Thánh Độ Mệnh

34. TÔN GIẢ SOBHITA- Đệ Nhất Túc Mạng Tri

03/01/2022 Phúc Khiết Giác 0 Nhận xét
34. TÔN GIẢ SOBHITA- Đệ Nhất Túc Mạng Tri

Ta có niệm có tuệ
Chuyên tinh tấn hành trì
Ta tu Tứ Niệm Xứ
Tám Thánh Đạo, Giác chi
Trong một đêm ta nhớ
Vô lượng kiếp huyền vi.

I. XUẤT THÂN

Thành Xá Vệ (Savatthi), kinh đô của vương quốc Kosala nằm bên cạnh dòng sông Aciravati, một nhánh của sông Hằng hùng vĩ. Dưới sự trị vì của Đức vua Ba Tư Nặc (Pasenadi), nơi đây trở thành một trong sáu thành phố sầm uất nhất Ấn Độ thời bấy giờ. Không chỉ là khu giao thương quan trọng trong việc phát triển kinh tế, đây còn là nơi tập trung nhộn nhịp những hoạt động văn hóa, triết học và tôn giáo.

Tại đây, trong một gia tộc Bà La Môn giàu có, Ngài SOBHITA chào đời và lớn lên trong sự bảo bọc, thương yêu của gia đình. Ngài thông minh, gương mặt hiền thiện và phúc hậu. Từ nhỏ, Ngài đã rất trầm tĩnh, từng lời nói, cử chỉ đều cẩn trọng, cao quý. Đặc biệt, mới lên bảy tuổi, Ngài đã sớm bộc lộ thiên hướng tâm linh rõ ràng. Cậu bé Sobhita lúc đó thường thích tìm hiểu về kinh điển triết lý và đắm mình trong các nghi thức tâm linh truyền thống mà chẳng thiết tha gì đến những niềm vui thế tục.

Lúc đó, Đức Thế Tôn đang an cư tại tinh xá Kỳ Viên (Jetavana). Nhân duyên nhiều kiếp thúc đẩy, Ngài SOBHITA tìm đến để nghe Người thuyết Pháp.

Một buổi sáng, khi nắng đã lên cao, những hàng cây rì rào trong gió. Thính chúng đến tinh xá Kỳ Viên nghe Pháp rất đông, từng hàng người ngồi bên nhau trang nghiêm, không một tiếng động. Tất cả mọi người thành tâm hướng về pháp tòa nơi Đức Thế Tôn đang ngự. Dung nghi Người ngời rạng, nghiêm trang mà ấm áp, ánh mắt Người tràn đầy từ bi và trí tuệ. Với giọng phạm âm trầm ấm, Thế Tôn như đang thuyết giảng cho từng người trong hội chúng đông đảo.

- Bản chất của thế gian này là đau khổ, là vô thường. Chúng sinh bị đánh lừa bởi cảm giác, bởi bản năng, bị tham sân si chi phối mà gây nên biết bao nhiêu tội lỗi, khiến cho người khác khổ đau và chính bản thân mình cũng chịu khổ báo về sau. Chỉ khi chúng sinh biết tu tập, chế ngự được bản ngã của mình thì mới thoát khỏi luân hồi sinh tử, đạt được hạnh phúc chân thật, đồng thời mang niềm an vui đến cho khắp thế gian này...

Hòa cùng đại chúng, Ngài SOBHITA cảm giác như tâm hồn mình vừa được tưới mát bởi cơn mưa Pháp vi diệu. Ngài thấy bầu trời trước mắt như mở rộng, ánh mặt trời như sáng hơn mọi ngày, bừng khắp cả không gian.

Khi Thế Tôn vừa kết thúc bài Pháp, Ngài vội trở về nhà, xin phép cha mẹ rồi ngay lập tức quay lại tinh xá. Ngài quỳ xuống chân Đức Thế Tôn cung kính thưa:

- Kính lạy Đức Thế Tôn, xin Thế Tôn cho con được xuất gia tu hành trong giáo Pháp của Người. Từ khi nghe Người thuyết Pháp, con biết rằng mình không thể sống cuộc sống như trước đây nữa.

Thế Tôn từ ái nhìn người đệ tử nhỏ tuổi trước mặt. Người mỉm cười đồng ý.

II. CHỨNG ĐẠO

Từ khi gia nhập Tăng đoàn, Tôn giả siêng năng tu tập và tinh tấn hành trì theo Bát Chánh Đạo. Trong các bài Pháp, Đức Thế Tôn nhiều lần chỉ dạy kỹ lưỡng về con đường này cho chư Tăng. Tám chi phần, từ chánh Kiến, chánh Tư Duy, chánh Ngữ, chánh Nghiệp, chánh Mạng, chánh Tinh Tấn, chánh Niệm, chánh Định đều phải được thực hiện một cách cụ thể, rốt ráo. Đây là con đường toàn diện mà chư Phật và các vị A La Hán đều đã đi qua để đạt được đến đỉnh cao giác ngộ. Ngài SOBHITA áp dụng chuyên chú và vô cùng khéo léo.

Trong đời sống, Ngài nghiêm trì Giới Luật, giữ gìn lời nói và cử chỉ chuẩn mực, lúc nào cũng khiêm cung, nhu thuận với mọi người và rất ham học hỏi. Ngoài những buổi Thế Tôn thuyết giảng, Ngài thường đến tham vấn thêm với các bậc Trưởng lão, chiều đến lại ngồi quây quần cùng các vị Tỳ kheo đọc tụng lại câu kinh tiếng kệ để suy nghiệm và ghi nhớ lời dạy của Thế Tôn.

Hằng ngày, sau thời Thiền sớm, Tôn giả cùng chư Tăng chia nhau về các ngã đường để khất thực. Trên đôi chân trần, các vị Tỳ kheo lần lượt đi từ nhà này đến nhà khác, không phân biệt giàu nghèo, khiêm cung đón nhận vật thực từ gia chủ rồi gieo duyên giáo hóa cho họ. Các vị bước đi thanh thản, bình bát trên tay giản dị bằng gỗ hoặc đất nung, chỉ chứa vật thực vừa đủ cho một ngày.

Sau khi thọ dùng thì rửa bát, xếp gọn y phục rồi tìm đến một gốc cây, một nơi hoang vắng hay vào trong tịnh thất để tọa Thiền. Trong tư thế kiết già lưng thẳng, các vị nhiếp tâm trong từng hơi thở. Hơi thở vào biết rõ hơi thở vào, hơi thở ra biết rõ hơi thở ra. Biết rõ thân này là mong manh vô thường, sinh mệnh ngắn ngủi chỉ trong hơi thở, thế nên chẳng có gì là ta, chẳng có gì là của ta.

Ngài thấy đời sống của một vị Tỳ kheo chính là thực hiện trọn vẹn Bát Chánh Đạo và hạnh phúc khi được hành trì từng phút từng giờ.

Thời gian sau, trong một đêm tĩnh mịch, Ngài nhập sâu dần vào các tầng bậc Thiền Định. Sau khi dứt trừ mọi ngã chấp, Ngài chứng đắc Thánh quả A La Hán tối thượng, vượt thoát khỏi trầm luân sinh tử.

III. ĐỆ NHẤT TÚC MẠNG TRI

Ngay khoảnh khắc chứng đạo, bởi hạnh nguyện và công đức đã vun trồng, Ngài đồng thời thành tựu năng lực Túc Mạng Minh thù thắng.

Trong một đêm ngồi Thiền, Ngài thi triển Túc Mạng Minh quán sát về các kiếp quá khứ của mình. Từng hình ảnh về các kiếp sống xưa lần lượt hiện ra, sống động và cụ thể. Bắt đầu từ kiếp này, khi Ngài quỳ dưới chân Đức Thế Tôn thành kính xin Người được xuất gia, lùi dần về thuở nhỏ khi Ngài trong vòng tay ẵm bồng của cha mẹ, rồi lui dần cho tới khi Ngài vào thai, rồi trước khi vào thai mẹ.

Ngài nhớ lại dần từng kiếp trong quá khứ, hết kiếp này đến kiếp trước, kiếp trước nữa và trước nữa... Mỗi kiếp Ngài mang một thân phận khác nhau, tên họ, hạnh nghiệp khác nhau. Có những kiếp Ngài đã làm vua, vị vua đầy oai đức thống lĩnh các quốc độ rộng lớn. Nhiều kiếp Ngài đã sinh về các cõi Trời khác nhau, dùng thần lực để hộ trì những người hiền hậu, thiện lành. Kiếp nào Ngài cũng luôn có ước nguyện được sống viễn ly, sống một đời tịnh cư đầy phạm hạnh.

Ngài nhớ dần đến hết nhiều đại kiếp. Mỗi đại kiếp là một lần địa cầu sinh diệt với hàng triệu lần sinh tử của chúng sinh. Với Túc Mạng Minh thù thắng, mọi chi tiết của các kiếp sống đều hiển bày rõ ràng tới từng ý niệm vi tế. Cứ như vậy, chỉ trong một đêm, Ngài đã nhớ lại đến vô lượng kiếp quá khứ.

Như người đứng trên bờ quan sát con sông cuồn cuộn chảy, Ngài thấy rõ bản chất của luân hồi sinh tử. Trong dòng chảy mãnh liệt của nghiệp lực, vô số những nhân duyên, phúc báo đan xen nhau chẳng chịt, tác động vào nhau, lôi cuốn nhau không ngừng. Chẳng có kiếp sống nào là cố định, chẳng có vinh quang nào là trường tồn mãi mãi. Sau mỗi kiếp, chúng sinh lại có một thân phận mới, gây những nghiệp báo mới và rồi lại tiếp tục trôi lăn không có lối thoát ra. Luân hồi cay đắng, triền miên, bất tận. Trong giây phút nhập định, Tôn giả trào dâng lòng biết ơn vô hạn đến Đức Thế Tôn. Người đã đến, giong thuyền chánh Pháp cứu vớt chúng sinh đang ngụp lặn giữa những cơn sóng cuộn trào, giữa giông tố bão bùng của biển cả trầm luân tăm tối.

Một lần trước đại chúng rất đông các vị Tỳ Kheo, Đức Thế Tôn đã xác chứng rằng: "Trong số các đệ tử của Như Lai thành tựu Túc Mạng Minh, Tỳ kheo SOBHITA là tối thắng".

Nhân duyên thành tựu năng lực phi thường đến từ cách đây rất lâu xa, vào thời Đức Phật Thắng Liên Hoa (Padumuttara) thị hiện giáo hóa. Khi đó, Tôn giả SOBHITA là một gia chủ thuần thành tín đạo. Ngài đã phát nguyện dưới chân Đức Phật xin có được Túc Mạng Minh đệ nhất và được Người thọ ký. Trải qua vô lượng kiếp vun bồi công đức, đến thời Đức Phật Thích Ca, hạnh nguyện của Ngài đã được viên thành.

IV. CÔNG ĐỨC TÔN KÍNH PHẬT THÙ THẮNG

Vào thời Đức Phật Sumedha, Tôn giả SOBHITA khi đó tái sinh trong một gia đình dòng dõi Bà La Môn cao quý. Ngài thông tuệ, tài năng xuất chúng và thành tựu tất cả các học nghệ của Bà La Môn. Danh tiếng của Ngài vang xa, đến đâu cũng được người đời kính ngưỡng.

Thế nhưng, bởi thiện căn đã gieo trồng sâu dày từ nhiều kiếp, vị Bà La Môn ấy chỉ nghĩ đến hạnh xuất ly giải thoát cao thượng. Không lâu sau, Ngài đến ẩn cư tại một khu rừng phía nam dãy núi Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya) quanh năm tuyết phủ. Trong rừng già hoang sơ, Ngài dựng lên một thảo am bằng cỏ tranh và vách nứa, ngày đêm tu đạo.

Một ngày, trong lúc đi hái quả rừng, Ngài gặp một người tiêu phu.

- Này vị tiều phu, có chuyện gì mà bác lại vui như vậy?

- Thưa Ân sĩ, tôi sắp đi gặp Đấng Giác Ngộ Sumedha, Người đang giáo hóa tại kinh thành Candavati.

Vừa nghe đến Đấng Giác Ngộ, Ngài lập tức rúng động toàn thân.

- Này vị tiều phu, xin bác hãy kể thêm cho tôi về Đấng Giác Ngộ. Người là ai? Đã xuất hiện từ bao giờ?...

- Thưa Ẩn sĩ, Đấng Giác Ngộ Sumedha là bậc Đại Hiền Triết, Đấng Chánh Đẳng Chánh Giác, là bậc Đạo Sư vĩ đại giữa nhân thiên. Cách đây tám năm, Người đã chuyển vận bánh xe Pháp Bảo tại thành phố Sudassana. Người đã tuyên giảng Tứ Thánh Đế- bốn sự thật nhiệm màu, Bát Chánh Đạo- con đường cao thượng đưa đến bình an bất diệt. Bất cứ ai đảnh lễ Người đều được phúc lành vô lượng...

- Ôi, Đấng Giác Ngộ đã xuất hiện giáo hóa tám năm rồi mà ta không biết. Xin cảm tạ bác!

Ngay lập tức, Ngài tạm biệt khu rừng, cất bước lên đường tìm đến Đấng Giác Ngộ mà Ngài vẫn hằng mong đợi bấy lâu.

Con đường từ khu rừng già đến kinh thành mất cả tuần đi bộ. Ban ngày Ngài khất thực dọc đường, đêm đến nghỉ lại tại các làng mạc và thị trấn. Mỗi nơi đặt chân tới, Ngài đều được nghe dân chúng kể về Đức Thế Tôn với lòng kính tin vô bờ. Trong lòng vị Ẩn sĩ, niềm mong đợi lại càng thêm mãnh liệt.

Sau nhiều ngày đêm độc hành, Ngài đến kinh thành Candavati khi trời đã tối. Vị Ẩn sĩ xin phép được yết kiến Đức Thế Tôn Sumedha. Dưới ánh trăng, hương thất của Thế Tôn tỏa ra ánh sáng dịu nhẹ.

- Kinh Bạch Đức Thế Tôn, đã từ rất lâu con hằng mong đợi để được gặp Thế Tôn. Xin Người ban cho con những lời dạy bảo.

- Lành thay, này vị Ẩn sĩ! – Đức Thế Tôn nhẹ nhàng đáp lời.

Đêm hôm đó, Ngài đã đem tất cả những điều trăn trở suốt bao nhiêu tháng năm ròng rã tu hành để hỏi Đức Thế Tôn. Ngài hỏi về kiếp sống, tái sinh, luân hồi, khổ đau, các cảnh giới chứng ngộ... Những câu hỏi vô cùng sâu xa vi tế mà chưa một lý luận nào chứng minh, chưa một vị đạo sư nào trên đời có thể trả lời được.

Thế nhưng, Đức Thế Tôn đã điềm tĩnh trả lời từng điểm, từng ý rất rõ ràng và chi tiết. Người gióng lên tiếng trống Pháp oai lực xóa tan hết mây mù của nghi ngờ, thành kiến và mở toang cánh cửa bước vào khoảng trời bao la của sự giác ngộ.

Đêm tàn canh, khi tia nắng bình minh đầu tiên rọi tới, vị Ẩn sĩ xúc động đảnh lễ dưới chân Đức Thế Tôn và cất lên lời tán thán:

- Kính lạy Đức Thế Tôn, Người là vì tinh tú chói ngời sáng soi thế gian tăm tối. Người đã giương lên ngọn cờ chiến thắng vô minh chấp ngã để chúng sinh hướng về quy ngưỡng. Người là hải đảo cho tất cả chúng con trở về nương tựa giữa bão bùng, giông tố của biển trầm luân sinh tử.

- Kinh lạy Đấng Thiện Thệ, Người cao thượng hơn tất cả và thấu đạt tất cả. Người vì lòng bi mẫn mà tuyên giảng chân lý tiếp độ quần sinh, cho chúng con được uống dòng sữa Pháp thiêng liêng, được thấm nhuần hương vị giải thoát.

- Kinh lạy Đấng Toàn Giác, đại dương tuy muôn trùng thẳm sâu, trái đất dù mênh mông rộng lớn, hư không dù bao la nhường nào vẫn có thể đo lường, tính đếm được. Nhưng trí tuệ, phạm hạnh, công đức của Người là vô biên vô lượng.

- Kinh lạy Đấng Đại Hùng, chúng con hiểu rằng thế gian này là vô thường hư ảo, chúng sinh ngày ngày chìm đắm trong vô minh chưa tự thoát ra. Từ đây, chúng con đã có ánh sáng từ bi của Người dẫn lối. Niềm tin kính của chúng con dâng đến Người là tuyệt đối sâu đậm. Nguyện nghìn đời chúng con luôn yêu kính Phật thiết tha, nguyện tất cả chúng sinh đều được quy y dưới chân Người, để tất cả cùng nương về trong chánh Pháp.

Đức Thế Tôn Sumedha từ ái nhìn vị Ẩn sĩ, rồi Người nói lên lời thọ ký:

- Lành thay, này vị Ẩn sĩ. Con đã tán thán Như Lai bằng tâm tịnh tín chân thành. Con sẽ thành tựu nhiều quả báo lành và cuối cùng sẽ đạt đến được sự giác ngộ giải thoát.

Ngài đón nhận lời thọ ký và đảnh lễ dưới chân Đức Thế Tôn thật lâu với niềm hạnh phúc vô ngần.

Từ đó trong vô lượng kiếp, Ngài luôn được tái sinh giữa cõi Trời và cõi Người, xa lìa khổ cảnh, vô số lần làm vua của các đất nước rộng lớn, nhiều lần trở thành Chuyển Luân Thánh Vương trị vì cả cõi đất. Kiếp nào, Ngài cũng đầy phước đức, tâm tư hiền thiện và trí tuệ linh mẫn.

Cho đến thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài trở thành đệ tử xuất gia trong giáo Pháp của Người, đạt được Túc Mạng Minh tối thắng và chứng đắc quả vị giác ngộ tột cùng khi chỉ mới bảy tuổi.

V. KẾT LUẬN

Tôn giả SOBHITA là một trong những vị đệ tử ưu tú của Đức Phật. Câu chuyện về cuộc đời của Ngài để lại cho chúng sinh nhiều bài học quý giá. Nhờ công đức tôn kính Phật tuyệt đối, Ngài đã tác thành được vô số phước lành và cuối cùng chứng đạt Thánh quả A La Hán, không còn bị chi phối bởi luân hồi sinh tử.

Ngày nay dù đã cách xa thời Đức Phật còn tại thế, nhưng nếu ai luôn huân tập lòng tôn kính Phật, hướng trọn vẹn tâm hồn để dâng lên Người lòng tôn kính thiết tha thì cũng sẽ thành tựu được nhiều công đức thù thắng trong đời. Lòng tôn kính Phật chính là nền tảng của mọi công đức.

Xin nguyện trên chư Phật gia hộ cho chúng con luôn khởi được tâm tôn kính tuyệt đối đến mười phương chư Phật, chư vị Thánh Tăng đến muôn kiếp, nghìn đời. Nguyện chúng con luôn siêng năng học tập giáo lý kinh điển, tinh tấn tu tập để hiểu đúng lời Phật dạy và mang chánh Pháp lan truyền đến mọi chốn nghìn nơi. Nguyện cho tất cả chúng sinh đều được biết Phật Pháp để nương theo tu hành, không còn trôi lặn trong luân hồi đau khổ.

VI. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH

Tôn giả SOBHITA là vị A La Hán siêu việt trong hàng đệ tử của Đức Phật. Ngài được Đức Phật tán thán với danh hiệu ĐỆ NHẤT TÚC MẠNG TRI. Ngài có thể nhớ lại vô số kiếp quá khứ của mình chỉ trong một đêm, rõ ràng tới từng ý niệm vi tế. Vì thế, Ngài thấy rõ bản chất của luân hồi là khổ đau vô tận. Chỉ có đi trên con đường Bát Chánh vĩ đại mà Đức Phật đã dạy mới có thể vượt ngoài sinh tử. Để có được công hạnh phi thường và sự giác ngộ tột cùng khi tuổi còn rất nhỏ, Ngài đã trải qua vô lượng kiếp huân tập lòng tôn kính Phật tuyệt đối và không ngừng gây tạo công đức lành. Khi thờ kính Ngài quý Phật tử sẽ:

- Thành tựu nhiều khả năng đặc biệt, học rộng, hiểu sâu, khéo léo ứng dụng được những kiến thức vào thực tiễn. Làm việc luôn có sự cẩn thận, tinh tế, biết nhìn xa trông rộng nên dễ thành công trong công việc.

- Gặp nhiều mắn may trong cuộc sống nhờ siêng lễ kính các bậc Thánh. Thường được chư Phật gia hộ tu tập đúng theo Bát Chánh Đạo, vượt qua được các khó khăn, nghịch cảnh.

- Sớm biết đến con đường tu hành chân chính. Thấm nhuần được giáo lý về Nhân Quả và Nghiệp Báo. Giúp cho nhiều người tin hiểu và thực hành Phật Pháp nên gây tạo được nhiều công đức cho sự chứng ngộ tâm linh về sau.

VII. THƠ TỤNG

Bình minh chánh Pháp sáng soi
Kỳ Viên tinh xá là nơi nhiệm mầu
Thế Tôn thuyết giảng đạo mầu
Chúng sinh đau khổ thoát ra luân hồi

Thế Tôn uy đức rạng ngời
Tôn giả rúng động, xin Người xuất gia
Cuối đầu đảnh lễ đến Ngài
Đệ Nhất Túc Mạng nhìn ra luân hồi

Tôn giả nhìn thấu kiếp người
Bao lần sinh tử giữa đời trầm luân
Kiếp xưa người đã gieo nhân
Tôn kính chư Phật chuyên cần siêng tu

Ngài thưa Đức Phật đại từ
Thế gian tăm tối Người như Mặt Trời
Thế Tôn cao thượng tuyệt vời
Ban dòng sữa Pháp cứu đời khổ đau

Đại dương dù có thẳm sâu
Trí tuệ Đức Phật nhiệm mầu vô biên
Giữa đời sinh tử triền miên
Trọn lòng tin kính dâng lên Phật Đà

Ngày nay cách Phật đã xa
Nhưng chúng con hiểu Phật là thiêng liêng
Từ nay xin bỏ tình riêng
Yêu thương tất cả chẳng riêng người nào

Mong ai cũng sống thanh cao
Cũng biết kính Phật tin vào nghiệp duyên
Tìm về nơi chốn bình yên
Chuyên tu Thiền Định vượt lên khổ sầu

Để rồi Nhân Quả tin sâu
Làm nhiều công đức đạo mầu tiến tu
Một lòng từ ái khiêm nhu
Luôn biết kín đáo huân tu hạnh lành

Cầu cho tất cả chúng sanh
Siêng năng tu tập Pháp lành hiểu ra
Để rồi chánh Pháp lan xa
Mọi người tôn kính Phật Đà vô biên

NAM MÔ ĐỆ NHẤT TÚC MẠNG TRI SOBHITA TÔN GIẢ (3 lần)

THEO THÁNH ĐỘ MỆNH- TS. TT. THÍCH CHÂN QUANG

 

Tags: THÁNH ĐỘ MỆNH
popup

Số lượng:

Tổng tiền: