Chánh Kiến An Vui

MỘT CÁCH ĐO THIỆN TÂM- TS. TT. Thích Chân Quang (Chùa Hải Lâm- Lý Sơn, Quảng Ngãi, 22/03/2019)

22/03/2022 Phúc Khiết Giác 0 Nhận xét
MỘT CÁCH ĐO THIỆN TÂM- TS. TT. Thích Chân Quang (Chùa Hải Lâm- Lý Sơn, Quảng Ngãi, 22/03/2019)

Vào sáng ngày 22/3/2019 (nhằm ngày 17 tháng 02 năm Kỷ Hợi), nhận lời mời của ĐĐ. Thích Tâm Phát – Trụ trì chùa Hải Lâm (thôn Đông, xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), hiện cũng đang giữ chức vụ Phó Trưởng BTS PG thị xã Phú Mỹ, tỉnh BR-VT, và nhân Lễ động thổ xây dựng Tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, TT. Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã quang lâm chứng minh buổi Lễ và thuyết giảng đề tài “MỘT CÁCH ĐO THIỆN TÂM”, với sự tham dự chứng minh của Chư tôn đức Tăng Ni BTS PG huyện Lý Sơn, Chư tôn đức Tăng Ni các Tự viện trong và ngoài tỉnh, Chư tôn đức Tăng Ni Thiền Tôn Phật Quang, và gần 3.000 Phật tử khắp nơi, cùng nhân dân địa phương đồng quy tựu về. Đặc biệt có sự hiện diện của hơn 500 thanh niên đến từ Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang 3 miền tham gia công quả phục vụ cho chương trình lễ.

Bài Pháp thoại đã phân tích một phương pháp để đo lường mức độ thiện tâm của con người, cũng như gợi ý cách sống tích cực nhằm tích lũy vô số thiện nghiệp cho cuộc đời mỗi người. Nhờ đó, các Phật tử biết siêng năng huân tập, nuôi dưỡng nội tâm, cẩn trọng, tử tế, yêu thương trong từng hành động nhỏ…

Được biết, đảo Lý Sơn là hòn đảo có bề dày lịch sử, là nơi đóng quân của đội hùng binh Hoàng Sa từ thời Vua Minh Mạng. Tại nơi đây, các vị đã để lại dấu mốc xác định chủ quuyền của nước ta đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Để rồi từ đó, mỗi khi dõi trông ra đảo, chúng ta biết rằng quê hương mình cũng nằm ở đó.

Nơi hòn đảo này đã có 5 ngôi chùa được xây dựng, trong đó, chùa Hải Lâm là ngôi chùa mới được trùng tu, tuy còn thiếu thốn nhiều công trình mở như: chánh điện, nhà tăng, nhà bếp, nhà khách v.v… nhưng với tấm lòng của Đại đức Trụ trì, hi vọng mai đây chùa Hải Lâm sẽ dần hoàn thiện và trở thành nơi tỏa rạng ánh sáng Phật pháp giữa biển Đông.

Theo TT. Thích Chân Quang, tương lai sẽ có rất nhiều du khách nước ngoài tìm đến đảo Lý Sơn, cho nên mỗi ngôi chùa ở đây nên có những hướng đi theo kịp thời đại, để những bạn bè thế giới đến đây cũng được tìm hiểu về Phật pháp.

Mở đầu cho bài Pháp thoại “MỘT CÁCH ĐO THIỆN TÂM”, Thượng tọa chia sẻ: cuộc đời có thể có những biến động, người tốt kẻ xấu chen lẫn nhau, nhưng trái tim chúng ta luôn buộc phải hướng thiện. Nếu không hướng thiện, chắc chắn quả báo ta phải chịu đựng là đau khổ trong đời này và những đời sau. Tùy theo cái ác nhân ta đã gieo mà sẽ có quả báo xứng đáng. Thê thảm nhất là người đọa địa ngục chịu nhiều hình phạt đau đớn. Đó là những người mà không ai có thể dùng lời lẽ để phân tích, giải thích cho họ thấy lỗi của họ được, thì roi vọt đau đớn nơi địa ngục chính là biện pháp cuối cùng của trời đất. Đến khi nào họ chịu nhận lỗi, roi vọt mới ngừng lại.

Cho nên ai nhanh chóng nhận lỗi, biết hối lỗi, người ấy đã chặn con đường xuống địa ngục. Nhất là những người sám hối cả những lỗi mà mình chưa kịp thấy ra, người ấy chắc chắn đóng lại con đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Còn những vị xuất gia thì phải đạt trình độ biết lỗi thâm sâu tinh tế hơn, tức là chưa phạm lỗi mà vẫn biết có thể xảy ra lỗi. Vì vậy cẩn thận không để phạm lỗi. Có thể nói, khả năng thấy được lỗi của mình chính là chìa khóa của sự tu tập, là thước đo đánh giá mức tu, trí tuệ và thiện tâm của con người.

Kế tiếp, Thượng tọa phân tích về lợi ích vô lượng của việc sống thiện đối với cuộc đời này. Như một người bước trên cát rồi để lại những dấu chân, chứ không để lại mảnh rác nào. Cũng vậy, đi qua cuộc đời này chúng ta hãy để lại dấu ấn về điều thiện, để lại yêu thương, giúp đỡ, tha thứ, dựng xây mà thôi, đừng để lại những điều khổ đau, những lời nói hơn thua, những điều gây tổn thương, đổ vỡ.

Đồng thời, qua một vài ví dụ, Thượng tọa cũng lý giải tại sao một ngày chưa biết tu thiện là một ngày nguy hiểm trong cuộc đời mỗi người. Và Phật pháp chính là đỉnh cao của điều thiện. Vì sao vậy?

Vì thứ nhất, Phật dạy ta làm vô số điều thiện mà không hề chấp công, lòng thanh thản mây bay. Thứ hai, Phật dạy ta mang tất cả phước lành hướng về giải thoát vô ngã, chứ không hướng về quả báo sung sướng nơi cõi trời, cõi người, để rồi dính mắc trong luân hồi mãi mãi. Hiểu như vậy, chúng ta mới thấy mình may mắn thế nào khi được là con của Phật.

Nhưng làm thế nào để đo thiện tâm của con người? Có nhiều cách, tuy nhiên trong bài giảng này, Thượng tọa chỉ nêu ra một thước đo, đó là thái độ của ta trước những cơ hội làm thiện hay tạo ác.

- Khi có cơ hội làm điều thiện thì xuất hiện hai hạng người. Một hạng người chịu làm và một hạng người thờ ơ không làm. Ví dụ thấy ai đang trong hoàn cảnh nguy khốn cần cứu giúp (đây là cơ hội làm điều thiện) thì một người vì sợ liên lụy nên quay lưng bỏ đi, còn một người quyết giúp đỡ cho bằng được. Đương nhiên hai người sẽ thọ nhận hai quả báo khác nhau.

- Khi không có cơ hội làm điều thiện, cũng xuất hiện hai hạng người. Một hạng ngồi yên chờ đợi, và một hạng người chủ động tạo ra cơ hội. Và người chủ động tìm cơ hội để làm điều thiện, đó chính là người đại thiện. Ví dụ, có những người tự nguyện cần mẫn dọn rác ở nơi công cộng để mang đến cái sạch đẹp cho cuộc đời. Đó cũng là người chủ động tìm cơ hội làm việc thiện, sẽ có phúc báo tương xứng.

Thượng tọa nhấn mạnh, chúng ta phải cố gắng đạt đến hạng người này, tức là dù khi không có cơ hội ta vẫn cố gắng tìm ra cơ hội mà giúp người, giúp đời.

Trước cơ hội làm điều ác, cũng có các hạng người sau:

- Hễ có cơ hội thì làm, không có cơ hội không làm. Tức là một người lúc bình thường ta thấy họ giản dị hiền lành, nhưng hễ có cơ hội tạo ác là họ làm ngay. Ví dụ, thấy tài sản của ai để hớ hênh là họ tìm cách trộm cắp, hoặc thấy lỗi của ai là họ lập tức bêu riếu. Đó là người có cái ác chìm sâu trong tâm, có cơ hội lập tức biến thành hành vi tạo tội.

- Còn hạng người cực ác là dù không có cơ hội vẫn đi tìm cơ hội để làm ác. Đây là hạng người chuyên cướp, trộm, giết, hãm hại, không từ điều ác nào trên đời cả.

Kế tiếp, Thượng tọa nhắc nhở thính chúng hãy cảnh giác với cái ác ngủ ngầm trong tâm mình. Vì khi chưa chứng Thánh thì ai cũng còn ác tâm cả. Hễ có cơ hội, ác tâm bộc lộ ra ngay, thúc đẩy ta tạo bao nhiêu lầm lỗi để rồi thọ quả báo đắng cay.

Chúng ta thấy, quả thực không dễ để đo lường thiện tâm của một người, nhưng có một thước đo thật đặc biệt, đó chính là thái độ của ta trước những cơ hội làm thiện hay cơ hội tạo ác trên đời. Vì thế, để tâm mình đạt được sự thuần thiện, người đệ tử Phật đừng bỏ qua bất cứ cơ hội được cống hiến nào dù là nhỏ bé, hơn nữa, ta còn chủ động tìm kiếm, chủ động tạo cơ hội làm điều thiện trên đời. Đó là thái độ sống tích cực mà Thượng tọa muốn chuyển tải qua bài giảng này.

“Thiện tâm” là khái niệm mà Thượng tọa đã đề cập đến trong rất nhiều bài Pháp trước đó nhưng đây là lần đầu tiên Người đi sâu, chỉ ra khái niệm, đặc điểm và cách tu tập, xây dựng nó. Nhờ vậy, các Phật tử có một cái nhìn hoàn thiện, sâu sắc hơn về vấn đề này. Từ đây, ai ai cũng đều dốc lòng tu tập, vừa sửa lỗi của bản thân trong quá khứ, vừa tránh những lỗi ở hiện tại, dần dần từng bước hoàn thiện về nhân cách đạo đức, góp phần xây dựng xã hội an lành, hạnh phúc để mọi người cùng được lợi ích.

Đặc biệt, bài Pháp còn nhấn mạnh vai trò địa lí của đảo Lý Sơn trong việc bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển đảo của dân tộc. Để phát huy tốt vai trò này thì mỗi người dân trên đảo cần trang bị cho mình đủ sức lực, trí tuệ, đặc biệt là phước báu để cùng nhau xây dựng vùng biển này thành một cường đảo, mạnh về kinh tế, vững về chính trị, giàu về văn hóa, tâm linh.

Và như thế nơi hòn đảo Lý Sơn, những ngôi chùa vươn lên giữa đất trời quê hương mang lại cho chúng ta bao niềm hy vọng. Mong rằng dưới ánh sáng Phật pháp, tất cả chúng sinh sẽ được sống yên lành, hạnh phúc, may mắn, biết tu hành và xây dựng tâm thiện cho cuộc đời mình thật hoàn hảo không tỳ vết./.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: