Chánh Kiến An Vui

KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ CHỐNG PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC 21/03/2023

21/03/2023 Phúc Khiết Giác 0 Nhận xét
KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ CHỐNG PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC 21/03/2023

|| Nguyện Mong Thế Giới Chung Câu Đại Đồng ||
𝟐𝟏.𝟎𝟑- 𝐈𝐧𝐭𝐞𝐫𝐧𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧𝐚𝐥 𝐃𝐚𝐲 𝐀𝐠𝐚𝐢𝐧𝐬𝐭 𝐑𝐚𝐜𝐢𝐬𝐦

KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ CHỐNG PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC – ĐỨC PHẬT ĐÃ NÓI GÌ VỀ VẤN ĐỀ NÀY TỪ NGÀN XƯA?

Từ ngàn xưa đến nay, sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Con người đã quá đau khổ vì sự ganh ghét, kỳ thị chất chồng qua bao nhiêu thế kỷ. Nhưng tới năm 1966, thông điệp kêu gọi xóa bỏ kỳ thị chủng tộc mới chính thức được phát động mạnh mẽ bởi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và ngày 21 tháng 3 đã được lựa chọn là Ngày Quốc Tế Chống Phân Biệt Chủng Tộc.

Trong khi đó, cách đây hơn 2.500 năm, Đức Phật từ khi còn là Thái tử trong hoàng cung, thuộc dòng dõi Sát Đế Lợi cao quý – có quyền kỳ thị những tầng lớp kém hơn mình (theo như phong tục của xã hội Ấn Độ thời bấy giờ), nhưng với lòng từ bi bao la, Đức Phật đã không những không kỳ thị mà còn yêu thương vô hạn những người thuộc tầng lớp đó và tất cả chúng sinh.

Vì xót xa trước nỗi đau khổ của muôn loài nên Người đã không màng danh lợi, bỏ lại sau lưng tất cả những vinh quang của thế gian để đi tìm đường cứu khổ cho chúng sinh. Đến khi Người đắc đạo thành Phật, thông điệp về tình yêu thương lại được Người truyền đi qua các đệ tử của mình từ ngàn xưa cho đến nay và mãi mãi ngàn sau với một lời xác quyết rúng động con tim:

KHÔNG CÓ GIAI CẤP KHI MÁU CÙNG ĐỎ! KHÔNG CÓ GIAI CẤP KHI NƯỚC MẮT CÙNG MẶN!

Lời khẳng định ấy tuyệt vời trên cả hai phương diện: Đạo đức và Nghệ thuật. Về phương diện Đạo đức, Triết học, đó là một tư tưởng tuyệt vời. Về phương diện nghệ thuật, đó cũng là một câu văn tuyệt vời, mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc.

Máu tượng trưng cho sự sống. Trên đời này, ai cũng quý sự sống. Và nơi sự sống đáng quý này, tất cả mọi người đều bình đẳng, không có sự hơn kém. Không phải vì người này giàu, người kia nghèo mà sự sống người này quý hơn người kia.

Nước mắt tượng trưng cho sự đau khổ. Sống trong cuộc đời này, con người chúng ta đều phải chịu đựng những nỗi khổ rất giống nhau. Ai cũng phải già, phải bệnh, phải chết, phải chia ly với người thân yêu của mình, phải gặp mặt người mình ghét, có những điều mong cầu không đạt được,…

Những nỗi khổ trong cuộc sống này rất giống nhau. Và chính những nỗi khổ ấy đay nghiến chúng ta, dằn vặt chúng ta một cách bình đẳng. Những giọt nước mắt chảy ra từ những nỗi đau khổ ấy của người giàu sang hay người nghèo khổ đều như nhau. Đó là điểm tương đồng trước hết chúng ta phải ghi nhận để thương yêu hoà hợp với nhau trong cuộc sống.

Chưa hết, chúng ta còn một điểm tương đồng nữa là cùng chung một loài người. Chúng ta giống nhau về lý tưởng, giống nhau trong nỗi đau khổ và giống nhau cả trong sự lầm lỗi nữa. Có thể người này đã vượt qua, người kia chưa vượt qua, nhưng những lầm lỗi trong cuộc đời này từ ngàn xưa đến bây giờ mà con người mắc phải đều rất giống nhau. Đó là những lầm lỗi hơn thua, tham lam, kiêu mạn, chấp ngã, oán hờn, vị kỷ,…

Quả thật, chúng sinh ai cũng đau khổ và mạng sống của ai cũng đáng quý. Ngày nay, thế giới đã vô cùng văn minh, tiến bộ về khoa học kỹ thuật, nhưng sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc vẫn còn rất khắc nghiệt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Là người đệ tử Phật, chúng ta thật đau lòng khi phải chứng kiến những cảnh như vậy…

CHÂN GIÁC

Tags: Nhân Qủa - Tội Phước
popup

Số lượng:

Tổng tiền: