Tam bảo Phật-Pháp-Tăng

PHÁP NÀO

09/12/2021 Phúc Khiết Giác 0 Nhận xét
PHÁP NÀO

Cảm ơn Người đã viết bài
Giúp con thoát khỏi tu mù tu sai
Bằng phân tích rất là tài
Khách quan khoa học chẳng sai chút nào
Chánh kiến đã được đề cao
Thoát khỏi mê tín đi vào đường ngay
Giải thoát giác ngộ từ đây
Theo đường Bát Chánh tràn đầy niềm tin
Từ nay thôi khỏi kiếm tìm
Thích Ca Phật Tổ trong tim con rồi!
Tu mang lợi ích cho đời
Con dâng lên Phật một trời kính thương

Con hiểu Pháp cũng vô thường
Hiểu đúng ý Phật là đường phải đi
Ai dù có nói năng gì
Cũng xin suy xét liễu tri đến cùng
Chọn được Chánh Pháp con mừng
Tránh xa mê tín, xin đừng vội tin!
Ai còn mong mỏi kiếm tìm
Đọc kỹ bài viết để tin Pháp nào?

PHÁP NÀO (P.1)

HỎI: Hiện nay có rất nhiều tín ngưỡng, có rất nhiều loại đạo, nên không biết phải theo đạo nào cho đúng. Nếu chọn không theo đạo nào hết thấy cũng sai sai. Rồi chọn theo đạo Phật cho yên tâm với đạo lý từ bi hiền lành, nhưng bước vào đạo rồi mới phát hiện trong đạo Phật cũng có quá nhiều loại giáo pháp. Một số giáo lý ngay trong đạo Phật cũng mâu thuẫn với nhau. Thật là hoang mang!

ĐÁP: Xin chúc mừng bạn đã chọn đạo Phật, vì đạo Phật là một tôn giáo tiến bộ nhất thế giới. Giáo lý của đạo Phật không bao giờ bị lạc hậu dù cho khoa học kỹ thuật tiến bộ đến đâu. Đạo Phật cũng là một tôn giáo hòa bình nhất thế giới vì chủ trương tôn trọng sự sống của vạn loài. Đạo Phật cũng là tôn giáo trí tuệ nhất thế giới vì luôn khuyến khích Buddhists (cả xuất gia và tại gia) đi tìm sự thật chứ không lệ thuộc vào niềm tin. Khi tin rồi thì ta không cần giải thích nữa, còn khi biết nghi ngờ thì ta sẽ đi tìm sự thật, tận cùng của sự thật.

Việc trong đạo Phật có nhiều giáo lý mâu thuẫn nhau bởi vì sau khi Phật nhập niết bàn đã có vài tác giả táo bạo viết ra các tác phẩm mới, cho đó cũng là kinh của Phật thuyết bị thất lạc mới tìm ra. Họ viết hay đến nỗi thuyết phục rất nhiều người tin theo và cho cũng là giáo lý Phật dạy. Tuy nhiên, trí tuệ của họ không giống Phật nên xảy ra tình trạng nói ngược với Phật tổ Thích Ca Mâu Ni.

HỎI: Thế sao các giáo hội, các tăng ni đâu mà không phân định rõ kinh thật hay kinh chế sau? Một tôn giáo lớn như Phật giáo thì phải có ban phụ trách san định kinh điển chứ?

ĐÁP: Cũng có một số vị muốn san định lại kinh điển, nhưng vấp phải sự chống đối quyết liệt của các phe đã chấp nhận kinh chế, nên ngại rồi thôi. Tuy nhiên, thời đại tiến bộ này con người đòi hỏi sự thật, tìm kiếm sự thật, nên áp lực của việc cần phải xác định kinh nào đúng của Phật thuyết, kinh nào chế tác mới về sau, phải thực hiện.

Ví dụ giáo lý của Phật đều lấy luật Nhân quả Nghiệp báo làm nền tảng, nhưng đã xuất hiện một số kinh điển mới, một số quan điểm mới không xem Nhân quả Nghiệp báo là quan trọng nữa, xem thần chú hiệu quả hơn. Đó cũng là một mâu thuẫn.

HỎI: Theo nguyên tắc kinh tế thị trường thì điều gì được quần chúng đón nhận thì điều đó sẽ tồn tại dù nó là hàng nhái. Nếu quần chúng thích thần chú thì mật chú sẽ tồn tại.

ĐÁP: Quần chúng thích mật chú vì có vẻ như không cần phải vất vả tạo phúc gì cả, chỉ cần trì tụng mật chú, hoặc nhờ vả (có thù lao) các thầy tụng giùm thì người ta sẽ đạt được các ước nguyện về danh vọng tài sản. Cái lý lẽ này hoàn toàn đi ngược với giáo lý chân chính ban đầu của Phật Thích Ca. Nhưng tiếc rằng nó đáp ứng được nhu cầu của chúng sinh thích được lợi lớn với chi phí thấp. Mọi người đổ xô theo nó và quên mất luật Nhân quả Nghiệp báo rất công bằng.

Cuối cùng thì cái gì đúng mới có kết quả tốt, cái gì sai sẽ đổ vỡ. Chỉ những ai siêng năng tạo phúc thì mới có phúc báo. Còn những ai không làm phúc thì chẳng được gì.

HỎI: Ngoài ra còn có sự mâu thuẫn ở nhiều khía cạnh khác nữa. Ví dụ mục tiêu của đạo Phật là giải thoát giác ngộ, nhưng nhiều người không cảm nhận được giải thoát giác ngộ là gì, nên dừng lại ở mục tiêu tìm lợi dưỡng thế gian mà thôi. Mục tiêu này lại có vẻ thực tế dễ hiểu dễ hành.

ĐÁP: Đúng là ít ai cảm nhận được ý nghĩa cao quý của mục tiêu giải thoát giác ngộ nên xoay qua đi tìm lợi dưỡng thế gian, và có các bài kinh các bài pháp đáp ứng nhu cầu đó. Những bài kinh sai lệch, tầm thường, nhưng được khoác màu áo kinh Phật nên vẫn được nhiều người chấp nhận, khiến cho đạo Phật bị trộn lẫn các tà kiến.

Mỗi người chúng ta phải lễ Phật cầu xin tìm được đúng Chánh Pháp của Phật, không bị mê hoặc bởi tà kiến giả mạo, để cuộc đời mình không bị lạc vào tăm tối khổ đau.

PHÁP NÀO (P.2)

HỎI: Có những bản kinh nói rằng chỉ cần miệt mài tụng kinh này thì công đức vô lượng, đúng không ạ?

ĐÁP: Kinh đúng của Phật Thích Ca Mâu Ni thì không nói thế, vì còn bảo chúng sinh phải thực hành mới thành tựu công đức. Tụng kinh là ôn lại lời Phật dạy cho nhớ kỹ, cho hiểu kỹ, rồi đem ra ứng dụng thực hành. Nhờ có thực hành rồi mới có công đức. Nhờ có công đức rồi mới thành tựu đạo quả cao siêu. Công đức càng nhiều thì đạo quả càng phi thường.

Thời gian dành cho việc thực hành mới là cánh cửa mở ra những điều mầu nhiệm. Tuy nhiên thực hành là hao tốn nhiều thời gian và hao tốn nhiều công sức. Thực hành là rất vất vả.

Thời gian tụng kinh chỉ nên chiếm tỷ lệ một phần rất nhỏ mà thôi. Thời gian tu tập thực hành mới là lớn. Ngồi tụng kinh miệt mài thì không còn thời gian thực hành nữa nên không có công đức gì nhiều, nhưng lại ảo tưởng tự cho mình có phúc rất lớn. Từ đó người này tự cho mình hơn người, dù không làm gì có lợi cho chúng sinh cả.

Đạo Phật về sau suy yếu dần cũng bởi vì các đệ tử của Phật không chịu khó làm lợi ích cho chúng sinh. Không làm lợi ích cho ai thì chính mình không có phước, và đạo pháp cũng không phát triển.

HỎI: Hình ảnh người tu ngồi trầm mặc tụng kinh cũng hay lắm chứ. Khói trầm quyện tỏa, chính điện nghiêm trang, lời kinh bay bổng, điệu tụng say mê, cũng có vẻ cao siêu lắm ạ.

ĐÁP: Nếu người tu mà sau đó toạ thiền bất động, rồi giáo hóa chúng sinh, làm nhiều việc phúc thiện, thì còn cao siêu hơn nữa. Kinh mà khuyến khích mọi người chỉ dừng lại ở việc tụng kinh thì bảo đảm kinh đó do người sau chế tác. Kinh của Phật Thích Ca thuyết thì không bao giờ kêu gọi dừng lại ở việc tụng kinh. Hành trì tinh tấn thầm lặng khiêm tốn mới là kinh Phật.

HỎI: Khi đọc các bản kinh đó đều thấy diễn tả khung cảnh hoàng tráng choáng ngợp với vô số Bồ tát, chư thiên, cõi nước, hào quang, thần thông... Ngôn ngữ thì vô cùng trau chuốt diễm lệ. Đọc xong lòng ngất ngây sung sướng. Kinh ai chế tác sau Phật mà đạt được hiệu ứng như thế thì cũng đáng lễ bái, thán phục, đọc tụng chứ?

ĐÁP: Nếu ta xác định Phật là đấng vô thượng không ai hơn, trí tuệ Phật thì không ai so sánh được, thì ta không bị các hình ảnh tưởng tượng đó dẫn dụ. Bức tượng Phật bây giờ nhiều khi còn được tô vẻ đẹp hơn kim thân thật của Phật ngày xưa mà. Người về sau chế tác kinh Phật thì có thời gian để phát huy trí tưởng của mình, khiến cho chúng sinh mê say, và cũng làm chúng sinh tăng thêm lòng tôn kính Phật. Tuy nhiên, đạo lý trong các kinh chế tác mới thì khó mà đạt được tinh túy của sự giác ngộ như của Phật. Lời kinh của Phật thì bình dị nhưng sâu sắc và đem lại lợi ích lớn. Còn kinh chế tác sau thì lớn lao hoành tráng nhưng lợi ích lại không nhiều, đôi khi mâu thuẫn với đạo lý giác ngộ giải thoát của Phật.

HỎI: Làm sao đánh giá được các kinh chế tác về sau, kinh nào có lợi ích cho chúng sinh?

ĐÁP: Kinh nào cố gắng tìm cách giải thích những điều Phật đã giảng thì kinh đó có lợi ích cho chúng sinh. Còn kinh nào cho rằng mình đã phát minh ra điều mới hơn Phật, khác hơn Phật, hay hơn Phật, thì kinh đó ban đầu sẽ thu hút một bộ phận rất lớn chúng sinh, nhưng về sau sẽ làm cho Phật Pháp suy tàn.

Không ai có trí tuệ hơn Phật cả, thế nên ai biết tôn kính Phật, biết khiêm tốn học lời Phật dạy, cố gắng tìm cách giải thích những điều Phật dạy cho rõ nghĩa giùm cho chúng sinh ở thời đại mới, thì hy vọng người đó đi không sai đường của Phật.

PHÁP NÀO (P.3)

HỎI: Người bình dân cứ nhìn thấy chùa, thấy có thờ Phật, thấy cạo tóc mặc ca sa thì cho rằng những gì được nói ra từ nơi đó đều là Pháp Bảo đáng kính thờ, học hỏi. Bây giờ bắt phải phân biệt nội dung đạo lý đó đúng với Chánh Pháp của Phật Thích Ca hay không thì thật là phức tạp.

ĐÁP: Xin đừng thấy nước tưởng sông, thấy cười tưởng sướng, thấy đông tưởng cùng đàn....

Đạo lý khác với một câu chuyện giải trí mà ta đọc cho qua thời gian. Đạo lý là sự tôn thờ, áp dụng thực hành, nên làm thay đổi tâm hồn và cuộc sống, số phận của ta, đem lại hạnh phúc hay khổ đau, mở ra trí tuệ hay sự ngu dốt, nâng lên hay hạ xuống giá trị của ta trong trời đất này. Nếu ta tiếp nhận và chấp nhận một nguồn đạo lý sai thì hậu quả là thảm khốc, có khi phải đọa vào ác đạo sau khi chết. Còn nếu ta tìm thấy một nguồn đạo lý chân chính thì phúc ta sẽ tăng từng ngày cho đến vô tận.

Cái khó cho ta là ta chưa đủ trí tuệ để nhận ra đạo lý nào đúng với Chánh Pháp của Phật Thích Ca, hay đạo lý nào chỉ mượn danh Phật mà gây ảnh hưởng. Ai cũng lấy hình thức chùa, tượng Phật, áo ca sa, tóc cạo... để bảo đảm cho kinh kệ đạo lý của mình.

Tuy nhiên, đây là việc vô cùng hệ trọng cho mình và mọi người chung quanh nên ta phải hết sức sáng suốt lựa chọn cho bằng được một nguồn đạo lý chân chính.

HỎI: Việc đi sâu vào nội dung để đánh giá xem kinh điển đó, lời thuyết giảng đó, đạo lý đó, cuốn sách đó có đúng với Chánh Pháp của Phật Thích Ca hay không thì thật là khó khăn. Dựa vào những điểm căn bản nào để đánh giá ạ?

ĐÁP: Trước hết ta dựa vào Luật Nhân Quả Nghiệp Báo. Ai nói gì, dẫn kinh điển nào mà phù hợp với Nhân Quả thì đó là đúng căn bản của Chánh Pháp.

Thứ hai ta dựa vào cách hướng về Phật. Ai tôn kính Phật rồi nỗ lực tu hành hoàn thiện bản thân thì đó là đúng với Chánh Pháp. Còn ai tôn kính Phật rồi giao phó mọi việc cho Phật, cho rằng Phật phải có bổn phận cứu độ mình, thì sai với Chánh Pháp.

Thứ ba ta đánh giá đạo lý đó có hướng về Vô Ngã hay không. Nếu càng tu thì càng khiêm tốn hiền lành, không còn thấy mình quan trọng nữa, thì đúng với Chánh Pháp. Nếu càng tu mà càng kiêu mạn, thấy mình hơn người, làm được chút gì hay liền chấp công, kể công, thì sai với Chánh Pháp.

Thứ tư là đạo lý đó có làm tăng trưởng Tam Vô Lậu Học, Giới Định Tuệ hay không. Càng tu phải càng giữ Giới trong sạch dần, càng tu phải càng thanh tịnh nội tâm dần, càng tu phải càng sáng suốt hiểu biết hơn, thì đó là đúng với Chánh Pháp. Ngược lại, càng tu mà giới càng phạm, tâm càng loạn, trí càng mờ, thì đó là sai với Chánh Pháp.

HỎI: Có người mới tu thì rất tốt, có Giới, có Định, có Tuệ, nhưng về sau mất hết, thì làm sao đây?

ĐÁP: Có một số phương pháp hành trì mới đầu cho kết quả tốt, khiến hành giả tự tin quảng bá, nhưng một thời gian sau thì xuất hiện kết quả xấu, xấu về Sức khỏe, Giới hạnh, Trí tuệ. Phương pháp đó, đạo lý đó bị sai mà không ai biết.

Đôi khi ta bắt gặp một cuốn sách, một bản kinh nói nghe rất cao siêu, nhưng ta không ngờ ẩn chứa trong đó có những sai lầm vi tế nguy hiểm. Kể cả tác giả được xưng tụng là Thánh tăng đắc đạo, cũng chưa chắc đạo lý đó hoàn toàn đúng với Chánh Pháp của Phật Thích Ca. Nếu ta hành trì theo thì sẽ có ngày xuất hiện đổ vỡ, bất an.

Đệ tử Phật thì đừng dại khờ cho mình được quyền phát minh ra cái gì mới hơn Phật, khác hơn Phật, mà chỉ nên cố gắng hiểu kỹ hơn lời Phật dạy, đào sâu những nghĩa lý mầu nhiệm ẩn chứa trong các lời nói giản dị của Phật, là tốt nhất.

HỎI: Như thế thì cứ tập trung hành trì theo tạng kinh Nikaya là an toàn nhất phải không ạ?

ĐÁP: Câu nói này vừa đúng vừa sai. Đúng vì tạng kinh Nikaya là rất gần với lời Phật dạy nhất. Tuy trải qua nhiều lần kết tập, các nhà khoa học cũng phát hiện một số điểm nghi ngờ, nhưng dù sao thì tạng kinh Nikaya vẫn là gần sát với những gì Phật dạy nhất.

Sai là không phải ai đọc tụng làu làu cũng hiểu đúng ý của Phật nói. Ngay cả người cùng thời với Phật Thích Ca, nói cùng ngôn ngữ của Phật Thích Ca, mà nghe Phật giảng thuyết cũng chưa chắc hiểu hết, chưa chắc hiểu đúng ý của Phật. Huống hồ tạng kinh Nikaya là đã đổi qua ngôn ngữ Pali là ngôn ngữ của kinh đô thời vua Asoka chứ không phải là ngôn ngữ Phật nói ban đầu. Thế nên dù có tập trung vào tạng kinh Nikaya thì khoan vội cho mình hiểu đúng hết ý của Phật nói. Ta phải thành kính lễ Phật mãi...

PHÁP NÀO (P.4)

HỎI: Dù nhiều kinh điển Đại thừa được soạn ra sau Phật nhập niết bàn từ hai trăm năm đến cả nghìn năm, nhưng rất nhiều đạo lý cực kỳ có giá trị chứ đâu thể phủ nhận hết được?

ĐÁP: Vì tạng kinh Đại thừa do nhiều tác giả khác nhau soạn vào các giai đoạn khác nhau nên giá trị mỗi kinh cũng rất khác nhau, dù đôi khi đọc thấy na ná giống nhau. Có những bản kinh Đại thừa ẩn chứa nhiều đạo lý cao siêu giá trị, bởi vì tác giả cố gắng đào sâu ý của Phật Thích Ca. Còn có những bản kinh Đại thừa đi ngược lại ý của Phật Thích Ca nên ta không dám tham khảo ứng dụng.

Kinh Kim Cang Bát Nhã là một bản kinh Đại thừa nhưng đào sâu đạo lý Vô Ngã từ thời Phật, khuyến khích hành giả siêng năng gây tạo các công đức nhưng biết không chấp công. Đây là đạo lý vô ngã từ thời Phật, mà cũng là đạo đức sâu xa cần phải có của mỗi người tu hành.

Nguy hiểm nhất là các bản kinh hạ thấp giá trị của quả vị Alahan, làm chúng sinh khởi tâm xem thường các vị Alahan, tổn hết phước, mắc quả báo khó tu hành về sau.

HỎI: Nhưng rõ ràng Alahan nhập niết bàn rồi biến mất luôn, khác với Bồ tát Đại thừa dấn thân hóa độ chúng sinh. Kinh Đại thừa chê là đúng.

ĐÁP: Xin vui lòng chỉ ra những vị Bồ tát nào đang dấn thân hóa độ chúng sinh cho mọi người thấy đi, hay chỉ nghe kinh nói mà thôi? Còn có ai đã chứng để hiểu Alahan nhập niết bàn rồi biến mất luôn hay vẫn có tác dụng âm thầm nào đó chăng?

Biết đâu Alahan nhập niết bàn rồi trở thành một sức mạnh siêu nhiên hòa nhập với chư Phật để tùy duyên hóa độ chúng sinh trong âm thầm lặng lẽ. Với trí giác đầy đủ Tam Minh Lục Thông thì chỉ cần một niệm tôn kính Alahan cũng khiến cho chúng sinh được rất nhiều công đức.

HỎI: Thế thì Bồ tát Quán Thế Âm rất linh ứng, ta phải hiểu như thế nào?

ĐÁP: Thời đức Phật đã có rất nhiều tỳ kheo tăng và tỳ kheo ni chứng Alahan, các vị đâu có bỏ mặc chúng sinh. Bây giờ ta gọi tên gì các vị cũng từ bi cứu giúp. Các vị Alahan không cần tên tuổi, chỉ cần chúng sinh có tâm thành, có biết hướng thiện, thì các vị đều dõi trông che chở. Ta gọi Alahan cũng được, gọi Bồ tát cũng được, các ngài chẳng chấp.

HỎI: Đại thừa nhiều kinh thì biết chọn kinh nào cho đúng?

ĐÁP: Ta chọn kinh nào không mâu thuẫn với tạng kinh Nikaya là chuẩn. Nhưng đặc tính của kinh Đại thừa là phát triển hơn so với kinh nguyên thủy, đó là do thời đại về sau ngôn ngữ và lý luận phát triển cao hơn mà thôi. Còn cái lõi Vô Ngã từ thời Phật Thích Ca phải được giữ cho kỹ.

HỎI: Đọc kinh Đại thừa thấy nói cái gì cũng không, chẳng hiểu sao nữa.

ĐÁP: Nếu kinh đó nói cái gì cũng không thì sai. Đạo quả là cái có, công đức là cái có. Ta chỉ nói không để đừng chấp công, để đừng chấp ngã mà thôi. Không chấp công, không chấp ngã, không tham đắm, không ích kỷ... đúng là không những thứ đó để đạt được đạo đức. Còn nếu gạt sạch mọi thứ là không thì sẽ trở thành vô trách nhiệm, mất đạo đức.

PHÁP NÀO (P.5)

HỎI: Xin vui lòng nói về ưu và nhược điểm của hai hệ thống kinh điển Nguyên thủy và Đại thừa.

ĐÁP: Kinh tạng Nikaya nguyên thủy có ưu điểm là gần sát với lời dạy của Phật Thích Ca nhất. Nhược điểm của kinh tạng này là sự cách xa về thời gian và ngôn ngữ nên không phải ai cũng hiểu hết ý của Phật nói ban đầu. Phải có phúc được Phật gia hộ ta mới hiểu được ý Phật. Nếu dựa vào chữ câu thì có khi bị nhầm.

Ưu điểm của kinh tạng Đại thừa là có một số triển khai sâu thêm rõ thêm đạo lý Vô Ngã của Phật Thích Ca. Nhược điểm là không ghi tên tác giả. Mà nhiều tác giả khác nhau nên quan điểm các kinh không nhất quán, có khi sai với Chánh Pháp của Phật Thích Ca.

Kinh tạng Nikaya thì được ghi lại bằng ngôn ngữ Pali là ngôn ngữ của vua Asoka sử dụng. Kinh tạng Đại thừa thì được ghi lại bằng ngôn ngữ Sancrit là ngôn ngữ của các giáo sĩ Bà la môn. Đây cũng là lý do các sư Theravada công kích Đại thừa là ngoại đạo Bà la môn. Ngược lại, phản ứng lại, các sư Đại thừa chê Nam tông là tiểu thừa, hẹp hòi thụ động.

HỎI: Ngày nay ta có cơ hội hiểu kỹ lịch sử, khách quan nhìn cả hai hệ thống kinh điển, thế ta nên chọn hệ thống nào là đúng với Chánh Pháp nhất?

ĐÁP: Kinh nào tập trung quanh Đức Phật thì ta chọn, vì có ai hơn Phật được đâu. Sau này Phật giáo chia ra nhiều tông phái đại diện cho các cách hiểu về đạo lý của Phật. Có cách hiểu đúng, có cách hiểu sai, có cách hiểu đúng một phần sai một phần.

Ta cũng rất ủng hộ sự LÀM MỚI phương pháp trình bày đạo lý, nhưng yêu cầu phải tập trung đào sâu ý của Phật chứ đừng có một ý niệm nhỏ là mình mới hơn Phật, khác hơn Phật mà mắc lỗi kiêu mạn.

Dĩ nhiên là ta ưu tiên chọn kinh tạng Nikaya vì giá trị lịch sử không thể phủ nhận đó là kinh điển gần sát với lời dạy của Phật Thích Ca nhất. Tuy nhiên ta cũng chọn lựa được rất nhiều quan điểm quý giá từ một số kinh điển Đại thừa. Kinh điển Đại thừa có một nét nghệ thuật độc đáo là tạo ra khung cảnh hoành tráng ngây ngất ở pháp hội thuyết giảng của Phật làm cho ta chìm vào không gian mênh mông choáng ngợp xúc động.

HỎI: Nếu mỗi tông phái giữ chặt quan điểm của mình, khăng khăng bảo vệ niềm tin hệ thống giáo lý của mình, cho rằng chỉ có mình là đúng với Chánh Pháp của Phật Thích Ca mà thôi, thì hậu quả sắp tới sẽ như thế nào?

ĐÁP: Điều này là bệnh chung của phàm phu, vừa cố chấp vừa kém thông minh. Còn những ai sáng suốt nghĩ đến Phật Pháp chung thì sẽ biết vượt khỏi chính mình để đi tìm chân lý chung đồng cho tất cả. Ngày xưa phân hóa thành các tông phái vì chấp ý mình, bây giờ tìm lại một đạo Phật chung không còn tông phái nữa.

Cái đạo Phật chung đó bao gồm những giáo lý bất biến như Luật Nhân Quả Nghiệp Báo, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, lý tưởng Giác ngộ Giải thoát, mục tiêu Vô Ngã, lòng tôn kính Phật tuyệt đối, tâm Từ bi vô hạn, hạnh nguyện hóa độ chúng sinh....

HỎI: Việc bỏ dần tông phái riêng để tìm về một đạo Phật chung thật là khó khăn vì sự cố chấp của chúng sinh phàm phu là ngọn núi đá.

ĐÁP: Nếu ai có lòng nghĩ đến Phật Pháp chung thì phải tự đập vỡ ngọn núi cố chấp của chính mình. Còn ai không đập nổi thì là kẻ góp phần làm cho Phật Pháp suy tàn, thế thôi.

PHÁP NÀO (P.6)

HỎI: Có những người tu lâu, đi chùa lâu, nhưng không thấy tiến bộ về đạo đức giới hạnh, có phải là do tu sai không?

ĐÁP: Có thể vị thầy dạy đúng với Chánh Pháp nhưng họ thực hành sai nên không hiện ra kết quả đạo đức giới hạnh. Có thể vị thầy của họ đã dạy sai với Chánh Pháp nên họ tu theo và không thành tựu đạo đức giới hạnh.

Nếu tu đúng với Chánh Pháp thì dù cho ta chưa đắc Thánh quả, nhưng đạo đức giới hạnh phải xuất hiện trước. Càng tu thì người đó phải càng hiền lành, từ bi, siêng năng, tử tế, khiêm tốn, sáng suốt, trầm tỉnh... Nếu tu lâu mà những đức tính đó không xuất hiện, hoặc tệ hơn là ngược lại, thì phải biết tu sai rồi.

HỎI: Nếu tu sai thì sai ở chỗ nào, sai ở pháp nào?

ĐÁP: Pháp môn sai là sai với Bát Chánh Đạo, mà đầu tiên là sai với Chánh Kiến, nghĩa là bị rơi vào Tà kiến. Tà kiến bao gồm những điểm sau đây:

- không hiểu và không áp dụng Luật Nhân Quả Nghiệp Báo vào đời sống một cách chặt chẽ, chi li, kỹ lưỡng, dẫn đến lười làm phúc giúp người.

- không hướng về Vô Ngã, cứ tự cho rằng nơi mình có sẵn cái phi thường cao siêu, làm tăng thêm kiêu mạn ngã chấp hơn hồi chưa biết tu.

- cứ bài bác đủ thứ, nói gì cũng Không, thích đi tìm tự tại an nhàn rồi trở thành vô trách nhiệm với cuộc đời, nên duyên phước cạn dần.

- không tăng trưởng lòng tôn kính Phật lớn mãi đến tuyệt đối, nhiều khi còn ngạo mạn cho rằng Phật tại tâm chẳng cần tìm Phật bên ngoài, dẫn đến truyền bá quan điểm bất kính Phật, quả báo là mất hết đạo đức, phạm giới, phạm tội, rồi điên loạn luôn.

- không tăng trưởng lòng từ bi sâu sắc rộng lớn với tất cả chúng sinh, nên tu lâu mà khô khan, lạnh lùng, khó gần, khiến chúng sinh xa lánh.

Nhiều loại tà kiến lắm...

HỎI: Thiền là đi tìm nội tâm thanh tịnh vắng lặng không còn suy nghĩ gì, nên phải tránh duyên, tránh đời, tránh chúng sinh, tránh việc cho khỏi bận tâm, đúng không ạ?

ĐÁP: Đây chính là một Tà kiến cực lớn mà nhiều người mắc phải. Họ cứ tưởng đừng làm gì, đừng lo cho ai, đừng dính líu vào việc đời để giữ cho tâm thanh tịnh. Sai rất nặng.

Theo Bát Chánh Đạo, phải có phước và đạo đức cực lớn rồi mới thành tựu thiền định được. Hành giả phải tu dưỡng đạo đức sâu dày thông qua những thử thách khi sống giữa đại chúng. Hành giả phải tạo phước cực lớn khi dấn thân cống hiến phụng sự cho chúng sinh chứ không phải là xa lánh chúng sinh. Tuy nhiên hành giả phải giữ tâm đừng tham đắm dính mắc mà gieo nghiệp ô nhiễm. Ai càng xa rời chúng sinh thì càng không làm gì có phước. Không có phước thì thiền định không thể thành tựu.

HỎI: Có bao nhiêu loại thiền tất cả?

ĐÁP: Tông phái thiền thì nhiều, nhưng tựu trung chia làm các loại sau đây:

- khá đúng với phương pháp Phật dạy, nhưng chỉ tìm cách chứng thiền chứ không có con đường chứng Thánh quả.

- thiền quán tất cả là không, cực đoan không, phủ nhận hết mọi thứ, để hy vọng tâm không vướng mắc.

- thiền với niềm tin nơi mình có sẵn Phật tánh cao siêu, đi tìm sự đốn ngộ kiến tánh là xem như thành Phật.

- thiền theo Bát Chánh Đạo hướng về Vô ngã, vừa tu vừa hoàn thiện đạo đức và gây tạo công đức đến vô tận.

- một số thiền ngoại đạo đi tìm quyền năng siêu nhiên.

Ta cẩn thận khi chọn lựa pháp môn thiền để tu.

PHÁP NÀO (P.7)

HỎI: Tạm thời có thể hiểu rằng có giáo pháp từ nguồn kinh tạng Nikaya gần sát với lời dạy của Phật nhất, với khả năng hiểu ít hay hiểu nhiều tùy trí tuệ, duyên phước mỗi người; và có giáo pháp từ nguồn kinh tạng Đại thừa được biên soạn bởi nhiều tác giả với nhiều mức độ khác nhau nên tạo ra nhiều tính chất phù hợp, hay không phù với Chánh Pháp của Phật Thích Ca. Ngoài ra còn những nguồn đạo lý nào nữa không ạ?

ĐÁP: Ta còn có nguồn đạo lý từ các bản luận giải của nhiều tác giả về sau. Đó là các học giả, các tổ sư, các tông sư, các luận sư, các giảng sư có tên tuổi hẳn hoi. Mỗi người lại hiểu Phật Pháp theo ý của mình để biên soạn, giải thích hoặc sáng tác. Vì là có tên tuổi tác giả hẳn hoi, nên đạo lý đó đúng hay sai thì thuộc trách nhiệm của tác giả đó.

Tuy nhiên, nếu vị đó lợi khẩu nói hay mà nói sai với Chánh Pháp của Phật Thích Ca thì tai hại vô cùng lớn, ban đầu thu hút được tín đồ, nhưng về sau sẽ làm cho Phật Pháp suy tàn.

Ngược lại, nếu vị đó lợi khẩu nói hay mà lại nói đúng Chánh Pháp của Phật Thích Ca thì sẽ góp phần làm cho Phật Pháp hưng thịnh lâu dài.

Khi ta nghe ai nói hay, viết hay, làm ta thích thú, thì xin cũng cẩn thận xét nét kỹ lưỡng, vì HAY và ĐÚNG cũng là hai điều ít liên quan.

HỎI: Thật là hết sức khó khăn để phân biệt đúng sai, chánh tà, đa phần chúng sinh nghe nói hay đều tưởng là đúng.

ĐÁP: Ngoài ra ta còn một nguồn quan điểm của ngoại đạo xâm nhập vào Phật giáo rồi đóng chốt ở đó luôn. Một số khu vực các sư chuyên luyện bùa chú, công khai phát hành bùa chú. Một số khu vực các sư chuyên cúng tế cầu nguyện theo khoa thuật của bói toán dân gian. Một số khu vực các sư chuyên pha trộn thêm triết học Tây phương, tâm lý học Tây phương để tạo ra đạo lý giảng dạy của mình.

Dĩ nhiên ta không bài bác mọi tư tưởng triết học bên ngoài là hoàn toàn sai lầm, vì quả thật cũng có những tư tưởng tiến bộ hợp lý, tương đồng với đạo Phật, nhưng ta phải xét rất kỹ để không bóc nhầm ác kiến nguy hiểm.

Gần đây cũng có một số kẻ tự xưng thần thánh cao siêu để thu hút quần chúng của đạo Phật, nhưng phía sau là các động cơ thấp hèn và thế lực ngầm điều khiển cả. Họ có những giọng điệu, quan điểm rất bậy bạ.

HỎI: Thế thì nên dựa vào đâu để tìm được đúng Chánh Pháp của Phật Thích Ca mà tu hành cho có công đức ạ?

ĐÁP: Nếu dựa vào khả năng của mình thì ta sẽ bị nhầm mãi, sẽ bị lôi kéo bởi các lời đồn đại, rủ rê có tổ chức, để tìm đến các nơi truyền bá tà đạo ác kiến, rồi đời mình rơi vào tối tăm đau khổ. Ta hãy quỳ xuống dưới chân Phật thành tâm xin Phật gia hộ cho ta tìm gặp được minh sư Chánh Pháp. Chỉ có sự gia hộ của Phật thì ta mới tìm thấy minh sư Chánh Pháp mà thôi. Tự ta rất khó biết ai đúng ai sai.

Ngoài ra, tuy khắt khe chọn lựa minh sư Chánh Pháp, nhưng ta lại không nên có quan điểm kỳ thị các tôn giáo bạn (những tôn giáo hợp pháp) vì còn phải giữ gìn sự đoàn kết cho quốc gia và cho thế giới nữa.

CHÂN GIÁC (sưu tầm)

Tags: Tam bảo Phật-Pháp-Tăng
popup

Số lượng:

Tổng tiền: