HÓA GIẢI ÁI DỤC

𝟏𝟏. SINH LỰC

11/11/2021 Phúc Khiết Giác 0 Nhận xét
𝟏𝟏. SINH LỰC

Sinh Lực chính là sức sống, là sinh khí của cơ thể. Chúng ta nhớ lại hồi bé, mỗi khi ngủ dậy thân tâm cực kỳ sảng khoái, năng lượng tràn đầy. Cái cảm giác an lạc, yên vui khi vừa thức giấc, đó chính là dấu hiệu của một thân tâm tràn đầy sinh lực, tràn đầy sự sống. Nhưng càng lớn dần vì tâm động loạn, vì nhiều áp lực, vì ái dục làm hao sinh lực nên chúng ta ít khi cảm nhận lại được cảm giác sảng khoái đó.

Chúng ta có công thức:

Người Có Sinh Lực sẽ là người Minh Mẫn, Mạnh Khỏe và Có Năng Lực Tình Dục Mãnh Liệt nếu hướng tâm về Ái Dục.

Người Có Sinh Lực sẽ là người Minh Mẫn, Mạnh Khỏe và Có Năng Lực Nhiếp Tâm nếu hướng tâm về Giới Hạnh.

Hãy nhìn một đứa bé chạy tung tăng và một cụ già chậm chạp. Đó là 2 hình ảnh rõ rệt nhất về sự tăng thịnh hay suy giảm của Sinh Lực. Người mà sinh lực tràn đầy, ta nhìn vào họ thấy rất tươi trẻ, khỏe khoắn, đôi mắt sáng ngời, sắc da tươi tắn và năng lượng họ luôn tỏa ra thành niềm vui, thành sự lạc quan, sự nhiệt tình, sự vận động. Tức là họ tràn đầy sức sống, nhựa sống. Và cũng có nghĩa là đang có phước. Còn người nào ta nhìn vào mắt họ, mặt họ ta thấy cứ tối tăm, uể oải suốt, tức là Sinh Lực họ kém. Có thể đang mang một cái bệnh nào đó, có thể sắp gặp chuyện không hay, có thể tâm lý đang bị trói buộc bởi điều tiêu cực nào đó hoặc chuẩn bị hết thọ mạng.

Sinh Lực là điều cực kỳ quan trọng cần được quan tâm. Vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự tỉnh giác của nội tâm tu hành. Người không có sinh lực thì tâm trí, thân thể lúc nào cũng mệt mỏi, tiều tụy không nhiếp tâm được. Đó là lý do người trẻ dễ tu, dễ nhiếp tâm hơn nếu tinh tấn so với người đã lớn tuổi. Vì sinh lực họ còn nhiều. Người có sinh lực mà nếu không biết tác ý, không biết khống chế sinh lực đó sẽ trở thành sự kích động ái dục khiến người này trong chuyện giường chiếu cực kỳ sung mãn, khiến người này năng động đến mức cuồng tín hay thành kích động phá hoại.

Sinh Lực và sinh dục đi chung với nhau. Sinh Lực và năng lực tâm linh cũng đi chung với nhau. Quan trọng là chúng ta dùng ý chí, quan điểm để chọn lựa mục đích cho Sinh Lực. Một Bậc Thánh khi nhập định thì toàn thân tỏa ra hào quang rực rỡ. Hào quang đó chính là Sinh Lực, là sức sống mãnh liệt của các Ngài. Chúng ta cứ quan sát các Bậc Tăng Ni đức độ sẽ thấy khuôn mặt các Ngài từ ái, sáng ngời, từng bước đi, ánh mắt cực kỳ hiền lành nhưng sang trọng, đẹp đẽ vô cùng khiến chúng sinh kính nể. Phong thái đó từ Sinh Lực nhiếp tâm, từ nhựa sống tu hành, từ lòng từ bi mà tuôn chảy ra. Và đó là một dấu hiệu của sự tu tập đúng hướng.

Người bị yếu sinh lý thì cũng không có Sinh Lực. Người bị các bệnh về sinh lý cũng khó mà nhiếp tâm được. Có nghĩa muốn hưởng thụ mà hết phước để hưởng luôn. Cho nên việc giữ gìn Sinh Lực là cực kỳ quan trọng. Vì Sinh Lực chính là sợi dây nối kết giữa cơ chế vật lý và cơ chế tâm lý của cơ thể. Cơ thể suy nhược thì tâm trí u ám, tâm trí buồn bã thì cơ thể dễ bệnh tật. Cơ thể mạnh khỏe thì tâm dễ tỉnh giác, tâm trí sáng suốt thì cơ thể cũng an ổn.

NHỮNG CÁCH CỦNG CỐ SINH LỰC  cho cơ thể:

- Quan tâm, bồi dưỡng chân âm cho tạng thận bằng các bài thuốc bổ như Tư Âm Bổ Thận, Thập Toàn Đại Bổ, Doragon (Địa Long), các vị Hà Thủ Ô, Đậu Đen, Mè Đen... Vì tạng thận, tuyến thượng thận đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong nhu cầu sinh lý sinh dục. Thận suy thì dễ gây yếu sinh lý, xuất tinh sớm, bệnh về tiết niệu. Thận suy thì thần trí cũng mê mờ theo.

- Dinh dưỡng là điều cực kỳ quan trọng. Ăn uống đầy đủ, lành mạnh, tươi sạch cũng như đa dạng các loại thức ăn.

- Sống tích cực, lạc quan, suy nghĩ điều thiện. Có cống hiến, phụng sự, lao tác công ích giúp đời giúp người thật nhiều. Vì khi ta tạo ra công lao thì bù lại ta có sinh lực. Người nhàn rỗi thì sẽ chết sớm, sẽ mất hết sinh lực và tâm lý hay rơi vào tiêu cực.

- Phóng sinh, cứu vật, trồng rừng, trồng cây, bảo vệ môi trường sinh thái, hổ trợ người nghèo trị bệnh... những việc thiện giúp tạo ra sự sống thì chính ta cũng phải tràn đầy sức sống trở lại. Nhưng phải kiên trì làm lâu dài.

- Ngủ nghỉ hợp lý, tiết độ trong sinh hoạt tình dục, sống lành mạnh, hạn chế xuất dịch sinh dục.

- Phải rèn luyện thể chất bằng tập tạ, cardio chạy bộ, street workout, thể dục dưỡng sinh, yoga... để giữ gìn vóc dáng, rèn luyện hô hấp và tim mạch cũng như đào thải lượng mỡ thừa, các chất độc hại cũng như phóng thích các hocmon có lợi để thần trí, cơ thể luôn khỏe mạnh. Người quá mập, quá ốm đều rất thiếu sinh lực. Chúng ta cần một thân hình lý tưởng, nếu to thì đầy đặn chứ không chảy xệ nặng nề, nếu ốm thì fit người thon dáng chứ không trơ xương yếu ớt.

- Tập khí công, hít thở đúng cách để tích khí ở huyệt Đan Điền để tránh sau này sinh lực tràn đầy lại chạy lên não kích thích tín hiệu Sinh Dục.

- Tọa thiền đúng phương pháp để giữ gìn giới hạnh, bảo vệ tâm trí trước sự dao động của tâm.

- Giữ gìn tâm hồn hiền lành, khiêm tốn, tránh nóng giận mà gây bốc hỏa lên não làm hao tổn nguyên khí, sinh lực và gây động dục.

- Thay đổi quan điểm sống theo hướng tích cực cũng như định hướng tu hành thanh cao thay vì thụ hưởng ái dục tạm bợ. Vì sinh lực thì hữu hạn nhưng dục lạc thì vô biên. Khi hết sinh lực rồi mà cái muốn dục lạc vẫn còn thì cực kỳ bức bách, đau khổ.

- Tham gia các hoạt động cộng đồng, tiếp xúc hòa hợp với cộng đồng trong hội nhóm để tạo thành tâm lực vô hình đỡ đần nhau, học hỏi nhau, ảnh hưởng nhau điều hay, lẽ phải và nghị lực sống.

- Và nếu đang bị bệnh gì về sinh lý hãy tích cực điều trị đúng phương pháp.

Sinh Lực dùng đúng thì thành năng lực tâm linh, thành sức khỏe, thành sự an vui của nội tâm, thành phước lành cho mai sau. Cả một đất nước mà thân tâm ai cũng tràn đầy sinh lực, ai cũng làm việc đạt năng suất cao, ai cũng sống trong sự hỷ lạc an vui, trong yêu thương hòa ái, trong đạo đức thì ắt rằng đất nước đó sẽ là hình mẫu lý tưởng cho thế giới cùng noi theo.

BẢN LĨNH CỦA NGƯỜI ĐÀN ÔNG không phải là sung mãn trên giường chiếu mà là biết kiềm chế ái dục. BẢN LĨNH CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ không phải là thỏa mãn được sinh lý nhiều lần mà là biết giữ gìn đức hạnh.

DANH SÁCH BÀI VIẾT

CHÂN GIÁC (tổng hợp)

popup

Số lượng:

Tổng tiền: