Chánh Kiến An Vui

BẢN NGÃ ĐỘNG LỰC VÀ BẾ TẮC- TT. TS Thích Chân Quang (Chùa Từ Tân- Tân Bình- Tp.HCM, 19/03/2023)

19/03/2023 Phúc Khiết Giác 0 Nhận xét
BẢN NGÃ ĐỘNG LỰC VÀ BẾ TẮC- TT. TS Thích Chân Quang (Chùa Từ Tân- Tân Bình- Tp.HCM, 19/03/2023)

Bài Pháp đã chỉ ra khái niệm, phân loại, vai trò của bản ngã cũng như cách tiêu diệt bản ngã để giải thoát. Nhờ sự phân tích tỉ mỉ, rõ ràng của Thượng tọa, mọi người đã nhìn được sâu vào nội tâm mình, thấy được những bản năng xấu để diệt trừ. Đồng thời, biết cách làm chủ, an trú nơi bản ngã cho đến ngày giác ngộ hoàn toàn.

Thượng tọa khẳng định, đôi khi bản ngã cho ta những điều vui vẻ, tốt đẹp nhưng rồi khiến ta cứ mãi luẩn quẩn, lăn trôi, lặn ngụp trong luân hồi sinh tử vì chấp ngã. Để thực sự giải thoát, đạt được giác ngộ tột cùng, ta buộc phải vượt qua bản ngã (bắt buộc như thế). 

Mục tiêu vượt khỏi bản ngã này ngoài đạo Phật ra chưa từng có một nền triết học nào, một hệ thống tôn giáo nào nói lên được, bởi chưa có giáo chủ nào đạt được Vô ngã tuyệt đối như Đức Phật. Vậy bản ngã là gì?

Bản ngã là cái chính ta nên rất khó diệt trừ. Nhiều vị đắc đạo, tâm thanh tịnh, có thần thông, có kiến giải, tên tuổi được ghi lại trong Kinh sách nhưng 2.000 năm sau vẫn ngồi đây vì không vượt nổi bản ngã. Cũng bởi khó quá nên nhiều người tìm cách xoay sở, hạ thấp đạo Phật, khiến đạo Phật bị biến dạng, mất cái lõi bên trong. Không còn cái lõi, một ngày nào đó đạo Phật cũng biến mất luôn. Đây là một cái tội rất lớn bởi Đức Phật xuất hiện đem lại một chân lý cao tột của vũ trụ đến với hành tinh này nhưng vì một lí do gì đó mà chúng ta đã không giữ gìn, không bảo tồn được. Đã là đệ tử Phật, phải hiểu cho hết cái ý của Phật, sau đó thực hành cho đúng, cố gắng gìn giữ Chánh pháp. Không hiểu hết ý Phật sẽ thực hành sai, rồi chính ta là người làm đạo Phật biến mất.

Ai đã đọc kinh Phật sẽ thấy, đã từng có những Đức Phật xuất hiện nhưng sau đó biến mất cùng Chánh pháp. Chúng sinh vì thế cứ mãi chìm trong mê si một thời gian dài cho đến ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện, Chánh Pháp mới được dựng lại. Tuy nhiên, khi Ngài nhập diệt, cái hiểu đúng về giáo lí Phật của mọi người cũng giảm. Giờ muốn gìn giữ được Chánh pháp cho thế giới, chúng ta phải siêng năng lễ Phật, cầu nguyện, mong ai cũng hiểu đúng, thực hành đúng ý Phật.

Thật sự, Chánh pháp của Phật là điều vô cùng quý giá, quý giá hơn tất cả mọi thứ trên thế gian. Giáo pháp của Phật là niềm tin, là ánh sáng cứu độ tất cả chúng sinh. Hiểu đúng, thực hành đúng ta sẽ được phúc lành. Ngược lại, hiểu sai, thực hành sai sẽ bị quả báo khốc liệt. Nhất là thời điểm hiện tại, khi mà vật chất lên ngôi, đạo đức bị coi nhẹ, việc tu dưỡng đạo đức ngày càng trở nên cấp thiết. 

Đạo đức mà không theo kịp nền văn minh thì nền văn minh ấy sẽ tự hủy diệt. Nghĩa là khi khoa học tiến bộ nhanh mà đạo đức vẫn đứng yên sẽ dẫn đến sự mất cân đối trầm trọng khiến thế giới đảo lộn. Để thế giới tồn tại, phát triển bền vững, bắt buộc đạo đức phải tiến lên. Thế nhưng, hiện nay các tiết học đạo đức trong nhà trường gần như bị thu hẹp, có nơi còn thay thế hoàn toàn bằng các tiết học khoa học. Vậy làm thế nào để đạo đức bắt kịp khoa học?

Thượng tọa nhấn mạnh, muốn phát triển đạo đức cộng đồng, trước hết bản thân mỗi chúng ta phải thực sự đạo đức đã. Ta phải sống đạo đức để đem lại lợi ích, sự hạnh phúc, an vui cho những người chung quanh. Rời bỏ đạo đức, chỉ sống theo ý mình sẽ gây tổn hại cho những người xung quanh. Ngoài ra, ta phải làm cho mọi người tin Nhân quả, biết Nhân quả chi phối mọi điều trong cuộc sống này.

Hiện nay, có nhiều người nghĩ phước mình lớn, nếu có làm gì sai thì phước cũng chặn cho. Suy nghĩ này khiến họ có sự tự tin tột độ, cuối cùng không còn tin có Nhân quả, mất luôn cả đạo đức. Giống như người đạt được tâm chứng, phước quá lớn, tâm lại thanh tịnh nên dù có làm gì thì cũng không có quả báo xảy ra. Vì điều này mà họ dễ rơi vào tà kiến, coi thường Nhân quả. Nếu được hỏi đắc đạo rồi có bị Nhân quả chi phối không, họ dễ trả lời là không. Cuối cùng, bị nghiệp báo đọa làm súc sinh mấy trăm đời.

Thượng toạ khẳng định, tâm thanh tịnh rồi thì không nói tới tội phước nữa, đây là một tà kiến. Phải nhớ, ta dù chứng ngộ hay chưa, khi làm sai vẫn phải chịu quả báo. Nó chỉ khác là nếu tâm ta chưa thanh tịnh, khi quả báo tới ta sẽ rất đau khổ. Nếu tâm thanh tịnh rồi, ta không đau khổ khi quả báo tới nữa. Vậy nên, người hiểu đạo luôn biết cân nhắc tội phước trong từng hành vi, lời nói. Ta tưởng một người tâm thanh tịnh sẽ buông xả, vô trách nhiệm, không chấp gì, không lo gì. Thực tế không phải vậy. Nhìn vào mắt họ, ta không thấy có cái gì gọi là buông xuôi, lúc nào cũng tràn đầy trách nhiệm. Họ có thể thanh thản, không buồn, không giận nhưng luôn trăn trở, lo toan cho chúng sinh, cho thế giới. 

Như vậy, phước lớn rất quan trọng. Nhờ có phước lớn, ta dễ tu hành, có nhiều lựa chọn hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, đôi khi nhiều phước lại khiến ta có tâm lí chủ quan, rời khỏi chân lí, rơi vào tà kiến, bị đọa súc sinh. Để không chủ quan, ta lúc nào cũng phải giữ chặt ý niệm, tác ý về sự khiêm hạ. Để tu tâm khiêm hạ, ta không chỉ tác ý hằng ngày, coi mình như cỏ rác, cát bụi mà còn phải biết cúi mình, hoan hỉ phục vụ tất cả chúng sinh. Một thời gian dài thực hành như vậy, ta mới dần có được tâm khiêm hạ. Tuy nhiên, khi có nó rồi, ta phải giữ thật chặt nếu không khi phúc báo đến cho ta sự giàu có hoặc chứng đạt được tâm linh thanh tịnh, ta dễ rơi vào chủ quan, đánh mất sự khiêm hạ luôn.

Quay lại chủ đề bài Pháp, Người khẳng định bản ngã là cái kìm hãm, giam cầm, ràng buộc ta trong luân hồi. Vì bản ngã, ta lặn ngụp, lăn trôi mãi trong đau khổ. Muốn thoát khỏi bản ngã, ta buộc phải đi từ bản ngã chứ không có con đường nào khác. Như vậy, bản ngã đưa ta vào đau khổ, cũng chính nó mở ra cho ta con đường giác ngộ. Bản ngã vừa là sự bế tắc, vừa là động lực cho ta vượt lên. Nhưng giờ ta sử dụng bản ngã này như thế nào mới là tu hành? 

Để có câu trả lời chính xác, trước hết ta phải hiểu bản ngã sinh ra bản năng, hay còn gọi là kiết sử. Bản năng thì tốt xấu lẫn lộn, khiến ta tạo nghiệp không ngừng rồi chịu quả báo khổ vui tương ứng, mãi luẩn quẩn trong sinh tử luân hồi để tạo nghiệp rồi lại trả nghiệp. Nhưng cũng chính bản ngã này nếu ta khéo sử dụng thì nó lại là con đường giúp ta đạt được sự giác ngộ cao siêu, vượt thoát khỏi luân hồi. 

Đức Phật đã chỉ ra một số bản năng cơ bản, trái với đạo đức, dạy ta phải diệt trừ, đó là: tham lam, ích kỉ, sân hận, vô minh, kiêu mạn,.. Để đánh giá, kiểm soát bản năng, ta cần mở con mắt trí tuệ, sau đó dùng đạo đức để bao vây, tiêu diệt nó. Ví dụ, muốn diệt tâm tham ta phải tu hạnh không tham. Mỗi khi tiền vào tay phải cân nhắc, sử dụng cho đúng. Thay vì phục vụ mục đích cá nhân, ta dùng để bố thí, cúng dường. Tức là lấy đạo đức bố thí để bao vây, kiềm chế cái tham. Rồi muốn kiềm chế cái sân ta tu đạo đức nhẫn nhục. Nhờ sự hiền lành, yêu thương của đạo đức nhẫn nhục mà ta chặn được kiết sử này. 

Việc ta chọn con đường tu hành để thoát khỏi bản ngã là sự lựa chọn khôn ngoan, may mắn, bởi ngoài kia không biết bao người còn vất vả, lo chạy theo cơm áo gạo tiền. Thay vì chọn vươn lên bằng con đường tu hành giác ngộ, họ lại chọn vươn cao lên trên con đường danh lợi, thật tội nghiệp. Những người siêng năng đến chùa tu thiền thì 99%  đã chọn con đường vươn lên bằng giác ngộ. Chọn con đường giác ngộ đồng nghĩa với việc ta không được từ bỏ mà phải thương cuộc đời nhiều hơn, phụng sự thật nhiều cho cuộc đời mà không chấp công, không mưu tính lại cho mình, khác với người chọn vươn đến con đường danh lợi, lúc nào cũng mưu mô, toan tính. 

Để  Phật tử nhìn rõ hơn những bản năng xấu cũng như cách kiềm chế, tiêu diệt chúng, Thượng tọa đã liệt kê, phân tích một số bản năng. Cụ thể như sau:

- Thứ nhất, chúng ta ai cũng có bản năng ham sống. Vì bản năng này mà nhiều khi ta bị người khác khống chế, bắt làm những điều sai trái. Biết là ta phải dùng đạo đức để bao vây, khống chế bản năng này nhưng vì ham sống sợ chết, lo người thân mình bị tổn hại nên vẫn bị vướng vào sự điều khiển của người khác, cuối cùng mang tội. Là người đệ tử Phật, ta phải xác định dù chết cũng không để ai sai bảo, ép buộc mình làm chuyện sai quấy. Thay vì sống khổ sở, sợ hãi, hèn nhát, ta thà chết trong ánh sáng của chân lý, đạo đức. 

- Thứ hai là bản năng tham lam. Chúng ta ai cũng thích mình trở nên giàu có nhưng giàu có quá nhiều khi cũng thành cái tội. Nhất là khi có tiền mà lại để yên 1 chỗ hoặc chỉ lo cho bản thân. Tiền vào tay ta không phải của ta mà là trách nhiệm trời đất giao cho ta. Vậy nên ta phải hết sức cẩn thận, sử dụng số tiền này sao cho đúng chứ đừng để dành cho cá nhân. Lúc nào cũng phải dùng đạo đức, trí tuệ, biết “tiền là trách nhiệm”, có vậy bản năng tham lam mới nhẹ đi. 

Ngoài tham tiền, còn rất nhiều cái tham khác khiến ta bị tổn phước như: tham dục lạc, tham ăn ngon, tham mặc đẹp, tham sống sang,… Để diệt trừ những cái tham này, ta phải tu rất nhiều để mỗi khi tâm tham nổi lên, ta phát hiện, kiểm soát, tiêu diệt được nó. 

- Thứ ba là bản năng thích sai bảo người khác. Thường thì người có quyền lực là người được quyền sai bảo, quyết định thân phận của người khác. Điều này mang lại cho họ một cái khoái cảm kinh khủng. Đồng thời, khiến cuộc đua tranh giành quyền lực trở nên căng thẳng, gay gắt. Sai bảo người khác một cách bậy bạ không chỉ khiến họ khó chịu, bị tổn thương mà còn làm gia tăng sự kiêu mạn của ta, khiến ta hết phước. Vậy nên, ta phải dùng đạo đức để bao vây bản năng này. Nếu muốn ai đó làm gì, thay vì sai khiến, ta hãy nhờ vả và biết cảm ơn. Đồng thời, cũng phải biết cúi mình, phục vụ chúng sinh trong vui vẻ, hạnh phúc.

- Thứ tư là bản năng giận hờn, căm tức. Đây là một bản năng cực kì nguy hiểm, là nguồn cơn của nhiều vụ án hình sự nghiêm trọng, đẩy chúng ta vào những tội ác tột cùng. Để không trở thành người ác độc, không vi phạm pháp luật, ta phải diệt sạch bản năng này bằng cách tu tập tâm từ bi để xoá tan nóng giận. 

- Thứ năm, yêu thương cũng là một bản năng rất quan trọng. Từ tình yêu thương, nảy sinh ra 2 hệ tâm lí. Một là ta thương ai thì sẽ có trách nhiệm với người đó. Hai là ta thương ai thì sẽ tìm cách tranh giành, sở hữu người đó cho riêng mình. Ngoài ra, còn rất nhiều bản năng ta cần tiêu diệt như: tự khen mình, thích chê người khác, đố kị, v.v..

Có thể thấy bản năng vừa tạo ra ham muốn sai lầm, vừa là động lực thúc đẩy chúng sinh sống và phấn đấu. Nhiều người đã chọn vươn lên phấn đấu đạt được danh vọng, tiền tài, địa vị, tình cảm… Còn người đệ tử Phật phải chọn hướng phấn đấu là vươn lên bầu trời của sự giác ngộ. Mà muốn được vậy phước của ta phải rất lớn, cả đời mình suốt kiếp này và nhiều kiếp sau đều phải phụng sự rất nhiều mà không được chấp công. 

Muốn thoát khỏi bản ngã ta phải an trú nơi bản ngã - đây là nguyên lý rất quan trọng trong tu hành. Và con đường để an trú nơi bản ngã là Tứ Niệm Xứ. Tứ Niệm Xứ là an trú nơi chính mình cho tới khi đạt được vô ngã, không còn chính mình nữa. Và ở mỗi cấp độ, cái chính mình lại khác nhau. Nhờ hiểu đúng, ta có cách tu, cách xử lí khéo léo ở mỗi giai đoạn. Từ đó, định sâu hơn, cuối cùng chứng ngộ, giải thoát luôn.

Tứ Niệm Xứ gồm 4 tầng lớp như sau:

Quán thân trên thân.Quán thọ trên thọ. Quán tâm trên tâm.Quán pháp trên pháp.

Tuy nhiên, để phù hợp với căn cơ chúng sinh ngày nay, chúng ta có thêm một bước trước bước thứ nhất nữa là “quán tội trên tội” - thấy mình là một khối tội lỗi từ vô lượng kiếp. Dù tâm có thanh tịnh đến đâu, ta vẫn quyết tâm thấy mình là tội lỗi, vô minh si ám. Có những người khi tâm thanh tịnh rồi đã thấy mình cao siêu, không tự nhắc rằng mình vẫn là khối tội lỗi, là vô minh. Tâm ngã mạn đó khiến họ tổn phước rồi lui sụt, thoái đọa rất uổng phí. 

Quán Tội trên Tội thực sự rất mầu nhiệm. Nó là một loại đạo đức, vừa có tác dụng sám hối nghiệp của vô lượng kiếp, vừa giúp ta diệt trừ kiêu mạn để ta không bao giờ tự khởi ý nghĩ khen mình. Không đi được qua giai đoạn này, ta không thấy được lỗi của mình, không hiểu Nhân quả, không biết khiêm hạ, không khởi được trí tuệ nhìn ngược lại quá khứ vô lượng kiếp. 

Tóm lại, bản ngã tạo ra bao nhiêu bản năng, tạo ra nghiệp khiến ta mãi chìm trong luân hồi sinh tử. Nhưng cũng bản ngã đó nếu được uốn nắn, tu tập đúng cách thì chúng ta dần dần sẽ chấm dứt bản ngã, vượt khỏi sinh tử luân hồi. 

Và ai đã có phước duyên là người đệ tử Phật đều phải thề sẽ bảo vệ mục tiêu vô ngã cho muôn đời sau, không để mục tiêu vô ngã thiêng liêng bị mai một lãng quên. 

Có thể nói, bài Pháp thoại được Thượng tọa giảng giải bằng những ngôn từ đơn giản, dẫn chứng bằng nhiều ví dụ cụ thể có thực trong cuộc sống hằng ngày, dễ hiểu. Qua đó, mọi người nắm được rõ ràng hai triết lý trong cuộc sống này thông qua khái niệm “Bản ngã & Vô ngã”, rồi vận dụng một cách đúng đắn, khoa học, phục vụ hữu ích cho việc tu tập của bản thân.

Thực sự, ý nghĩa bài Pháp đã chạm đến một vấn đề rất tế nhị, một mặt tối trong tâm hồn của tất cả chúng sinh. Nhưng nhờ có sự khẳng khái ấy, chúng ta biết nhìn thẳng vào sâu thẳm nội tâm mình, thấy được những bản năng xấu của bản thân; biết cách uốn nắn, sử dụng nó một cách đúng đắn để khai thác triệt để những mặt tốt của nó. Từ đó, ta an trú được nơi bản ngã cho đến giác ngộ, hoàn toàn thoát khỏi bản ngã luôn.

Giờ thì ta biết tại sao chúng sinh cứ mãi trầm luân trong đau khổ mà không thoát ra được; vì sao những người rất giàu có, rất thành công, đầy quyền lực cũng vẫn bất an, không hạnh phúc. Thật sự tiền tài, địa vị chỉ là cái để ta thỏa mãn những ham muốn của bản thân chứ không giúp ta hạnh phúc. Chỉ có tu hành, đạt được giác ngộ giải thoát mới là con đường chúng ta cần đi. Và ta phải có trách nhiệm gìn giữ con đường này cho muôn đời sau. Vậy mới xứng đáng là người đệ tử Phật.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: