Thánh Độ Mệnh

21. TÔN GIẢ ƯU LÂU TẦN LOA CA DIẾP (URUVELA KASSAPA)- Đệ Nhất Hội Chúng

02/01/2022 Phúc Khiết Giác 0 Nhận xét
21. TÔN GIẢ ƯU LÂU TẦN LOA CA DIẾP (URUVELA KASSAPA)- Đệ Nhất Hội Chúng

I. XUẤT THÂN

Tôn giả ƯU LÂU TẦN LOA CA DIẾP (Uruvela Kassapa) sinh ra trong một gia đình dòng dõi Bà La Môn giàu có tại kinh thành Xá Vệ (Savatthi). Ngài có hai người em trai là Nadi Kassapa và Gaya Kassapa. Ngài lớn hơn các em nhiều tuổi, luôn là người chăm lo bảo bọc, hướng dẫn từ những điều nhỏ nhặt, còn các em thì cũng dành sự thương yêu và vâng lời hết mực lên người anh khả kính. Lớn lên, Ngài khao khát đi tìm lý tưởng của cuộc đời. Các em cũng không rời anh cả nửa bước, cả ba vị luôn ở bên nhau. Ngài như một người đưa đường chỉ lối, một người cha giản dị chở che, một người thầy đầy trí tuệ của các em.

Trước kia, cả ba vị là đệ tử của đạo sư Alara Kalama và Uddaka Ramaputta. Sau khi hai vị đạo sư viên tịch, ba anh em tự lập ra hội chúng của riêng mình và thu nhận được rất nhiều đệ tử. Tu viện của người anh cả lập bên cạnh thôn trang Uruvela, hai người em lần lượt cư trú tại gần khúc sông Nadi và trên sườn của dãy núi Gaya. Ba nơi cách nhau không quá xa, cùng chung nhau dòng chảy của con sông Ni Liên Thiền (Neranjana).

Sau khi nghiên cứu thông thạo giáo lý kinh điển Vệ Đà truyền thống, ba vị chuyển sang tín ngưỡng thờ Lửa. Ba vị tin rằng, Lửa chính là hiện thân của những vị thần, là điều thiêng liêng nhất trên thế gian. Lửa khởi nguồn cho sự sống, ban cho con người ánh sáng xua tan màn đêm tối tăm, lửa bên bếp lò nấu chín thức ăn, ngọn lửa than hồng sưởi ấm mùa đông tuyết trắng, lửa chứa đựng sức mạnh nung chảy cả sắt thép, nơi nào không có lửa nơi đó sự sống cũng không tồn tại.

Ngọn lửa sáng chói chính là cánh cửa mở ra thế giới tâm linh. Dưới ngọn lửa thiêng đỏ rực đang bập bùng cháy, con người hãy đặt vào đó hương thơm và vòng hoa, hãy gửi gắm vào những lời cầu nguyện chân thành rồi tất cả sẽ được chuyển tới các vị thần đầy quyền năng. Lúc chết đi, chỉ có ngọn lửa sẽ dùng sức nóng của mình thiêu rụi xác thân trần tục này rồi đưa linh hồn con người bay lên không trung, tới tận cánh cổng của thiên giới hay hòa nhập với đấng Phạm Thiên.

Niềm tin ấy được vun bồi vững chắc, rất nhiều những thánh kinh, những bài tế lễ trong kinh điển Bà La Môn cổ xưa nhất cũng đã lưu truyền như thế. Hàng ngàn đạo sĩ nhiều thế hệ cũng đã thực hành theo và có lẽ giờ này họ đang được hưởng hạnh phúc vĩnh hằng trên thiên giới, vậy thì nó chính là chân lý.

Theo tín ngưỡng thờ Lửa, Ngài Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp cũng luôn sống hiền hòa và tràn ngập tình thương. Ngài giữ gìn nghiêm giới hạnh của một vị tu hành, khiêm tốn thọ nhận sự cúng dường, kiềm chế dục vọng và không làm hại bất kỳ chúng sinh nào đến cả cỏ cây. Ngài có thể ngồi nhập định rất lâu, đôi khi xuất hiện những trực giác phi thường, có thể đoán biết được nhiều chuyện lạ lùng, có thể nhìn thấu tâm can con người dù chỉ là thoáng qua. Trong tấm y được quấn giản dị, Ngài trở thành một vị đạo sư lỗi lạc mà đông đảo quần chúng sùng bái. Và bởi vậy, Ngài có suy nghĩ rằng, mình đã là một vị A La Hán...

II. XUẤT GIA - NHÂN DUYÊN CHỨNG ĐẠO

Một ngày tại tu viện gần thôn trang Uruvela, các đệ tử hối hả phát quang bụi rậm, chuẩn bị chăn màn, làm thêm nhiều chòi lá để chuẩn bị cho buổi tế lễ sắp tới. Dân chúng kéo tới ngày càng đông, mang nhiều vật phẩm đến cúng dường. Các chú dê to khỏe nhất, các thùng thóc lớn xếp thành hai hàng, hoa quả, đường muối xếp chồng lên nhau kín cả một vùng đất rộng. Những phẩm vật đó sẽ mang theo lời cầu nguyện của dân chúng về một vụ mùa màng bội thu và đời sống no đủ. Không khí chuẩn bị thật rộn rã, nhộn nhịp và khẩn trương. Trong tịnh cốc, đạo sư Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp đang ngồi Thiền nhập định, bảy ngày sau Ngài sẽ chủ trì buổi lễ thờ Lửa trang trọng nhất trong năm.

Chiều xuống, chợt có một vị Sa môn cao lớn uy nghi, đắp tấm y màu vàng nâu, tay ôm bình bát tiến vào hội trường đang tấp nập người ấy. Dung nghi của Người hiền hậu, hào quang từ nơi thân tỏa ra nhè nhẹ nhưng rạng ngời hơn cả những ngọn lửa đang được thắp sáng khắp nơi, bóng Người bước đi trầm hùng giữa những đền đài khiến ai cũng phải ngỡ ngàng đứng lại ngắm nhìn. Đó là Đức Thế Tôn, Người đi thẳng vào căn tịnh cốc của vị đạo sư Ưu Lâu Tần Loa.

- Này Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, ta xin nhờ một chỗ qua đêm nay, ông hãy cho ta một chỗ ở.

Vị đạo sư hơi sững người, bối rối trước uy đức của bậc Sa môn đang xuất hiện trước mặt. Dù vậy, Ngài đáp lời với cung cách của một vị đạo sư đầy trọng vọng:

- Này hiền giả Sa môn, tu viện của ta đã kín chỗ, duy chỉ có một căn nhà đất bên đồi kia. Tuy nhiên, trong đó có một con rắn hổ mang chúa cực độc. Ngoài ta ra, không ai có thể điều phục được nó.

- Lành thay, ta sẽ ở căn nhà đất đó – Đức Thế Tôn nhìn Ngài với ánh mắt an tĩnh rồi nhẹ nhàng ôm bình bát đi vào căn nhà đất trong sự ngạc nhiên của tất cả mọi người.

Chiều tà buông xuống, xung quanh căn nhà đất tự nhiên tỏa ra làn ánh sáng dìu dịu mát mẻ, mọi người cứ đi qua đi lại chiêm ngưỡng. Ngài Ưu Lâu Tần Loa từ trong tịnh cốc cũng cứ thi thoảng lại bước ra ngắm nhìn với lòng suy tư. Hôm sau, trời vừa sáng thì nhóm đạo sĩ đã tập trung phía trước căn nhà ngóng đợi. Vị Sa môn bước ra, gương mặt của Người vẫn toát lên vẻ bình yên không vẩn gợn, Người được mời thọ thực cùng với vị đạo sư của họ. Sau khi hỏi thăm, Ngài Ưu Lâu Tần Loa thán phục thốt lên rằng:

- Tôn giả rất đặc biệt. Con rắn thần chịu quy phục với Tôn giả thật là hy hữu.

Tuy nhiên, Ngài vẫn nghĩ rằng vị Sa môn Gotama kia còn quá trẻ, so với bản thân mình đã kinh qua cả cuộc đời dày dặn tu hành, hơn thế nữa Ngài còn là một bậc A La Hán giải thoát tôn quý trên thế gian. Tối hôm đó, căn nhà đất lại rực sáng, những vầng hào quang từ trên trời cứ lần lượt bay xuống như những cánh sao. Đầu tiên là một vầng sáng ngũ sắc làm chói ngời cả tu viện, sau đó những làn ánh sáng dần trở nên trong suốt rồi từ từ lan tỏa khắp khu rừng. Cuối cùng, những vầng hào quang dịu nhẹ nhưng thắp sáng vùng trời phương ấy, làm tất cả người chứng kiến đều tự nhiên cảm thấy vô cùng thanh tịnh và hân hoan trong lòng.

Sáng hôm sau, Ngài Ưu Lâu Tần Loa lại mời Sa môn Gotama đến thọ thực. Lần này, Ngài khiêm tốn hơn và sắp vị Sa môn ngồi đối diện với mình. Ngài không giấu nổi nỗi niềm hiếu kỳ muốn được nghe Người kể về câu chuyện tối qua.

- Này đạo sĩ Ưu Lâu Tần Loa, những vầng sáng đó là chư Thiên cõi trời đến thăm hỏi và tham vấn Như Lai. Ban đầu là cõi trời Tứ Thiên Vương, sau đó là Thiên chủ Đế Thích, và cuối cùng là các tầng trời Phạm Thiên.

- Dạ, thưa Tôn giả Gotama! Chư Thiên đã hỏi gì và Người đã đáp gì ạ? – Ngài Ưu Lâu Tần Loa đặt câu hỏi trong sự lễ độ và có phần hơi rụt rè.

- Này Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, vua trời Đế Thích đã suy giảm phước làm Thiên Chủ, nên về hỏi Như Lai đạo lý của sự giác ngộ. Như Lai đã giải thích về sự vô thường, vô ngã, khiến Đế Thích chứng được Thánh quả và phục hồi phước báu.

Sau khi thọ thực xong, Thế Tôn về lại căn nhà đất. Ngài Ưu Lâu Tần Loa vẫn ngồi thừ người, chiếc cốc trên tay đã bị rơi xuống lúc nào mà không biết. Cả ngày hôm đó Ngài cứ quanh quẩn với những suy nghĩ đang đấu tranh như sóng trào trong nội tâm: "Sa môn Gotama vĩ đại quá, sự cao quý của Người khiến chư Thiên cũng phải kính ngưỡng. Mặc dù ta là A La Hán mà cũng chưa bao giờ được thấy các chư Thiên oai lực như thế, đến cả Phạm Thiên mà ta thờ phụng bấy lâu cũng phải đánh lễ Người. Hay ta chưa phải là A La Hán? Không đúng, các kinh điển Vệ Đà đã ghi rõ ràng..."

Đang đắm chìm trong suy tưởng thì bỗng người đệ tử vào báo với Ngài về thân thế của Sa môn Gotama, về sự chứng đắc phi thường chỉ trong vài ngày khi Người ở tu viện của hai vị đạo sư Alara Kalama và Uddaka Ramaputta. Càng nghe, lòng tự hào về sự chứng ngộ của bản thân càng lung lay dữ dội, Ngài đâm ra hoang mang. Rồi bỗng nhớ đến buổi tế lễ ngày mai, Ngài lại sợ rằng sự hiện diện của Sa môn Gotama sẽ khiến quần chúng bị xao lãng, tức thì Ngài lại trở lên lo lắng.

Có quá nhiều ý nghĩ hỗn độn đang diễn ra. Một người đệ tử khác lại chạy vào báo: "Thưa Tôn Sư, Sa môn Gotama đã rời khỏi tu viện và nhắn lại rằng Người sẽ vắng mặt trong những ngày tế lễ. Người dặn dò Tôn Sư nên chuẩn bị thêm các chỗ sinh hoạt, lễ này sẽ có 3207 người về dự". Ngài Ưu Lâu Tần Loa thốt lên: "Không lẽ...", nhưng chỉ ấp úng được nửa câu thì Ngài lại im lặng, trầm ngâm cúi xuống.

Lễ hội cúng tế lửa thiêng đã sẵn sàng. Giữa khoảng sân rộng nhất của tu viện, một đài cao ba tầng được xây cao lớn, ở bốn góc là những tháp đèn nến bằng vàng, xung quanh được trang trí với những tràng hoa tươi rực rỡ, trên cùng là đài lửa cao hình tháp kết bằng gỗ, tẩm sẵn dầu đốt và nước thơm. Hội chúng đứng ngay ngắn thành các dãy lớn, kín hết cả khu vực, họ chắp tay thành kính hướng về thời khắc vị đạo sư hành lễ.

Ngài Ưu Lâu Tần Loa bước lên, mặc bộ lễ phục dành riêng cho những nghi thức quan trọng và đeo một tràng hoa lớn trước ngực, giây phút này Ngài cảm thấy như được trở lại chính mình. Đứng trên tế đài, Ngài hô lên những bài thần chú huyền bí, đại chúng cũng ngân nga đọc tụng theo, gương mặt ai cũng đầy tín tâm, giọng tụng rền vang khắp cả cánh rừng. Một lúc sau, Ngài trang nghiêm cầm cây đuốc, từ từ hạ xuống đài lửa, tất cả mọi người nín lặng chiêm ngưỡng, đó sẽ là giờ phút huy hoàng thiêng liêng nhất.

Thế nhưng, lửa không cháy. Ngài làm đi làm lại mà đài gỗ vẫn trơ trơ. Ngọn đuốc đã tắt ngúm, Ngài càng trở nên lúng túng. Mọi người xôn xao lo lắng, nó báo hiệu một điềm gì chăng? Đạo sư Ưu Lâu Tần Loa vẫn đứng trân trân, mồ hôi vã ra lấm tấm trên trán không hiểu chuyện gì đang xảy ra, hơn ba nghìn con người đều đang hướng về Ngài. Bất giác, Ngài chợt nghĩ: "Chẳng biết Sa môn Gotama đang ở đâu, Người có giúp được gì cho ta không?". Suy nghĩ vừa thoáng hiện thì lập tức đống lửa bùng lên rực rỡ. Trong ánh sáng chói ngời, ngọn lửa như đang reo vui, tất cả mọi người cùng nhảy múa rồi xếp hàng nối nhau tưới nước thơm, rải hoa vào đống lửa. Riêng vị đạo sư thì đứng sững sờ trước những gì vừa diễn ra.

Hôm sau, vị đạo sư Ưu Lâu Tần Loa đã cùng các đồ chúng của mình đứng xếp hàng chắp tay chờ sẵn Đức Thế Tôn, rồi cúi xuống tác bạch nhỏ nhẹ như ngỏ ý được lắng nghe lời chỉ bảo từ Người:

- Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi tin rằng Ngài đã hỗ trợ buổi tế lễ ngày hôm qua, chúng tôi xin cảm niệm ân đức của Tôn giả. Kính mong Ngài sẽ rộng lòng giúp đỡ chúng tôi nhiều hơn nữa.

Đức Thế Tôn nhìn vị đạo sư cao niên đang cúi đầu trước mặt, sự khiêm cung đang hiện diện trên những búi tóc đã bạc màu thời gian, gương mặt vị ấy đã hiền hòa trở lại sau cuộc tranh đấu quyết liệt trong nội tâm, vị ấy đã chiến thắng niềm tự hào ngấm ngầm trong lòng mình, giờ đây đôi mắt vị ấy đang đầy nhu thuận và sẵn sàng đón nhận những nguồn đạo lý cao cả nhất. Thế Tôn khẽ mỉm cười, rồi Người cất giọng pháp âm đầy hùng lực:

- Này Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, ông chưa phải là A La Hán, và cũng chưa biết con đường đến với quả vị A La Hán. Khi ông lạm nhận mình đã chứng đắc, ông đã bị tổn hại công đức nặng nề. Hãy lắng lòng, Như Lai sẽ nói cho ông nghe...

Ngay lập tức, một tòa ngồi được dựng lên giữa giảng đường. Ngài Ưu Lâu Tần Loa cho gọi tất cả năm trăm đồ chúng đến nghe. Đức Phật ngự trên tòa rực rỡ và vững vàng như một ngọn núi châu báu:

- Này các đạo sĩ, hạnh phúc hay an vui của chúng sinh đều do nghiệp quá khứ... Rồi Thế Tôn giảng về luật Nhân Quả, chân lý Tứ Diệu Đế, con đường Bát Chánh Đạo. Đại chúng lắng nghe trong sự xúc động khôn tả. Thế Tôn vừa dừng lời thì Ngài Ưu Lâu Tần Loa bật khóc, nước mắt trào lăn đầm đìa trên gò má cao và ướt đẫm chòm râu bạc. Ngài quỳ xuống nghẹn ngào:

- Bạch Thế Tôn, Người đã mở mắt cho con. Con đã si mê lầm tưởng mình là A La Hán. Nay con đã ngộ Pháp...

Rồi tất cả đại chúng năm trăm vị cùng quỳ xuống hô vang:

- Chúng con xin được xuất gia theo Thế Tôn!

Thế Tôn im lặng nhận lời. Chiều đã ngả, mọi người cạo râu tóc cho nhau rồi ném bỏ hết các vật dụng tế lễ xuống dòng sông Ni Liên Thiền, dòng sông cuốn trôi về xa như xóa sạch hết một quá khứ với niềm tin sai lầm. Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất gia, Tôn giả Ưu Lâu Tần Loa chứng đắc quả vị giác ngộ tột cùng, giờ đây Ngài đã thực sự là một bậc A La Hán, là vị Thánh Tăng giải thoát cao quý giữa nhân thiên.

Mấy ngày sau, hai người em của Ngài thấy những vật dụng tế lễ trôi nổi trên sông, sợ người anh mình gặp chuyện nên cả hai vội vàng tìm đến và ngỡ ngàng khi bắt gặp người huynh trưởng đạo mạo trước đây lại trong dáng hình của một vị Tôn giả từ tốn với râu tóc đã cạo sạch. Thấy hai em hoang mang, Ngài chỉ cười hiền hòa, rồi nhân lúc đó Ngài xin phép để Thế Tôn tuyên giảng cho tất cả hội chúng hơn một nghìn người. Nơi đỉnh đồi có tên là Sira, Thế Tôn đã thuyết lên bài Pháp vĩ đại về ngọn lửa:

- Này các Tỳ Kheo, tất cả đều đang bốc cháy. Tất cả thế gian đều đang bị thiêu đốt bởi ngọn lửa vô thường. Từng thân người rồi sẽ già nua và bệnh hoạn, cái chết sẽ tìm đến không thương tiếc. Những ngôi nhà đẹp sẽ lụi tàn, những vương quốc hùng vĩ cũng suy vong. Tất cả những gì chúng sinh luyến tiếc đều tan hoại. Này các Tỳ kheo, khi nhìn một ngọn lửa, hãy thấy cả thế gian này đang rực cháy.

- Này các Tỳ Kheo, tham sân si là ngọn lửa thiêu rụi tâm hồn chúng sinh, ai có thể dập tắt ngọn lửa đó mới xứng đáng là người chiến thắng đích thực. Vì vậy, khi nhìn thấy một ngọn lửa, hãy nhớ đến nội tâm ta đang bị thiêu đốt.

Này các Tỳ Kheo, sắc thân là vô thường tan hoại nhưng chúng sinh lại luôn nghĩ rằng ngũ uẩn là ta, luôn ảo tưởng rằng: sắc, thọ, tưởng, hành, thức là ta, là của ta, thuộc về ta. Vì vậy, khi nhìn một ngọn lửa, hãy hiểu rằng ngọn lửa chấp ngã vẫn đang âm ỉ cháy.

- Này các Tỳ Kheo, lửa sẽ bốc lên và nước tự nhiên sẽ chảy xuống, đó là thuộc tính của vạn vật. Chẳng có lửa nào đưa ta lên trời nếu ta chưa từng làm việc thiện, cũng chẳng có nước nào đưa ta xuống địa ngục nếu ta không làm các điều ác. Vì vậy, hãy tránh xa điều ác và siêng làm các việc lành, một Tỳ Kheo phải thấy sự nguy hiểm trong từng lỗi nhỏ nhặt cũng như phải góp nhặt từng chút việc thiện lành.

- Này các Tỳ kheo, chỉ có Thiền Định là con đường đưa chúng sinh vượt lên khỏi những sự thấp hèn loạn động của tâm trí, chứ không phải ngắm nhìn ngọn lửa bốc lên mà vượt lên cao được.

Bài Pháp làm chấn động tâm tư đại chúng, cùng lúc tất cả một ngàn người đều chứng ngộ các quả vị từ thấp tới cao, cõi đất rung chuyển vì chưa có một khoảnh khắc nào có đông người đắc đạo như thế, chư Thiên các tầng trời tấu nhạc vang lừng, rải những đóa hoa thơm tán thán cùng khắp không gian...

III. ĐỆ NHẤT ĐẠI HỘI CHÚNG

Vào một kiếp xa xưa thời Đức Phật Thắng Liên Hoa (Padumuttara) thị hiện giáo hóa, Tôn giả Ưu Lâu Tần Loa khi đó là một vị gia chủ danh giá tại kinh thành Hamsavati, Ngài kính tin và tôn thờ Tam Bảo. Sau khi cúng dường Đức Phật và chư Tăng bảy ngày với đủ các loại vật thực thượng hạng, Ngài phát nguyện trở thành một vị Tỳ Kheo tối thắng về "đại hội chúng" trong tương lai. Lời phát nguyện đó đã theo Ngài trong vô lượng kiếp, làm nảy nở những đức tính về tình thương yêu, tâm phụng sự quên mình, hạnh bố thí bao la không nắm giữ... Để giờ đây, đến thời kỳ Đức Phật Thích Ca xuất thế, lời nguyện ước khi xưa cuối cùng đã được thành tựu viên mãn.

Trong Tăng đoàn, Tôn giả Ưu Lâu Tần Loa được Thế Tôn khen ngợi là: vị đệ tử có "đại hội chúng đệ nhất". Bởi vì dù là trước hay sau khi quy y với Thế Tôn, hội chúng của Ngài lúc nào cũng vô cùng đông đảo. Lúc còn là vị đạo sư tại tu viện thờ lửa bên thôn trang Uruvela, Tôn giả đã có hơn năm trăm vị đồ chúng hết mực vâng lời và trung tín.

Sau khi Ngài cùng năm trăm đồ chúng của mình xuất gia thì hai người em Nadi và Gaya cùng năm trăm đồ chúng của họ cũng xuất gia theo. Vậy là chỉ sau vài ngày, cả ba anh em Ngài Ca Diếp (Kassapa) cùng hơn một nghìn đồ chúng đều đã trở thành đệ tử của Đức Thế Tôn. Khi Đức Thế Tôn thuyết giảng bài kinh về "ngọn lửa", tất cả các vị đều chứng đạt đạo quả, có vị chứng đắc Thánh quả A La Hán tột cùng, nhưng không vì thế mà các vị suy giảm lòng thương kính và biết ơn Ngài Ưu Lâu Tần Loa. Với các vị, Tôn giả luôn là người thầy đầu tiên, là bậc đạo sư mẫu mực đầy khả kính, và nếu không có duyên sự khác đặc biệt thì các vị vẫn luôn quây quần xung quanh để chăm nom hầu cận, lắng nghe lời Ngài dạy bảo.

Sự hiện diện của Tôn giả Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp và các đệ tử làm cho Tăng đoàn của Thế Tôn ngày càng hùng mạnh, hùng mạnh nhưng rất trang nghiêm và vô cùng nề nếp. Khi chư Tăng trở nên đông đảo hơn nữa, Ngài lại tận tụy phụ giúp Thế Tôn trong việc hướng dẫn và giáo huấn các vị Tỳ Kheo. Những đóng góp của Tôn giả đã đưa Tăng đoàn tiến thêm quãng đường dài, tạo một bước đà lớn lao để Tăng chúng phát triển mạnh mẽ trong sứ mệnh hoằng Pháp sau này.

IV. KẾT LUẬN

Tôn giả Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp là người đệ tử ưu tú của Đức Phật, với công hạnh Đệ Nhất Đại Hội Chúng. Ngài hiện thân cho một Tăng đoàn phát triển hùng mạnh mà đoan nghiêm. Trong bất kỳ thời đại nào, Tăng đoàn luôn là một mái ấm tâm linh, là nguồn cội gieo trồng những Thánh hạnh cho nhân thế. Tăng đoàn hùng mạnh thì chánh Pháp được trường tồn. Nơi theo công hạnh của Ngài, chúng con nguyện luôn hướng tâm về Tăng chúng, ủng hộ và phát triển Tăng chúng ngày càng trở nên vững mạnh.

Mãi về sau, hình ảnh của Ngài sẽ để lại cho chúng sinh những bài học vô giá. Nguyện xin Tôn giả luôn gia hộ để chúng con luôn biết giữ gìn sự khiêm hạ tột cùng trong tâm mình, để luôn kính ngưỡng những bậc Thánh triết của nhân loại, để luôn được chỉ dạy và bước đi trên con đường chánh Pháp cao thượng thiêng liêng.

V. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH

Tôn giả Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp và vị Thánh Tăng uy đức sáng ngời. Ngài nổi tiếng là có rất đông đệ tử. Các đệ tử luôn hết mực trung thành và kính ngưỡng Ngài. Tôn giả sống hiền hòa, nghiêm trì giới hạnh và không làm hại bất kỳ chúng sinh nào kể cả cỏ cây. Khi nhân duyên đã đầy đủ, Ngài xuất gia theo Đức Phật và chứng đắc Thánh quả A La Hán. Hai người em và tất cả đồ chúng của Ngài cũng đều gia nhập Tăng đoàn và chứng quả, trở thành những bậc Thánh siêu phàm. Điều đó góp phần làm cho Tăng đoàn thêm hùng mạnh. Vì thế, Ngài có danh hiệu là Đệ Nhất Đại Hội Chúng. 

Khi thờ kính Ngài quý Phật tử sẽ:

Dần thành tựu được các phẩm chất của người lãnh đạo, có năng lực giúp cho tập thể được vững mạnh. Được nhiều người tài đức trợ giúp, dễ thành công lớn.

Được mọi người kính trọng, nâng cao uy tín. Luôn có nhiều người bên cạnh giúp đỡ lúc khó khăn cũng như chia sẻ niềm vui.

Thành tựu được đức tính hiền hòa, tấm lòng rộng lượng, tạo nhiều phước đức cho mai sau.

VI. THƠ TỤNG

Thành tâm cúi lạy Như Lai
Người đẹp hơn ánh nắng mai huy hoàng
Chúng sinh khắp cõi hân hoan
Chư Thiên quy kính, thế gian tôn thờ

Uy đức trùm phủ vô bờ
Lời Phật vang động đất trời chuyển lay
Vũ trụ Người nắm trong tay
Đường đi nhân quả chẳng ai tỏ bằng

Chúng con bao kiếp trôi lăn
Hơn thua đố kỵ, tham lam tranh giành
Chẳng biết gây tạo phước lành
Lỗi lầm chồng chất, tử sanh buộc ràng

Ngày con dừng bước lang thang
Là khi con biết trần gian có Người
Dang tay che chở cuộc đời
Đưa con qua những đầy vơi vui buồn

Tình thương Phật tựa suối nguồn
Cho con tắm mát tâm hồn cằn khô
Bên nhau chung một ước mơ
Chúng sinh giác ngộ bến bờ an vui

Thấy mình nhỏ bé mà thôi
Như là chiếc lá nhẹ rơi mặt hồ
Nên lòng chẳng dám dại khờ
Tự hào kiêu mạn che mờ lối đi

Cuộc đời tăm tối ngu si
Dâng trào dục vọng, đường đi đóng dần
Bùng lên ngọn lửa tham sân
Vô minh chấp ngã, xác thân lụi tàn

Tìm về chánh Pháp bình an
Biết từng hơi thở nhẹ nhàng, yên vui
Cho con tôn kính muôn đời
Bậc Thánh trí tuệ sáng ngời vô biên

Làm cho hội chúng bừng lên
Niềm tin chân lý vững bền mai sau
Muôn người quy ngưỡng Đạo màu
Quay về nương tựa cùng nhau tu hành

Phật khen Tôn giả xứng danh
Đệ Nhất Đại Hội Chúng trong Tăng Đoàn
Khắp nơi chung một đạo tràng
Giữ gìn chánh Pháp cho ngàn năm sau

NAM MÔ ĐỆ NHẤT HỘI CHÚNG ƯU LÂU TẦN LOA CA DIẾP TÔN GIẢ (3 LẦN)

THEO THÁNH ĐỘ MỆNH- TS. TT. THÍCH CHÂN QUANG

 

popup

Số lượng:

Tổng tiền: