Chánh Kiến An Vui

NÓI VỚI CHÍNH MÌNH- TT. TS. Thích Chân Quang (Chùa Phật Học- Cần Thơ, 14/12/2013)

24/04/2024 Phúc Khiết Giác 0 Nhận xét
NÓI VỚI CHÍNH MÌNH- TT. TS. Thích Chân Quang (Chùa Phật Học- Cần Thơ, 14/12/2013)

Tối ngày 14/12/2013, đáp lại lời thỉnh cầu của TT. Thích Minh Thông – Trụ trì chùa Phật Học (tọa lạc tại số 11 đại lộ Hòa Bình, thành phố Cần Thơ), TT. Thích Chân Quang đã quang lâm đạo tràng thuyết giảng đề tài NÓI VỚI CHÍNH MÌNH với sự tham dự gần 1000 Phật tử tại địa phương và các vùng lân cận.

THỈNH SÁCH TẠI ĐÂY

Xét cho cùng, phải chăng, tất cả chúng ta đây không thể nào đứng yên mãi trong thân phận của một phàm phu tầm thường, hèn kém để trôi lăn mãi trong luân hồi đau khổ. Vì vậy phải nỗ lực tu hành để diệt thói xấu, chuyển từ xấu thành tốt. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao để thấy cái sai trong tâm của mình để sửa. Đây là ý nghĩa của bài Pháp thoại NÓI VỚI CHÍNH MÌNH. Thượng tọa sẽ khai mở, dạy cho chúng ta phát huy ý căn để kiểm soát tâm mình, nhìn ra cái gốc của kiết sử (những cái sai nằm trong sâu xa), nhằm phân biệt được cội gốc của khổ đau và cái gì là hạnh phúc. Đây là một sự thực hành đưa đến an định nội tâm.

Phật dạy chúng ta có lục căn (6 giác quan), tức mắt để nhìn thấy cảnh; tai để nghe tiếng; mũi để ngửi mùi; lưỡi để nếm vị; và da để đụng chạm. Năm giác quan này để chúng ta tiếp xúc mà biết được thế giới bên ngoài. Và còn cái thứ sáu là ý căn để nhìn chính tâm của mình. Tuy nhiên, vì có 5 giác quan để nhìn bên ngoài nên ta chìm trong trầm luân vô tận, chìm trong ngoại cảnh lao xao, chìm trong pháp trần mênh mông mờ mịt. Và chỉ giữ lại một ý căn mà ta ít để ý nên không thấy được tâm mình. Chính vì vậy mà ta khó tu. Còn với người có quyết tâm tu hành thì ta phải làm cho ý căn này mạnh gấp trăm lần năm giác quan kia, tức là mỗi khi mắt ta nhìn thấy cảnh, tai ta nghe tiếng thì coi lại tâm mình nghĩ gì. Đó là ta phát huy ý căn gấp trăm lần so với năm căn bên ngoài. Mà để cho ý căn phát huy hơn năm giác quan kia, đây là bí quyết của sự tu tập.

Thường chúng ta hay có khuynh hướng làm mình tổn phước mà không hay, chẳng hạn chúng ta hay đánh giá lỗi lầm của người khác nhưng ít nhận ra sai lầm của chính mình. Theo quan điểm của Thượng tọa, có 2 lý do làm cho chúng ta khó tu: Trong 6 căn mà chỉ có 1 căn để ta nhìn lại chính mình; Do bản ngã che mờ lừa gạt nên không thấy được cái sai của mình. Vì vậy, tu là tháo gỡ hai điều này, mà để làm được đòi hỏi phải là người có trí tuệ, có quyết tâm rất cao. Chìa khóa tu hành nằm ở đó, và bằng nhiều phương pháp gọi là "như lý tác ý" để cảnh tỉnh mình. 

Sau cùng, Thượng tọa tặng cho mọi người một bài kệ rất hay đã được chú giải mở rộng trong phần nội dung của bài giảng. Bài kệ này có thể giúp ích cho chúng ta trên đường tu học:

Xin cho con luôn biết lỗi mình
Xin cho con tôn trọng chúng sinh
Xin tình thương ngập tràn Pháp giới
Xin cả đời chẳng ngại hi sinh.

Chuyện trần gian bóng ngựa qua sông
Sống hết lòng nhưng chẳng bận lòng
Tin Nhân Quả, quy y Tam Bảo
Có Phật từ che chở chờ mong.

Nguyện từng ngày tinh tấn tu hành
Mặc chướng duyên cám dỗ tội tình
Lòng đã quyết một đường đi tới
Nào xá gì bao kiếp qua nhanh.

GIÁC HOME tổng hợp

popup

Số lượng:

Tổng tiền: