Pháp lạc Tâm an

ĐẠO PHẬT ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC- TT. TS. Thích Chân Quang (Trích bài "Đạo Phật Đẹp Như Thế Nào" giảng tại Chùa Diên Phúc- Thái Bình, 20/09/2014)

14/04/2024 Phúc Khiết Giác 0 Nhận xét
ĐẠO PHẬT ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC- TT. TS. Thích Chân Quang (Trích bài

VÌ SAO ĐẠO PHẬT TRỞ THÀNH NGUỒN TÂM LINH CỦA DÂN TỘC? Bởi trong đạo Phật có đạo lý Nhân Quả Nghiệp Báo, nó phù hợp với lương tâm của con người. Trong đạo Phật có biết bao điều hay, điều tốt và quý giá, có cả một con đường giác ngộ cao siêu để soi sáng, đưa đường dẫn lối cho ta. Đó là lý do để ta yêu quý và nguyện lòng cùng phát triển Phật Pháp.

Chúng ta thấy có nhiều nhà Xã Hội Học họ tiên tri rằng: Thế kỷ XXI này lại là thế kỷ của tâm linh, điều này làm mọi người rất ngạc nhiên. Ở thế kỷ XVII – XVIII, khi khoa học bắt đầu phát triển mạnh, nền công nghiệp kỹ thuật hiện đại hóa đang từng bước vượt lên, chủ nghĩa tư bản bắt đầu chiếm ưu thế. Nhiều người tin rằng sức mạnh của khoa học kỹ thuật sẽ thay thế những tín ngưỡng, tâm linh của con người, vì nhiều nghìn năm qua con người tin vào tâm linh và thế giới này chẳng tiến bộ gì cả. Cho nên, nhiều người nghĩ rằng thế giới này sẽ tiến bộ nhờ khoa học kỹ thuật chứ không phải dựa vào tâm linh.

Tuy nhiên đến cuối thế kỷ XX, người ta chứng kiến một điều: Khoa học kỹ thuật cứ tiến bộ, mà con người càng lúc càng đi tìm cuộc sống tâm linh mạnh hơn cả bao nhiêu thế kỷ trước. Lúc này, những nhà khoa học xã hội họ đi thống kê, điều tra, nghiên cứu thấy là: Khi khoa học tiến bộ lên cao, bay lên được tới sao Hỏa, mặt trăng; tàu ngầm đi dưới đáy biển, thì tâm linh tôn giáo lại phát triển rất mạnh và xu hướng đó còn kéo rất dài qua tới thế kỷ này, đến nỗi người ta báo trước: "Thế kỷ XXI là thế kỷ của tâm linh".

Khi bước vào thế kỷ này, các phong trào tôn giáo đều rầm rộ nổi lên, trong đó bắt đầu Phật giáo cũng hòa chung với trào lưu đó mà phục hồi, phát triển. Tương tự, PGVN ta tới lúc phải thức tỉnh, cựa mình để đứng lên. Tôn giáo đạo Phật có những tư tưởng làm cho thế giới thán phục và người Việt Nam ta thì một lòng đi theo, đó là Luật Nhân Quả Nghiệp Báo. Và từ cái Luật Nhân Quả này, người ta biết tự kiềm chế mình, lo sợ tội phước, nên tìm cách sống đúng với nhau. Đây là điểm mà đạo Phật khác với các tôn giáo khác.

Người Việt Nam ta trước đó không có những tín ngưỡng rõ rệt mà chỉ thờ Quốc tổ của mình như Lạc Long Quân, Âu Cơ, các đời Vua Hùng, nhưng đến khi đạo Phật vào thì Việt Nam tiếp nhận một cách nhẹ nhàng và sống thanh bình với nhau, cũng bởi trong đạo Phật có đạo lý Nhân Quả Nghiệp Báo, nó phù hợp với lương tâm của con người. Rồi thì đất nước ta bao nhiêu nghìn năm như vậy, đạo Phật trở thành cái đạo của dân tộc Việt Nam, không còn là của Ấn Độ nữa. Cái tư tưởng triết lý Phật giáo đã thấm sâu vào đời sống của đông đảo nhân dân. Ngôi chùa ngày càng phổ biến ở những làng quê Việt, chứa đựng hồn của dân tộc, vừa thân thương gần gũi, vừa tình cảm sâu lắng như Mãn Giác Thiền sư đã viết: "Mái chùa che chở hồn dân tộc. Nếp sống muôn đời của tổ tông".

Và lần lần, đạo lý nhân quả, từ bi, đạo đức… kết hợp với tình yêu nước, kết hợp với tín ngưỡng Lạc Long Quân Âu Cơ như thành một tâm linh riêng của dân tộc rất đặc biệt. Sự kiện lịch sử "Việt Nam ta 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông" để thấy sức mạnh của đạo Phật đã tạo nên những điều kỳ diệu cho đất nước này là thế nào. Tương tự, trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã qua, hầu hết chùa là cơ sở, nơi nuôi dấu cán bộ cách mạng. Qua đó cho thấy đạo Phật luôn đồng hành với dân tộc, mang lại sức mạnh âm thầm cho dân tộc.

Chúng ta hiểu ĐẠO PHẬT LÀ SỨC MẠNH TÂM LINH CỦA DÂN TỘC, mà từ sức mạnh này nó thành sức mạnh chiến đấu, sức mạnh bảo vệ, xây dựng đất nước của ta. Mà điều chúng ta hiểu thì giặc cũng hiểu, vì vậy trong diễn biến hòa bình để chống phá nước ta, họ có kế hoạch thay đạo Phật bằng tôn giáo khác. Nếu một ngày nào đạo Phật mất, ta sẽ trở thành nô lệ trở lại. Cho nên, việc tu tập theo đạo Phật, bảo vệ giữ gìn đạo Phật cũng chính là bảo vệ đất nước. Đó là cái tâm linh thẳm sâu thiêng liêng trong lòng người tạo thành sức mạnh kỳ lạ.

Nên nhớ, đời sống tâm linh là điều gì rất kỳ lạ, khó giải thích. CON NGƯỜI TA CÓ 3 ĐIỀU CẦN TRONG ĐỜI SỐNG NÀY. Thứ nhất là vật chất (cần ăn, mặc, ở và cần không khí để hít thở). Sau này đời sống phát triển, ta cần có thêm nhiều thứ khác phục vụ cho nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Điều thứ hai con người cần là một đời sống tinh thần (hay còn gọi là tình cảm), tức là kiến thức; quan điểm sống; đạo đức sống; những hiểu biết; những tương quan giữa người và người, v.v… Con người trở nên có giá trị khi ta có đời sống tinh thần phong phú, còn không thì ta bằng loài vật. Và trong cái đời sống phong phú này ta có yếu tố đạo đức, chúng ta biết cái nào đúng, cái nào sai mà cư xử cho đàng hoàng, thích hợp. Nếu xã hội thiếu đạo đức thì xã hội hỗn loạn dù cho Luật pháp có cứng rắn, vì con người tạo nên Luật pháp, có thể lách khỏi Luật pháp được.

Ví dụ một người làm quan nếu thiếu đạo đức vẫn tham nhũng, còn làm dân mà không đạo đức thì vẫn hối lộ để vượt qua, chà đạp Luật pháp được. Chỉ khi có đạo đức thì người làm quan sẽ thanh liêm, tuân thủ Pháp luật, lo cho dân cho nước; và người dân có đạo đức thì vừa biết lo tròn bổn phận đối với gia đình, vừa biết cống hiến, phụng sự cho cộng đồng, cho xã hội,… Đạo đức này đòi hỏi sự tự nguyện và chính Luật Nhân Quả đã làm nên điều kỳ diệu này. Khi người ta tin vào Luật Nhân Quả thì biết chọn lựa để gieo những nhân thiện lành, điều này không đồng nghĩa với việc hễ ai tin nhân quả thì người đó được tốt, vì khi tham – sân – si trong lòng nổi lên thì họ vẫn làm sai như thường. Cho nên, tin nhân quả là một chuyện, nhưng phải tu để diệt tham – sân – si thì mới không làm điều ác, điều bậy.

Lại nữa, còn cái cao hơn đời sống tinh thần là đời sống tâm linh. TÂM LINH là cái ta không nhìn thấy, khoa học chưa thấy. Do đó, ta dễ hiểu sai và trở thành mê tín nhưng tâm linh là điều có thật. Lúc nào đó nơi thế giới này, khoa học và các nhà tôn giáo phải ngồi lại để lập ra một "Khoa Học Tâm Linh" chuẩn xác, tức là thành một cái khoa học không cho ai được quyền lợi dụng để gây thành mê tín. Tâm Linh là điều có thật. Ngoài ra, còn một tâm linh khác nữa là LUẬT NHÂN QUẢ, bí mật chi phối cả vũ trụ này. Chẳng hạn mức độ địa vị của ta trong kiếp này là do trong quá khứ mức độ ta kính trọng những người khác, kính trọng những người đáng kính. Người nào biết cúi đầu thì sau này sẽ ngẩng cao đầu mà đi trong cái vẻ vang của sự thành đạt. Còn người không biết kính trọng, cúi chào ai thì sau này sống trên đời họ gục mặt xuống mà sống vì thân phận hèn kém. Nên nhớ, mức độ cái phước của ta nó lệ thuộc vào sự kính trọng.

BẬC CHA MẸ THƯƠNG CON, muốn con thành đạt thì dạy cho con cái đạo đức của sự kính trọng, nhưng trước đó bố mẹ cũng phải kính trọng mọi người để làm gương. Người hay nuông chiều con là làm cho con hưởng hết phước quá khứ và đến lúc nào đó nó không còn phước để hưởng thì chỉ toàn gặp thất bại mà thôi. Vì vậy, thương con đừng nuông chiều con. Để có một gia đình đẹp, hạnh phúc, dạy con nên người thì bố mẹ phải tu dưỡng 3 điều:

– Ít nhất có được đời sống vật chất để đảm bảo cho gia đình mình;
– Bố mẹ phải có đời sống tinh thần phong phú (tức bố mẹ phải có kiến thức chừng mực trong cuộc đời này, phải có những tương quan tình cảm tốt đẹp với mọi người để con nhìn thấy);
– Bố mẹ phải có đời sống tâm linh chân chính, không mê tín. Có đời sống tâm linh nó mới là sức hút cao để cho con người hướng về điều thiện tuyệt đối. Còn nếu không có tâm linh, con người cũng hướng về điều thiện nhưng ở mức cầm chừng.

ĐẠO PHẬT đào xới tất cả cội nguồn tâm linh sâu sa nhất trong tâm con người và trong thế giới vũ trụ này. Nên người học Phật biết được lộ trình tâm mình để mà tu. Ví dụ muốn diệt tham thì diệt thế nào; muốn diệt sân hận, nóng nảy phải làm sao; muốn diệt bản ngã ích kỷ phải tu thế nào, v.v… Cả cái cấu trúc về tâm vô hình bí mật Đức Phật bày ra hết và dạy ta từng bước đi tới. Do đó, những người tu theo đạo Phật mà chân chính thì dần dần trở thành những vị Thánh, vì họ từng bước diệt được những sai lầm trong tâm và cuộc sống họ ngày càng trở nên cao đẹp, thuần thiện, không sống cho mình nữa mà họ chỉ sống cho mọi người, cho muôn loài. KHI TRÍ THỨC CON NGƯỜI LÊN ĐẾN TỘT ĐỘ, bỗng nhiên ta gặp vấn đề tâm linh, lý giải, định hướng được vấn đề tâm linh. Đồng thời, tâm linh không còn là tâm linh nữa mà tâm linh trở thành cái đỉnh của khoa học. Cho nên, khi đi theo con đường tâm linh, mà nếu đi đúng hướng thì ta chính là những nhà khoa học (mà không phải là những người tín đồ, những nhà tín ngưỡng, cũng không phải những người tu theo đạo giáo).

KHI TU THEO ĐẠO PHẬT, dù chưa được cảnh giới cao siêu nhưng trước hết ta được 2 điều: thứ nhất là có được đạo đức trong cuộc sống này, do ta sống không đem đau khổ, thất vọng cho người xung quanh, mà mang niềm vui, sự tin cậy cho mọi người; Thứ hai là ta đóng góp vào nền văn hóa tâm linh của dân tộc, góp phần bảo vệ đất nước này, vì đất nước của ta sống bằng nền văn hóa tâm linh của Phật giáo. Do đó, chúng ta phải đến chùa trong những lúc rảnh rỗi để học đạo lý, nhưng không được đến một mình mà rủ cả nhà cùng đi; đồng thời Chư Tăng Ni cũng phải tinh tấn tu hành để đủ đạo lực mà dạy cho bà con Phật tử của mình. Cứ mỗi một con người biết tu tập thì ta góp phần xây dựng đất nước này là vậy.

GIÁC HOME tổng hợp

(Bài viết dựa trên nội dung buổi thuyết giảng của TS. TT. THÍCH CHÂN QUANG – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN tại chùa Bụt Mọc- Hưng Yên 15/04/2013)

 

popup

Số lượng:

Tổng tiền: