Thánh Độ Mệnh

28. TÔN GIẢ ĐÀ LA BÀ MA LA (DABBA MALLAPUTTA)- Đệ Nhất Tổ Chức Cư Trú Cho Tăng Đoàn

02/01/2022 Phúc Khiết Giác 0 Nhận xét
28. TÔN GIẢ ĐÀ LA BÀ MA LA (DABBA MALLAPUTTA)- Đệ Nhất Tổ Chức Cư Trú Cho Tăng Đoàn

Ví như đốt thanh sắt
Lửa lóe sáng rực rỡ
Sức nóng dần dần mất
Cũng thế sự giải thoát
Vượt bùn lầy phiền não
Các dòng đã dứt sạch
Chóng đắc dấu bất động
Nhập Vô dư Niết Bàn.

I. SỰ XUẤT HIỆN DIỆU KỲ

Thuở ấy, dưới chân núi Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya), tại xứ Mạt La (Malla) có thành A Dật Di (Anupiya) phồn thịnh, người dân các nơi đổ về giao thương tấp nập.

Một ngày, trong thành có người phụ nữ đang mang thai bỗng không may qua đời. Thật đau lòng, bà ra đi khi ngày sinh đã gần đến. Theo tục lệ, người ta đưa bà lên giàn hỏa thiêu. Khu nghĩa địa là một bãi đất trống phía ngoại thành, chính giữa dựng lên một dàn gỗ được quấn bằng những dải vải trắng, thềm nằm được kết bằng cỏ khô có tẩm nước hương. Gia quyến và người đưa tiễn đến dự rất đông. Thân thể người phụ nữ được đặt lên một vòng hoa tươi. Những cánh hoa nhè nhẹ phất phơ trước gió. Khi cây đuốc được ném vào, từng làn khói trắng mờ bay lên, ánh lửa lớn dần, khí nóng lan tỏa ra xung quanh. Đột nhiên, một người đứng gần đó tròn mắt, chỉ tay về phía giàn thiêu, la lớn: Kìa! Nhìn phần bụng của bà ấy kìa?

Mọi người sửng sốt. Từ thân thể người mẹ, giữa ngọn lửa bập bùng tứ phía, hài nhi thoát ra ngoài một cách kỳ diệu, rơi xuống đám cỏ kế bên. Sau giây phút ngạc nhiên, mọi người vội chạy ngay đến. Bà ngoại của hài nhi nhanh tay quấn khăn rồi ẵm bồng cháu. Trong vòng tay của bà, hài nhi có gương mặt khôi ngô ngước lên nhìn mọi người. Vừa thoát khỏi vòng lửa trên giàn thiêu nhưng hài nhi không hề sợ hãi, ánh mắt vẫn bình yên hiền hòa. Thân quyến vây xung quanh, vừa mừng lại vừa thương, ngắm nhìn hài nhi mà không ngăn nổi dòng lệ.

Bà ngoại đặt tên cho Ngài là Đà La Bà Ma La (Dabba Mallaputta). Trong đó, "Đà La" nghĩa là tên một loại cỏ, ngụ ý để nhớ về kỷ niệm đặc biệt mà Ngài đã đến với thế gian.

Ngài Đà La Bà Ma La lớn lên trong tình yêu thương và chăm sóc của ngoại. Cứ như thế, hai bà cháu nương tựa nhau trải qua những tháng năm êm đềm. Bà là dòng suối mát chăm nom cho Ngài từ tấm bé. Ngài là niềm hạnh phúc khi bà tuổi đã xế chiều.

II. THỜI KHẮC CHỨNG NGỘ

Thời gian trôi qua thấm thoát đã được bảy năm. Một hôm, Đức Thế Tôn cùng chư Tăng du hành đến nước Mạt La. Người an cư trong khu rừng Anupiyamba cạnh con sông phía ngoại thành A Dật Di. Tin vui về Đấng Giác Ngộ nhanh chóng lan rộng khắp mọi nơi, tất cả dân chúng đều háo hức đón mừng. Các gia chủ chuẩn bị những vật thực đặc biệt nhất của xứ sở để cúng dường lên Người và chư Tăng.

Chiều hôm ấy, khi Đức Thế Tôn vào thành khất thực, Ngài Đà La Bà Ma La đã tình cờ bắt gặp hình ảnh của Người. Thế Tôn tay cầm bình bát đang dẫn đầu chư Tăng, Người bước đi thong thả bình an trên phố thị tấp nập. Một gia chủ cẩn thận bưng bát cơm tới gần, cung kính sớt vào bình bát của Người rồi quỳ xuống đảnh lễ. Đấng Giác Ngộ hiền từ nhận lấy, lặng lẽ bước tiếp. Dọc theo con đường, mọi người lần lượt kéo nhau tới cúng dường Đức Thế Tôn.

Lần đầu tiên Ngài được thấy dung nghi rực rỡ của Đấng Chánh Giác, dường như muôn nghìn ánh dương đang bao phủ xung quanh Người. Dáng Người uy nghi sáng chói cả khu phố. Trên nền trời, những làn mây bồng bềnh rải rác, một làn gió nhẹ nhàng thổi những đám mây bay, tỏa bóng che mát cho từng bước chân của Đức Từ Phụ. Ngài Đà La Bà Ma La lặng nhìn xúc động. Cảnh vật dường như trở nên mờ nhạt, chỉ có hình ảnh của Thế Tôn rạng ngời lấp lánh. Duyên lành kiếp xưa đã đến, Ngài bừng lên mong ước được nương mình dưới bóng mát từ bi và trí tuệ của Đức Thế Tôn. Ngài lập tức chạy về nhà, nắm lấy bàn tay bà ngoại, say sưa kể lại rằng:

- Ngoại ơi, con vừa được gặp Đấng Giác Ngộ trên phố. Người thật rạng ngời và ấm áp. Người đẹp hơn tất cả những gì con từng tưởng tượng. Thưa ngoại, con xúc động vô cùng. Con cũng muốn được xuất gia theo Đấng Giác Ngộ. Xin ngoại hãy cho phép con!

Bà ngoại ngắm nhìn gương mặt rạng rỡ của người cháu. Bà nắm chặt lấy bàn tay nhỏ bé. Nay ngoại đã già rồi. Từ lâu, bà thường nghe người ta truyền tai nhau về Đấng Giác Ngộ kỳ tuyệt. Người là Thái tử của vương quốc Thích Ca phồn vinh, đã từ bỏ vương vị cao quý để xuất gia tu hành, với chí nguyện cứu giúp chúng sinh thoát khỏi khổ đau. Sau bốn mươi chín ngày nhập định dưới cội cây bồ đề, Người viên mãn đắc thành Chánh Đẳng Chánh Giác, là Bậc Đạo Sư vĩ đại của cả trời và người. Hôm nay, cháu đã được gặp Bậc Giác Ngộ, thật là một phúc lành lớn lao trong đời. Ngay hôm đó, bà tất bật sửa soạn rồi đưa Ngài Đà La Bà La Ma tới nơi cư ngụ của Tăng đoàn.

Trong khu rừng Anupiyamba, cây cối thẳng đứng cao ngút với thân to hơn hai vòng ôm, lác đác dưới gốc cây là chùm hoa rừng chen lẫn trong đám cỏ. Không khí thật trong lành mát mẻ. Tại khoảng đất rộng, chư Tăng đang an tọa trên những phiến đá phẳng. Màu nâu của y áo nổi bật giữa sắc xanh của khu rừng. Dưới tàng cây cao, Đức Thế Tôn ngồi yên lắng trong tư thế kiết già. Ngài Đà La Bà Ma La cùng bà ngoại bước lại gần, quỳ xuống chắp tay cung kính thưa:

- Kính bạch Đấng Giác Ngộ, Người đến thành A Dật Di đã đem phước lành ngập tràn nơi đây. Hôm nay, cháu ngoại của con là Đà La Bà Ma La kính ngưỡng Người vô ngần, đã phát khởi tâm muốn đi theo chư Tăng. Con kính xin Người hãy chấp nhận cho đứa bé này được xuất gia.

Đức Thế Tôn từ ái nhìn hai bà cháu. Gương mặt phúc hậu của người cháu đang rạng ngời hơn bao giờ hết. Người khẽ mỉm cười. Thế Tôn truyền gọi Tôn giả Xá Lợi Phất (Sariputta) đến và bảo rằng:

- Này Xá Lợi Phất, Như Lai đồng ý để Đà La Bà Ma La gia nhập Tăng đoàn. Con hãy làm lễ xuất gia cho cậu bé.

Ngài Đà La Bà Ma La xúc động cúi lạy Đấng Giác Ngộ. Ngài tiến tới, quỳ gối dưới chân Tôn giả Xá Lợi Phất, chắp tay búp sen trước ngực. Đó là giây phút thiêng liêng của cả đất trời...

Tôn giả Xá Lợi Phất đưa đường cạo thứ nhất, Ngài Đà La Bà Ma La chợt rúng động nội tâm. Lòng tôn kính Đức Thế Tôn tuyệt đối và niềm kính tin bất diệt vào Chánh Pháp bỗng sống dậy mạnh mẽ, chiếm trọn khắp tâm hồn vị sa di nhỏ tuổi. Gương mặt Ngài bừng sáng. Giây phút ấy, Ngài đã đặt chân vào dòng Thánh, chứng đắc Thánh quả Tu Đà Hoàn.

Tôn giả Xá Lợi Phất cạo đường tóc thứ hai, nội tâm của Ngài trở nên cực kỳ an tĩnh, tựa như mặt nước êm đềm, chỉ còn một chút gợn lăn tăn vi tế. Mọi ý niệm tham sân mờ dần nhạt như làn sương mỏng, những kiến giải siêu việt tràn đầy tâm hồn. Ngài chứng đắc Thánh quả Tư Đà Hàm.

Tôn giả Xá Lợi Phất tiếp tục cạo một đường tóc nữa, Ngài an trú sâu trong định. Tâm hồn phẳng lặng không mảy may xao động. Mọi ý niệm tham lam, sân hận hoàn toàn biến mất. Ngài chứng ngộ Thánh quả A Na Hàm.

Tôn giả Xá Lợi Phất đưa dao cạo đường tóc thứ tư. Khi những lớp tóc cuối cùng rơi xuống, bức màn vô minh tăm tối khổ đau cũng theo đó mà tan biến, trí tuệ thấu suốt mọi điều trong vũ trụ. Ngài Đà La Bà Ma La buông xuống mọi gánh nặng của sinh tử luân hồi, chứng ngộ Thánh quả A La Hán, viên mãn giải thoát giác ngộ.

III. ĐỆ NHẤT TỔ CHỨC CƯ TRÚ CHO TĂNG ĐOÀN

Sau thời gian cư ngụ tại xứ Mạt La, Đức Thế Tôn quyết định du hành đến thành Vương Xá (Rajagaha). Sa di Đà La Bà Ma La cũng theo bước chân Tăng đoàn đến ở tại tinh xá Trúc Lâm (Veluvana). Tinh xá thật yên bình. Hồ nước trong ánh nắng hiện lên màu ngọc bích, êm đềm uốn lượn quanh lối đi. Ngay hôm đó, dưới bóng mát của một khóm trúc xanh mướt vắng lặng, sa di Đà La Bà Ma La ngồi lắng tâm trong Thiền định. Ngài quán sát nhân duyên và thấy hạnh nguyện từ nhiều kiếp của mình. Vì thế, sau khi xả Thiền, Ngài liền đến hương thất của Đức Thế Tôn thưa hỏi:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, từ nhiều kiếp xưa, con đã phát nguyện được phục vụ chư Tăng trong việc sắp xếp liêu phòng và phân phát vật thực. Nay nhân duyên đã trọn đủ, con kính xin Thế Tôn cho phép con được tiếp tục thực hiện hạnh nguyện của mình.

Đức Thế Tôn từ ái nhìn vị sa di A La Hán đang quỳ gối chắp tay thành kính. Tuy nhỏ tuổi nhưng Ngài Đà La Bà Ma La thật xuất chúng. Ngài đã đạt đến mục đích cao thượng tột cùng của đời sống Tỳ Kheo. Vì vậy, Thế Tôn chấp nhận lời thỉnh cầu của Ngài. Hơn thế, Người còn cho phép Ngài Đà La Bà Ma La được thọ giới Tỳ kheo dù chưa đủ tuổi hạ.

Thấm thoát đã bốn năm trôi qua kể từ khi ĐứcThế Tôn đồng ý cho Ngài tổ chức an trú và phân phối vật thực. Lúc nào Ngài cũng trông coi cẩn thận, đảm bảo vật thực cho chư vị Tỳ Kheo trong suốt mười tám khu tinh xá. Tôn giả Đà La Bà Ma La luôn luôn khéo léo phân chia vật phẩm đồng đều cho Tăng đoàn. Ngài còn hoàn thiện lịch thọ thực cho mỗi ngày vô cùng chi tiết và cẩn thận. Mỗi vị Tỳ kheo thường sẽ được phân chia đi theo nhóm và thọ thực tại khu vực riêng. Có vị thọ trai tại tinh xá, có vị tới nhà gia chủ, có vị sẽ đi khất thực trong các con phố hay làng quê. Nhờ vậy, các vị Tỳ Kheo vừa đảm bảo thời gian tu tập, vừa có thể đi đến nhiều nơi để gieo duyên với chúng sinh. Đồng thời, dân chúng cũng có nhiều cơ hội để cúng dường lên tất cả các vị Tôn giả trong Tăng đoàn. Chính vì thế mà Tôn giả Đà La Bà Ma La nổi danh khắp vùng. Mọi người đều hết lời ngợi ca về sự chu toàn và trách nhiệm của Ngài.

Trúc Lâm khi ấy là một khu tinh xá rộng lớn gần thành Vương Xá. Chư Tăng cư ngụ tại nơi đây rất đông, có khi lên tới hàng ngàn vị. Mỗi ngày đều có khách đến và đi, các đoàn khách Tăng, khách Ni, khách cư sĩ, quan tướng, thương nhân... Tôn giả Đà La Bà Ma La luôn tinh tế nhận thấy những mong muốn của từng vị về nơi cư trú. Những lúc như thế, Ngài thường xuyên có những kế hoạch sắp xếp chu đáo, làm hài lòng tất cả mọi người.

Có lần, một đoàn tân Tỳ Kheo tới tinh xá để học hỏi và tu tập, họ đến từ nhiều vùng miền trên đất nước. Sau mỗi thời khóa chung cùng đại chúng, các vị mong muốn có không gian riêng để thúc liễm tu hành nhiều hơn. Khi ấy, Ngài Đà La Bà Ma La đã nhanh chóng bố trí từng khu vực phù hợp cho các vị, bởi cơ duyên của mỗi vị là khác nhau. Ví dụ, các vị chuyên tu Thiền định sẽ ở cùng Thiền phòng. Các vị Pháp sư sẽ ở chung với nhau để tiện trao đổi và thưa học giáo Pháp. Chư vị Tỳ Kheo yêu mến đời sống khổ hạnh sẽ muốn tĩnh tu trong rừng sâu hay dưới những cội cây...

Bên cạnh đó, Ngài còn tận tâm chuẩn bị những vật dụng cho từng khu vực. Ngài phân chia đầy đủ tất cả các đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt. Dù lớn dù nhỏ đều thật gọn gàng tươm tất. Từ lều bạt, mền, gối, củi lửa đến khu vệ sinh, phòng tắm, nước dùng... mọi thứ không bao giờ thiếu sót. Vị khách nào cũng cảm nhận được tấm lòng tận tụy của Tôn giả. Dù là công việc chuẩn bị hay dọn dẹp, Ngài đều thực hiện rất nhanh chóng và sạch sẽ bởi đoàn khách tiếp theo có thể viếng thăm bất cứ lúc nào. Nhiều khi, tinh xá Trúc Lâm không còn đủ chỗ, Ngài liền sắp đặt khu nghỉ ở những địa điểm bên ngoài. Có khi là tại sườn núi Thôn Tiên (Isigili), sườn núi Phú Trọng (Vebhara), hang Thất Diệp (Sattapanna), có lúc tại rừng Sita, vườn xoài Jivaka, vườn nai Maddakucchi... Nhờ vậy, thập phương Tăng chúng ai cũng hài lòng và dành thời gian chuyên tâm tu hành.

Nhiều đêm, có những vị Tỳ Kheo ghé qua tinh xá khi trời đã muộn, Tôn giả thường sẽ dẫn các vị đến nơi nghỉ ở xa. Đôi lúc Ngài sẽ sử dụng thần thông đặc biệt, đó là thắp sáng ngón tay để soi tỏ con đường cho đoàn khách. Thần thông kỳ lạ này khiến cho nhiều vị cảm thấy vui thích. Các vị hay truyền tai nhau về vị Tôn giả sắp xếp liêu phòng trong Tăng chúng, vị Thánh Tăng có ngón tay phát ra ánh sáng dìu dịu mỗi khi dẫn lối cho chư Tỳ Kheo đi trong đêm. Cũng vì lý do ấy mà rất nhiều vị tu sĩ tò mò về thần thông của Ngài.

Vào một ngày nọ, lựa khi trời đã về khuya, một nhóm chư Tỳ Kheo bộ hành tới cổng tinh xá. Khi đến đây, các vị đều mang trong mình niềm mong ước được một lần chiêm ngưỡng thần thông kỳ diệu nơi ngón tay của Tôn giả Đà La Bà Ma La. Một vị Tỳ kheo đi giữa thay mặt đoàn, chắp tay bạch rằng:

- Kính thưa Trưởng lão, xin Trưởng lão hãy cho chúng con một chỗ trú ngụ bên ngoài tinh xá ạ.

- Vậy các hiền giả mong muốn nghỉ ở đâu? Tôi sẽ sắp xếp nơi nghỉ ngơi theo ý của chư vị.

- Thưa Trưởng lão, chúng con ước mong được ở tại đỉnh núi Linh Thứu (Gijihakuta). Kính mong Trưởng lão sắp xếp cho chúng con.

- Vậy chư vị hãy bước theo tôi.

Đường dẫn lên núi Linh Thứu đầy trắc trở. Con đường dài khúc khuỷu và mấp mô toàn sỏi đá. Có những đoạn phải leo lên những nấc thang xoắn ốc cheo leo. Có khi băng qua những cung đường hẹp, cây cối um tùm hai bên, những cành cây sà xuống gần sát đất, muốn qua phải khom lưng mới đi được. Khi màn đêm buông xuống, cảnh vật chìm trong bóng tối. Hành trình lên tới đỉnh núi càng thêm hiểm nguy.

Thế rồi, Tôn giả đưa cao ngón tay. Bỗng nhiên, từ ngón tay Ngài tỏa ra một vầng sáng dịu dàng. Ngài dẫn các vị khách Tăng rẽ bóng tối bước đi. Lạ lùng làm sao, con đường gồ ghề trở nên êm đềm và rộng rãi. Chỉ trong vài chục bước chân, đỉnh Linh Thứu đã hiện ra trước mặt. Các vị bước vào một hang động rộng mênh mông, trong đó mọi thứ đều sáng tỏ như có ánh trăng tỏa xuống. Chư vị Tỳ kheo hết sức ngạc nhiên. Các vị càng bước vào sâu bên trong thì càng cảm nhận được sự ân cần chu đáo của Tôn giả Đà La Bà Ma La. Những giường gỗ, giường đá đã được kê thành từng hàng ngay ngắn, đồ dùng sinh hoạt của từng vị nằm ngăn nắp trên mặt bàn cạnh mỗi chiếc giường...

Trong một dịp hội họp Chư Tăng, Đức Thế Tôn đã cất lời tán thán: 

- Này hội chúng, trong các đệ tử Tỳ Kheo của Như Lai về hạnh sắp đặt trú xứ, đệ nhất là Đà La Bà Ma La.

IV. ÁNH LỬA GIẢI THOÁT

Một buổi chiều trong tinh xá Trúc Lâm, Tôn giả Đà La Bà Ma La trở về tinh thất sau khi đi khất thực. Ngài nhập định trên sàng tọa, quán xét thấy rằng thời khắc Ngài nhập Niết Bàn đã tới. Tôn giả trầm ngâm trong chốc lát rồi bước tới giảng đường đảnh lễ Đức Thế Tôn.

Khung cảnh tinh xá vẫn thanh bình như mọi khi. Nhưng hôm nay, cảnh vật chợt như trầm mặc chuẩn bị cho thời khắc thiêng liêng. Hàng trúc ven hồ lao xao trút lá, cơn gió mát thổi qua đem toàn bộ những chiếc lá vừa lìa cành cuốn lên cao, bay lơ lửng khắp không trung. Trong giảng đường, Đức Thế Tôn ngự trên pháp tòa, Tăng chúng ngồi thành từng hàng ngay ngắn đầy kín hai bên lối đi. Ai cũng tĩnh lặng hướng mắt về phía Tôn giả Đà La Bà Ma La, chờ đợi được lắng nghe những lời từ biệt của Ngài. Tôn giả quỳ xuống đảnh lễ dưới chân Đức Thế Tôn rồi bạch rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn. Con đã đi trong thế gian trong vô lượng kiếp. Con đã thực hành không ngừng nghỉ các thiện nghiệp hướng tới đạo quả A La Hán. Đến giờ phút này, các hạnh nghiệp đều đã được viên mãn. Đây là lần cuối mà con được trông thấy Đức Thế Tôn. Thời khắc của con đã đến, xin Thế Tôn cho con được nhập Niết Bàn tịch diệt.

Đức Thế Tôn trìu mến nhìn Tôn giả. Người cất giọng trầm ấm:

- Này Đà La Bà Ma La, Như Lai làm chứng cho những lời mà con nói. Nhưng trước khi từ biệt, hãy để Như Lai và Tăng chúng được chứng kiến con thị hiện thần thông rồi hãy nhập Niết Bàn.

Đức Thế Tôn vừa dứt lời, Tôn giả Đà La Bà Ma La thành kính cúi lạy Người lần cuối cùng với lòng kính tin vô ngần. Sau đó Ngài đi quanh Đấng Từ Phụ ba vòng rồi bay lên giữa không trung trong tư thế ngồi kiết già. Tôn giả nhập định đề mục lửa, ngọn lửa bùng lên vây lấy thân thể Ngài. Trước ánh lửa đang bừng cháy giảng đường, mái vòm, tường đá, các trụ cột sáng lấp lánh như vừa được dát vàng. Ngọn lửa chói ngời lóe lên rồi hoàn toàn tắt hẳn, cuốn sạch mọi tro tàn của sắc thân.

Không khí trong giảng đường chìm trong bi tráng. Chư vị Tỳ Kheo ai cũng nghẹn ngào, các vị không ngăn được dòng lệ đang trào dâng. Mọi âm thanh trong tinh xá bỗng ngưng đọng. Vệt nắng chiều hắt xuống từng lát đá ven hồ, toàn bộ cảnh vật nhuốm một màu vàng trong nắng nhạt. Những đóa sen đều cong thân mình trĩu xuống trước cơn gió lạnh, như gửi tới vị Thánh Tăng cao quý của Tăng đoàn một lời từ biệt cuối cùng...

V. KẾT LUẬN

Trên con đường hoằng dương Chánh Pháp, nếu như các vị Tôn giả khác thường vân du mọi nơi để thuyết Pháp cho chúng sinh, thì Tôn giả Đà La Bà Ma La lại chọn cho mình cách phụng sự thầm lặng. Ngài đã dành trọn kiếp sống cuối cùng này để ân cần phục vụ cho Chư Tăng, chăm sóc chu đáo cho đời sống của từng vị Tỳ kheo. Tôn giả là điểm tựa vững chắc cho cả Tăng đoàn.

Ngày hôm nay, các câu chuyện về tấm lòng chu đáo, ân cần đối với mọi người của Ngài vẫn luôn là bài học sâu sắc cho người con Phật và cho cả nhân loại đến muôn nghìn sau.

VI. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH

Tôn giả Đà La Bà Ma La (Dabba Mallaputta) là vị A La Hán phi thường với hạnh nguyện Đệ Nhất Tổ Chức Cư Trú Cho Tăng Đoàn. Ngài chứng đắc quả vị A La Hán khi còn nhỏ tuổi bởi công đức sâu dày đã gieo trồng từ vô lượng kiếp. Từ đó, Tôn giả thực hiện hạnh nguyện xưa, dành trọn cả cuộc đời mình để chăm lo đời sống cho Chư Tăng. Việc tổ chức, sắp xếp nơi sinh hoạt, tu học cho Tăng chúng trở nên quan trọng hơn khi Chánh Pháp ngày càng được lan rộng và ngày càng có nhiều thiện tín phát tâm xuất gia. Thế nhưng, bằng trí tuệ tuyệt đối của một vị A La Hán, Tôn giả đã khéo léo sắp xếp chỗ ăn, chỗ nghỉ, chỗ tu tập cho tất cả chư Tỳ Kheo. Mọi người ai cũng hài lòng, an tâm dành thời gian tu tập và giáo hóa. Công lao của Ngài góp phần làm cho Tăng đoàn sống hòa hợp và phát triển vững mạnh hơn. Quý Phật tử thành tâm thờ kính Ngài sẽ thành tựu:

- Sự thông minh, linh hoạt trong việc tính toán tổ chức, gặt hái thành công trong công việc.

- Có nhiều cơ hội được phụng sự mọi người, đặc biệt là những người tu hành chân chính, từ đó có được rất nhiều phước báo lành và gieo nhân lành trên con đường tu tập tâm linh.

- Được nhiều người yêu mến, ngưỡng mộ, có được nhiều may mắn trong cuộc sống.

VII. THƠ TỤNG

Con xin thành kính lạy Ngài
Đệ Nhất Tổ Chức Tăng Đoàn Ngụ Cư
Trong hàng Thánh chúng đại từ
Ngài mang hạnh nguyện nghìn xưa âm thầm

Chăm nom kỹ lưỡng ân cần
Khéo lo sắp đặt vẹn tròn trước sau
Gốc cây phiến đá rừng sâu
Dành nơi yên tĩnh đêm thâu tọa Thiền

Hay nơi đàm đạo Pháp thiêng
Ngài đều cẩn thận không phiền lòng ai
Hộ trì Chánh Pháp Như Lai
Hết lòng phụng sự đêm ngày hy sinh

Vị tha chẳng sống riêng mình
Tấm gương soi sáng muôn nghìn đời sau
Nguyện xin muôn kiếp theo nhau
Duyên lành xây đắp Đạo màu thiêng liêng

Bước qua bao nỗi ưu phiền
Mặt trời chân lý diệu huyền mênh mông
Giữ cho tâm ý sạch trong
Nghĩ từng điều thiện nói từng lời hay

Làm từng công đức mỗi ngày
Đôi tay bé nhỏ hăng say giúp đời
Tình thương trải khắp muôn nơi
Tâm hồn tựa nắng tinh khôi đẹp ngời

Hạnh phúc đem tặng cho người
Trái tim hiền thiện đất trời chở che
Hương thiền nâng bước quay về
Bình an thanh tịnh lầm mê chẳng còn

Niết Bàn tịch lặng hư không
Đưa người qua khỏi đầy vơi vui buồn
Chuông chùa khuya sớm nhẹ buông
Nhắc lòng luôn nhớ vô thường xác thân

Một mai rời chốn hồng trần
Bụi bay trong gió biến tan chẳng còn
Xin Phật gia hộ cho con
Giữ lòng tôn kính sắt son muôn đời
Khiêm cung kín đáo mà thôi
Con đường giải thoát mênh mông đón chờ

NAM MÔ ĐÀ LA BÀ MA LA TÔN GIẢ (3 lần)

THEO THÁNH ĐỘ MỆNH- TS. TT. THÍCH CHÂN QUANG

Tags: THÁNH ĐỘ MỆNH
popup

Số lượng:

Tổng tiền: