HÓA GIẢI ÁI DỤC

𝟐𝟔𝟎. DÂM DỤC VÀ CÕI GIỚI

17/02/2023 Phúc Khiết Giác 0 Nhận xét
𝟐𝟔𝟎. DÂM DỤC VÀ CÕI GIỚI

1. ĐỊA NGỤC: Chúng sinh thèm khát ái dục cực độ nhưng không có nổi một giây riêng tư để hưởng thụ khoái cảm vì hết sạch phước. Chúng sinh chìm trong sự căng thẳng, điên loạn, đau đớn tột cùng của thân tâm không dừng. Bị tra tấn dã man bởi chính ác nghiệp của mình đã tạo tác. Chết đi sống lại muôn ức lần để rửa sạch nghiệp. Khung cảnh, âm thanh, mùi hôi của địa ngục không có từ ngữ nào diễn tả nỗi.

2. NGẠ QUỶ: Chúng sinh nào có phước thì sớm đầu thai hoặc rất bận rộn làm các việc thuộc cõi âm để tích phúc đức hoặc có nơi trú ngụ, thờ cúng ấm no đàng hoàng chờ tái sinh. Chúng sinh không có phước thì thất nghiệp không được giao việc gì để làm, đói khổ, lang thang bất định, dần dần xấu tính và xấu xí thậm chí biến dạng theo thời gian. Họ canh ai yếu bóng vía, kém uy đức, hợp duyên thì đè (bóng đè: ma hiếp dâm hoặc ma đánh), canh rình (ma ám: ma theo dõi hay duyên âm) để thỏa mãn nhu cầu ái dục bí bách trong cõi âm. Khi cúng thí thực, chúng ta nhớ xin Phật, xin Chư Hộ Pháp Thiện Thần giao việc cho các hương linh có cơ hội để làm mà tích phúc đức.

3. SÚC SINH: Chúng sinh sống thuận theo bản năng tự nhiên, ít lý trí và không cưỡng lại nổi nhu cầu giao phối, sinh sản. Trừ một số loài có tập tính chung thủy. Đa phần khi lên cơn ái dục thì tranh giành, cấu xé nhau để giành giựt bạn tình. Có khi chúng khoái chí vì lang chạ được nhiều bạn tình hoặc rủ rê nhau xâm hại đối phương. Dâm dục cuồn loạn không biên giới.

4. LOÀI NGƯỜI: Chúng sinh có một bề dày văn hóa tình dục, thơ ca về tình ái, các dịch vụ thỏa mãn dục lạc từ nghìn xưa cho đến nghìn sau. Chúng sinh cũng có luôn luân thường đạo lý, phép tắc, lý tưởng để kiểm soát và diệt trừ ái dục mà tiến lên. Chúng sinh tự do chọn lựa xu hướng ái dục theo trí tuệ, đạo đức của chính mình để mở ra nghiệp quả ở tương lai. So với Tam ác đạo còn lại, loài người có phước hơn rất nhiều.

5. CHƯ THẦN: Chúng sinh có nhiều công lao lớn, sự sản lớn với cuộc đời, đất nước, đạo pháp nhưng tâm chưa thuần thiện như Chư Thiên nên sinh làm các vị Thần uy lực lớn cai quản việc thế gian công chính nghiêm minh. Vì phước lớn và đức lớn nên ái dục cõi này cũng thanh khiết, sắc son, nhẹ nhàng thi ca hơn cõi người.

6. CÕI TRỜI DỤC GIỚI: Các cõi trời dục giới thì ngập tràn phước. Chư Thiên sống minh bạch với nhau trong dung sắc thù thắng, danh xưng lừng lẫy, tâm từ ái yêu thương và cảnh giới thần thông huy hoàng. Vì tâm lúc nào cũng hỷ lạc nên ái dục cõi này cũng vi tế, nhỏ nhiệm không ô nhiễm, bất tịnh, xáo động như cõi trần. Đôi khi chỉ cần nắm tay nhau, ôm nhau, hôn nhau là đã thỏa lòng. Ái dục thật sự là thứ yếu vì ở cõi trời có nhiều trò vui thù thắng, thanh cao hơn. Sự xuất sinh ở Cõi Trời là Hóa Sinh (sinh ra từ vầng hào quang, từ ánh sáng, từ hư không) chứ không phải Thai Sinh, Trứng Sinh nhơ nhớp, tanh hôi như các cõi thấp. Ngoài nghỉ ngơi, vui chơi, tiệc tùng, Chư Thiên còn rất bận rộn làm việc, tu hành, tạo phước.

Chư Thiên cõi Dục Giới bận rộn gấp 100 lần một doanh nhân ở thế gian. Vua Cõi Trời bận gấp 1000 lần ông vua thế gian. Các Vị Thánh giáo hóa trên cõi trời thì không có một giây nào không phải là làm việc, tu tập, giáo hóa, thiền định. Trạng thái thời gian, vật chất, không gian cõi trời khác với cõi người rất nhiều. Càng lên cõi cao dần, sự thù thắng về phước báo của Chư Thiên càng lớn mạnh.

7. CÕI TRỜI SẮC GIỚI: Chư Thiên không còn nhu cầu ái dục, tâm nhập sâu vào thiền định. Hào quang, danh xưng, sắc tướng, công đức, trình độ tâm linh, quyền lực, thần lực, trí tuệ... vượt bậc so với Chư Thiên ở Dục Giới. Vì không còn ái dục nên các vị được gọi là Phạm Thiên (Chư Thiên trong sạch). Vì cõi này không còn ái dục nên khái niệm giới tính cũng trở nên vô nghĩa. Các vị Phạm Thiên thanh tịnh tùy ý mà hóa hiện sắc thân, đa số trú ở tướng nam nhân đại trượng phu. Toàn thân các Ngài là hào quang rực sáng, là hương thơm ngạt ngào. Cõi này là cõi của các vị Đại Bồ Tát và các vị Thánh chứng đắc rất cao siêu. Và các vị Phạm Thiên cũng vô cùng bận rộn. Các vị Đại Bồ Tát không có 1/2 giây nào là vô nghĩa, là không vì lợi ích của chúng sinh. Chúng ta không bao giờ hiểu nổi việc của các Bậc Thánh làm nên trong vũ trụ rộng lớn, vô tận này vì chúng sinh.

8. CÕI TRỜI VÔ SẮC GIỚI: Chư Thiên không còn hình tướng nữa, thọ mạng lâu xa tới mức dường như vô hạn. Tâm các vị thanh tịnh, thông tuệ, sáng tỏ, nhiệm mầu tới mức các vị ngỡ rằng mình đang an trú Niết Bàn viên mãn cho đến khi Đức Phật ra đời chuyển bánh xe pháp khai sáng ra Chánh Pháp cho Tam Giới. Chỉ có Đức Phật mới đủ trí tuệ, thần lực, uy đức để nhiếp hóa các vị Chư Thiên cao cấp này.

9. CÕI NIẾT BÀN: Không có từ ngữ nào diễn tả được. Không có sự suy luận nào chạm đến được. Chỉ khi nào chứng ngộ mới tự hiểu tận. Cõi Niết Bàn là nơi mà Đức Phật, Chư Thánh A La Hán an trú sau kiếp sống cuối cùng chấm dứt sinh tử. Nơi mà mọi đạo đức, trí tuệ, từ bi, thiện nghiệp, công trạng, giới hạnh, sự thanh tịnh,... đạt đến tuyệt đối viên mãn. Nơi bất sinh bất diệt siêu việt Tam Giới vượt khỏi quyền lực, sự vô thường của cõi Trời, cõi Người. Nơi mà Tam Bảo cảm ứng, gia hộ với toàn thể chúng sinh khi chúng sinh hướng lòng cầu nguyện. Nơi mà thoát khỏi luân hồi tử sinh.

Con chỉ là hạt bụi
Tầm thường giữa phù sinh
Bao vinh nhục tử sinh
Con thật là vô nghĩa.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: