Thánh Độ Mệnh

44. TÔN GIẢ NI KHEMA- Đệ Nhất Trí Tuệ

07/01/2022 Phúc Khiết Giác 0 Nhận xét
44. TÔN GIẢ NI KHEMA- Đệ Nhất Trí Tuệ

Hoàng hôn buông xuống trên núi Linh Thứu (Gijjhakuta) linh thiêng. Những dải mây bồng bềnh quấn quanh sườn núi phản chiếu sắc vàng của ánh hoàng hôn. Trên đỉnh núi, Đức Thế Tôn đang ngự uy nghi tĩnh lặng giữa đất trời bao la. Do nhân duyên đặc biệt, Người lên núi Linh Thứu một mình mà không để các đệ tử đi theo. Bỗng nhiên, mây ngũ sắc kéo về ngập tràn trên những tầng không. Những vầng sáng huyền ảo chầm chậm bay xuống tụ hội trên đỉnh. Từ phía xa, đỉnh núi tỏa ra hào quang rộng khắp một vùng. Đó chính là các vị Thiên tử từ các tầng trời đến đảnh lễ và thưa hỏi Đức Thế Tôn.

Trong lúc ấy, có một vị Tôn giả Ni khởi tâm muốn đến thăm Đức Bổn Sư. Ngài liền dùng thần thông bay từ tinh xá Trúc Lâm (Venuvana) đến núi Linh Thứu để diện kiến Thế Tôn. Khi Tôn giả đến nơi, chư Thiên đang hiện diện chói lòa đầy khắp cả hư không bỗng dạt về hai phía, mở lối cho Ngài bước vào đánh lễ Thế Tôn. Vì muốn nhường lại thời gian cho chư Thiên được đón nghe Pháp âm nên sau khi đánh lễ, Ngài xin phép Thế Tôn để quay trở về.

Đến khi bóng của Tôn giả đã xa khuất sau rặng núi, Thiên Chủ Đế Thích mới chắp tay bạch rằng:

- Bạch Thế Tôn, uy đức của vị Tôn giả thật siêu phàm. Xin Người cho chúng con được biết về vị ấy để chúng con dâng lòng kính ngưỡng ạ.

Thế Tôn mỉm cười. Người đáp lời Thiên Chủ:

- Này, Thiên Chủ Đế Thích, đó là Tỳ kheo Ni Khema, một người con của Như Lai có trí tuệ sâu xa, thấu hiểu tất cả giáo Pháp và cả những pháp thế gian.

TÔN GIẢ KHEMA là vị đệ tử ưu tú của Đức Như Lai. Đức Thế Tôn nhiều lần tán thán Ngài là một trong những vị đệ tử mẫu mực nhất. Trong Ni đoàn, Ngài có danh hiệu là ĐỆ NHẤT TRÍ TUỆ.

I. XUẤT THÂN

Tôn giả Ni Khema sinh ra tại nước Ma Kiệt Đà (Magadha) trong một gia đình hoàng tộc danh giá. Tôn giả chào đời trong niềm vui hân hoan của mọi người. Phụ thân đặt tên Ngài là Khema, mang ý nghĩa là niềm an lạc. Ngài có nhan sắc diễm lệ, đặc biệt là nước da óng ánh vàng khiến ai ngắm nhìn cũng cảm thấy yêu mến. Vì thế, Ngài trở thành Hoàng phi của Đức vua Bình Sa (Bimbisara) và được Đức vua vô cùng yêu thương, trân quý.

Trước sự ngợi ca tán tụng của tất cả mọi người, Hoàng phi luôn chú tâm chăm chút, giữ gìn dung sắc đẹp đẽ và tự hào mỗi khi ngắm mình trong gương. Hoàng phi nâng niu vẻ đẹp ấy như một vật báu, tưởng chừng như nó sẽ mãi mãi không phai mờ theo tháng năm.

II. XUẤT GIA

Thuở ấy, Thế Tôn đang an cư tại tinh xá Trúc Lâm. Trong tinh xá, những rặng tre già tỏa bóng xanh mát. Một dòng suối trong lành chảy xuống hồ nước ở giữa khuôn viên. Các căn nhà nhỏ được lợp từ cỏ tranh giản dị nằm kề bên nhau. Những lối đi lát đá thẳng đẹp. Hai bên là những bụi dương xỉ xanh rêu mọc xen lẫn củng những khóm hoa nhỏ rực rỡ.

Phong cảnh Trúc Lâm thật thanh tịnh êm đềm. Sự thiêng liêng mầu nhiệm của Trúc Lâm đi vào những câu hát được ngân nga truyền tụng khắp kinh thành Vương Xá (Rajagrha). Các đoàn hát ngợi ca Trúc Lâm đẹp tựa như khu vườn Hỷ Lâm khả ái của Vua trời Đế Thích và chư Thiên cõi trời Đao Lợi. Lời hát du dương hữu tình ấy ngày ngày bay vào tận cung điện của Hoàng phi Khema. Và Ngài cũng mong ước đến chiêm ngưỡng khu vườn một lần. Nhưng khi biết đó là nơi Thế Tôn cùng Chư Tăng đang tu hành, Ngài lại ngập ngừng không dám đi nữa. Ngài lắc đầu chối từ khi Đức vua Bình Sa nói về chuyện đến thăm Thế Tôn:

- Thưa đại vương, thần thiếp chẳng đi đâu. Thế Tôn lúc nào cũng nói thân xác này là vô thường tạm bợ, là đáng chê trách. Nhưng thiếp hạnh phúc với thân thể của mình. Từ nhỏ, ai cũng khen thiếp đẹp từ ngón tay từng sợi tóc. Vậy mà bây giờ cứ nghe Thế Tôn chê thân thể này, thiếp chạnh lòng lắm.

Dù vậy, khi Nhà vua đã quyết định, sáng hôm sau Hoàng phi vẫn miễn cưỡng đi cùng Ngài đến tinh xá Trúc Lâm. Quả đúng như lời ca tụng, vừa bước vào tinh xá Hoàng phi đã cảm nhận được bầu không khí mát dịu êm đềm. Một niềm vui nhẹ nhàng thư thái lan tỏa trong tâm hồn.

Trong tinh xá, Thế Tôn đang an tọa trên tòa ngồi bằng đá cẩm thạch uy nghi. Người trầm tĩnh mà nhẹ nhàng. Từ nơi dung nghi tỏa ra vầng hào quang rạng ngời như ánh nắng sớm mai. Vua Bình Sa cùng các Hoàng phi tiến đến cung kính đảnh lễ Người. Nhà vua thăm hỏi Thế Tôn. Ngài bày tỏ niềm mong nhớ Thế Tôn khi Người vắng mặt suốt ba tháng qua và thỉnh Đức Thế Tôn thuyết pháp.

Trong lúc Thế Tôn đang giảng cho hội chúng, bất chợt Hoàng phi Khema nhìn thấy một cô gái đẹp tuyệt trần đang khiêm nhu đứng cạnh bên Người. Khuôn mặt nàng yêu kiều như một đóa hoa đang tỏa hương rực rỡ. Mái tóc nàng bồng bềnh tựa làn mây. Nàng khoác lên mình bộ xiêm y lộng lẫy cùng bao nhiêu trang sức vàng ngọc lấp lánh quyến rũ. Nhìn lại mình, Hoàng phi Khema thầm tự nhủ: "So với nàng, ta thấy mình thật xấu xí". Ngài nói với người nữ tỳ bên cạnh:

- Em trông người con gái đứng bên cạnh Thế Tôn kìa. Ôi chao, cô ấy từ đâu đến mà đẹp tuyệt trần đến vậy?

Người nữ tỳ trả lời trong sự ngạc nhiên:

- Dạ thưa Hoàng phi, con chỉ thấy có một mình Thế Tôn mà thôi ạ.

Hoàng phi ngỡ ngàng nhưng vẫn không ngớt lời trầm trồ khen ngợi cô gái. Ngài chăm chăm nhìn nàng, thắc mắc:

- Cô ấy thật là đẹp, tựa như một thiên thần vậy. Mà không có ai nhìn thấy nàng sao? Sao Thế Tôn hay nói thân thể này là đáng chán mà lại có một tuyệt sắc giai nhân đứng bên cạnh Người.

Hoàng phi vẫn say sưa ngắm nhìn cô gái. Bỗng nhiên, cô gái kia trở nên già nua dần dần. Gương mặt đẹp kiêu sa biến thành buồn rầu và u tối, đôi mắt trong biếc trở nên mờ đục. Làn da nhăn nheo như của một bà lão. Mái đầu bạc phơ, những sợi tóc rụng lơ thơ trên tấm lưng đã còng khọm xuống. Người cô run lẩy bẩy rồi ngã vật xuống. Nhưng chưa dừng lại, cô chết đi, thân thể sinh trương lên, thối rữa rồi mục ruỗng chỉ còn bộ xương khô. Cuối cùng bộ xương cũng tan biến thành bụi tro bay mất.

Chứng kiến cảnh tượng ấy Hoàng phi sợ hãi vô cùng. Ngài sững sờ nhận ra một ngày kia nhan sắc của mình rồi cũng đến độ phai tàn. Rồi Ngài cũng trở thành cát bụi hư vô, bỏ lại mọi danh tiếng và phú quý nơi thế gian. Lúc này, Thế Tôn hướng về Hoàng phi, Người cất lời trầm ấm mà đầy hùng lực:

- Này Khema, thân này là giả tạm vô thường, không thể tránh khỏi sinh lão bệnh tử. Thân này là bất tịnh, chỉ là cái túi da mỹ miều chứa đựng bên trong những điều hôi thối dơ bẩn. Chỉ những kẻ si mê mới đắm say thân xác ấy.

Ngay phút giây ấy, gương mặt Hoàng phi bừng sáng. Bầu trời chân lý bỗng hé mở huy hoàng. Trong niềm tôn kính Tam Bảo tột cùng, Ngài chắp tay quỳ xuống đảnh lễ Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, con đã thấy Pháp, con đã ngộ Pháp. Phàm tất cả những gì có sinh đều phải có diệt.

Biết rằng Hoàng phi đã chứng Thánh quả Dự Lưu, Thế Tôn dịu dàng nói tiếp:

- Này Khema, người đắm say ái dục giống như ruồi sa lưới nhện, chịu đau khổ ràng buộc rồi cuối cùng cũng tiêu tan. Chỉ có bậc trí tuệ tột cùng đã đoạn trừ ái dục mới có thể giải thoát viên mãn, đạt đến hạnh phúc tối thượng.

Thế Tôn vừa dứt lời, toàn thân Hoàng phi phát ra ánh sáng kỳ diệu, cả cõi đất rung động. Hoàng phi Khema chứng ngộ Thánh quả A La Hán. Vua Bình Sa, những người tỳ nữ, cận vệ và cư sĩ chứng kiến vô cùng kinh ngạc. Đức Thế Tôn xác chứng:

- Này vua Bình Sa, Khema đã giải thoát, chỉ có thể sống đời xuất gia hoặc nhập Niết Bàn chứ không thể sống đời thế tục thêm nữa.

Đức vua sững sờ, vội quỳ xuống trong niềm xúc động:

- Xin Thế Tôn hãy khoan để Hoàng phi nhập Niết Bàn, xin hãy để Hoàng phi được xuất gia trong Ni đoàn của Người ạ.

Đại chúng xôn xao. Mọi người thắc mắc vì sao Hoàng phi chưa tu hành ngày nào, chỉ gượng ép đi cùng Nhà vua đến nghe Pháp mà chứng quả vị giải thoát tột cùng. Thế Tôn giải đáp:

- Này đại chúng, cách đây một trăm ngàn kiếp, Khema đã cúng dường Đức Phật Thắng Liên (Padmasambhava) và phát nguyện chứng quả giải thoát. Những kiếp sống sau đó, Khema đã thực hành giáo Pháp thuần thục, tinh cần thiền định thanh lọc tâm ý đồng thời gieo vô lượng công đức lành với chúng sinh. Nhờ những nhân lành ấy nên hôm nay Khema đã chứng đắc Thánh quả A La Hán cao thượng.

Sau đó, thừa tôn ý của Đức Bổn Sư, Tôn giả Da Du Đà La (Yashodara) làm lễ xuất gia cho Hoàng phi. Ngài Khema phủi đi mái tóc dài thướt tha và thay bộ y phục lộng lẫy quý phái để khoác lên mình tấm y màu nâu sòng giản dị. Từ đây, Ngài chính thức gia nhập Ni đoàn. Từ đây, Ngài bắt đầu một cuộc đời thiêng liêng với vô số hạnh nguyện của một bậc A La Hán vĩ đại.

III. ĐỆ NHẤT TRÍ TUỆ

Mọi vị A La Hán đều đạt được trí tuệ giải thoát tột cùng, phủ trùm pháp giới. Tuy nhiên, Tôn giả Khema được mệnh danh là Đệ Nhất Trí Tuệ bởi Ngài có khả năng thấu hiểu mọi điều trong ba cõi. Từ những kiến thức của thế gian đến bất kỳ điều gì được nói ra bởi trời, người hay quỷ thần. Ngài thâm nhập giáo Pháp của Đức Như Lai và còn có thể tùy theo căn cơ mà giảng giải. Không phải chúng sinh nào cũng đủ căn cơ để tin hiểu và chấp nhận được những điều sâu xa vi tế trong giáo Pháp. Vì thế, Ngài thường dùng những hình ảnh và ví dụ gần gũi để khéo diễn tả tất cả những điều trừu tượng, khó hiểu. Nhờ vậy mà rất nhiều chúng sinh cảm phục và hoan hỷ tu hành theo chánh Pháp.

Đức Thế Tôn đã khen ngợi rằng: "Trong các vị nữ đệ tử của Như Lai có đại trí tuệ tối thắng là Tỳ kheo Ni Khema".

Câu chuyện với vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) dưới đây minh chứng cho trí tuệ tối thắng của Tôn giả.

Thuở ấy, Tôn giả Khema đang giáo hóa ở vùng Toranavatthu, nước Kiều Tát La (Kosala). Vua Ba Tư Nặc vi hành đến xứ Sa Kỳ (Saketa) để nắm rõ tình hình dân chúng nơi đây. Trên đường từ Sa Kỳ quay về kinh thành Xá Vệ (Savatthi), Nhà vua đi qua Toranavatthu và dừng chân nghỉ lại một ngày. Dù thời gian ít ỏi, vua vẫn bảo người cận vệ đi tìm một vị Sa môn hoặc một vị Bà la môn đáng kính để Ngài có thể yết kiến và học hỏi. Một lúc sau, người cận vệ quay về bẩm báo:

- Thừa Đức vua, con đã đi tìm hết mọi nẻo đường và thấy rằng ở xứ này không có vị Sa môn hay vị Bà la môn nào cả. Nhưng đặc biệt có Tôn giả Khema là đệ tử của Đức Thế Tôn đang du hóa tại đây. Tôn giả nổi danh khắp nơi về trí tuệ quảng bác, Pháp học và Pháp hành thâm sâu. Ngài còn là một luận giả vô cùng tài ba.

Nghe vậy, vua Ba Tư Nặc mừng rỡ:

- Tốt lắm! Hãy mau dẫn đường đưa ta đến đảnh lễ Tôn giả Khema.

Theo lời chỉ dẫn tận tình của người dân, vua nhanh chóng đi đến được nơi Tôn giả Khema đang tu hành. Trước mắt Nhà vua là một nữ tu sĩ giản dị bình lặng trong tấm y màu nâu sậm. Ngài mang vẻ đẹp thanh cao thoát tục và trong từng ánh nhìn chứa đựng lòng từ bi và trí tuệ khôn cùng. Đức vua thành kính quỳ xuống cúi lạy Tôn giả Khema. Ngay lúc ấy, trong lòng vua khởi lên ý định muốn nhân cơ hội này để được Tôn giả giải đáp điều mình đã băn khoăn thắc mắc bấy lâu nay. Một câu hỏi cực kỳ hóc búa đã khuất phục tất cả những đại thần, những bậc trí giả, những tu sĩ giáo phái khác...

Nhà vua bắt đầu hỏi:

- Thưa Tôn giả, xin Ngài hãy cho con biết, Thế Tôn có tồn tại sau khi nhập Niết Bàn không? 

Nghe vậy, Tôn giả Khema khẽ mỉm cười. Tôn giả thấu hiểu rằng, Nhà vua cũng như muôn người khác vướng mắc trong câu hỏi này cũng chỉ vì sự vị kỷ ngự trị trong tâm. Họ lo sợ rằng dù mình có tu hành rốt ráo nhưng đến khi Đấng Đại Giác nhập Niết Bàn thì sẽ chẳng còn ai để nương tựa nữa.

Trước sự nôn nóng của Nhà vua, Tôn giả Khema nhẹ nhàng trả lời:

- Thưa Đại vương, Thế Tôn không nói: "Như Lai có tồn tại sau khi nhập Niết Bàn".

- Thưa Tôn giả, thế là Thế Tôn không tồn tại sau khi nhập Niết Bàn.

- Thưa Đại vương, Thế Tôn cũng không nói: "Như Lai không tồn tại sau khi nhập Niết Bàn".

- Thưa Tôn giả, vậy phải chăng Thế Tôn vừa tồn tại vừa không tồn tại sau khi nhập Niết Bàn?

- Thưa Đại vương, Thế Tôn cũng không nói: "Như Lai vừa tồn tại vừa không tồn tại sau khi nhập Niết Bàn."

Sau mỗi câu hỏi dồn dập, Tôn giả Khema lại từ tốn đáp lời như thế. Bởi Ngài hiểu Đức Thế Tôn cũng không muốn chúng sinh luẩn quẩn trong những câu hỏi huyền hoặc. Việc tranh luận những câu hỏi giống vậy chỉ làm hao tổn thân tâm, gây phiền não, mê muội. Đồng thời cũng chẳng mang lại lợi ích gì cho việc tu hành chấm dứt luân hồi khổ đau.

Thế nhưng Nhà vua vẫn chưa dừng lại, dứt khoát hỏi cho đến tường tận gốc rễ của vấn đề:

- Thưa Tôn giả, xin Ngài hãy cho con biết, cớ sao Thế Tôn lại không nói bất cứ điều gì về vấn đề này?

Tôn giả Khema nhìn Nhà vua, lòng đầy thương cảm. Nếu vua cứ giữ mãi những câu hỏi ấy không chịu buông xả, muốn tìm đến tận ngọn nguồn thì sẽ rơi vào cố chấp, tà kiến, lạc trong mê lộ không thể tìm thấy lối ra... Với lòng bi mẫn, Tôn giả mong muốn tháo gỡ hết khỏi tâm Nhà vua những điều hỗn tạp ấy. Trước tiên, Ngài hỏi ngược lại vua Ba Tư Nặc:

- Thưa Đại vương, giờ ta sẽ hỏi Ngài vài điều. Đại vương kham nhẫn như thế nào, hãy trả lời ta như vậy. Đại vương nghĩ xem, liệu có ai thông minh đến mức có thể đong đếm được có bao nhiêu hạt cát ở bên bờ sông Hằng hay chăng?

Đức vua trả lời:

- Thưa Tôn giả, thực không có người nào làm được điều này.

- Thưa Đại vương, liệu có ai thông minh đến mức đong đếm được có bao nhiêu giọt nước ở đại dương hay chăng?

- Thưa không, thưa Tôn giả.

- Vì sao lại như vậy?

- Thưa Tôn giả, bởi vì đại dương là bao la sâu thẳm, vô cùng tận.

Sau khi dẫn dắt vua Ba Tư Nặc đến sự hiểu biết ấy, Tôn giả Khema kết luận rằng:

- Đại vương hãy biết rằng, Đức Thế Tôn cũng như đại dương bao la sâu thẳm, vô cùng tận. Người vượt ngoài mọi đo lường hữu hạn của thế gian.

- Nếu có ai muốn hiểu Thế Tôn qua sắc thân, cảm thọ, qua các tưởng, các hành, các thức thì sớm muộn cũng đi vào bế tắc. Bởi Đức Thế Tôn đã đoạn tận tất cả sắc thân, cảm thọ, các tưởng, hành, thức ấy giống như cắt lìa gốc rễ của cây sa la, làm cho nó không thể sanh khởi trong tương lai được. Vì vậy, không thể tìm thấy và cảm nhận bản thể của Đức Thế Tôn nơi những thuộc tính danh sắc ấy.

- Này Đại vương, nếu có ai nói rằng Thế Tôn tồn tại hay không tồn tại, hay vừa tồn tại hay vừa không tồn tại sau khi nhập Niết Bàn đều không phải là tri kiến đúng đắn.

Đức vua hoan hỷ tín thọ lời giải thích thâm sâu của Tôn giả. Sau đó, nhân một lần khác đến thăm Thế Tôn, vua hỏi lại những câu hỏi như thế. Thế Tôn đã trả lời với ngôn từ và ý nghĩa đúng y như Ngài đã được nghe từ Tôn giả Khema. Đại vương Ba Tư Nặc không khỏi kinh ngạc. Ngài kể lại cuộc đàm luận với Tôn giả Khema cho Đấng Đại Giác và không ngớt lời tán thán bậc Thánh Ni có trí tuệ tối thắng trong giáo đoàn của Đức Bổn Sư.

IV. CÂU CHUYỆN VỚI MA VƯƠNG

Một buổi trưa hè, Tôn giả Khema đang ngồi tĩnh tọa dưới gốc cây. Trên bầu trời xanh biếc, những cụm mây trắng bồng bềnh êm trôi. Làn gió nhẹ lay những cánh hoa nở ngát hương. Bỗng một chàng trai trẻ xuất hiện. Diện mạo anh ta bóng bẩy chải chuốt, xiêm y đẹp đẽ. Ngón tay anh ta lướt trên cây đàn, rung lên những điệu nhạc dìu dặt lả lơi. Anh ta tiến đến gần bóng cây nơi Tôn giả ngồi nghỉ, cất giọng nói ngọt ngào:

- Này nữ tu sĩ, nàng trẻ đẹp như một đóa hoa mùa xuân, cớ gì không hưởng thụ rong chơi. Hãy cùng ta chu du phiêu bồng khắp nơi và viết lên một câu chuyện diễm tình.

Tôn giả Khema nhìn chàng trai, lòng đầy thương xót. Từ đạo nhãn thanh tịnh, Ngài thấy rõ ràng đó là một Ma vương đội lốt. Bao quanh Ma vương là một làn ma khí buốt lạnh. Gương mặt hắn dữ tợn và hung bạo. Đôi mắt đỏ rực, đầy dã tâm muốn điều khiển chúng sinh trong ngũ dục. Trong tâm trí hắn, ngọn lửa của dục vọng đang bùng cháy bời bời, thiêu đốt tâm can. Tôn giả cất giọng trầm tĩnh nhưng đầy hùng lực:

- Này Ác ma, hãy dừng lại. Mọi sự mời gọi ái dục của ngươi sẽ chỉ đưa đến thất bại mà thôi. Ta đã thấu suốt mọi điều. Thân thể mỏng manh dơ bẩn đầy bệnh hoạn này ta đã nhàm chán từ lâu. Tâm ta đã dứt bỏ ái dục như một mảnh vườn được nhổ sạch những ngọn cỏ dại cuối cùng.

- Này Ác ma, ái dục là gốc của khổ sầu. Ái dục là ô nhiễm, là bất an, là ràng buộc. Vũng bùn ái dục một khi đặt chân xuống là ngụp trong nhơ nhớp dơ bẩn, bị bao vây nhấn chìm, ngột ngạt thoi thóp không ngoi lên được.

- Này Ác ma, ái dục như gươm giáo sắc nhọn đâm chém vào năm uẩn đau đớn, hủy hoại xác thân và tâm hồn. Kẻ cuồng vọng, si mê, bám víu vào ái dục không khác nào con thiêu thân lao vào ngọn đèn nóng bỏng rồi chết cháy sau đó.

- Này Ác ma, những kẻ si mê mang tà kiến sai lầm. Họ lễ bái các vì sao, thờ lửa trong rừng sâu. Họ nhầm tưởng và cố chấp cho rằng mình đã sạch trong, thanh tịnh. Thế nhưng, họ vẫn chưa thoát khỏi sự chi phối của nhà ngươi. Còn ta, ta đã quỳ gối đảnh lễ trước Đức Thế Tôn, Đấng Chánh Đẳng Chánh Giác, bậc Thầy tôn quý nhất trong tam giới. Giáo Pháp của Thế Tôn như ánh mặt trời phá tan màn đêm tăm tối của vô minh ngã chấp, dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi luân hồi khổ đau. Nhờ sự tinh cần tu hành theo giáo Pháp mà ta đã tìm thấy một niềm hạnh phúc chân thật, đạt đến Niết Bàn tịch tĩnh an vui. Đó mới chính là sự thanh tịnh cao quý. Đó mới là con đường thiên lý mà mãi mãi chúng sinh vạn loài phải bước theo.

Ma vương biết rằng mình lại thêm một lần nữa bị thất bại trước một vị đệ tử của Đức Phật. Hắn gầm lên giận dữ rồi biến mất. Cảnh vật xung quanh lắng sâu trong sự tĩnh lặng. Tôn giả Khema vẫn ngồi bất động trong tư thế kiết già đẹp như một đóa sen thanh khiết. Nắng chiều in những vệt lấp lánh xuống bóng cây tỏa rộng...

V. KẾT LUẬN

TÔN GIẢ NI KHEMA là vị Thánh Ni vĩ đại, bậc Đệ Nhất Trí Tuệ trong Ni đoàn của Thế Tôn. Từ trí tuệ của Ngài, những đạo lý thâm sâu đã được giảng giải thấu đáo tường tận khiến cho mọi tà kiến mê lầm bị dập tắt. Ngài dẫn lối vô số chúng sinh đến với Chánh Đạo bao la. Ngài đã để lại cho chúng sinh bài học cao quý về sự vô thường của xác thân và sự nguy hiểm của ái dục.

Người Phật tử chúng con hôm nay hiểu rằng vạn Pháp là vô thường, thân thể này rồi sớm muộn cũng tan thành cát bụi hư vô. Chúng con nguyện sống đời giản dị thiện lương, không tham đắm vào thế gian hư ảo để không gây tạo ác nghiệp và đeo mang thêm bao đau khổ lụy phiền. Xin Tôn giả gia hộ cho chúng con có ý chí, sức mạnh chiến thắng những cám dỗ ái dục để giữ được giới hạnh thanh tịnh, trong sạch, sống an vui trong Chánh Pháp nhiệm màu.

VI. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH

Tôn giả Khema là vị A La Hán có danh hiệu Trí Tuệ Đệ Nhất trong Ni đoàn của Đức Phật. Ngài thâm hiểu giáo Pháp của Thế Tôn và có thể tùy căn cơ của chúng sinh mà giảng giải. Trí tuệ và lòng từ bi bao la của Ngài là tấm gương sáng dẫn dắt cho Ni chúng và nhiều nữ cư sĩ tinh tấn tu hành, gìn giữ giới hạnh và siêng năng tạo nhiều công đức. Từ đó nhiều bậc Thánh Ni đã xuất hiện trên cuộc đời, đem lại cho chúng sinh những lợi ích quý báu.

Quý Phật tử thành tâm thờ kính Ngài sẽ thành tựu:

- Tài năng, trí tuệ phi thường để phụng sự, cống hiến cho cuộc đời. Dần thành tựu được những phẩm chất vĩ đại của một bậc Thánh giác ngộ.

Thông hiểu được nhiều đạo lý cao đẹp, có uy đức, địa vị cao trong xã hội. Được nhiều người kính trọng, yêu mến. Cuộc sống đầy đủ vật chất, gia đạo bình an hạnh phúc.

- Siêng năng làm việc thiện với trọn lòng thành, có được nhiều may mắn và tăng trưởng công đức cho việc chứng ngộ tâm linh sau này.

VII. THƠ TỤNG

Thành tâm đảnh lễ Như Lai
Bậc Thầy vĩ đại muôn loài quy y
Ngập tràn trí tuệ từ bi
Uy đức trùm phủ không gì sánh ngang

Mênh mông trong cõi Niết Bàn
Nguồn tâm Phật trải thênh thang không cùng
Bao la vũ trụ muôn trùng
Ba nghìn thế giới sáng bừng hào quang

Con đường Phật đạo huy hoàng
Đưa người mọi nẻo bước sang bến bờ
Hạnh phúc chân thật đón chờ
Yêu thương muôn lối cho đời thăng hoa

Như ánh trăng chẳng phai nhoà
Dịu dàng soi chiếu hiền hoà bao dung
Nguyện xin theo Đấng Đại Hùng
Với lòng tôn kính không cùng vô biên

Bỏ đi ích kỷ tư riêng
Tấm lòng rộng mở ưu phiền nhạt phai
Dâng lòng thành kính đến Ngài
Thánh Ni xuất thế vượt ngoài thế gian

Trí Tuệ Đệ Nhất Ni Đoàn
Từng điều vi tế rõ ràng chẳng sai
Mỗi khi lòng hướng về Ngài
Tâm hồn sáng tỏ sao mai bên trời

Nhớ thân giả tạm mà thôi
Đến đi sinh diệt luân hồi trôi lăn
Vòng dây tham ái buộc ràng
Cuốn theo dục vọng muôn vàn khổ đau

Gốc sâu ích kỷ từ lâu
Chẳng hay lời Phật nhiệm màu sâu xa
Nguyện lòng sống rất vị tha
Tin sâu nhân quả để mà gắng công

Phước lành bồi đắp vun trồng
Dốc lòng phụng sự chẳng mong đáp đền
Đạo tâm kiên cố vững bền
Chung nhau vững bước xây nền tâm linh

Chánh Pháp muôn kiếp giữ gìn
Nghìn sau còn được ngắm nhìn ánh dương
Trần gian đẹp tựa thiên đường
Phật ân che chở muôn phương yên bình.

NAM MÔ KHEMA TÔN GIẢ (3 lần)

Tags: Chánh Tín Thờ Cúng
popup

Số lượng:

Tổng tiền: