Tam bảo Phật-Pháp-Tăng

CƯ SĨ NÀO- TS. Luật Học TT. Thích Chân Quang

09/12/2021 Phúc Khiết Giác 0 Nhận xét
CƯ SĨ NÀO- TS. Luật Học TT. Thích Chân Quang

Các loạt bài viết PHẬT NÀO - PHÁP NÀO - TĂNG NÀO - CƯ SĨ NÀO đã trang bị cho mỗi người Phật tử chúng ta một Chánh kiến làm cơ sở để lựa chọn cho mình một pháp môn, một đường lối tu hành đúng đắn, chọn được Thầy lành Bạn tốt để đi theo. Chẳng những Phật tử mà bất kỳ ai quan tâm và lo lắng cho vận mệnh và sự hưng long của Đạo Phật đều nên đọc và suy ngẫm.

Thật hạnh phúc khi đời ta có Phật
Có Minh Sư đưa lối dẫn đường
Cùng bao huynh đệ yêu thương
Yên tâm vững bước thẳng đường mà đi.

CƯ SĨ NÀO (P.1)

HỎI: Người cư sĩ tại gia cũng là đệ tử của Phật, nhưng vai trò không lớn lắm trong hoạt động của Phật giáo.

ĐÁP: Nếu ta nghĩ rằng vai trò người cư sĩ tại gia không lớn lắm thì ta sẽ có cách hành xử theo quan điểm đó, và cũng sẽ tạo qua hệ quả của nó. Còn nếu ta nghĩ rằng người cư sĩ tại gia cũng là đệ tử Phật, cũng có tu tập, nên cũng có trách nhiệm quan trọng đối với sự hưng suy của Phật giáo, thì ta sẽ có sự đối xử khác, và cũng sẽ tạo ra hệ quả khác hẳn.

Ví dụ như trong một buổi lễ, nếu ta thấy chỉ có tăng ni được sắp xếp tham gia các nghi lễ, còn các cư sĩ muốn đứng đâu đó thì đứng, muốn làm gì đó thì làm, thì rõ ràng cách hành xử đó là xem cư sĩ rất ít giá trị, chỉ có nghĩa vụ cúng dường. Tương lai chùa đó sẽ không còn mấy người lui tới.

Ngược lại, nếu chùa nào quan tâm việc tu học cho cư sĩ, dám phân công nhiều việc quan trọng cho cư sĩ, thậm chí còn quan tâm đến hỗ trợ sinh kế nghề nghiệp cho cư sĩ, thì chắc chắn chùa đó có đông đệ tử tại gia.

Nhân nào quả nấy.

HỎI: Người cư sĩ tại gia còn vướng bận gia đình, còn ái nhiễm dục nhiễm, còn phải lo sinh kế vất vả, không thể tập trung tâm trí tu hành, nên tâm linh không thể thăng tiến, thì làm sao phù hợp với đạo lý của Phật là thanh tịnh giải thoát được.

ĐÁP: Cư sĩ có nhiều loại lắm, không quơ đũa cả nắm được. Có cư sĩ sống độc thân tu hành, không xuất gia vì lý do riêng. Có cư sĩ tuy có gia đình rồi, nhưng khi hiểu đạo đã rất tinh tấn tu tập. Có cư sĩ nhiệt thành hộ đạo giúp cho quý thầy rất nhiều tài sản và công sức.

Từ thời đức Phật đã từng có nhiều cư sĩ đắc thánh quả. Chuyện thiền Trung Hoa thì có gia đình ông Bàng Long Uẩn cả nhà đắc đạo cao siêu.

Nhiều người cư sĩ đã từng xuất gia ở đời trước, vì chút lỗi gì đó mà kiếp này làm cư sĩ, nhưng duyên tu hành vẫn còn rất nhiều.

Dĩ nhiên đa phần cư sĩ thì bị ràng buộc bởi duyên nghiệp thế gian nên khó tu hơn. Tuy nhiên, giá trị độ sinh của đạo Phật là phải nâng được duyên tu hành của mọi chúng sinh lên được tầm cao mới.

HỎI: Có câu kệ "Hạnh phúc thay tứ chúng đồng tu" cũng là đề cao giá trị tu hành của người cư sĩ. Nhưng nhiều khi vô chùa làm lễ, các thầy tụng kinh gì mà cư sĩ không hiểu nên cũng không tụng theo được, đứng nghe mãi cũng chán.

ĐÁP: Cái đó là do chùa không khéo, không quan tâm đến phật tử khi có đại lễ. Đúng ra Phật hay nhắc từ "Tứ Chúng" nghĩa là tỳ kheo tăng, tỳ kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, khá trân trọng nơi các pháp hội long trọng.

Chùa nào thực hiện đúng lời Phật dạy sẽ phát huy cư sĩ lên để người cư sĩ được tu học, được cống hiến tích cực. Vì suy cho cùng, sự tái sinh dễ làm thay đổi hình tướng lắm. Nay cư sĩ, mai thầy tu, nay thầy tu, mai cư sĩ chẳng biết chừng.

HỎI: Người cư sĩ vướng bận gia duyên, phải làm ăn sinh kế, phải giao du xã hôi, thì làm sao tinh tấn tu hành được ?

ĐÁP: Tinh tấn hay không là do phước. Nếu có phước, người cư sĩ vẫn đủ duyên tu tập, và có khi vẫn chứng thiền chứng thánh như thường. Bước đầu ai cũng phải hiểu sâu nhân quả để tạo thật nhiều công đức tùy theo hoàn cảnh của mình. Vừa làm ăn, vừa làm phước, vừa tu tập, rất cực, nhưng nếu không cực như thế thì sẽ chìm mãi trong luân hồi đau khổ.

Sau khi đủ phước rồi tự nhiên hoàn cảnh thuận lợi và tâm linh khai mở. Sự tu hành sẽ chuyển biến lớn.

HỎI: Nhưng phải gặp minh sư thì cư sĩ mới có đường đi lên, chứ nếu gặp tà sư thì theo mãi cũng không có kết quả gì, có khi còn đọa thêm.

ĐÁP: Đúng vậy. Điều quan trọng nhất của phật tử là tìm cho được minh sư.

Ngày nay phương tiện tìm kiếm thông tin dễ dàng, sách vở cũng nhiều, nên phật tử có nhiều cơ hội tìm kiếm bổn sư. Tuy nhiên, chẳng có vị nào cho mình là tà sư cả, ai cũng cho mình là minh sư, và ai nói nghe cũng hay.

Người cư sĩ sẽ bị duyên đời xưa cuốn hút để theo vị thầy nào đó chứ không đủ sức tìm minh sư khách quan. Phải cầu Tam Bảo gia hộ nhiều lắm mới đến được với minh sư.

CƯ SĨ NÀO (phần 2)

HỎI: Người cư sĩ ở thế gian phải lo toan rất nhiều điều, bây giờ nếu buộc họ phải lo cho đạo pháp nữa thì quá vất vả.

ĐÁP: Ta chỉ sợ đời mình lo toan những việc sai lầm không tạo ra phước đức. Còn nếu vất vả lo toan mà tạo ra phước thì ta nên vất vả càng nhiều càng tốt. Người cư sĩ phải lo toan cho gia đình vì đó là bổn phận. Vì lo toan cho gia đình nên phải đi ra lo việc xã hội, vừa kiếm tiền vừa tham gia vào trong sự vận hành của guồng máy xã hội. Hai việc này đã lấy đi rất nhiều công sức của một con người. Những tưởng như bây giờ lo toan gánh vác thêm việc đạo nữa thì quá sức của họ. Nhưng không, chính cái lo toan gánh vác việc đạo đúng nghĩa lại giải tỏa bớt áp lực của các công việc của gia đình và xã hội.

Khi hiểu thông đạo lý, ta phụng sự cho mọi người lại thấy rất vui. Hoặc phụng sự cho đạo, hoặc phụng sự cho đời, nếu là việc nên làm, và nếu tâm ta tự nguyện, đều tạo ra niềm vui.

HỎI: Người xuất gia cũng có nhiều hạng, chân tu, giả tu, rất tốt, tốt vừa vừa, tầm thường, thậm chí rất tệ hại, thì người cư sĩ cũng có quá nhiều hạng. Làm sao biết ai tốt ai xấu để khuyến khích họ thân cận Tam Bảo phụng sự Phật Pháp, vì nhỡ đâu kẻ xấu hiện diện sâu trong chuachùa sẽ hại nhiều hơn lợi.

ĐÁP: Đã từng có án mạng do người làm công quả giết sư cướp tài sản. Đã từng có các vụ rắc rối do cư sĩ bất mãn vì không chiếm được quyền lợi mà rêu rao nói xấu sư để trả đũa. Đã từng có các tình trạng cư sĩ ban đầu ngoan ngoãn rồi về sau trở mặt làm tay sai cho các tổ chức xấu để hại chùa... nhiều lắm.

Cư sĩ là đối tượng để cho các thầy hóa độ. Cư sĩ cũng là cánh tay đắc lực giúp các thầy làm nên nhiều phật sự. Nếu các thầy giáo hóa thành công khiến cư sĩ tốt lên dần, thì thật sự cư sĩ sẽ giúp các thầy làm nên biết bao nhiêu điều tốt đẹp cho đời. Ngược lại, nếu việc giáo hóa không thành công, cư sĩ cũng là mầm họa cho Phật Pháp.

HỎI: Người ta hay đánh giá sự thành công của một ngôi chùa qua số lượng các phật tử về quy y hay dự lễ hay tới lui công quả. Việc này có đúng chăng?

ĐÁP: Thu hút được đông đảo phật tử về chùa thì cũng xem như một dấu hiệu của thành công, nhưng ta còn phải xem sự giáo hóa của ngôi chùa đó có đúng với chánh pháp hay không nữa. Có khi phật tử về đông chỉ vì họ có duyên xưa sâu nặng với ông thầy mà thôi. Giá trị quan trọng tiếp theo là họ sẽ trở thành loại người như thế nào khi đến chùa. Họ có tăng trưởng đạo đức không, có đi vào chiều sâu tâm linh giác ngộ không, có yêu thương từ bi hơn xưa không, có ít bị não phiền dằn vặt không....

HỎI: Thực tế là có những phật tử thân thiết với chùa, có phật tử ít thân thiết, dù họ đều quy y cùng bổn sư nơi đó.

ĐÁP: Đây là thực tế. Nếu phật tử siêng năng công quả, phát tâm cúng dường, phụ giúp phật sự thì đương nhiên họ sẽ trở nên thân thiết với chùa. Nhiều khi kiếp trước họ là người xuất gia bây giờ tái lai nên tình cảm quyến luyến khó rời.

Còn nhiều người quy y xong mấy năm chưa thấy quay lại thăm chùa thì làm sao mà thân thiết được. Đó là lẽ công bằng thôi.

HỎI: Nhưng có những phật tử thân thiết, cậy có công, rồi lên mặt hống hách khó chịu lắm.

ĐÁP: Cái này lỗi phần lớn ở ông thầy bổn sư không dạy dỗ kỹ. Phật tử càng thân thiết thì càng phải tu học nhiều hơn, thúc liễm nhiều hơn, kềm chế nhiều hơn, khiêm tốn nhiều hơn. Cái này lại nằm trong đường lối giáo lý của chùa có sâu sắc hay không.

Giáo lý đường lối của chùa lại lệ thuộc vào sự tu tập của bổn sư có chân chính hay không.

CƯ SĨ NÀO (phần 3)

HỎI: Chư tăng tu hành thì có tăng đoàn hỗ trợ nhau, còn cư sĩ quy y rồi về nhà tu một mình, thỉnh thoảng mới đến chùa, đạo tâm khó giữ. Trong Phật giáo lại không có sự bắt buộc phải đi chùa đều đặn như các đạo khác nên lỏng lẻo quá.

ĐÁP: Bởi vậy các chùa phải thành lập các đạo tràng tự quản cho các phật tử có môi trường huynh đệ gắn bó hỗ trợ nhau tu hành tốt hơn. Chỉ có bậc Độc giác Phật mới đủ sức tu một mình rồi đắc đạo, còn lại tất cả chúng sinh đều phải nương tựa tập thể, thầy tổ, huynh đệ đạo tràng mà bảo vệ đạo tâm cho nhau.

Khi tham gia đạo tràng, ta đã tình nguyện đặt mình vào kỷ luật chứ không còn muốn làm gì thì làm nữa. Chính cái tâm nép vào kỷ luật này làm cho bản ngã của ta bị kềm chế lại. Người cư sĩ nòng cốt của đạo tràng là người GIAO BỚT quyền của cá nhân cho đạo tràng. Thậm chí đi đâu, làm gì cũng báo cho huynh đệ biết mà yên tâm. Đạo tràng chẳng khác gì gia đình ruột thịt với các huynh đệ chẳng khác gì anh chị em. Nhiều khi huynh đệ đạo tràng làm ta thấy yên tâm hạnh phúc hơn cả anh chị em ruột thịt vì tất cả đối xử với nhau bằng đạo lý.

Anh chị em ruột mà không có Đạo lý có khi còn làm khổ nhau bởi đủ thứ xích mích. Còn huynh đệ đạo tràng bắt buộc phải hành xử với nhau theo đạo lý Phật dạy nên cực kì yên tâm ấm áp. Đạo tràng có ban điều hành, trên ban điều hành còn có bổn sư theo dõi nhắc nhở.

Ai quy y rồi phải tìm đạo tràng gần nhà mà tham gia, đừng tu một mình không an toàn chút nào.

HỎI: Nói rằng khi tham gia đạo tràng là tình nguyện giao bớt cho đạo tràng quyền cá nhân của mình, nghĩa là gì ạ?

ĐÁP: Nghĩa là từ nay ta tình nguyện để cho đạo tràng kiểm soát cuộc đời của ta giống như gia đình ta vậy. Dĩ nhiên là không phải giao nộp hết mọi điều riêng tư, nhưng ta đi đâu làm gì cũng báo cho huynh đệ biết để mọi người yên tâm. Mà khi ta chia sẻ cuộc đời của ta với đạo tràng thì tự nhiên ta có cả một sự yêu thương hậu thuẫn rất lớn trong cuộc đời.

Dĩ nhiên đạo tràng tốt hay không còn phụ thuộc vào đạo lý dạy dỗ của thầy tổ, vào ban điều hành, vào sự tinh tấn tu hành của tất cả các huynh đệ nữa.

Ta cũng phải cảnh giác đến kẻ xấu xâm nhập đạo tràng rồi rỉ tai kích động chia rẽ làm huynh đệ nghi ngờ lẫn nhau.

HỎI: Đạo tràng là môi trường tốt cho người cư sĩ gắn bó tu tập với nhau, nhưng lứa tuổi chênh lệch sẽ là sự trục trặc. Trong đạo tràng có nhiều người với các lứa tuổi khác nhau, sở thích khác nhau, sức khỏe khác nhau, nên nếu đi chung một khuôn khổ cách thức sẽ không thích hợp.

ĐÁP: Ta nên tách CHÚNG THANH NIÊN ra riêng. Chúng thanh niên sẽ năng động hơn, dấn thân chịu cực hơn, phụng sự nhiều hơn, và ứng dụng nhiều cách thức sinh hoạt mới mẻ hơn. Chúng thanh niên cũng sẽ được đào tạo nhiều kỹ năng hơn để các em đủ sức bước vào cuộc đời đỡ ngỡ ngàng thất bại.

Chúng thanh niên phải rèn luyện các kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp, quản lý, làm việc nhóm, làm thuộc hạ giỏi, làm chỉ huy xuất sắc, để khi các em đi làm việc ở môi trường nào cũng trở thành người cống hiến đầy ích lợi cho chỗ làm đó. Các em phải là những công dân ưu tú của đất nước.

HỎI: Có những ngôi chùa ít phật tử lui tới thì làm sao mà tổ chức đạo tràng cho phật tử tu học gắn bó hỗ trợ nhau được.

ĐÁP: Cái này do nhiều nguyên nhân. Có khi tại thầy trụ trì ít duyên với chúng sinh từ những kiếp xưa nên đời này ít ai tới lui học hỏi. Có khi tại thầy trụ trì kém đạo hạnh nên không thu hút được phật tử tin tưởng tìm về. Có khi tại thầy trụ trì không quan tâm giáo hóa phật tử nên tự nhiên hết duyên rồi mọi người xa lánh. Cũng có khi nghi thức tụng kinh đã lạc hậu mà không chịu cải cách cho phù hợp thời đại mới nên lớp trên chán không đến. Có khi ông thầy chẳng có Đạo lý gì từ trong tâm để biến thành lời nói nhắc nhở dạy dỗ cho ai...

Muốn chùa đông người thì chư tăng phải củng cố sự tu hành của mình trước, tu thật chân chính, thật tinh tấn. Rồi khi nội tâm đã tràn đầy đạo lực thì mỗi một cử chỉ lời nói đều đem lại lợi ích cho chúng sinh. Tự nhiên chùa sẽ đông vui.

Cũng coi chừng pháp môn tu hành của chùa mà lạc hậu và sai với chánh pháp của Phật thì cũng không bền lâu. Thời đại mới này ai cũng thích tìm về thiền định đúng con đường Phật dạy. Các chùa phải nghiên cứu, thực hành rồi hướng dẫn cho phật tử thiền định chuẩn mực, chúng sinh có lợi ích sẽ tìm về đông đảo.

HỎI: Có khi ở địa phương này, nhưng lại có duyên quy y một thầy ở địa phương khác, thì tham gia đạo tràng nào?

ĐÁP: Quy y thì theo duyên, nhưng đạo tràng thì nên gần nhà cho thuận lợi. Nếu đạo tràng gần nhà tu không đúng theo đường lối của mình chọn thì nên trao đổi với ban điều hành ở đó xem sao. Nếu đạo tràng đó nhất quyết giữ đường lối của họ thì ta xin phép bổn sư mà lập nhóm huynh đệ cùng quan điểm để nương tựa nhau tu hành. Đừng ai tu lặng lẽ một mình sẽ không tiến bộ.

CƯ SĨ NÀO (phần 4)

HỎI: Có quy định cụ thể nào về thái độ của cư sĩ đối với chư tăng không ạ? Tăng thì nhiều hạng, nếu buộc ai mình cũng cung kính hết thì unfair quá.

ĐÁP: Quy định tổng quát của tất cả các tôn giáo là tín đồ cư sĩ phải bày tỏ sự kính trọng đối với các tu sĩ vì đó là tầng lớp trung gian giữa thần thánh và con người. Tuy nhiên tu sĩ có nhiều hạng, chân tu, giả tu, trì giới, phạm giới, từ bi, hẹp hòi, độ lượng, nhỏ mọn... Rồi thánh tăng siêu phàm cũng khác với phàm tăng tầm thường.

Đối với các vị chân tu đạo hạnh cao cả thì dù không ai bắt buộc, người cư sĩ phải hết lòng kính trọng, thừa sự, học hỏi, cúng dường, bảo vệ... Đó là tạo phúc cho chính mình, mà cũng là góp phần xây dựng đạo pháp hưng long.

Còn đối với các thầy tu đạo hạnh thấp thì ta tùy nghi mà cư xử. Ta vừa đòi hỏi họ phải tu hành đàng hoàng, vừa khuyến khích an ủi họ mạnh mẽ lên, vừa nghiêm khắc với họ, vừa động viên họ...

Có những tu sĩ và cư sĩ có duyên riêng với nhau từ kiếp nào nên chấp nhận lỗi lầm của nhau một cách dễ dãi. Đây cũng là mầm mống phá đạo. Người cư sĩ vừa xem chư tăng như thầy của mình, nhưng cũng vừa xem chư tăng là đối tượng mà mình phải giám sát. Ai tốt thì ủng hộ, ai chưa tốt thì ép phải tốt lên.

HỎI: Tăng sĩ lại được chia ra theo tuổi đạo, ai tu lâu hay thọ giới lâu thì được trọng vọng. Tuổi đạo có phải là công cụ chính xác để phật tử đặt niềm kính trọng không?

ĐÁP: Vì không thể biết đạo hạnh thực tế của mỗi tu sĩ ra sao nên ta đành dùng tạm tuổi đạo để phân chia thứ bậc. Tuy nhiên đạo hạnh với tuổi tác không liên quan nhiều lắm. Có người càng ở lâu trong Chùa thì càng hư. Có người càng ở lâu trong Chùa thì càng có đạo hạnh sâu dày.

Cư sĩ phật tử ban đầu tiếp xúc thì cứ bày tỏ sự kính trọng chung chung, sau đó phải đánh giá đạo hạnh thực tế mà bày tỏ thái độ cho phù hợp.

HỎI: Có người nói mình là cư sĩ nên không được phê bình đánh giá quý thầy mà mang tội. Lỗi quý thầy có Phật tính, còn mình chỉ biết cung kính vâng lời thôi.

ĐÁP: Chính vì quan niệm dễ dãi này mà các tu sĩ không phấn đấu tu hành nữa, chỉ cần ráng giữ cái áo ca sa là no ấm một đời. Dù họ có lỗi lầm gì thì cũng được các phật tử cúng dường nuôi nấng chìu chuộng. Đạo pháp suy tàn vì quan điểm nguy hiểm đó.

Bây giờ các phật tử phải hiểu cho đúng lại, chỉ có ai thật tu mới xứng đáng được tôn trọng cúng dường. Nếu tất cả phật tử đồng lòng như thế thì buộc chư tăng phải nỗ lực tu hành rất nhiều. Nhờ thế mà đạo pháp sẽ bền vững hơn.

HỎI: Người cư sĩ có thể hoằng pháp như thế nào ở vị trí của mình?

ĐÁP: Hoằng pháp là công đức rất lớn mà bất cứ đệ tử Phật nào cũng đều phải đạt đến, không luận xuất gia hay tại gia. Tuy nhiên, phải tùy vào nhân duyên phước đức trình độ của mỗi người mà ta nên có cách làm thích hợp.

Cách thứ nhất, căn bản vững chắc nhất, chính là hỗ trợ sự hoằng pháp của các vị thầy chân chính. Chữ hỗ trợ này bao hàm rất nhiều ý nghĩa, rất nhiều sáng kiến, rất nhiều tâm huyết. Bản thân mình sẽ không được gì danh tiếng khen ngợi tài lộc, nhưng nếu giúp cho chánh pháp đến được với nhiều người thì sau này công đức ta rất lớn.

Cách thứ hai là ta tùy duyên của mình mà trực tiếp gặp gỡ nói chuyện khuyên bảo hết người này đến người khác hiểu sâu về Phật Pháp. Cách này đòi hỏi đạo hạnh mình phải khá một chút, và cũng đừng tỏ ra ta đây giỏi giắn.

Cách thứ ba là nhờ phương tiện truyền thông để đem chánh pháp lan rộng ngẫu nhiên.

Nói chung, mỗi cư sĩ phải phát nguyện giúp cho vài trăm người biết đến Phật Pháp là xem như tạm đủ vốn đi qua kiếp sau thăng hoa.

CƯ SĨ NÀO (phần 5)

HỎI: Người cư sĩ thuần thành là người tuy còn sống ở thế gian nhưng tâm hồn đã dành hết cho Phật Pháp.

ĐÁP: Không phải đâu. Người cư sĩ thuần thành là người rất sẵn sàng xuất gia khi đủ duyên (thậm chí hơi thiếu một chút cũng được), nhưng lại là người cực kỳ có trách nhiệm với cuộc đời. Trước hết họ là một thành viên gia đình tích cực, lo toan cho cả nhà mà không nề hà đòi hỏi quyền lợi tài sản gì cả.

Thứ hai họ là một viên chức nhân viên mẫn cán cống hiến hết mình cho sự phát triển của cơ quan xí nghiệp công ty.

Thứ ba họ là một công dân tốt của đất nước, tuân thủ luật pháp, yêu nước nồng nàn, đóng thuế đầy đủ, sẵn sàng hy sinh thân mạng để bảo vệ tổ quốc.

HỎI: Năng lượng ở đâu mà người phật tử phụng sự nhiều như vậy? Sức người có hạn thôi chứ.

ĐÁP: Sức người có hạn, nhưng đạo lý của Phật dạy là nguồn năng lượng vô hạn. Người phật tử thuần thành hiểu được Nhân quả Nghiệp báo sâu sắc nên khát khao cống hiến để tích lũy công đức vô hạn chuẩn bị cho thánh quả vĩ đại ở mai sau.

Ban đầu khả năng ít thì cống hiến ít. Đến khi phước tăng lên, khả năng tăng lên, thì cống hiến nhiều hơn. Họ khéo léo không thụ hưởng phước báo nên tích lũy được phước báo lớn dần.

HỎI: Như chư tăng mang hình tướng tu sĩ dễ có tư cách giáo hóa hoằng pháp. Còn cư sĩ ai cũng như ai rất khó chia sẻ đạo lý với người khác.

ĐÁP: Chư tăng không thể la cà nơi các xó xỉnh của cuộc đời để tiếp cận với nhiều hạng người trong xã hội. Có nhiều góc khuất của xã hội là nơi dễ phát sinh hang ổ tội lỗi xấu xa. Nếu người cư sĩ lân la tìm đến chia sẻ đạo lý thì sẽ giúp xã hội bình yên hơn, bình yên tận những nơi khuất kín tối tăm.

Hoặc chợ búa chen chúc, làm sao thầy tu vô đó tiếp xúc với dân buôn bán để dẫn dắt họ biết đạo được. Chính người cư sĩ giống với mọi người mới lân la tiếp cận được. Dĩ nhiên mang hình thức cư sĩ thì không ai kính nể mình đâu, nhưng lâu ngày thấy mình đạo đức chân thành, mọi người sẽ yêu quý.

Rất nhiều môi trường mà tu sĩ không thích hợp xuất hiện để giáo hóa. Người cư sĩ sẽ thích hợp hơn.

HỎI: Nhưng cư sĩ khó có môi trường tu tập chuyên sâu như tu sĩ. Ngôi nhà chật chội, phòng ốc chen chúc, tiếng TV ồn ào, bàn thờ nghiêm trang hay chỗ ngồi thiền tĩnh lặng là hiếm hoi. Chính vì không thể tu tập chuyên sâu được nên đạo hạnh khó tiến. Đạo hạnh không cao thì cũng khó chia sẻ đạo lý với mọi người được.

ĐÁP: Ai mới tu cũng phải bắt đầu từ hoàn cảnh khó khăn như thế. Công đức cũng phát sinh từ hoàn cảnh khó khăn như thế. Ngay trong lúc khó khăn mà ta vẫn CỐ GẮNG lễ Phật, cố gắng ngồi thiền, cố gắng chia sẻ đạo lý, cố gắng đến với Đạo tràng cùng huynh đệ... thì nhân quả sẽ đưa ta về nơi tươi sáng.

Ngay cả người nghèo mà muốn chuyển nghiệp để được giàu sang thì cũng phải làm phước từng chút trong hoàn cảnh khó khăn, rồi mới đi lên dần dần.

HỎI: Có những cư sĩ mà đạo tâm yếu kém, tuy có quy y Tam Bảo nhưng ít đến chùa, ít lễ Phật, ít đọc kinh sách, ít nghe thuyết pháp, ít gắn bó với đạo tràng huynh đệ, thậm chí cũng ít lui tới với chùa của bổn sư. Phải làm sao ạ?

ĐÁP: Nếu không có ai tiếp cận để dẫn dắt thì người này sẽ mất thêm vài nghìn kiếp lang thang vất vả, khi làm tội khi làm phước, lúc buồn lúc vui, thật là bất hạnh. Họ không mở lòng thì khó chiêu cảm được sự gia hộ từ bi của Tam Bảo. Trách nhiệm của các cư sĩ nòng cốt là tìm cho ra những người như thế để đưa họ về với đạo một cách gắn bó hơn, để cứu họ bớt lang thang trong luân hồi quá lâu tội nghiệp.

CƯ SĨ NÀO (phần 6)

HỎI: Cư sĩ có những mối liên hệ như sau, bổn sư, đạo tràng, Phật giáo địa phương, 3 mối liên hệ này có khi không ăn khớp với nhau. Bổn sư ở một nơi, đạo tràng ở một nẻo, các chùa địa phương thì gần nhà mình. Chẳng biết làm sao mà hòa hợp ba bên.

ĐÁP: Nếu đạo tràng do bổn sư lập ra thì đạo tràng đó sẽ tu theo đường lối của bổn sư, xem như không có gì trở ngại. Nhưng nếu bổn sư dạy đường lối khác, đạo tràng ta tham gia tu theo đường lối khác, và các chùa gần nhà ta lại có quan điểm khác thì buộc ta phải chọn lựa và phải khéo léo.

Chọn lựa nghĩa là ta phải chọn đường lối tu nào đúng với chánh pháp của Phật nhất để theo.

Khéo léo nghĩa là làm sao đừng để xảy ra hiềm khích giữa các bên, vì đạo Phật chỉ đem đến đoàn kết yêu thương.

HỎI: Bây giờ có nhiều tông phái, thầy nào cũng nói tông phái mình là hay nhất, thế thì cư sĩ biết tin ai?

ĐÁP: Thời Đức Phật thì không có tông phái, chỉ có một đạo Phật do Phật Thích Ca khai sáng làm giáo chủ. Sau này các thầy lớn hiểu lời dạy của Phật theo cách riêng của mình nên phân hóa thành tông phái dần dần. Càng chia tông phái tức là càng cách xa với Phật. Ta làm sao tìm lại thuở ban đầu của Đức Phật, chỉ có Phật, không còn tông phái nữa.

Trách nhiệm của tất cả tăng ni phật tử ngày nay là tìm lại đạo Phật gốc, hết còn tông phái nữa. Người Cư sĩ đi đến đâu sẽ khuyến khích các chùa tìm lại đạo Phật chung thưở ban đầu để cho chánh pháp được phục chấn hưng long. Nếu các cư sĩ đồng lòng như thế thì các thầy sẽ bớt chia tông rẽ phái.

HỎI: Cư sĩ làm sao dám sửa các thầy được.

ĐÁP: Cư sĩ có các quyền chọn lựa tu sĩ tốt để cúng dường và học hỏi. Cư sĩ cũng có quyền góp ý các thầy về việc vượt qua mặc cảm tông phái để tìm về một đạo Phật chung.

Việc tìm về lại một đạo Phật chung là bổn phận thiêng liêng mà ai cũng có quyền lên tiếng.

Nếu thầy nào cang cường cho rằng tông phái của mình là nhất rồi, không có thiện chí tìm hiểu lời dạy ban đầu của Phật, thì người cư sĩ được quyền bỏ đi không ủng hộ nữa. Tăng sĩ mà không biết lịch sử Phật giáo, không biết kinh nào đúng Phật dạy, kinh nào được chế tác về sau, thì thầy đó sở học không vững chắc.

HỎI: Kinh tế đời sống là một yếu tố quan trọng chi phối tinh thần của người cư sĩ. Nghèo quá rất khó tu.

ĐÁP: Thiếu phước thì cái gì cũng khó, đặc biệt tu lại càng khó hơn nữa. Bởi vậy ban đầu, việc tu chính yếu là lo làm phước thật nhiều trước. Mất nhiều năm tận tụy làm phước rồi mới có cơ hội để đi vào chiều sâu tâm linh. Ai dạy tu không cần làm phước là dạy sai. Thiếu phước rồi không còn giá trị gì ở đời nữa chứ đừng nói đến tâm linh cao siêu.

Căn bản của việc tu hành là phải làm phước để hóa giải sự khó khăn trong đời sống. Cái này nhiều khi mất 10 NĂM. Nhiều cư sĩ hăm hở đi vào tâm linh thiền định trong khi chưa có chút phước nào. Mất công mà không có kết quả gì.

HỎI: Tâm trạng do dự giằng co giữa muốn đi xuất gia và muốn ở lại làm cư sĩ là sao ạ?

ĐÁP: Đó là phước làm tăng chưa đủ. Nếu đủ phước rồi thì không có do dự.

CƯ SĨ NÀO (phần 7)

HỎI: Người cư sĩ muốn hộ pháp, muốn bảo vệ Phật Pháp thì phải làm sao?

ĐÁP: Muốn bảo vệ Phật Pháp thì trước hết phật tử phải hiểu biết về luật pháp để không làm gì phạm luật. Nếu ta bảo vệ Phật Pháp mà lại vi phạm luật pháp thì cũng như không. Hiểu luật pháp nên ta không làm gì cực đoan, manh động, mà khéo vận dụng các Điều luật để đấu tranh cho lẽ phải. Kẻ phá đạo thì chắc chắn là vi phạm luật pháp và phản bội đạo lý. Nhưng ta không giống những kẻ đó.

Thứ hai, phật tử phải hiểu họ dùng phương pháp gì để phá đạo. Kẻ xấu rất thông minh, bàn nhau nghĩ ra trăm phương nghìn kế để phá đạo. Thường thì ta cứ bị lẽo đẽo đi sau giặc. Họ phá tan nát rồi ta mới biết họ dùng thủ đoạn gì. Bây giờ phải thông minh rút kinh nghiệm từ quá khứ và đoán trước tương lai để có biện pháp ngăn chặn các âm mưu phá đạo.

Thứ ba là mỗi người phải tạo phước thật dày cho bản thân mình thì mới đủ sức bảo vệ đạo pháp. Ít phước quá không bảo vệ đạo pháp được. Người ít phước dù có tấm lòng cũng không có phương tiện và cơ hội để hành động. Ngay từ bây giờ ta cứ phải siêng năng tạo phước để dành sau này lấy ra bảo vệ đạo pháp.

HỎI: Những âm mưu cơ bản mà giặc dùng để phá đạo là những gì ạ?

ĐÁP: Bình thường thì không ai muốn phá đạo Phật làm gì, nếu có giận ghét gì chỉ là chuyện cá nhân thôi. Còn đã phá tức là có tổ chức cả. Ta có thể liệt kê các âm mưu chống phá đạo Phật như sau:

- Gây dư luận xấu đều đều, rộng rãi, từng chút, để hạ uy tín tăng ni và cả Phật giáo. Thả tin đồn, rỉ tai nói chuyện riêng, dùng mạng xã hội... khiến cho mọi người tin là các chuyện xấu xa có thật, rồi chán ghét Phật giáo.

- Mua chuộc các viên chức an ninh làm các báo cáo giả dối bí mật để nói xấu tăng ni lên Nhà nước khiến cho Nhà nước mất lòng tin vào Phật giáo. Đây là ly gián giữa chính quyền và Phật giáo. Hoặc trong các buổi họp, có cán bộ cứ phát biểu chê trách Phật giáo mãi, từ từ cũng thấm.

- Cài người vào trong Giáo hội để gây chia rẽ nội bộ, trù dập các tăng tài, và kềm hãm các hoạt động tốt đẹp của Phật giáo.

- Thả người giả làm phật tử xâm nhập các chùa có đông tín đồ để rỉ tai nói bậy bạ khiến mọi người bỏ chùa dần.

- Cho người tiếp cận các thầy để làm mỹ nhân kế hoặc gài bẫy dính líu tiền bạc rồi thao túng suốt đời.

- Dựng một nhân vật lên làm đạo sư giáo chủ, cho người tung hô ca ngợi, hình thức như Phật giáo để lôi kéo phật tử, sau đó biến thành đạo khác....

Với tầm cỡ quy mô tổ chức chu đáo như thế thì không có cá nhân nào chống lại nổi. Một mình đứng lên chống lại thì có khi nguy hiểm tính mạng. Phải cần có 3 yếu tố: một là tăng ni phật tử phải chân chính tu hành, hai là tất cả đoàn kết, ba là nhờ sự giúp đỡ bảo vệ từ nơi Nhà nước.

HỎI: Nếu chỉ có một mình thì làm được điều gì để góp phần nhỏ bé bảo vệ đạo pháp ạ?

ĐÁP: Thứ nhất phải quan sát xem những âm mưu như thế có xuất hiện ở nơi mình quan tâm không. Thứ hai các thầy có hiểu về những âm mưu như thế không. Thứ ba các thầy có thật tu thì chư thiên mới bảo vệ. Thứ tư, giải thích âm thầm cho nhiều người hiểu các âm mưu đó để cảnh giác chung tìm ra kẻ xấu đang trà trộn trong đạo tràng phật tử.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: