Thánh Độ Mệnh

30. TÔN GIẢ CÂU MA LA CA DIẾP (KUMARA KASSAPA)- Đệ Nhất Vi Diệu Giảng Sư

02/01/2022 Phúc Khiết Giác 0 Nhận xét
30. TÔN GIẢ CÂU MA LA CA DIẾP (KUMARA KASSAPA)- Đệ Nhất Vi Diệu Giảng Sư

I. XUẤT THÂN

Tại kinh thành Vương Xá (Rajagaha) thuộc đất nước Ma Kiệt Đà (Magadha), có tiểu thư Sohati là con gái của một vị trưởng khố giàu có. Tiểu thư hết lòng kính tin Tam Bảo và mong muốn được xuất gia. Tuy nhiên, cha mẹ tiểu thư một mực ép con gái lấy chồng. Hai năm trôi qua, tiểu thư Sohati vẫn luôn khắc khoải ý nguyện được sống cuộc đời thanh tịnh. Tiểu thư kiên nhẫn thuyết phục chồng từng ngày. Cuối cùng, người chồng đã chấp thuận.

Thế nhưng, khi mới xuất gia được vài ngày thì những dấu hiệu của thai kỳ bắt đầu xuất hiện. Lúc ấy, Tỳ kheo Ni Sohati mới biết mình đã hoài thai. Câu chuyện lan ra khắp kinh thành, gây ra rất nhiều lời xì xào bàn tán. Thật may sau đó, Tôn giả Ưu Ba Ly (Upali) đã phân xử kịp thời, trả lại sự trong sạch cho bà. Tỳ kheo Sohati vẫn được tiếp tục sống đời phạm hạnh. Và đặc biệt, hài nhi do bà sinh ra cũng được nuôi dưỡng ngay tại Tăng đoàn. Hài nhi được coi như là sẽ xuất gia từ khi mới lọt lòng.

Vị Tôn giả được sinh ra trong trường hợp đặc biệt như thế chính là Tôn giả Câu Ma La Ca Diếp (Kumara Kassapa). Sau này, Ngài vô cùng tinh tấn tu hành, trở thành một trong những đệ tử ưu tú của Đức Thế Tôn với danh hiệu: "Đệ Nhất Vi Diệu Giảng Sư".

II. XUẤT GIA - CHỨNG ĐẠO

Một thời gian sau, Đức vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) biết câu chuyện đặc biệt về Ngài nên đã vô cùng yêu mến và xin chư Tăng được mang về hoàng cung nuôi dưỡng. Thế nhưng, từ khi bắt đầu lớn lên, Ngài luôn thắc mắc về xuất thân của mình. Vua Ba Tư Nặc lại thường chỉ trả lời qua loa rồi lảng sang chuyện khác. Cho đến một hôm, khi ấy Ngài bảy tuổi, sự trăn trở trong lòng Ngài đã quá lớn khiến Đức vua động lòng. Vua Ba Tư Nặc đành phải kể tường tận câu chuyện. Từng lời kể về xuất thân như khơi dậy trong Ngài biết bao cảm xúc. Đức vua vừa dứt lời thì ước nguyện được xuất gia cũng dâng lên mạnh mẽ trong lòng. Ngài lập tức thỉnh cầu được gặp Đức Thế Tôn để bày tỏ.

Sáng hôm sau, khi bình minh vừa ló dạng, Đức vua Ba Tư Nặc và Ngài Câu Ma La Ca Diếp đã có mặt tại tinh xá Kỳ Viên (Jetavana). Ngài quỳ xuống chắp tay trước Thế Tôn. Đức Thế Tôn từ ái nhìn vị Hoàng tôn nhỏ tuổi, Người cất lời trầm ấm:

- Lành thay này Câu Ma La Ca Diếp, từ nay con sẽ là sa di trong Tăng đoàn của Như Lai.

Kể từ đó, Ngài trở thành đệ tử của Đức Thế Tôn. Dù tuổi còn nhỏ nhưng Ngài rất tinh cần tu học. Hằng ngày, Ngài giữ nghiêm chỉnh thời khóa. Ngài tụng kinh, học kệ, tọa Thiền, lao tác, thọ thực hay nghỉ ngơi đều đúng thời, giống với tất cả những vị Tỳ Kheo khác. Hơn thế, Ngài rất chăm chú mỗi khi Thế Tôn thuyết giảng và luôn ghi nhớ cẩn thận những điều Thế Tôn và các vị Tôn giả đã chỉ dạy.

Một hôm, đêm đã về khuya, cảnh vật trở nên tĩnh mịch. Ngài tọa Thiền trong khu rừng Andhavana gần tinh xá Kỳ Viên. Bỗng một vị Phạm Thiên hiện ra với hào quang rực rỡ, ánh sáng chiếu bừng khắp không gian. Vị Phạm Thiên cất giọng đầy uy lực:

- Này hiền giả Câu Ma La Ca Diếp, ta là bạn đồng tu với Ngài từ những kiếp xưa. Nay ta đến đây để giúp Ngài. Hãy suy nghĩ kỹ về những điều ta nói sau đây, Ngài sẽ chứng được đạo quả thù thắng.

- Này hiền giả, gò mối này ban ngày bốc lửa, ban đêm tỏa khói. Có một kẻ trí, muốn tu hành nhưng đang liên tiếp gặp phải cái then cửa, con cóc căng phồng, hai ngả đường, cái lọc nước, con rùa, con dao phay, khối thịt và một con Rồng phía trước. Một vị Bà la môn liền bảo: "Hãy cầm thanh gươm lên để dẹp tan chúng nhưng chớ có động đến con Rồng".

Dứt lời, vị Phạm Thiên biến mất trong một luồng sáng. Khung cảnh trở lại đêm tối. Tôn giả Câu Ma La Ca Diếp ngỡ ngàng và xúc động. Đêm đó Ngài không ngủ, cứ trăn trở những ẩn dụ vô cùng bí hiểm từ vị Phạm Thiên vừa gửi đến.

Ngày hôm sau, khi trời còn tảng sáng, Ngài men theo con đường nhỏ trở về tinh xá để gặp Đức Thế Tôn. Khung cảnh tinh xá hiện lên thật yên bình. Những tán cây vẫn còn phủ hơi sương. Ngài nhẹ bước vào trong, đến gặp Đức Thế Tôn. Tôn giả đảnh lễ Người và chắp tay thưa:

- Bạch Thế Tôn, đêm qua có một vị Phạm Thiên hiện ra trước mắt con với hào quang ngời sáng. Vị đó đã đưa cho con những ẩn dụ bí hiểm và bảo rằng, chỉ có Thế Tôn mới hiểu và lý giải được. Con kính xin Thế Tôn cho con được biết về ý nghĩa của những ẩn dụ ấy.

Sau khi nghe xong câu chuyện từ lời kể của Ngài, Đức Thế Tôn mỉm cười:

- Này Câu Ma La Ca Diếp, "ổ mối" chính là thân thể vật chất này, được tạo thành từ tứ đại, vô thường và bất tịnh. Vào ban đêm con người thường chiêm nghiệm về những điều đã qua và ngẫm nghĩ về những công việc của ngày mới. Đó được gọi là "bốc khói vào ban đêm". Với những suy nghĩ đó, ban ngày con người đã gieo nhân, tạo tác vô số nghiệp bằng ý nghĩ, lời nói, hành động đối với chúng sinh thì đó gọi là "bốc lửa vào ban ngày".

- Này Tỳ Kheo, "vị thầy Bà La Môn" được nhắc đến chính là Như Lai và các vị A La Hán đã giác ngộ giải thoát khỏi luân hồi. "Kẻ trí" là những vị Sa môn vẫn còn tu tiến trên con đường Thánh đạo. Còn "thanh gươm" chính là trí tuệ của một người tu hành chân chính.

- Này Tỳ Kheo, con hãy cầm "thanh gươm" và "đào lên một cách siêng năng", ví như một người tu hành chân chính dùng trí tuệ phát sinh từ sự tu tập tinh tấn, bền bỉ. Rồi con hãy quăng bỏ "cái then cửa", đó là bức màn của sự vô minh, ngã chấp. Con hãy quăng bỏ "con cóc căng phồng" của sự nóng giận, sân hận sâu dày. Khi đứng giữa "con đường hai ngả" của sự hoài nghi, con hãy đoạn trừ nó để đi về con đường duy nhất là Vô Ngã.

- Này Tỳ Kheo, nhờ công phu tu tập Thiền định, con hãy đập tan "cái lọc nước", ví như diệt trừ năm triền cái là "tham lam, sân hận, hôn trầm, trạo cử và nghi hối". Con hãy dùng trí tuệ của Thiền định để đoạn trừ đối tượng chấp thủ. Đó là năm uẩn "Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức" như "quăng bỏ con rùa".

- Này Tỳ Kheo, "con dao phay" chính là ngũ dục "sắc đẹp, âm thanh, hương thơm, mùi vị, xúc chạm". Đó là năm loại dục làm chúng sinh đắm luyến hưởng thụ. Chỉ có thanh gươm trí tuệ mới đủ sức mạnh phá tan nó.

- Này Tỳ Kheo, "khối thịt" là tên gọi dành cho tham dục. Con hãy diệt trừ tham dục như quăng bỏ một khối thịt nhơ nhớp để chứng đạt Tam Minh. Con Rồng được được ví như một vị A La Hán. Con hãy dâng lên lòng tôn kính tuyệt đối với các Ngài. Này Tỳ Kheo hãy thọ trì như vậy!

Ngài Câu Ma La Ca Diếp chăm chú lắng nghe từng lời của Đức Thế Tôn và nhập sâu vào Thiền quán. Khi lời giải thích vừa dứt, mặt đất khẽ rung chuyển. Ngay khoảnh khắc đó, gương mặt Ngài bừng tỏ. Tôn giả chứng đắc Thánh quả A La Hán tột cùng, viên mãn giải thoát khỏi trầm luân sinh tử. Ngài đảnh lễ Đức Thế Tôn với lòng biết ơn vô hạn.

Ngoài tinh xá, những âm thanh bất chợt vang lên kỳ lạ. Luồng gió thổi luồn qua các nhành cây xào xạc, những đàn chim trong khu rừng cùng cất lên tiếng hót. Khung cảnh hân hoan chào đón một bậc Thánh giác ngộ đã xuất hiện giữa đời, tất cả toát lên một niềm an lạc khó tả...

III. ĐỆ NHẤT VI DIỆU GIẢNG SƯ

Trong hàng đệ tử của Đức Phật, Tôn giả Câu Ma La Ca Diếp thành tựu công hạnh Đệ Nhất Vi Diệu Giảng Sư. Nổi bật trong phương pháp giáo hóa của Ngài là thường xuyên sử dụng nhiều ví dụ so sánh và những câu chuyện minh họa trong những bài Pháp đến tứ chúng đệ tử, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, thiện nam và tín nữ. Để chứng minh một quan điểm, Ngài có thể dẫn chứng và đưa ra nhiều ví dụ khác nhau giúp cho người nghe dễ dàng tỏ ngộ được chân lý.

Trong suốt cuộc đời tu hành, Ngài đã thuyết Pháp cho nhiều loại thính chúng. Ngài độ cho mẫu thân Ngài, Tỳ Kheo Ni Sohati được chứng đạo. Đặc biệt, sự việc Ngài độ vua Tệ Túc (Payasi) đã trở thành một câu chuyện điển hình, được kết tập trong Trường Bộ Kinh trong Tam Tạng về khả năng thuyết phục bằng các ví dụ đặc sắc và đầy trí tuệ.

Một buổi sáng, Ngài Câu Ma La Ca Diếp cùng với năm trăm vị Tỳ Kheo du hành đến xứ Setavya, một vương quốc trù phú do vua Ba Tư Nặc cấp cho vua Tệ Túc. Tôn giả cùng Tăng đoàn nghỉ chân tại khu rừng Thi Xá Bà (Simsapa), phía Bắc của đất nước Kiều Tát La (Kosala). Ở đó, người dân biết được Ngài là một vị Tôn giả trí tuệ quảng bác, biện luận phi thường, là một bậc Thánh A La Hán siêu phàm nên đã truyền nhau tin tức về Ngài đi khắp chốn. Lúc đó vua Tệ Túc biết tin Tôn giả đang ở rừng Thi Xá Bà, ông liền cùng đoàn tùy tùng và rất đông các Bà La Môn đến gặp. Sau khi đảnh lễ, Đức vua tham vấn với Ngài:

- Thưa Tôn giả, tôi biết về giáo Pháp mà Ngài đang thọ trì. Nhưng tôi không tin có luân hồi, có nhân quả công bằng. Và tôi cũng không thể nào tin được là có cõi giới siêu hình của chư Thiên và linh hồn sau khi chết.

- Này Đức vua, giống như mặt trăng, mặt trời thuộc thế giới khác, chúng vô cùng xa xôi, không thể chạm tới được nhưng rõ ràng là chúng vẫn tồn tại.

- Thưa Tôn giả, dù Tôn giả có nói như vậy, thì tôi cũng không tin có thế giới siêu hình, càng không tin có luân hồi. Tôi có những người thân quyến cả cuộc đời làm nhiều việc ác như sát sinh, tà dâm, trộm cắp, nói dối... Cũng có những người thân quyến suốt cuộc đời làm việc thiện, sống đạo đức, hiền lương. Tôi bảo họ rằng sau khi mất nếu về địa ngục hay cõi trời thì hãy về bảo cho tôi biết, nhưng chẳng ai về cả. Vậy nên chẳng có luân hồi, chẳng có nhân quả thưa Tôn giả.

- Này Đức vua, giống như một tên trộm luôn bị kèm cặp bởi gông cùm, một người bị giam cầm dưới địa ngục làm sao có thể thoát ra để về được. Giống như một người bị té vào hầm phân, được thoát ra và tắm rửa sạch sẽ rồi liệu người đó có muốn bị rớt vào hầm phân một lần nữa? Cũng vậy một người cả cuộc đời cố gắng làm điều thiện, người đó mất đi được sinh lên cõi trời, hưởng phước báo, liệu người đó có muốn quay lại trần thế đầy nhiễm ô, đau khổ này để báo tin cho Đức vua?

- Hơn nữa, thời gian giữa các cõi giới là khác nhau muôn trùng. Nếu người đó ở lại Thiên giới hai, ba ngày rồi quay lại thì thế gian đã trải qua mấy trăm năm. Khi đó, Ngài cũng không còn để nhận được tin nữa.

- Nhưng thưa Tôn giả, ai nói cho Tôn giả về điều đó? Cả đời tôi chưa từng thấy chư Thiên. 

- Này Đức vua, giống như người sinh ra đã mù, không thấy được các màu sắc, không thấy được cảnh vật, rồi bảo rằng màu sắc, cảnh vật đó không tồn tại. Có những điều không thể nhìn thấy được bằng mắt thường nhưng chúng vẫn tồn tại và hiện hữu xung quanh.

- Dù Tôn giả nói có lý nhưng tôi vẫn không tin. Thưa Tôn giả, tôi nghe rằng có những vị Sa môn tu hành, sau khi họ biết rằng sẽ được sinh về nơi tốt đẹp sau khi chết nên đã quyết định quyên sinh. Như vậy quan điểm có luân hồi, có nhân quả, có thế giới siêu hình có khi lại làm cho con người trở thành tiêu cực và thụ động, chứ chẳng có ích gì.

- Này Đức vua, họ tin có nhân quả, có luân hồi, có thế giới siêu hình, nhưng vì không hiểu nên họ đã ứng dụng sai nhân quả. Giống như một bà vợ thứ đang mang thai. Nếu biết được đứa bé trong bụng là con trai, bà sẽ được hưởng một phần gia tài, nếu là con gái thì sẽ không được gì. Bà vợ vì nóng lòng nên đã rạch bụng mình để xem là trai hay gái. Chỉ vì tìm thừa tự một cách ngu si nên chính bà đã tự hại đời sống của mình và cả thai nhi.

- Cũng vậy, con người thường vội vàng đi tìm quả khi nhân duyên chưa đủ chín muồi. Một người hiểu nhân quả thì nhẫn nhục trước hoàn cảnh, luôn luôn nỗ lực để làm thêm nhiều công đức, không có nóng vội, không giống như Sa môn tự tử để đi tìm quả lành, cũng không giống như bà vợ thứ đã rạch bụng để xem rõ thai nhi. Đó mới là cách hiểu đúng về luật Nhân Quả.

- Thưa Tôn giả, từ ví dụ của Tôn giả đã khiến tôi hiểu ra vấn đề. Nhưng quan điểm chấp giữ của tôi đã quá nổi tiếng, nếu bây giờ tôi chấp nhận thay đổi thì sẽ bị các quốc gia lân bang chê cười. Cho nên tôi không thể.

- Này Đức vua, giống như người nuôi heo thấy một đống phân khô bị quăng bỏ. Người đó nghĩ rằng nó có ích nên đã cột lại, để thành gói lên đầu. Nhưng khi đi đến giữa đường thì trời mưa tầm tã, phân thấm ướt chảy từng dòng làm người đó lấm lem, ướt nhẹp nhưng người đó vẫn kiên quyết không bỏ.

- Cũng vậy, Đức vua hãy nhanh chóng từ bỏ quan điểm sai lầm xấu ác. Đức vua cố chấp giữ nó cũng giống như một người mang đống phân mà đi giữa trời mưa. Thân, tâm sẽ bị ô uế và danh dự rồi cũng biến mất hết. Đức vua hãy nhanh chóng khước từ ác kiến này để xây dựng lại cuộc đời mình tốt đẹp hơn.

Vua Tệ Túc nở một nụ cười vui mừng, bảo:

- Thật kỳ diệu thay! Thật hy hữu thay! Tôn giả Câu Ma La Ca Diếp. Ngài đã đem ánh sáng soi đường cho kẻ lạc đường, như đem đèn trong bóng tối cho người có mắt được thấy cảnh vật. Với nhiều phương tiện và ví dụ sâu sắc, dễ hiểu, Tôn giả đã thuyết phục và giúp con tỏ ngộ Chánh Pháp. Từ nay, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y Tăng. Xin Tôn giả hãy nhận con làm đệ tử cư sĩ.

Câu chuyện trên là minh chứng tuyệt vời để nói lên công hạnh của Ngài. Để làm sáng tỏ quan điểm: "Có luân hồi, có nhân quả công bằng, có thế giới siêu hình", để chứng minh sự tồn tại của chân lý trong hiện thực, điều mà biết bao chúng sinh còn nghi hoặc hay chưa thể chấp nhận, Tôn giả Câu Ma La Ca Diếp đã kiên trì viện dẫn từ ví dụ này đến ví dụ khác, nhằm giúp cho vua Tệ Túc nhận ra thực tại đó. Sự tranh biện lý luận giữa hai vị trong câu chuyện rất thú vị. Với nhiều luận cứ xác đáng và độc đáo, cuối cùng Tôn giả đã hóa độ được vua Tệ Túc, đúng như lời Đức Thế Tôn đã xác chứng Ngài là Đệ Nhất Vi Diệu Giảng Sư trước đó.

IV. KẾT LUẬN

Trong Tăng đoàn thời Đức Phật, Ngài Câu Ma La Ca Diếp là bậc kỳ tài về khả năng sử dụng linh hoạt các ví dụ sinh động, hợp lý trong các bài giảng Pháp. Từ hơn hai ngàn năm trước đến nay, các câu chuyện mà Ngài hóa độ chúng sinh vẫn còn được lưu truyền như những bài học sâu sắc về việc ứng dụng giáo Pháp một cách linh hoạt để hóa độ cho những chúng sinh cang cường nhất.

Vì vậy, nương theo công hạnh của Ngài trong việc hoằng dương chánh Pháp, người con Phật luôn ứng dụng những phương pháp phù hợp để đem đạo Pháp đến khắp mọi nơi một cách gần gũi và dễ hiểu nhất, để những chúng sinh dù cang cường nhất cũng có cơ hội quay về nương tựa Tam Bảo, được đạo lý soi sáng và trưởng thành trong giáo Pháp.

Dẫu biết rằng con đường Vô Ngã bao la diệu vợi, đường hoằng pháp còn gian nan, trắc trở, nhưng chúng con nguyện lòng theo tấm gương của Tôn giả, luôn chăm chỉ học tập giáo lý, kinh điển, tinh cần tu tập để mang đạo Pháp thắp sáng thế gian này.

V. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH

Tôn giả Câu Ma La Ca Diếp (Kumara Kassapa) là vị A La Hán có công hạnh Đệ Nhất Vi Diệu Giảng Sư trong hàng đệ tử Đức Phật. Xuyên suốt mọi bài Pháp, Tôn giả đều sử dụng rất nhiều ví dụ so sánh và những câu chuyện minh họa sinh động, gần gũi. Bên cạnh đó, Ngài cũng đưa ra những lời giải thích khéo léo, sâu sắc mà dễ hiểu cho thính chúng. Bởi vậy, tứ chúng đệ tử được hiểu sâu sắc về những giáo lý trong chánh Pháp của Thế Tôn, từ đó thực hành theo và đem lại nhiều lợi ích cho cuộc đời. Ngài đã để lại những bài học quý báu trong việc vận dụng giáo Pháp một cách linh hoạt, kiên trì hóa độ cho những chúng sinh cang cường nhất.

Khi thờ kính Ngài quý Phật tử sẽ:

- Thành tựu khả năng linh hoạt, sáng tạo trong giao tiếp và đàm luận. Nhạy bén và tinh tế trong việc sử dụng các phương tiện để giao tiếp nên có được nhiều lợi thế và dễ thành công trong công việc.

- Gây tạo được rất nhiều công đức lành khi có duyên mang lại đạo lý cho mọi người, gieo nhân được xuất gia tu hành chân chính, đắc đạo.

Cuộc sống sung túc, an vui, thường được quý nhân phù trợ và gặp may mắn trong những lúc khó khăn.

VI. THƠ TỤNG

Thành tâm xin đảnh lễ Ngài
Bậc Thánh vĩ đại muôn đời lưu danh
Từ cõi Thiên giới đản sanh
Hài nhi siêu tuyệt, duyên lành kiếp xưa

Con đường chánh Pháp dẫn đưa
Dâng niềm tuyệt đối kính thương vô bờ
Trọn lòng quy ngưỡng tôn thờ
Nghìn đời theo bước chân Người thiết tha

Giữ gìn đời sống xuất gia
Tìm về giác ngộ, thoát ra buộc ràng
Luân hồi vạn kiếp lang thang
Chạy theo hư ảo, nặng mang não phiền

Noi gương Thánh trí bậc hiền
Sống đời phạm hạnh tinh chuyên tu hành
Sáng trong thanh tịnh mát lành
Thân tâm dứt sạch bụi trần nhiễm ô

Ngoài kia tăm tối mê mờ
Đắm trong chấp ngã, đợi chờ, ngóng trông
Chẳng hay thân xác mỏi mòn
Một mai tan hoại chỉ còn bụi tro

Quẩn quanh bao nỗi âu lo
Tìm đâu để thấy bến bờ yên vui
Lời Phật soi lối nghìn nơi
Cho người được sống cuộc đời đẹp tươi

Ánh sáng chân lý chói ngời
Xóa tan bóng tối nghi ngờ ghét ganh
Tăng chúng theo Phật tu hành
Đem nguồn đạo lý độ sinh giúp người

Từng lời từng chữ tỏ tường
Cho người hiểu rõ mạch nguồn sâu xa
Niềm tin Nhân Quả mở ra
Bầu trời giác ngộ thênh thang đón chờ

"Đệ Nhất Vi Diệu Giảng Sư"
Hương thơm đức hạnh truyền lưu muôn đời
Chúng con nguyện bước theo Ngài
Kiên trì nhẫn nại khuyên người lìa mê

Mái chùa che chở lối về
Biết từng hơi thở tìm về chân như
Bước vào chánh Định vô dư
Trí tuệ bừng sáng, yêu thương ngập tràn.

NAM MÔ ĐỆ NHẤT VI DIỆU GIẢNG SƯ CÂU MA LA CA DIẾP TÔN GIẢ (3 lần)

Tags: Chánh Tín Thờ Cúng
popup

Số lượng:

Tổng tiền: