Thánh Độ Mệnh

16. TÔN GIẢ LA ĐÀ (RADHA)- Đệ Nhất Năng Khởi Biện Tài

02/01/2022 Phúc Khiết Giác 0 Nhận xét
16. TÔN GIẢ LA ĐÀ (RADHA)- Đệ Nhất Năng Khởi Biện Tài

I. XUẤT THÂN

Nơi những mái nhà lá lụp xụp hiện lên thưa thớt trong một ngôi làng nhỏ gần kinh thành Vương Xá (Rajagaha), có một Bà La Môn nghèo khổ tên La Đà (Radha). Ngài La Đà đã có tuổi, gia đình di dời đi vì cuộc sống mưu sinh khó nhọc, nên hàng ngày Ngài vất vả kiếm sống trong cô độc. Mỗi sáng, người ta thường thấy Ngài một mình gánh những thùng nước lớn về một túp lều lợp lá đơn sơ, tự mình đem từng bó củi khô gom góp được tới những gia đình để đổi lấy những bộ y phục đã qua sử dụng, hay thường tới lui những nhà phú hộ phụ giúp việc quét tước và xin những thực phẩm mưu sinh.

Trưa hôm ấy, nắng chiếu vàng trên những mái nhà tranh. Trên con đường đất bạc màu quen thuộc, vị Bà La Môn nghèo như thường lệ trở về nhà mình thì gặp một vị Tôn giả đang từ xa tiến lại gần. Vị Tôn giả ấy quấn quanh mình tấm y ca sa nâu sậm giản dị, nhưng toàn thân Tôn giả toát lên vầng hào quang êm dịu. Dáng người đĩnh đạc uy nghi, tay ôm bình bát nhẹ nhàng, từng bước chân đi vững chãi nhưng hết sức thong dong. Đó chính là Tôn giả Xá Lợi Phất (Sariputta). Tôn giả không cười nhưng nét mặt hiển hiện niềm an lạc, lòng từ bi ấm áp theo đôi chân của Tôn giả lan tỏa đến khắp nơi.

Ngài La Đà bước chậm lại. Trong đôi mắt già nua sáng lên hình ảnh vị Sa môn cao quý, trái tim khô cằn nứt nẻ của ông như được xoa dịu vỗ về trước một cơn mưa tươi mát. Ngài La Đà run run xúc động, từng bước tiến tới bên cạnh Tôn giả, cung kính cúi người, hai tay cẩn thận bưng bát dâng lên Tôn giả Xá Lợi Phất một muỗng cơm khô mà ông vừa kiếm được để nuôi sống chính mình. Chính sự cúng dường với trọn lòng quý kính ấy, đã nhen nhóm lên trong tâm hồn ông một tình cảm chân thành, niềm yêu mến hạnh phúc của đời sống oai nghi thanh tịnh.

Kể từ ngày ấy, Ngài La Đà luôn thấy thôi thúc trong tâm, luôn muốn thăm hỏi và tìm tới tinh xá Kỳ Viên (Jetavana) để xin phép được công quả. Mỗi ngày Ngài đều chăm chỉ lui tới, nhu thuận vâng theo sự sắp xếp mà phụ giúp chư Tăng dọn dẹp và chăm nom. Có khi trong không khí mát mẻ của sớm mai, Ngài tới lau quét khoảng sân rộng, dọn dẹp tươm tất khu giảng đường. Có khi qua lớp nắng hồng cam lúc cuối chiều, Ngài gánh nước đầy ắp các chum, sửa sang ngăn nắp giàn bát đũa. Có khi ghé qua tinh xá, Ngài ôm những bó cỏ hương mềm mại, xếp gọn thành sàng tọa trước cửa những căn chòi lá mây... Dần dần, đời sống thanh cao và êm đềm nơi đây trở thành gắn bó. Đã đi qua nửa đời người, giờ đây Ngài La Đà chỉ muốn quay về nương tựa với giáo Pháp của Đức Thế Tôn để tìm cầu niềm hạnh phúc chân thật, nơi trở về cuối cùng cho cuộc đời mình.

II. XUẤT GIA - CHỨNG ĐẠO

Trong suốt khoảng thời gian công quả, Ngài được sống trong không khí thanh tịnh. Nhìn thấy đời sống của chư Tăng hòa hợp trang nghiêm, Tôn giả ngỏ ý xin phép thế phát xuất gia. Tuy nhiên, các vị Tỳ kheo tỏ ý từ chối vì thương cho Ngài tuổi đã cao, sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn hơn so với những người trẻ tuổi. Tôn giả La Đà càng tăng thêm quyết tâm tu học và rèn luyện khi đứng trước những thách thức gian nan.

Nếu sợ rằng trí nhớ của tuổi cao sẽ ảnh hưởng tới việc ghi nhớ và gìn giữ Giới Luật thì ngày ngày bên bờ suối nhỏ, nước róc rách dạo quanh những tảng đá lớn, Ngài trì tụng Giới Luật từ các vị Trưởng lão và luyện tập cách đi đứng để cử chỉ thêm trang nghiêm. Nếu sợ rằng khó có được công đức trọn vẹn thì trong mọi tiết trời, hạ rực nóng hay thu dịu mát, Ngài đều siêng năng công quả lao tác, chú ý quan sát và kịp thời giúp đỡ không bỏ sót bất kỳ ai để gây tạo phước lành từ những điều nhỏ nhất. Nếu sợ rằng thân thể có tuổi rồi sẽ tọa Thiền khó khăn thì hàng đêm dưới khung trời vàng trắng lấp lánh ánh trăng sao, Ngài dành nhiều giờ liền luyện tập vắt chân kiết già, thực hành cho đúng từng bước cơ bản của Thiền Định...

Đức Phật nhìn nhận hết những cố gắng nỗ lực ấy, thương Ngài tuổi đã cao nhưng ý chí luôn kiên cường vượt lên gian khó. Khi Đức Thế Tôn biết rằng nhân duyên nhiều kiếp đã nảy nở, Người cho gọi tất cả các Tỳ kheo tập hợp về tinh xá, Ngài La Đà cũng tới để chiêm ngưỡng và đảnh lễ Đấng Giác Ngộ. Buổi chiều hôm ấy, khi ánh nắng vàng thưa thớt len lỏi qua vòm lá chiếu rọi vào khung cửa, giảng đường bừng sáng và rộng mở. Hội chúng tề tựu đông đủ, không khí thật tĩnh lặng trang nghiêm. Giọng của Thế Tôn trầm ấm vang vọng, Người hỏi Tôn giả Xá Lợi Phất rằng:

- Này Xá Lợi Phất, ông có nhớ được điều tốt đẹp nào của Bà La Môn La Đà này chăng?

- Bạch Thế Tôn, con đã được vị Bà La Môn đây cúng dường muỗng cơm duy nhất của mình khi con đi khất thực trong thành Vương Xá. Ngài ấy đã cúng dường vật phẩm với trọn lòng quý kính.

Lành thay, này Xá Lợi Phất, những ơn nghĩa đã thọ nhận trong suốt cuộc sống này là vô hạn. Bậc hiền trí thường nhớ đến việc tốt người khác đã làm cho mình dù là nhỏ nhất và sẽ nguyện lòng đền ơn xứng đáng. Trong tất cả những sự đền ơn, đem ánh sáng Phật pháp đến với chúng sinh là sự đền ơn có ý nghĩa nhất. Vậy này Xá Lợi Phất, hãy cho Bà La Môn La Đà xuất gia thọ Giới Tỳ Kheo.

Từng lời nói của Thế Tôn như ánh nắng ấm áp soi rọi tâm hồn Ngài. Không gian trong giảng đường càng thêm ấm áp, chư vị Tỳ Kheo mỉm cười vui mừng cho Tôn giả đã đạt được nguyện ước cao thượng. Ngài cảm nhận niềm hạnh phúc tràn ngập khi sắp tới sẽ trở thành một vị Tỳ Kheo sống trong Tăng đoàn của Thế Tôn. Dưới những cây đại thụ xanh rợp bóng, Tôn giả sẽ cùng đàm luận đạo lý, những đêm trăng bàng bạc soi bóng chư Tăng tọa Thiền, hay trên nền đất lát đá, từng bước chân Thiền hành an lạc. Ngài liền quỳ xuống chắp tay đảnh lễ Đức Phật và Tôn giả Xá Lợi Phất, người Thầy vĩ đại của mình với niềm xúc động trào dâng chiếm trọn tâm hồn.

Sau khi xuất gia, Tôn giả La Đà theo hầu cận bậc Trí Tuệ Đệ Nhất với trọn lòng tôn kính. Tấm lòng Ngài nhu thuận hết mực, trái tim Ngài luôn hướng về người Thầy vĩ đại, mọi cử chỉ hành động của Ngài đều dựa trên những lời dạy bảo quý báu. Có đôi lần Ngài được vị Thượng thủ Tăng đoàn chỉ lỗi, trách phạt do chưa hiểu hết ý của Tôn giả mà lỡ phạm sai lầm. Những lúc như vậy, Ngài đều hoan hỷ đón nhận, chăm chú lắng nghe với trọn lòng biết ơn và cảm phục:

Được nghe bậc hiền trí
Chỉ dạy và khiển trách
Như chỉ chỗ chôn vàng
Phải gần gũi bậc hiền
Thân cận bậc như thế
Chỉ có tốt mà thôi

Tôn giả cảm nhận được niềm hỷ lạc trong con đường tu tập tâm linh giác ngộ, trong tình yêu thương, lòng bi mẫn vô hạn của Tôn giả Xá Lợi Phất. Ngài rất tinh tấn tu tập, kiên nhẫn ngày qua ngày trong Thiền định thâm sâu. Một thời gian sau, khi phước lành đã hội đủ, Tôn giả La Đà chứng đắc Thánh quả A La Hán. Kể từ phút giây huy hoàng đó, một niềm hạnh phúc mới lan tỏa khắp tâm hồn, một trí tuệ giác ngộ bao trùm cả pháp giới. Ngài tiếp bước hạnh nguyện của các vị Thánh, trở thành một ngọn đèn lan tỏa ánh sáng chánh Pháp diệu kỳ cho nhân gian.

IV. KẾT LUẬN

Khi nhớ về một vị Trưởng lão cao niên, vóc dáng đã hao gầy, nếp thời gian hằn trên gương mặt, chúng sinh cũng sẽ hình dung thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ, sự kiên nhẫn phi thường vượt qua mọi khó khăn thử thách để vươn tới lý tưởng xuất gia tu học. Đó là động lực thiết thực và cao cả hơn mọi lời nói, giúp chúng sinh thêm vững vàng bước đi trên con đường cao thượng.

Có lẽ dù đã trải qua hơn 2600 năm, Tôn giả dường như luôn ở bên cạnh đồng hành với chúng ta. Chỉ cần ai có lòng, Ngài sẽ nở nụ cười. Và những đạo lý bao la màu nhiệm sẽ lại được khơi nguồn...

V. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH

Tôn giả La Đà là Thánh đệ tử A La Hán ưu tú của Đức Phật, Ngài là tấm gương sáng cho sự say mê học hỏi cũng như tu hành cho dù tuổi đời đã cao. Ngài nổi bật với công hạnh ĐỆ NHẤT NĂNG KHỞI BIỆN TÀI, mỗi một câu hỏi nhỏ về giáo lý hay về đời sống của Ngài cũng là nguồn cảm hứng cho Thế Tôn ban cho chúng sinh thêm những chỉ dạy sâu sắc nhưng cũng rất thiết thực với đời sống và tu hành. Với sự siêng năng công quả phụng sự, tinh tấn tu tập cho dù hoàn cảnh khó khăn, một lòng nhu thuận, khiêm hạ với những bậc đáng kính, Ngài đã viên mãn hạnh nguyện trong nhiều kiếp xưa, luôn vì bậc hiền trí mà khơi nguồn cảm hứng dạt dào mở ra kho tàng đạo lý mênh mông.

Khi thờ kính Ngài quý Phật tử sẽ dần thành tựu:

- Sự siêng năng, tinh tấn tu hành, phụng sự cho dù gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn, từ đó công đức lành được vun bồi sâu dày.

- Đức tính khiêm cung, nhu thuận, hiền lành, được mọi người yêu mến, tin tưởng, từ đó đời sống được an vui hạnh phúc.

Khi gặp những vấn đề trong cuộc sống, có trí tuệ tìm ra cách giải quyết hợp lý, hay được giúp đỡ và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

Gặp nhiều may mắn thành tựu trong cuộc sống.

VII. THƠ TỤNG

Thành kính xin đảnh lễ Ngài
Đệ Nhất Năng Khởi Biện Tài xứng danh
Nương theo bước Phật tu hành
Dù cho tuổi lớn chẳng màng khó khan

Miệt mài công quả siêng năng
Vâng lời nhu thuận, chuyên cần sớm hôm
Lý tưởng soi sáng tâm hồn
Quyết đường học đạo đáp đền nghĩa ân

Dẫu cho trí tuệ cao thâm
Bậc A La Hán nghìn lần khiêm cung
Quyết tinh tấn, chẳng buông lung
Theo lời Phật dạy trong từng bước đi

Khơi nguồn đạo lý vô vi
Khắp nơi tỏ rạng khắc ghi lời Người
Chúng con xin học hạnh Người
Gian nan chẳng thể làm nguôi chí bền

Ngọn lửa chánh Pháp thắp lên
Đồng bằng, phố thị hay miền xa xôi
Đạo đức xin mãi vun bồi
Yêu thương tử tế cho đời an vui

Giúp người thoát kiếp nổi trôi
Mái chùa che chở là nơi trở về
Tiếng chuông ngân vọng lời thề
Đưa người muôn lối tìm về Chân Như

Tâm thanh tịnh, thoát ngục tù
Khổ đau khép lại, niềm vui ngập tràn
Hạnh phúc đẹp tựa mây ngàn
Thênh thang muôn lối, hân hoan cõi lòng

Càng tôn kính Phật Pháp Tăng
Gửi tình thương lớn, mênh mông muôn trùng
Đường Thiền bước tiếp không ngừng
Ngồi yên biết rõ vô thường xác thân

Biết từng hơi thở âm thầm
Nhẹ nhàng tỉnh giác, tâm dần lắng yên
Dứt trừ hết thảy ưu phiền
Con đường Thánh đạo diệu huyền mở ra

NAM MÔ ĐỆ NHẤT NĂNG KHỞI BIỆN TÀI ĐÀ LA TÔN GIẢ (3 LẦN)

THEO THÁNH ĐỘ MỆNH- TS. TT. THÍCH CHÂN QUANG

popup

Số lượng:

Tổng tiền: