Pháp lạc Tâm an

BỐN MỨC ĐỘ TU HÀNH CỦA TÂM- TT. TS. Thích Chân Quang (Chùa Bửu Trì- Cần Thơ, 26/07/2015)

06/01/2024 Phúc Khiết Giác 0 Nhận xét
BỐN MỨC ĐỘ TU HÀNH CỦA TÂM- TT. TS. Thích Chân Quang (Chùa Bửu Trì- Cần Thơ, 26/07/2015)

Trong phạm vi chủ đề này, Thượng tọa đã phân tích chỉ ra đặc điểm, vai trò về 4 mức độ tu tập của tâm. Từ đó, mọi người biết suy xét thấy rõ tâm mình đang nằm ở mức độ nào hay đang vướng mắc điều gì để biết cách tu hành hợp lí, đúng đắn. Phần này đi sâu vào thực hành, nên Thượng tọa khẳng định đây là bài Pháp thoại rất khó, chỉ những ai quyết tâm tu hành mới có thể tập trung nghe được, còn ngược lại thì nghe không nổi. Dưới đây, Thượng tọa sẽ lần lượt trình bày cụ thể hơn về 4 mức độ tu tập của tâm mà hành giả cần phải biết và hành, đó là:

Mức độ 1: Sự tu hành giữa ý nghĩ đúng và ý nghĩ sai.

Mức độ 2: Sự đấu tranh giằng co giữa cái tỉnh giác và bất giác.

Mức độ 3: Sự đấu tranh giằng co giữa cái tĩnh và cái động.

Mức độ 4: Là cái cao tột, tức sự đấu tranh giữa hai phạm trù tư tưởng vô ngã và chấp ngã.

Đi vào phân tích từng mức độ, Thượng tọa cho rằng khi một người bắt đầu tu hành thì sự đấu tranh đầu tiên là ý nghĩ đúng và ý nghĩ sai. Từ vô lượng kiếp chúng ta ở trong mê mờ, vô minh, ngu si, cho nên ta suy nghĩ sai rất nhiều. Và có những người suy nghĩ sai đến mức độ nói bậy, làm bậy, rồi đoạ luôn xuống địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Còn như chúng ta ngồi đây thì không trầm trọng đến mức độ đó, nhưng chúng ta khi thì đúng khi thì sai, nó cứ bị trộn lẫn như vậy, nên chúng ta tái sinh làm người để tu lại, cho tới khi nào tâm ta chỉ còn điều đúng thì ta mới vượt khỏi thân phận của con người.

Ở cái thân phận con người, nhất là những người biết tìm về với đạo thì chúng ta lại càng ý thức rõ giữa tội – phước; đúng – sai; còn ở ngoài kia có những người không biết đến Phật pháp tu hành thì họ không quan tâm đến đúng sai lắm, nghĩ đúng cũng được, ý nghĩ sai cũng được miễn sao cái ý mình được thành, tức là chấp ý (bảo vệ ý mình), cho nên ở ngoài kia biết bao nhiêu người rơi rụng đoạ lạc. Còn chúng ta biết đặt chân đến chùa, biết lạy Phật tu hành, vì vậy, mình lo sợ giữa điều tội và phước, đúng và sai. Cái người biết lo sợ mới gọi là người biết tu, vậy mà nhiều khi còn sẩy chân, sẩy lòng, nghĩ bậy.

Cái ta nói bậy còn có người nghe để gặp ta mà góp ý, cái ta làm bậy còn có người thấy để tới gặp ta mà nhắc nhở, nhưng cái ta nghĩ bậy không có ai biết, cái này mới nguy hiểm. Mà khi tâm hồn hoen ố rồi thì ta nói bậy, làm bậy, thành con người xấu, từ đó ta mất cái phước làm người.

Tuy nhiên, trong ba cái nghiệp của chúng sinh, ý nghiệp là khó tu nhất, vì đó là những suy nghĩ thầm kín trong tâm, không ai biết để uốn nắn, chỉnh sửa giúp ta được. Điều này cực kì nguy hiểm, vì nó khiến tâm ta bị hoen ố dẫn đến việc hành động không đúng đắn, cái phước từ đó cũng bị tổn hao. Vậy nên, ai tự kiểm soát được chính mình, tác ý đúng, suy nghĩ đúng thì người đó làm thầy của thiên hạ, chỉ bởi vì làm thầy được chính mình, làm chủ được chính mình trong cái cô độc thầm lặng.

Theo Thượng tọa, mỗi con người có những suy nghĩ bậy khác nhau nhưng nhiều nhất vẫn là nói xấu, chỉ trích người khác và tự khen bản thân mình. Và Thượng tọa đã Phân tích, lấy các dẫn chứng minh họa để làm rõ cho quan niệm này, đồng thời gợi mở cho chúng ta cách để chỉnh sửa những suy nghĩ sai đó mà giành lại điều thiện, điều đúng cho tâm hồn mình, giữ lại cái phước cho bản thân.

Nói về thời gian, Người cho rằng để sửa được tâm, ta cần mất ít nhất 4000 kiếp nếu không có một cái phước đặc biệt. Do đó, chúng ta rất cần những bậc Thánh trên trần gian mà nương tựa, cung kính, cúng dường. Và cái phước đặc biệt này sẽ giúp ta mạnh mẽ, nhạy bén hơn trong việc sửa tâm, còn không thì điều đúng điều sai nó cứ trộn tới lẫn lui hoài, nhưng nếu ta có phước thì có khi chỉ trong 5 năm hay 10 năm, ta xong được giai đoạn thứ nhất này.

Trên đời này có rất nhiều bậc Thánh mà ta không biết. Nhưng nếu không gặp được một bậc Thánh thì ta có thể bù lại bằng việc lễ Phật, khởi lên được lòng tôn kính đối với Đức Phật; sống từ bi, yêu thương chúng sinh; cố gắng giúp đỡ mọi người cùng biết tu hành. Làm được vậy, phước của ta tăng trưởng rất nhanh và không dừng lại ở phước của con người nữa mà là phước của cõi trời.

Tuy nhiên, phải đợi đến khi ta sang mức độ thứ hai là chánh niệm thì ta mới hoàn thiện được con người mình trong nội tâm. Qua mức độ thứ hai là đấu tranh giữa tỉnh giác và bất giác. Nơi tỉnh giác và bất giác này ta mới đủ sức hoàn thiện nội tâm mình tới mức tinh vi trong từng sợi tóc nhỏ nhặt, vì những niệm sai của ta nó nhỏ li ti như hạt bụi.

Ở giai đoạn thứ hai tỉnh giác và bất giác, trạng thái này thì không nói bằng ngôn ngữ được, chỉ có những người nào chứng thì tự biết. Để đến được giai đoạn đạt chánh niệm tỉnh giác, ta phải ngồi thiền như Đức Phật. Cụ thể là bắt chân kiết già, ngồi đúng tư thế thiền định, hai tay đặt giữa bụng, biết rõ toàn thân, cảm giác toàn thân, an trú toàn thân, suy nghiệm quán chiếu thân này là vô thường, tạm bợ. Khi bắt đầu tâm có cái yên thì lúc đó ta thấy hơi thở hiện ra, thấy rõ ràng thân này đang thở vào, thân này đang thở ra.

Khi tu thiền đúng ba bước như vậy cho đến khi thuần thục, có kết quả, tâm ta xuất hiện trạng thái chánh niệm tỉnh giác (tâm rỗng rang sáng tỏ như có ngọn đèn thắp bên trong, nhưng mà ý niệm thì vẫn tiếp tục còn khởi chứ chưa có tắt). Cái trạng thái mà bừng tỉnh bất ngờ đó trong nhà thiền gọi là ngộ đạo hay kiến tánh.

Ở giai đoạn thứ hai này ta được cái giác nhưng chưa có cái định. Nhưng nhờ cái tỉnh giác này ta kiểm soát được nội tâm mình bắt đầu sâu hơn một bậc rất xa so với giai đoạn thứ nhất. Tuy nhiên, có những ý niệm khởi nhiều khi cũng chực chờ che tâm làm cho mình trở nên bất giác, mất cái tỉnh giác đó. Đây là lúc ta phải đấu tranh để giành lại cái tỉnh giác. Người bước sang giai đoạn thứ hai này thì thực sự họ vẫn sửa lỗi nội tâm nhưng lỗi nội tâm họ tinh tế. Cho nên họ xuất hiện giữa cuộc đời này, họ là một bậc đạo sư, một bậc thầy chân chính vì họ quá sâu sắc, quá trí tuệ, rất đạo hạnh, đạo đức.  

Tương tự, trong cái mức độ tu hành thứ hai của tâm là tỉnh giác và bất giác,Thượng tọa đã phân tích kỹ và nhắc nhở làm sao để giữ cái tỉnh giác nội tâm không bị bất giác trở lại khi ta bước ra ngoài cuộc sống cũng như khi đang bình thường. Đồng thời xác quyết để giữ cái tỉnh giác này lại là một cuộc chiến rất là vất vả. Nhân đây, Thượng tọa cho biết một người đang tu ở trong giai đoạn thứ nhất, giữa đúng và sai; giữa thiện và ác, coi vậy ta chỉ tin vào điều thiện mà tu thôi, chứ còn chưa thấy được con đường tâm linh giác ngộ. Do đó, người tu ở giai đoạn này rất cần có một ông thầy sáng mắt để dìu dắt, uốn nắn ta tu cho đúng, tu cho giải thoát, không để trầm luân sinh tử mãi.

Còn người mà chứng được chánh niệm tỉnh giác rồi thì họ thấy con đường tâm linh đã mở ra, nên niềm tin rất vững chắc. Để sách tấn, Thượng tọa chia sẻ là trong giai đoạn hai này, ta phải cẩn thận để giữ gìn đạo đức, thiện tâm và sự tỉnh giác của mình trong từng chút một, vì chỉ cần một sai sót nhỏ hay một khởi niệm bậy đều khiến cái tỉnh giác của ta bị đổ vỡ. Chỉ khi ta tu đạt đến mức bất thoái chuyển thì sự tỉnh giác của ta mới không bao giờ tắt.

Khi cái tỉnh giác là thường hằng thì bước sang giai đoạn thứ ba là tĩnh và động, ngang chỗ này thường là bắt đầu vào sơ thiền và Thượng tọa đã phân tích cái trạng thái đấu tranh giữa tĩnh và động là thế nào, làm sao để nhập được cái định hoàn toàn (Nhị thiền). Đây là chuyện của cõi Thánh chứ không còn là chuyện của cõi người nữa.

Cuối cùng, tới giai đoạn thứ tư là đấu tranh giữa tư tưởng vô ngã và chấp ngã. Khi tâm đã hoàn toàn định rồi, tuyệt đối không còn niệm khởi nữa, nhưng mà vẫn còn chấp ngã bí mật. Và ở giai đoạn giằng co giữa chấp ngã và vô ngã này chỉ có Phật mới biết. Nếu không có sự chứng ngộ vĩ đại của Ngài thì chúng ta không hiểu được những điều cao siêu ấy mà vẫn chấp ngã, vô minh. Vậy nên, không có lời nào có thể nói hết được tấm lòng biết ơn của ta đối với Đức Phật. Nên nhớ, chiến thắng cuối cùng của một người đi trên đại lộ giải thoát là giành được vô ngã. Hiểu điều này, chúng ta đừng có kiêu mạn khi tu mà chứng đạt được cái gì, vì ta vẫn còn chấp ngã.

Con đường tu hành của tâm rất lâu xa, trên con đường dài dằng dặc đó, chúng ta vừa tu vừa cố gắng làm vô số công đức lành, vì công đức đó sẽ rút ngắn thời gian tu của ta lại. Lúc làm công đức, làm phước… thấy như là bận tâm, mất công, mất thời gian, nhưng không ngờ nó rút ngắn thời gian tu của ta, rất vi diệu. Còn người nào cứ tu thôi thì tu hoài không bao giờ chứng.

Tóm lại, đây là một bài Pháp khó, đòi hỏi người nghe phải có lòng quyết tâm tu hành mới nghe đươc. Với trí tuệ của Người, Thượng tọa đã làm thỏa mãn người nghe, khiến họ nghe được điều chưa từng biết. Phải nói, nơi nào, điều gì Thượng tọa cũng đưa Phật pháp đến được. Vì thế, bàn bạc trong tất cả bài giảng, Thượng tọa luôn có sự dạy dỗ sâu sắc mà chỉ cốt để các phật tử tu đúng đường, nhằm thúc đẩy sự tiến bộ trong tâm linh, trong đạo đức của họ.

Giờ đây các phật tử đã biết được tu hành là một quá trình gian nan, vất vả, lâu dài nên không vội vàng, hấp tấp, không kiêu mạn, không nản lòng. Họ hiểu rằng: Để đi tìm được mục tiêu vô ngã, giải thoát, giác ngộ thì con đường đi rất là dài, công lao bỏ ra rất nhiều, chí nguyện phải kiên cường, chứ chẳng phải không khổ công, tu nhàn nhàn mà có được, nên sớm có một kế hoạch tu hành hợp lí, đúng đắn. Đồng thời, mọi người biết tôn kính, biết cúng dường những vị Thánh trong cuộc đời, tức những người có công hạnh quá vĩ đại, thiện nguyện quá sâu dày để ngày nào đó họ cũng sẽ thành tựu dần dần những tính chất cao đẹp đó.

Từ đây, một khi đã hiểu sâu sắc thế gian này là ràng buộc, là đau khổ, các phật tử ai cũng nguyện lòng gieo duyên giác ngộ, vừa tu, vừa tích cực làm việc thiện, tinh tấn thực hành thiền định, kiểm soát những tâm niệm bí mật để vượt thoát khỏi mọi ham muốn, mọi ước mơ về quả báo. Đồng thời luôn tâm niệm cả cuộc đời mình, dù giải thoát hay chưa giải thoát đều phải làm lợi ích cho chúng sinh./.

GIÁC HOME tổng hợp

 

popup

Số lượng:

Tổng tiền: