Thánh Độ Mệnh

41. TÔN GIẢ LY BÀ ĐA (REVATA KHADIRAVANIYA)- Độc Cư Thiền Tịnh Đệ Nhất

07/01/2022 Phúc Khiết Giác 0 Nhận xét
41. TÔN GIẢ LY BÀ ĐA (REVATA KHADIRAVANIYA)- Độc Cư Thiền Tịnh Đệ Nhất

Rừng sâu khả ái vô cùng
Chỗ người phàm tục ngại ngùng bước chân
Vì không tìm kiếm dục trần
Bậc "ly tham" sống mười phần hân hoan

I. NHÂN DUYÊN XUẤT GIA

Tôn giả Ly Bà Đa (Revata) sinh ra tại một ngôi làng nhỏ của vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha), nay thuộc tiểu bang Bihar, Ấn Độ. Ngài là em của Tôn giả Xá Lợi Phất (Sariputta) và là con út trong gia đình của nữ Bà la môn Rupasari. Chứng kiến sáu người con của mình lần lượt xuất gia theo Sa môn Cồ Đàm (Gotama), bà Rupasari vô cùng lo lắng và bất an. Sản nghiệp của gia đình bà sẽ sụp đổ nếu như không còn ai nối dõi. Vì vậy, bà Rupasari đã quyết định cưới vợ cho Ly Bà Đa khi Ngài còn rất trẻ.

Đám cưới của một "danh gia vọng tộc" diễn ra thật linh đình với sự tề tựu đông đủ của họ hàng hai bên nội ngoại. Bà cụ cố của cô dâu cũng có mặt, cụ lọm khọm ngồi bên bàn chứng minh. Bỗng bà mối sang mở lời: "Chúc cho cô dâu và chú rể trăm năm tơ hồng thắm thiết, phúc thọ khang ninh như bà cụ cố nhé!"

Nghe những lời chúc đó, chú rể Ly Bà Đa sững người, hết quay sang nhìn cụ cố rồi lại nhìn cô dâu. Ngài mở to đôi mắt để ngắm nhìn cụ cố một hồi. Cụ đã hơn trăm tuổi, già hom hem. Hàm răng của cụ đã rụng gần hết, lưng còng, tóc bạc trắng cả đầu. Cụ đờ đẫn nhìn mọi người bằng đôi mắt mờ đục vô hồn. Một nỗi sợ hãi chợt dâng lên xâm chiếm cả tâm trí khiến chú rể sởn gai ốc. Ngài như chứng kiến cô dâu xinh đẹp đang đứng bên cạnh mình cũng sẽ già nua như thế. Tôn giả Ly Bà Đa hốt nhiên bừng tỉnh. Ngài thấy rõ sự vô thường, mong manh của cuộc đời đã ập đến trước mắt. Không chần chừ thêm nữa, Ngài bí mật tìm cách rời khỏi lễ cưới và chạy thật nhanh tới tinh xá Trúc Lâm (Veluvana) xin xuất gia.

Tôn giả Xá Lợi Phất đã thấy trước sự việc nên dặn các Tỳ kheo: "Khi thấy Ly Bà Đa đến xin đi tu thì chấp nhận ngay". Từ một chú rể áo quần lộng lẫy, chỉ trong thoáng chốc Ly Bà Đa đã được tận tay đại Tôn giả Mục Kiền Liên (Maha Moggalana) cạo tóc và thọ giới. Khi mái tóc xanh được rũ bỏ, vị tân Sa di cảm thấy mình không còn chút nào lưu luyến bụi trần thế gian, cũng vì từ lâu niềm khao khát giáo Pháp của Thế Tôn đã giục giã trong lòng, vì thế Ngài liền xin một đề mục thiền quán rồi ôm bình bát lên đường khất thực, tiến sâu vào trong rừng núi ẩn tu.

Tại nơi không gian cô tịch, quạnh vắng, chỉ có tiếng thú rừng và thiên nhiên hoang sơ, những phiền nhiễu thế gian không thể làm lay động ý chí của một thanh niên trẻ đang khát khao đi tìm con đường giải thoát giác ngộ. Chỉ trong ba tháng mùa mưa, khi nhân duyên đã đủ, Sa di Ly Bà Đa chứng ngộ Thánh quả A La Hán, thành tựu viên mãn hạnh Sa Môn cao quý cùng với thắng trí của bậc thượng nhân.

 THỈNH THÁNH ĐỘ MỆNH 

II. ĐỘC CƯ THIỀN TỊNH ĐỆ NHẤT

Sau khi Tôn giả Ly Bà Đa xuất gia, Tôn giả Xá Lợi Phất đã hai lần đến xin Phật cho đi thăm. Nhưng lần nào Thế Tôn cũng từ chối. Phải đợi đến khi lễ Tự Tứ đã kết thúc, khi Tôn giả Ly Bà Đa đã vào rừng ẩn cư, Thế Tôn mới đồng ý và còn dẫn theo năm trăm vị Tỳ kheo cùng đi như sắp sửa có một sự kiện trọng đại.

Giữa khu rừng già u tịch và gai góc, con đường đi cũng gập ghềnh, đầy rẫy hung hiểm. Càng tiến sâu hơn thì những mái nhà cứ thưa dần chìm vào màn đêm tăm tối. Thế nhưng, khi bước chân Đức Thế Tôn cùng năm trăm vị Tỳ kheo vừa đến bìa rừng, ngay lập tức nơi hoang dã ấy biến thành một khuôn viên rộng lớn với tòa lâu đài nguy nga tráng lệ. Phía xa là hương thất dành cho đức Đạo Sư đẹp đẽ như cung điện của cõi trời. Khoảng sân trước hương phòng của Người được lát đá xanh ngọc. Hơn năm trăm chỗ ngụ có tháp nhọn với đầy đủ phòng thất và vật dụng tiện nghi. Bao quanh lâu đài là hàng trăm con đường đi kinh hành có mái che rợp bóng bởi dây leo và hoa nở, một dòng suối nhỏ trong xanh, những chiếc bàn đá nằm rải hai bên đầy ắp những phẩm vật mà chư Thiên cúng dường.

Suốt thời gian Đức Thế Tôn ở tại đây, ban ngày Người thuyết Pháp và hướng dẫn tọa thiền cho Tăng chúng, đêm xuống chư vị Thiện Thần cùng nhau tới cung thỉnh giáo Pháp của Đức Như Lai. Ánh sáng đạo màu mà Thế Tôn đem tới làm bừng tỉnh cả khu rừng. Những lời dạy bảo của Người lan tỏa khắp muôn nơi, chúng sinh gần xa đều cảm phục và thương kính.

Về phần Tôn giả Ly Bà Đa, thần lực và đức hạnh của Ngài đã làm mọi người kính phục. Khi ấy, Đức Thế Tôn tuyên bố trước đại chúng rằng: "Trong các vị Thánh đệ tử của Như Lai, người có hạnh Độc cư Thiền Tịnh, tối thắng chính là Ly Bà Đa".

"Độc cư" không chỉ đơn thuần là "sống một mình". Một vị ẩn sĩ ngồi lặng yên bất động giữa núi rừng cô tịch, hình ảnh đó thật thiêng liêng và cao quý. Thế nhưng, đằng sau hình ảnh người ẩn sĩ giữa núi rừng thăm thẳm đó là cả một nội tâm định tĩnh như dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya) hùng vĩ, bất động và vững chãi. "Độc cư" cũng không có nghĩa là "bỏ mặc kẻ khác". Vị ấy tuy cách xa mọi người, nhưng tâm hồn và lòng từ bi lúc nào cũng hướng về chúng sinh, phủ trùm lấy chúng sinh, như ánh dương ngập tràn sông núi.

Bởi vậy mà lời khen ngợi dành cho Tôn giả Ly Bà Đa của Phật chính là tiếng sấm truyền vang dội khắp nhân thiên. Trời và người cùng xưng tụng rằng: "Có một vị Sa di trẻ tuổi, giữa khu rừng hẻo lánh, đầy hiểm nguy, đã tự mình tìm đến và tinh cần tu tập thiền định. Vị ấy không mong cầu và không sợ hãi bất cứ điều gì, đã lấy sự giản dị, niềm an tĩnh nơi tâm hồn để làm mục tiêu cho chính mình. Sự kiên trì và nỗ lực là không thể tính kể, cuối cùng vị ấy đã trở thành một bậc Thánh giác ngộ cao siêu với trí tuệ và thần thông phi thường".

Đó chính là quả ngọt được vun trồng qua nhiều kiếp, mà bây giờ khi nhân duyên đã đầy đủ mới trổ hoa kết trái. Thuở xưa, Ngài là một vị trưởng lão trong một gia đình chủ tàu tại thành Hamsavati. Với lòng kính tin Tam Bảo, Ngài đã phát tâm cúng dường Đức Phật Thắng Liên Hoa (Padumuttara) cùng Tăng chúng chuyến tàu qua sông lớn. Một lần khác, khi tới tinh xá nghe Pháp, Ngài thấy Đức Thế Tôn tán thán một vị Tỳ kheo đệ nhất về hạnh ở rừng. Ngay đó Ngài vô cùng hoan hỷ, xin được cúng dường và phát nguyện tu hành để thành tựu hạnh thanh tịnh giống như vị ấy. Đức Phật Thắng Liên Hoa đã mỉm cười thọ ký.

... Lúc ấy Đức Thế Tôn
Bậc thông suốt thế gian
Thấy tâm ta thoả thích
Với việc ngụ trong rừng
Mới xác nhận vị trí Đệ nhất hạnh ẩn lâm ...

Khi hay tin Tôn giả Ly Bà Đa đã dùng thần thông hóa hiện tinh xá nguy nga tráng lệ để cúng dường Thế Tôn và chư vị Tỳ kheo, có hai vị tỳ kheo không đi cùng khởi tâm nghi ngờ và cho rằng làm sao Tôn giả Ly Bà Đa mới xuất gia mà có được đại thần thông như thế. Hai vị bèn tìm đến nơi ở của Tôn giả Ly Bà Đa. Khi đến nơi chỉ thấy rừng núi rậm rì, gai góc đâm quẹt cả vào chân.

Trên đường đi khất thực, khi được một vị cư sĩ hỏi về nơi ở của Tôn giả Ly Bà Đa, họ đã trả lời rằng: "Nơi đó thật kinh khủng, là một rừng toàn là cây keo đầy gai trắng, chỉ thích hợp với ẩn sĩ mà thôi." Một lúc sau, cũng có hai vị Tỳ kheo khác đi cùng đoàn với đức Phật, vị cư sĩ ấy vì không tin vào câu trả lời kia, bà hỏi lại một lần nữa thì nhận lại câu trả lời đối lập: "Này cư sĩ, nơi đó thật không có từ nào để diễn tả, là một thiên đường vô cùng tuyệt đẹp, thần lực của Tôn giả Ly Bà Đa thật phi thường".

Câu trả lời trên khiến bà vô cùng phân vân, không biết nơi ở của Tôn giả Ly Bà Đa ra sao, bà đến đảnh lễ và thưa với Đức Phật. Đức Phật không nói ai đúng ai sai, Ngài chỉ nhân đó nói lên bài kệ để tán thán đức hạnh tuyệt vời của một vị A La Hán:

Làng mạc hay rừng núi
Thung lũng hay đồi cao
La Hán trú chỗ nào
Nơi ấy thật khả ái.

III. NGƯỜI BUÔNG BỎ CẢ HAI

Ngay từ khi còn là Sa di, Thế Tôn đã hết lời khen ngợi trí tuệ và đạo đức của Tôn giả Ly Bà Đa. Khi câu chuyện trong rừng gai lan xa, việc Tôn giả thi triển thần thông khiến cho các thầy Tỳ kheo bàn tán xôn xao. Ai cũng ngưỡng mộ một vị Sa di tài giỏi, tuy tuổi còn nhỏ đã tạo được phước đức lớn đến vô lượng vô biên. Tôn giả Ly Bà Đa thì chỉ bình yên tĩnh tọa. Lúc ấy Thế Tôn đi tới, Người dạy rằng: "Này các Tỳ kheo, Ly Bà Đa chẳng có phước hay vô phước, Người đó đã buông bỏ cả hai". Sau đó Phật nói kệ rằng:

Người sống ở đời này
Không nhiễm cả thiện ác
Không sầu, sạch không bụi
Ta gọi Bà La Môn.

Khi một vị chứng đạo, không phải vị đó sẽ không còn bị chi phối bởi nhân quả, tội phước, mà bởi vì mỗi cử chỉ, hành động đều là phước điền vô lượng cho thế gian. Cuộc sống của vị đó đã tràn đầy hương thơm đức hạnh nên không cần để tâm đến. Cũng như vậy, không suy nghĩ về điều thiện, không nghĩ về điều ác, nhưng bản chất của tâm hồn đã thuần thiện. Nếu phải khởi lên suy nghĩ, thì chỉ có những suy nghĩ của vị tha, yêu thương. Nếu phải hành động, thì chỉ có những hành động mang lại lợi ích cho tha nhân, hóa độ chúng sinh về với chánh Pháp. Thậm chí cả khi ngồi im bất động, thì xung quanh Ngài vẫn tràn ngập lòng từ bi. Đôi tay của Ngài không bao giờ nắm lại, và trái tim tràn đầy tình yêu thương đã mở rộng ra đến vô lượng vô biên...

Tôn giả Ly Bà Đa chính là một vị Thánh đầy phạm hạnh như thế! Ngài yêu thích cuộc sống độc cư như một con sư tử yêu thích sự cô đơn của núi rừng. Do vậy khi có công việc của Tăng chúng phải trở về Kỳ Viên (Jetavana) hay hội họp đông người, Ngài cũng chọn một nơi ở cách xa, yên lắng, không vướng bụi trần thế tục. Tuy nhiên mỗi khi có bất cứ ai, một vị Tỳ kheo, một ông chủ ngân khố, một người nông dân nghèo... đến thăm, dù cho Ngài không chỉ dạy nhiều bằng lời nói hay hành động, thì khi trở về trong lòng họ đều dâng lên niềm kính tin với Tam Bảo một cách tự nhiên khôn tả.

Ngài hóa độ chúng sinh không phải bằng thần thông diệu dụng, bằng những bài pháp dạt dào như mưa bay... mà lại qua một sự tĩnh lặng nhưng ẩn chứa sức mạnh cảm hóa đến lạ lùng. Chỉ cần trong tư thế kiết già lưng thẳng, dáng ngồi như đóa sen, tinh chuyên thiền định không lợi lỏng, Ngài đã trở thành hình ảnh mẫu mực mang lại cảm xúc và ý chí tu hành cho biết bao chúng sinh.

IV. HOA LỬA GIỮA TRỜI

Cả một cuộc đời tinh tấn tu hành, từ khi thọ giới Sa di đến khi trở thành một vị Trưởng lão đáng kính ngưỡng của Tăng đoàn, phạm hạnh độc cư thiền định cũng như sự chỉ dạy âm thầm của Ngài cho chúng sinh đều lưu lại cho muôn đời sau những bài học sâu xa.

Lúc bấy giờ, trên đường trở về khu rừng gần kinh thành Xá Vệ, Ngài tạm trú tại một am tre nhỏ bên bìa rừng. Đêm đến, một tên trộm khi bị truy đuổi quăng tang vật bên cạnh am Ngài đang ngự. Quân lính triều đình tìm tới thấy tang vật nhưng người bị tình nghi lại là một vị Sa môn. Không ai dám xét hỏi, chỉ dẫn Ngài về triều chờ lệnh đức vua. Vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) ngạc nhiên khi đứng trước mình là một vị Trưởng lão cốt cách trang nghiêm, phong thái uy nghi, đĩnh đạc. Vua lập tức lệnh cho quân lính ra ngoài rồi hỏi Ngài rõ sự tình.

Tôn giả Ly Bà Đa đã quan sát trước nhân duyên, Ngài thấy rằng công hạnh của mình đã viên mãn, đã đến lúc để an trú trong Niết Bàn tịch diệt. Vì vậy, thay vì giữ sự im lặng, kiệm lời như mọi khi, Tôn giả đã cất lên tiếng rống sư tử, khẳng định sự trong sạch của một bậc Thánh và tuyên bố về sự nhập diệt của Ngài.

Sau khi đọc bài kệ, Trưởng lão Ly Bà Đa liền bay ra ngoài cung điện, ngồi bắt chân kiết già giữa hư không, nhiếp tâm, chợt một ngọn lửa phát ra thiêu xác thân ngài thành tàn tro, chỉ còn lại Xá lợi lấp lánh giữa không gian. Đức vua Ba Tư Nặc vội quỳ sụp xuống, hối hận chắp tay lạy không ngừng, thầm sám hối mình đã nghi oan cho một bậc Thánh lậu tận.

Tấm thân tứ đại vô thường đâu có gì luyến tiếc, nhưng lòng thương tưởng chúng sinh trong cõi luân hồi cứ đong đầy mãi. Trưởng lão Ly Bà Đa thị triển thần thông rồi nhập Niết Bàn ngay giữa hư không như một lời cảnh tỉnh hướng chúng sinh về niềm vui trong đạo quả, về hạnh phúc của sự giải thoát khỏi khổ đau của thế gian.

V. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH

Tôn giả Ly Bà Đa là vị Thánh độc cư thiền định đệ nhất. Đời sống độc cư tĩnh lặng của Tôn giả tinh khiết như đóa hoa sen. Nếp sống thanh tịnh, cao quý của Ngài chính là tấm gương sáng cho hàng tứ chúng noi theo mỗi khi cảm niệm về công hạnh của Ngài. Trái tim tràn đầy tình thương yêu của Ngài phủ trùm khắp không gian, nên những ai khởi tâm tôn kính Tôn giả Ly Bà Đa thì công đức vun trồng mỗi ngày một đầy thêm, lòng yêu thương mỗi ngày một lớn lên thêm.

Cả cuộc đời tràn đầy hương thơm đức hạnh, dốc lòng hy sinh vì Đạo Pháp, vì sự giải thoát giác ngộ cho chúng sinh của Ngài từ xưa tới nay vẫn luôn là động lực cho chúng sinh nương tựa và tu học. Đặc biệt, những ai biết nương theo ân đức của Ngài, khởi lên lòng kính tin Tam Bảo vô hạn, lòng tôn kính Phật vô biên, sẽ dần khai mở trí tuệ, hiểu rõ chân lý, từ đó kiểm soát được ý nghĩ, lời nói, hành động, làm chủ tâm hồn của mình trong thiện Pháp.

Khi thờ kính Tôn giả Ly Bà Đa, quý Phật tử sẽ:

- Tăng trưởng trí tuệ, lòng kính tin vào Phật Pháp, khai mở tâm từ bi, sáng suốt xử lý mọi việc trong cuộc sống.

- Thành tựu đời sống đạo đức, hoàn thành trách nhiệm, được mọi người kính trọng, tin tưởng và học tập theo.

- Có thêm những cơ hội để cống hiến và phụng sự cho cuộc đời, đạt được niềm vui chân thật.

- Nội tâm dần thanh tịnh, bình thản trước nghịch cảnh và sớm vượt qua nghịch cảnh.

VI. THƠ TỤNG

Con xin quỳ xuống lạy Người
Bậc A La Hán muôn đời lưu danh
Một mình ẩn giữa rừng xanh
Độc Cư Thiền Định tu hành tinh chuyên
Thần thông trí tuệ diệu huyền
Vang lừng khắp chốn nhân thiên hướng về
Dứt bỏ phiền não si mê
Quyết lòng tinh tấn chẳng nề gian nan
Chúng con xin nguyện vững vàng
Giữ gìn chánh Pháp cho ngàn đời sau
Công bằng nhân quả tin sâu
Bỏ đi ích kỷ tìm cầu vị tha
Con đường giải thoát bao la
Nguyện lòng kính Phật ngập tràn trong tim
Cho con biết sống quên mình
Chung xây thế giới yên bình yêu thương
Đem niềm vui trải muôn phương
Nhân loại cùng bước trên đường tương lai
Cuộc đời dẫu lắm chông gai
Cho con biết sống chẳng phai nghĩa tình
Khát khao giác ngộ tâm linh
Xóa tan chấp ngã vô minh chẳng còn
Nguyện theo lời Phật sắt son
Ngày đêm thiền định tâm hồn thênh thang
Biết từng hơi thở nhẹ nhàng
Vào ra tỉnh giác rõ ràng an vui
Từ tâm tỏ rạng sáng ngời
Đưa người muôn lối về nơi nhiệm màu...
Nam Mô Ly Bà Đa Tôn Giả (3 lần)

Tags: Chánh Tín Thờ Cúng
popup

Số lượng:

Tổng tiền: