Pháp lạc Tâm an

SỰ LINH ỨNG CỦA BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM- TT. TS. Thích Chân Quang (Chùa Quán Thế Âm- Đà Nẵng, 29/03/2013)

24/10/2021 Phúc Khiết Giác 0 Nhận xét
SỰ LINH ỨNG CỦA BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM- TT. TS. Thích Chân Quang (Chùa Quán Thế Âm- Đà Nẵng, 29/03/2013)

Đi vào nội dung bài Pháp, Thượng tọa dùng nhiều thí dụ cụ thể để chứng minh cho đạo lý "cứu chúng sinh trong cơn hiểm nạn là khó nhất", trong đó nhấn mạnh đến yếu tố Phật pháp là vô biên đa hạnh, bao gồm một đạo Phật tĩnh lặng, rất sâu sắc đầy đạo lý, đồng thời cũng có một đạo Phật hành động, xông vào các hiểm nạn, các nỗi khổ để cứu giúp chúng sinh. Tuy nhiên, trong các nỗi khổ của chúng sinh, có những nỗi khổ lâu dài, có những cái khổ ngắn hạn và có những cái khổ khẩn cấp, mà cứu chúng sinh ra khỏi cái khổ khẩn cấp mới là khó nhất, đòi hỏi phải có hùng lực phi thường hơn tất cả.

Khi đến với Phật pháp, lúc còn thời gian thì ta nghe Pháp để hiểu giáo lý mà tu; hay ta đến trước Phật đài để lễ bái, sám hối, tụng niệm, ngồi Thiền hoặc làm việc thiện, nhưng có những trường hợp ta bị rơi vào cơn nguy khốn, không còn thời gian nữa. Ví dụ, ta đi xuồng ra giữa sông, rồi sóng gió nổi lên cuốn xoay, xuồng bị lật úp, mình rơi xuống sông, lúc đó ta không còn thời gian để tụng kinh, lễ bái, làm phước nữa, mà ta chỉ cần một phép màu tức khắc để cứu mình thoát khỏi cơn hiểm nạn, và ở đây Bồ Tát Quán Thế Âm là đại diện cho hạnh nguyện của mười phương chư Phật, sẽ cứu chúng sinh lúc nguy nan, khẩn cấp nhất.

Có vậy, chúng ta mới thấy Phật Pháp nhiệm mầu, mới thấy chư Phật yêu thương chúng sinh bao la bát ngát và hiểu Phật độ chúng sinh trên nhiều phương diện. Với những người còn có thời gian, còn có nhận thức, có trí tuệ, có tâm hồn, có đạo đức, có thiện căn từ đời trước thì Phật cho chúng ta điều kiện đến chùa được nghe Pháp, để ta hiểu mà tu hành về sau, nhưng với những chúng sinh không còn cơ hội, không còn thời gian nghe Pháp nữa thì Phật cũng không bỏ, mà cứu chúng sinh cả trong những lúc nguy nan nhất.

Tuy nhiên, cứu chúng sinh trong lúc nguy nạn như vậy thì Bồ tát phải đầy đủ năng lực hằng sa diệu dụng, mới tầm thinh cứu khổ độ sanh phi thường, chứ không đơn giản. Do đó, chúng ta đừng nghĩ đạo Phật tĩnh lặng bình thường. Phải hiểu rằng sức thần của Chư Phật là phủ trùm và phi thường, mà đại diện cho sức thần đó chính là hạnh của Bồ Tát Quán Thế Âm. Những chuyện linh ứng của Bồ Tát thì nhiều vô số kể, không biết đã có bao nhiêu gia đình, bao nhiêu sinh mạng được Ngài tìm đến giúp đỡ, cứu độ. Nên tiếng đồn cứ lan ra, niềm tin từ đó mà phổ biến. Vì vậy, niềm kính ngưỡng đối với Bồ Tát Quán Thế Âm tự nhiên trở thành một kính ngưỡng rất sâu đậm, lớn mạnh trong Phật giáo, cả những người không phải đạo Phật cũng hết sức kính ngưỡng Bồ Tát Quán Thế Âm.

Qua bài Pháp, Thượng tọa đã đề cao, đánh giá vai trò rất đặc biệt của Bồ Tát Quán Thế Âm. Qua đó, gợi mở cho mọi người sự hiểu biết chân chánh trong việc kính ngưỡng, lễ bái Bồ Tát Quan Âm. Phải chăng, Bồ Tát tạo cho chúng ta có được một niềm tin vững chắc đi đúng theo đường lối tu hành giác ngộ giải thoát, nên chúng ta phải phát tín tâm mạnh mẽ tu hành sao cho đúng với bản nguyện tu hành giáo hóa của Ngài, bằng ngược lại thì ta không thể nào chấm dứt khổ đau được.

Tags: Bồ Tát Quán Thế Âm, Pháp lạc Tâm an, TT. Thích Chân Quang
popup

Số lượng:

Tổng tiền: