân hồi tái sinh hay ta muốn sống để rồi thăng tiến về tâm linh cho đến ngày trở thành bậc Thánh giải thoát?

Câu này rất khó trả lời vì ta không biết giác ngộ là gì, giải thoát là gì. Ta cũng chẳng hiểu Thánh là gì. Chỉ có những người có trí tuệ mới hiểu được sự tầm thường của con người: Dù ta được sống, được no đủ, hạnh phúc, cũng có một chút đạo đức, tuy nhiên thẳm sâu trong tâm hồn mình vẫn là ích kỉ, tham lam, ganh tị, hận thù. Còn một bậc Thánh thanh tịnh thì không còn ích kỉ hơn thua, tâm hồn thênh thang như đất trời… Chỉ khi nào cảm nhận được điều đó, ta mới ước mơ sống để tu, để trở thành một bậc Thánh.

Chúng ta muốn sống nhưng sống làm sao để thật hạnh phúc và thật đạo đức. Sống là để tăng tiến tâm linh giác ngộ, sớm được giải thoát chứ không phải cứ chìm đắm mãi trong luôn hồi, sinh tử. Nếu biết tu, chúng ta sẽ sớm trở thành một bậc Thánh, thoát khỏi thân phận phàm phu. Tuy nhiên, phải là những người thật trí tuệ mới hiểu được bậc Thánh là gì và vì sao ta phải phấn đấu tu tập để trở thành Thánh. Chỉ khi nào trở thành Thánh rồi, ta mới hết bản ngã, vô minh, cuộc sống của ta mới vui vẻ, thanh thản được. Chúng ta cần sống thật hạnh phúc, thật đạo đức để tu tập. Ta hoặc người giúp ta tạo ra được cuộc sống như vậy thì phải là người có phước rất rất lớn.

Một cái cây đứng yên lặng, chúng ta thấy tàn cây xanh che bóng, đến mùa nắng thì rũ lá, mưa xuống thì xanh tươi, ta cứ nghĩ cây vô tri. Thật ra, đó chính là một chiến sĩ đứng lặng yên trên đất, cắm rễ xuống đất để giữ gìn sự sống cho hành tinh này.

NGƯỜI MUỐN ĐỀN BÙ LẠI CHO TRỜI ĐẤT LÀ NGƯỜI RẤT ĐẠO ĐỨC. Bao nhiêu con người trong chúng ta đã ăn của trời đất rồi gạt bỏ luôn. Ta vong ân, không bao giờ nhớ đến ân nghĩa đó. Khắp nơi trên thế giới, người ta đã vô tình chặt bỏ cây cối, phá hoại rừng xanh, cũng chính là tiêu diệt sự sống trên hành tinh này. Hoặc có những người suốt đời trồng cây, trồng rau mang đi bán, nhưng họ chưa bao giờ thấy hạnh phúc. Họ xem đó là việc làm mưu sinh vất vả khó nhọc, chỉ mong thu hoạch để bán lấy tiền.

Cho nên, trong một hành tinh như thế, ai biết trồng chỉ một cái cây thôi thì đã là một con người đáng quý. Những Phật tử ở thành phố dù không có đất đai rộng rãi thì cũng hãy trồng dù chỉ một chậu kiểng, đó cũng là có thêm được vài chiếc lá xanh, cũng là thêm chút sự sống cho hành tinh, dù rất ít, nhưng đó cũng là chút tấm lòng của ta. Còn ai ở vùng quê hãy cố gắng trồng những cây cao để gieo lại sự sống cho hành tinh. 

Điều này không chỉ mang lại cuộc sống trong lành mà còn thúc đẩy quá trình tu tập của ta. Ta tu đến khi mình trồng cây xanh xuống đất mà thấy lòng ngập tràn hạnh phúc là đạo đức của ta đã rất vững vàng. Lúc này, ta mới hiểu được tại sao ngày xưa Đức Phật đưa ra một giới luật là cấm nhổ cỏ, cấm bứt lá cây. Đó chính là đạo đức mà Phật muốn dạy lại cho chúng sinh. Người khẳng định ai biết trồng nhiều cây cho đời thì sẽ có quả báo giàu sang và sống thọ.

Bên cạnh việc trồng cây, con người cần phải sống cho có phẩm giá. Yêu sự sống, biết tạo ra sự sống cho mình và cho người khác, nhưng lại sống không có phẩm giá thì không khác nào một con thú. Ta sống trên đời thì phải biết nghĩ tới phẩm giá của người khác, nghĩa là sống trong sự hạnh phúc, tôn trọng lẫn nhau. Ngoài ra, khi ta giúp người khác thì không được chấp công. Ngược lại, ta phải biết cảm ơn họ. Đây mới là sống có đạo đức. Bổn phận của chúng ta là phải cho, gìn giữ, bảo vệ cuộc sống cho nhau. Đi cùng với đó là sự tôn trọng, yêu thương chứ đừng khô khan, lạnh nhạt, như vậy công đức mới viên mãn.

Không chỉ với những người sống mà cả với những người đã mất, ta cũng phải tôn trọng họ. Những vong linh họ khao khát được làm người giống chúng ta, nhưng duyên chưa đến, tội chưa hết, phước chưa đủ, nên họ còn phải lẩn khuất trong cõi âm. Nhìn vào điều này, chúng ta phải biết trân trọng những gì mà chúng ta đang có, biết giúp đỡ những người xung quanh, đồng thời biết làm thật nhiều điều thiện, nhằm tăng phước, trả bớt cái nghiệp, để sau này khi nhắm mắt xuôi tay ta được lên cõi trời làm Chư Thiên tử.

GIÁC HOME tổng hợp

 

 

popup

Số lượng:

Tổng tiền: