Pháp lạc Tâm an

ĐẠO VÀ ĐỜI- TS. Luật Học TT. Thích Chân Quang

25/04/2022 Phúc Khiết Giác 0 Nhận xét
ĐẠO VÀ ĐỜI- TS. Luật Học TT. Thích Chân Quang

Nói về Pháp Số 02- ĐẠO & ĐỜI, chúng ta còn có cách gọi khác là THẾ GIAN & ĐẠO PHÁP. Hai khái niệm này là cái gì đó trái ngược nhau khiến ta từng bị mâu thuẫn, giằng xé giữa hai phương diện. Nếu chỉ làm tốt bổn phận của mình ở một phương diện thì phương diện còn lại sẽ bị ảnh hưởng. Vậy nên, Việt Nam ta mới có phương châm "tốt đời đẹp đạo" để dung hòa cả 2 mặt. Hiểu đơn giản, ta sống ở đời là một người tốt, sống trong đạo là một tín đồ thiện lành, dù ở phương diện nào cũng cố gắng hoàn thiện tốt trách nhiệm của mình.

Theo Thượng tọa, chỉ có Việt Nam ta mới chọn con đường dung hòa giữa đời và đạo. Các khu vực khác họ thường lấy hẳn một cái làm chuẩn để áp đặt lên cái khác. Ở khu vực lấy tôn giáo làm định chế chính thì mọi quy luật xã hội phải theo đó hết. Ngược lại, ở khu vực lấy đời làm định chế thì tôn giáo bị coi nhẹ, phụ thuộc vào mọi quy luật xã hội. Việc chọn thiên về một cái rất dễ, nhưng thường không đưa đến kết quả tốt đẹp. Việc dung hòa cả hai phương diện rất khó, nhưng về sau lại dễ mang lại nhiều kết quả hay. Vậy mới thấy, Việt Nam ta rất khôn khéo, biết nhìn xa trông rộng.

Người định nghĩa, đời hay thế gian chính là cuộc sống bình thường, là cái thực tế có sẵn, có trước cả chúng ta. Nó bao gồm vô số hình thái, điều kiện, hoàn cảnh, nhu cầu như: ăn, mặc, học tập, làm việc,… Giống như khi muốn thiết lập mối quan hệ với ai, ta phải phân tích xem họ tốt hay xấu, giàu hay nghèo, cùng đẳng cấp hay khác đẳng cấp, chơi với họ ta có lợi hay bất lợi,… Nên một chữ đời thôi cũng cả tỉ vấn đề bao quanh, buộc ta phải xử lí từng giây từng phút. Nếu xử lí thất bại, ta thấy cuộc đời thật khổ. Nếu xử lí thành công, ta lại thấy vui vẻ, có sức mạnh để đi tiếp trong cuộc sống.

Nói vậy, nhưng thật ra rất ít người biết cách xử lí thành công. Vậy nên con người luôn thấy cuộc sống căng thẳng, mệt mỏi, đầy nghiệt ngã, đắng cay, rồi tìm mọi cách để đối phó với cuộc đời. Có người chọn cách trốn vào rừng sâu, ra đảo hoang. Nếu còn phước, họ vẫn có cái ăn, cái mặc, vẫn thấy sống một mình được. Nếu hết phước, việc sống một mình như vậy rất nhiều rủi ro, bất trắc. Người nhấn mạnh, dù có làm gì chúng ta cũng không trốn được bởi cái duyên nghiệp đã gieo vào cuộc đời này rồi.

May thay, trong cuộc đời đầy rủi ro, nguy hiểm, bất an này lại có đạo xuất hiện. Để hiểu đạo là gì, Thượng tọa lý giải, ngày xưa khi không giải thích được chuyện gì, con người lại đổ thừa cho Thần Thánh, nên Thần Thánh là lối giải thích về cuộc đời như một dạng khoa học của ngày nay. Tức là, con người giải thích mọi điều bằng suy nghĩ tưởng tượng của mình rồi gán cho Thần Thánh, nên Thần Thánh đóng một vai trò rất quan trọng trong tâm tưởng con người. Với trí thông minh của mình, con người càng lúc càng thêu dệt nhiều về khái niệm Thần Thánh. Nên thuở ban đầu, tôn giáo chính là một loại khoa học để giải thích mọi hiện tượng của xã hội.

Ngày trước, nếu may mắn giải thích đúng, có lẽ tôn giáo đã trở thành khoa học đồng hành tới bây giờ, không còn chuyện đạo và đời trái ngược nhau. Nhưng bởi giải thích sai nên đạo đi đường khác, biến thành thế giới mà Thần Thánh có uy lực, quyền năng, có thể tạo ra mọi thứ từ mây, sấm, chớp, đến con người, núi, sông,… Dần dần, sự ca ngợi Thần Thánh biến thành những câu kinh tụng, nghi thức tôn giáo. Nên ban đầu tôn giáo là một khoa học giải thích cuộc đời. Cuối cùng, từ khoa học giải thích các hiện tượng cuộc sống, tôn giáo biến thành khái niệm để nịnh nọt, gọi là tôn thờ Thượng Đế. Từ đó, con người thấy nghi lễ tôn giáo ca ngợi Thần Thánh chính là khoa học.

Cho đến một ngày, khoa học phát triển, có thể giải thích mọi hiện tượng cuộc sống, rồi quan sát, tính toán, đánh giá, phân tích được mọi chuyện liên quan đến lĩnh vực thiên văn vũ trụ thì con người không tin vào tôn giáo nữa. Lúc này, khoa học có thể nhìn thấy, giải thích, chứng minh, thực nghiệm được hết những vấn đề lớn gấp vạn lần trong kinh Thánh. Trong khi đó, tôn giáo chỉ là niềm tin, không chứng minh, không giải thích được. Tuy nhiên, pháp luật không cấm mà lại luôn tôn trọng, bảo vệ niềm tin đó nên đời và đạo luôn bình đẳng, tồn tại song song với nhau.

Đến đây, rất nhiều người tự hỏi tại sao lại phải phân đời và đạo thành hai khái niệm ngược nhau? Tại sao đạo ảnh hưởng mạnh đến cuộc đời như vậy? Thượng tọa giải thích, bởi trong đạo, niềm tin về Thần Thánh rất mãnh liệt. Thần Thánh có thật nhưng con người hiểu không chính xác nên thành ra mê tín. Chứ nếu ta hiểu về Thần Thánh chính xác thì Thần Thánh cũng là một phạm trù của khoa học. Ví như ta biết rõ xuất thân, chức vụ, trách nhiệm của từng vị Thánh trong trời đất vô hình đó thì không còn là mê tín nữa, mà Thần Thánh trở thành một ngành như khoa học hay là xã hội học bình thường. Tiếc là chúng ta không hiểu hết mà chỉ đoán mò và trong đúng có sai, trong sai có đúng. Vì có cái đúng nên sức mạnh của tín ngưỡng trong tâm hồn chúng ta rất mạnh.

Người nhấn mạnh, nhiều khái niệm Thần Thánh có lẫn đúng, lẫn sai nên không thể kết luận rõ ràng được. Bản thân chúng ta chưa chứng Thánh, nhiều khi chỉ là nghe kể lại từ người khác nên đừng khẳng định vội điều gì. Vì Thần Thánh là có thật nên niềm tin của con người với Thần Thánh có sức mạnh kỳ lạ, không ai có thể cấm đoán được. Cho nên, luật pháp ở các quốc gia đều tôn trọng tự do tín ngưỡng là vì vậy. Chỉ là khoa học chưa đủ để bước vào thế giới đó, tìm ra những định nghĩa, những định lý, những nguyên tắc rõ ràng để giúp ta hiểu kĩ… hiểu sâu mà sống và tu hành cho chuẩn mực. Bản thân chúng ta cũng chưa hiểu hết thế giới đó nên đừng tin ai nói rồi phủ nhận sức mạnh của Thần Thánh.

Từ thuở hồng hoang, khái niệm về Thần Thánh của tín ngưỡng cứ phát triển theo hướng đúng sai lẫn lộn bởi con người hiểu không kỹ về các vị ấy. Nếu hiểu đúng, ta biết đối xử tốt với nhau, không dám làm gì sai trái, sẽ tạo nên nhiều điều cao thượng cho cuộc đời. Nhưng hiểu sai, chúng ta không được công đức trọn vẹn, nhiều người còn rơi vào tà kiến, mê tín.

Cho đến khi Đức Phật xuất hiện, Ngài mở ra tất cả, thấy hết tất cả (mọi sự vận hành của cuộc đời, thế giới siêu hình, các cõi giới trong vũ trụ) và truyền dạy lại cho ta con đường chân lý, khiến cho ta có đạo pháp, có niềm tin mà không bao giờ bị mê tín. Đạo Phật hễ nói tới đạo đức là đạo đức tột cùng, vô hạn vô biên; mà nói tới sự nhận thức thì nhận thức cực kì thấu đáo mọi điều. Ngoài ra, những lời dạy của Ngài còn mở một con đường đưa chúng sinh đến sự giác ngộ tuyệt đối. Đây là điều cực kì quý giá, không gì trên thế gian có thể đánh đổi được.

Thật vậy, không biết đạo, chúng ta sống ích kỷ, mãi hơn thua, tư lợi cá nhân. Vì chạy theo những điều tầm thường mà tâm hồn ta luôn căng thẳng, đau khổ. Chỉ khi có đạo, ta thấy được mọi lỗi lầm của mình, và bắt đầu biết buông bỏ, ra sức tu học, cống hiến, phụng sự, yêu thương mọi người. Lúc này, ta thấy cuộc đời thật sự hạnh phúc, có ý nghĩa. Mọi người trong đạo Phật bình đẳng, biết nhường nhịn, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau, hăng say cống hiến phụng sự. Không chỉ trong chùa, mà tinh thần này còn được mọi người đem về lại cuộc đời, mang lại hạnh phúc, lợi ích cho cộng đồng và bản thân chúng ta cũng tìm được niềm vui. Đây mới gọi là sống tốt đời đẹp đạo. Càng bao dung, nhẫn nhục, ta càng hạnh phúc.

Nói về các cõi, chỉ có Phật mới giải thích được một cách chính xác, thấu đáo những vấn đề giữa cuộc sống thực tế và thế giới Thần Thánh siêu hình. Phật xuất hiện, mở ra con đường giác ngộ, nâng ta lên đến Thánh vị tột cùng. Có thể khẳng định, giáo lý đạo Phật là một kho tàng quý giá nên ta phải có trách nhiệm bảo vệ chánh Pháp, không bao giờ để cho đạo Phật biến mất giữa thế gian này. Làm sao mỗi kiếp, ta phải độ được vài chục người, vài trăm người để họ cũng hiểu, thực hành đạo lý Phật dạy giỏi hơn mình. Là người đệ tử Phật mà để đạo Phật biến mất thì ta là một tội đồ. Ngày nào còn loài người, còn sự sống trên trái đất thì Phật pháp phải còn tồn tại và đem ánh sáng cho thế gian này.

Để dễ hiểu hơn về khái niệm "đạo và đời", Thượng tọa định nghĩa, một cách tương đối thì thế gian là cái cụ thể, nhìn thấy được; đạo là cái trừu tượng, không nhìn thấy được. Nói tương đối ở đây bởi nhiều khi có những cái không nhìn thấy được nhưng vẫn là cuộc đời. Ví dụ: sóng vô tuyến, sóng điện thoại,.. Hay một người bằng xương bằng thịt ta nhìn thấy được nhưng có khi họ chứng Thánh rồi, tâm họ là đạo Pháp, là những điều cao thượng tuyệt vời, là những điều cao siêu mà ta không thấy được. Ngoài ra, thế gian còn được hiểu là tạm bợ, ai rồi cũng phải chết, không ai cưỡng lại được. Trong khi, đạo Pháp là niềm hy vọng về sự vĩnh hằng - cõi mà con người không phải chết nữa. Nhiều người nghĩ chết được về cõi vĩnh hằng nhưng không phải, cái gì cũng có giới hạn, chưa có cái gì đạt được sự tuyệt đối, trừ người chứng A La Hán bởi không còn bản ngã mới đạt được cái tuyệt đối vĩnh hằng.

Cả đời và đạo đều có luật lệ riêng. Luật ở đời là do con người đặt ra nhằm giữ cho xã hội được ổn định, trật tự. Nó có tính cưỡng chế mạnh mẽ, buộc mọi người phải chấp hành, nếu chống lại sẽ bị xử lý liền. Luật trong đạo gồm: luật do con người tạo ra, luật do Thần Thánh tạo ra và luật tự nhiên vô hình. Luật do con người tạo ra được bắt nguồn từ những người tu sĩ. Ví dụ như yêu cầu đệ tử một tháng phải đi lễ mấy lần, lễ chuẩn bị thế nào,… Luật do Thần Thánh đặt ra, ta không thấy nhưng nó chi phối cuộc đời ta. Ví dụ như người nào ăn ở hiền lành, biết trên biết dưới sẽ được Thần Thánh phù hộ, cho nhiều phúc lành,… Luật tự nhiên, không lệ thuộc vào ý muốn của con người hay Thần Thánh, đó là Luật Nhân quả. Luật này là tuyệt đối, tự có và không ai đặt ra và chỉ Đức Phật mới hiểu thấu đáo, tận cùng về luật này. Chúng ta theo Phật, học về Nhân quả nhưng chỉ hiểu dần dần từng phần rất nhỏ, hiểu đến đâu, ta ứng xử đỡ sai đến đấy.

Nói về bản chất của đời và đạo là khác nhau. Trong khi mọi sự trên thế gian phần lớn là trao đổi song phẳng, có qua có lại, tạo nên hệ thống thương mại mậu dịch, thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Còn trong đạo, nhường nhịn, tự nguyện giúp đỡ là chính, không tính toán, không có giá cả. Hai tính chất này đan xen vào nhau. Nhiều người mang tinh thần phụng sự của đạo về với cuộc đời, cống hiến phụng sự nhiều hơn hưởng thụ. Nhiều người lại mang tinh thần sòng phẳng của cuộc đời vào đạo, tạo nên sự hội nhập giữa đời và đạo. Sự phòng phẳng rất cần vì nó là kinh tế, thương mại nhưng ta không hy vọng tinh thần này tăng thêm trong cuộc đời. Ta cần cái không sòng phẳng, tức là cho đi một cách tự nguyện mà không mong nhận lại bởi tinh thần cống hiến cao thượng này giúp cuộc đời bớt cay đắng, trở nên dễ chịu, hạnh phúc hơn.

Trong thế gian, mối quan hệ huyết thống rất quan trọng, buộc những người cùng huyết thống phải có trách nhiệm với nhau. Những người vượt khỏi mối quan hệ này một là người phi đạo đức, hai là người rất cao thượng. Người phi đạo đức là người vứt bỏ người thân, không hiếu kính cha mẹ, không nhường nhịn anh em,… Người cao thượng là người từ bỏ được gia đình riêng tư, chuyện tâm tu học để yêu thương, chăm lo được cho tất cả chúng sinh. Ở trong đạo, ta đổi sang mối quan hệ thầy trò, huynh đệ. Tuy mong manh, không có sự ràng buộc huyết thống nhưng lại cao thượng bởi nhờ có đạo lý mà con người sống rất có trách nhiệm với nhau. Trách nhiệm này nhiều hay ít phụ thuộc vào đạo đức mỗi người. Người có đạo đức xem tình đạo rất quan trọng, sống chết có nhau. Người ít tu hành, ít đạo đức thì mối quan hệ huyết thống chính là một gánh nặng của cuộc đời. Người biết tu hành, nhiều đạo đức không bị ràng buộc nhưng lại yêu thương, rất có trách nhiệm với nhau.

Ở đời, kiến thức về khoa học, nghề nghiệp rất quan trọng bởi có nó ta mới sống được. Người thiếu kiến thức, kỹ năng thường bị gạt sang một bên. Vậy nên, ngày nay con người chạy đua nhau về kỹ năng, kiến thức, dẫn đến ngày càng bị lệ thuộc vào chúng. Trong đạo, kiến thức quan trọng là đạo lý, lý thuyết và sự thực hành tu tập. Mỗi tôn giáo có lý thuyết và sự tu hành khác nhau. Với đạo Phật, cái vĩ đại nhất là vô ngã. Để đạt được vô ngã, người tu phải nhập vào thiền định. Thế giới có nhiều trường phái Thiền nhưng không phải trường phái nào cũng đúng. Ta muốn tìm vô ngã bằng con đường thiền định thì phải cố gắng tìm ra trường phái đúng nhất.

Sự phát triển của thế gian là sự phát triển của khoa học. Sự phát triển của đạo là sự phát triển tâm linh. Tâm thanh tịnh giúp ta kết nối được với các cõi giới khác. Đây là sự phát triển rất riêng tư nhưng ta phải biết dẫn dắt nhiều người đi cùng chứ đừng tu một mình. Đi chùa mà đi một mình là sai lầm. Nhớ là cái gì hay, cái gì tốt đừng làm một mình, nhất là tu hành giác ngộ. Thế gian càng phát triển khoa học thì đạo càng phải phát triển sự tu hành tâm linh để cân đối lại. Khoa học phát triển mạnh mẽ, trong khi tâm linh vẫn đứng yên thì thế giới sẽ bị nghiêng lệch rồi sụp đổ. Lúc ấy, con người dùng khoa học để làm những điều ác độc. Vậy nên, bên cạnh sự phát triển của khoa học thì con người cũng phải phát triển tâm linh để thế giới trở nên cân bằng, không bị tận thế.

Thế gian cần kinh nghiệm, thí nghiệm, thử nghiệm. Đạo cần tu hành và có sự chứng ngộ nội tâm. Thế gian là thí nghiệm những cái bên ngoài còn đạo là một sự thể nghiệm sâu thẳm bên trong, hai cái này khác nhau. Tuy nhiên, đạo và thế gian có điểm giống nhau là đều cần đạo đức. Phải có đạo đức mới sống được trên đời. Còn trong đạo, đạo đức là yếu tố rất quan trọng, là nền tảng tu hành. Người tu sĩ cần đạo đức để làm mô phạm, trở thành tấm gương cho mọi người trên thế gian. Con người vốn tham, sân, si nên rất cần đạo đức để con người tự kiềm chế mình, không bị đọa địa ngục. Có đạo đức, con người sống với nhau rất tử tế. Lúc ấy, chưa cần thiên đường bởi cuộc sống đã là một thiên đường tuyệt vời rồi.

Đúng như Thượng tọa nhắc nhở ngay từ đầu, đây thực sự là một bài Pháp thoại rất khó. Dù được giảng giải rất kỹ, đi kèm với nhiều ví dụ thực tế, nhiều câu chuyện kể có thật, và với lối giảng dạy dù cấp độ nào cũng hiểu được, nhưng các đạo lý trong bài vẫn là một cái gì đó cao xa. Muốn nắm bắt, hiểu kỹ chúng, mọi người chỉ còn cách thực hành dần dần… từng chút… một cách cẩn thận, kỹ lưỡng. Đồng thời, phải thường xuyên lễ kính Phật để được gia hộ, chỉ dẫn, tránh không bị tu sai và cũng là minh chứng rõ ràng đạo Phật cứu khổ thật sự, đạo Phật mang hạnh phúc cụ thể lại cho con người.

Bên cạnh việc chỉ ra khái niệm, đặc điểm, tính chất, mối quan hệ của pháp số 02 để mọi người nhận diện, đối chiếu, so sánh, bài Pháp còn cho thấy tầm quan trọng của việc cân đối, dung hòa pháp số 02 này trong cuộc sống sinh hoạt cũng như trong sự tu hành. Việc thiên về một bên sẽ khiến xã hội, thế giới bị nghiêng, mất cân bằng, dễ đổ vỡ. Chỉ khi pháp số 02 cùng tồn tại song song, xã hội, thế giới mới phát triển bền vững, ổn định. Điều này đòi hỏi trách nhiệm rất lớn ở người đệ tử Phật. Đó là làm sao để đạo đi vào đời sống con người, tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong đó. Chỉ có vậy, ta mới mong giữ lại cuộc sống hạnh phúc, bình yên cho đất nước, cho chúng sinh.

Qua bài Pháp này, chúng ta càng thêm cảm phục trí tuệ của Thượng tọa thượng Chân hạ Quang. Người không chỉ am tường về đạo Pháp, tu hành, Người còn rất thông suốt về các lĩnh vực, sự kiện trong cuộc sống. Dùng đạo lý để lý giải các hiện tượng cuộc sống, dùng ví dụ từ cuộc sống để làm rõ các đạo lý, và cách làm nào cũng được Người xử lý một cách linh hoạt, khéo léo. Việc làm này không chỉ giúp bài Pháp thêm sinh động, dễ hiểu, mà còn chứng minh việc "đạo và đời" là hai khái niệm không thể tách rời. Chúng luôn liên quan mật thiết, bổ sung, làm rõ, hỗ trợ cho nhau. Phải là người rất trí tuệ, rất đạo đức mới nhìn thấu điều này.

Pháp Quang là kênh Youtube chính thức tổng hợp các ấn phẩm của Thượng tọa Tiến sĩ Luật học THÍCH CHÂN QUANG do Công ty TNHH Văn Hóa Pháp Quang- Trực thuộc Thiền Tôn Phật Quang sản xuất và phát hành: Bài giảng, Kinh tụng, Âm nhạc, Khí công, Võ thuật, Khóa hè, giao lưu... Các bài giảng đã có đầy đủ trong Ứng dụng nghe Pháp trên điện thoại App PHÁP QUANG, mọi người hãy tải App PHÁP QUANG tại CH Play và App Store để đón nhận các ấn phẩm mới nhất.

Link hướng dẫn: https://apps.congtyphapquang.vn/media...

MỜI NHAU TẢI APP PHÁP QUANG - MỜI NHAU VỀ CÕI HUY HOÀNG YÊU THƯƠNG
Link CH Play:
 https://play.google.com/store/apps/details?id=com.pqsoft.phapquang
Link App Store: https://apps.apple.com/app/id1608669200

Tags: Pháp Số
popup

Số lượng:

Tổng tiền: