Chánh Kiến An Vui

BA CÂU HỎI CỐT TỬ- TS. TT.Thích Chân Quang (Chùa Mật Đa- Thanh Hóa, 02/04/2015)

17/03/2024 Phúc Khiết Giác 0 Nhận xét
BA CÂU HỎI CỐT TỬ- TS. TT.Thích Chân Quang (Chùa Mật Đa- Thanh Hóa, 02/04/2015)

Khi chúng ta biết “Đạo” đến lúc chín muồi rồi thì trong lòng ai cũng ấp ủ lý tưởng xuất gia. Còn nếu chưa khởi lên được lý tưởng xuất gia thì biết “Đạo tâm” mình chưa đủ. Vậy “Đạo tâm” đủ hay chưa đủ được đánh giá chỗ nào. Vần đề này được đặt ra bao gồm ba câu hỏi, đó là:

–         THẾ NÀO LÀ MỘT NGƯỜI BẮT ĐẦU BIẾT TU?

–         THẾ NÀO LÀ MỘT NGƯỜI ĐÃ ĐỦ ĐẠO TÂM?

–         KHI NÀO GỌI LÀ MỘT NGƯỜI BẮT ĐẦU BƯỚC ĐƯỢC VÀO CON ĐƯỜNG TÂM LINH?

Mặc khác, đi sâu hơn vào cuộc sống của người xuất gia, Thượng tọa nhấn mạnh rằng: Người chưa xuất gia có quyền muốn, có quyền tự do và hưởng thụ nhiều thứ; còn người xuất gia rồi thì bị gò bó, buộc phải từ bỏ nhiều thứ đã từng quen thuộc trong cuộc sống của mình. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thích xuất gia hơn, vì khi đủ đạo tâm, đạo hạnh, ta rất muốn được sống thuận theo khuôn phép, quy củ. Đây cũng là một sự khác biệt lớn giữa phàm phu và Thánh.

Đời sống xuất gia giúp con người vứt bỏ hết những trách nhiệm nhỏ nhặt trong cuộc đời, mà dồn sức cho việc tu tập giải thoát, và trải lòng yêu thương tất cả mọi người, không còn thiên vị một ai nữa. Người xuất gia mà làm được điều đó suốt cuộc đời mình thì những kiếp sau, có lúc sẽ thành một bậc cao Tăng ngộ đạo. Ngược lại,người buông lung, dễ dãi, phóng túng thì kiếp sau lui làm cư sĩ, không thể xuất gia được, tức là giới luật ta không nghiêm, ta vẫn vui với những cái mà người đời vui, ta sống giống người đời quá, thế là ta mất phước, đời sau từ người xuất gia lui trở ra làm cư sĩ, bắt đầu tu lại từ đầu. Mà không chờ đến kiếp sau, có khi trong hiện đời đã hoàn tục, chỉ vì ta làm mất hình tượng đẹp của người xuất gia bằng những hành vi phi chánh pháp. Như vậy, theo nhân quả chúng ta cũng hiểu: Một người cư sĩ muốn được xuất gia thì phải làm sao rồi.

Để hiểu khi nào ta bắt đầu bước vào đời sống tâm linh thực sự thì Thượng tọa đã nêu dẫn chứng minh họa bằng những hình ảnh quen thuộc, gần gũi, dễ hiểu về Thánh quả để giúp ta thông suốt về điều này. Nhân đây, Thượng tọa cũng phân tích hai trường hợp: Một trường hợp chứng được chánh niệm tỉnh giác mà chưa chứng được quả thánh Tu Đà Hoàn. Trường hợp thứ hai, chứng được chánh niệm tỉnh giác cũng là chứng được luôn thánh quả Tu Đà Hoàn để chúng ta học hỏi, trau dồi đời sống tâm linh của mình.

Mỗi lời Thượng tọa nói ra nhẹ như gió, lan tỏa đến bất cứ ai nghe được, từ đó, đạo tâm của mọi người được nâng lên vững chải. Phải chăng, chính vì  đạo Phật phục vụ lợi ích chúng sanh, đáp ứng nhu cầu tâm linh cho xã hội trong mọi thời đại, nên lý tưởng Bồ tát ra đời và rất cần thiết là thế.

Bài Pháp thoại của Thượng tọa là cơ sở cho mọi người soi rọi, đối chiếu vào quá trình tu tập của bản thân để có thể điều chỉnh, uốn nắn mỗi bước đi cho chính xác. Qua đây, mọi người cũng hiểu rằng quá trình tu tập tâm linh rất vất vả, sâu dày qua bao nhiêu kiếp luân hồi mới có những sở chứng tâm linh. Cho nên, họ cần có một tâm lý vững vàng, kiên trì để đi hết đoạn đường đó. Đồng thời, Thượng tọa cũng chỉ ra nhiệm vụ của mỗi phật tử đối với việc xây dựng Phật giáo tại quê hương mình, nhằm giúp mọi người xung quanh có thể tìm về với mái chùa. Đây cũng là việc làm thiết thực nhất để chúng ta có thể chia sẻ trách nhiệm độ sinh rất nặng nề nhưng cao cả, nhân văn với chư Tăng Ni Trụ trì các chùa nói chung và với Phật giáo Việt Nam nói riêng.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: