Chánh Kiến An Vui

DIỆT TRỪ CÁI XẤU TRONG TÂM- TS. TT. Thích Chân Quang

09/12/2021 Phúc Khiết Giác 0 Nhận xét
DIỆT TRỪ CÁI XẤU TRONG TÂM- TS. TT. Thích Chân Quang

Vào 29/09/2019, nhân khóa tu Thiền tại chùa VIÊN QUANG (xóm 7A, xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), TT. THÍCH CHÂN QUANG – Phó ban Kinh tế Tài chánh TƯ GHPGVN, Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang đã quang lâm thuyết giảng đề tài DIỆT TRỪ CÁI XẤU TRONG TÂM cho hơn 1.000 Thiền sinh và hơn 1.500 Quý Phật tử đến từ các tỉnh thành như: Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng và một số tỉnh lân cận.

Được biết, hiện nay các Phật tử địa phương và Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang Nghệ An mỗi tối đều đến chùa Viên Quang tu tập rất đông, riêng mỗi kỳ Đại Lễ của Phật giáo thì có đến cả vạn lượt người đến tham dự.

Vào đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa đã tản mạn về triết lý "Sạch Sẽ". Theo Thượng tọa, ý thức về sạch sẽ, chọn lựa sạch sẽ, sắp xếp sự sạch sẽ là thước đo đạo đức, trí tuệ của một con người. Người càng đạo đức và trí tuệ thì càng sạch sẽ, không để môi trường chung quanh mình bẩn thỉu, dơ dáy. Đặc biệt, cả nội tâm mình, họ cũng không cho phép tồn tại sự bẩn thỉu. Cái gì là sự bẩn thỉu của nội tâm? Đó là những ác pháp, những tâm bất thiện tiềm ẩn.

Nếu nói “Nhân chi sơ tính bản ác” là không sai, bởi cái xấu là bản năng tự nhiên của con người. Ta hiểu như vậy để thứ nhất là không bao giờ dừng sự tu tập, bởi một ngày có tu là một ngày ta còn kiềm chế được cái xấu ác trong tâm mình. Thứ hai, ta không ghét người xấu nữa vì ta biết xấu ác là bản chất tự nhiên của mọi loài. Thứ ba, ta thấy trách nhiệm của mình trong đời là làm sao chung nhau truyền bá điều thiện đi khắp nơi.

Thượng tọa khẳng định, hễ chưa làm Thánh thì ai cũng còn sai lầm. Thậm chí có những vị Thánh ở tầng bậc thấp vẫn còn phạm lỗi. Và khởi điểm của tu hành luôn là nhận lỗi về mình.

Nhưng động lực nào khiến ta quyết tu tập, quyết tìm ra lỗi mình? Như một chiếc xe chạy phải có xăng, cũng vậy, việc tu hành của ta cũng cần “xăng”. “Xăng” cho việc tu tập chính là phước. Không có phước rất khó tu. Phước không thể tách rời với việc tu tập. Mà phước căn bản nhất là lễ kính Phật và các bậc Thánh.

Thượng tọa lý giải, ngẫm lại mọi chuyện chúng ta làm đều vì tình cảm. Và tình cảm tuyệt vời nhất vượt hơn mọi tình cảm trên thế gian này chính là lòng tôn kính Phật. Từ tình cảm cao đẹp này mà nảy nở nhiều tình cảm cao đẹp khác: ta yêu thương được con người, thương từng cọng cỏ chiếc lá, ta trân quý được điều thiện, ta biết cúi mình khiêm cung,… Tôn kính Phật cũng tạo ra những tình cảm cao đẹp khác và cũng trở thành động lực tu hành. Nhờ cái phước từ lòng kính Phật mà bắt đầu ta có động lực để quyết tâm tu hành sửa sai.

Tiếp theo bài giảng, Thượng tọa nhắc nhở thính chúng mỗi ngày phải huân tập lòng kính Phật bằng việc lễ bái. Cứ vậy mà tình cảm thương kính Phật lại tăng lên dần dần. Cho đến ngày lòng kính Phật bùng vỡ đến độ tuyệt đối thì ta chứng quả Tu Đà Hoàn, bước qua một cuộc đời khác. Cuộc đời mới này không phải là lý thuyết mà là sự chứng nghiệm nội tâm sâu xa. Tâm hồn thay đổi, nhân cách thay đổi, công đức thay đổi, vị thế, đẳng cấp trong vũ trụ này cũng đổi thay.

Công đức đầu tiên, động lực đầu tiên để ta tu hành sửa sai đó là lòng tôn kính Phật. Động lực thứ hai là tâm từ bi thương yêu chúng sinh. Nhưng thương yêu không phải là lời nói suông, cũng không phải là ngồi một chỗ chỉ thương là đủ. Mà thương chúng sinh phải thể hiện bằng ước muốn mong cho chúng sinh đừng phạm lỗi, đều biết tu hành hướng thiện, mong ai cũng bước vào con đường của Như Lai… Ta giúp nhau bằng lời nói, bằng một cuốn sách, bằng sự giúp đỡ vật chất rồi khuyên bảo, kèm cặp, hướng dẫn nhau cùng tu hành. Gặp ai trong cuộc sống này ta đều cố gắng gieo duyên giáo hóa, giúp nhau vượt qua lỗi lầm.

Đặc biệt, Thiền là phương pháp tuyệt vời giúp ta thấy lỗi. Bởi vì nếu tâm ta là khu rừng rậm rạp với vọng tưởng chập chùng giăng lối thì Thiền chính là lưỡi gươm dẹp hết lau sậy gai góc vọng tưởng. Khi đó khu rừng tâm trở nên quang minh sáng tỏ, những lầm lỗi hiện bày rõ ràng, không bị vọng tưởng che mất nữa. Ta thấy lỗi mình rất rõ, kể cả những lỗi vi tế. Vì vậy, Thiền có công năng rất lớn trong việc sửa sai, hướng thiện.

Cuối cùng, Thượng tọa nhắc nhở thính chúng suốt đời hãy gieo rắc điều thiện cho cộng đồng trong cung cách rất khiêm hạ, bản thân mình cũng suốt đời học hỏi đạo lý. Người nào tu hành hướng thiện, đó là tấm gương sáng giữa đời, là trụ cột chống đỡ cho hành tinh này đừng đổ sập, khổ đau, tan vỡ, hoại diệt.

Quả thật không ai muốn mình xấu cả, nhưng bản năng tự nhiên cộng thêm nghiệp xấu từ vô lượng kiếp luôn thúc đẩy ta phạm lỗi, tạo nghiệp. Và để diệt trừ cái xấu trong tâm buộc ta phải can đảm vượt qua sự tự ái của bản thân, phải can đảm nhận ra lỗi lầm của mình. Đặc biệt, để có đủ động lực, đủ ý chí tu hành thì lòng kính Phật, lòng từ bi dành cho tất cả chúng sinh là hành trang không bao giờ được thiếu. Quan trọng hơn, lòng kính ngưỡng với những bậc Thánh thật sự chính là nhân lành vô giá cho mỗi người, cũng là điều sẽ vực dậy thế giới, cho Thế giới thành một nơi thiện lương, hạnh phúc hơn.

Trên đây, những chia sẻ của Thượng tọa là những bài học cực kỳ quý giá cho việc tu tập của các Phật tử. Nó giúp mọi người tu tập theo con đường đúng đắn, sớm đạt được mục tiêu giác ngộ của mình. Đồng thời mỗi người tự biết xây dựng một triết lý sống cho bản thân, vừa cân đối được cuộc sống lao động, vật chất, vừa bảo đảm được đời sống tình cảm, tinh thần.

Xin tạ ơn lời Thầy cho con đó
Người đưa đường Pháp sự cứ mở ra
Sống một đời với hạnh nguyện vị tha
Trong pháp giới nguyện tìm cầu giải thoát.

https://thientonphatquang.com/diet-tru-cai-xau-trong-tam/

popup

Số lượng:

Tổng tiền: