Pháp lạc Tâm an

XÂY DỰNG DOANH NGHIỆP BỀN VỮNG- TT. TS Thích Chân Quang (Trích bài "Phát Triển Bền Vững" giảng tại Mandala Restaurant- HCM city, 16/11/2013)

13/10/2023 Phúc Khiết Giác 0 Nhận xét
XÂY DỰNG DOANH NGHIỆP BỀN VỮNG- TT. TS Thích Chân Quang (Trích bài

Sự thật, giáo lý đạo Phật có thể lý giải, ứng dụng, bao hàm tất cả các lĩnh vực trong mọi sinh hoạt của đời sống con người, làm cho mọi người có hướng đi đúng đắn để tránh được sự thất bại. Cho nên, đứng trên góc độ của một nhà thuyết giảng về tôn giáo, Thượng Tọa xoáy sâu vào yếu tố tâm linh, đạo đức, nhân quả mà gợi mở hướng đi để người làm kinh doanh ứng dụng trong ngành nghề của mình, sao cho phát đạt, bền vững và có lợi cho xã hội.

Sự thành công hay thất bại nếu nhìn theo mặt xã hội học, hay khoa học nhân văn, hay khoa học kinh tế, hay những cái nhìn về chính trị, v.v… thì ta hiểu khác. Nhưng với cái nhìn của tôn giáo thì tất cả tùy thuộc vào NHÂN QUẢ, tức là chỉ số Phước quyết định sự thành công hay thất bại của ta. Nếu Phước ta nhiều thì sẽ còn cơ hội để phát triển, ngược lại Phước ta đã giảm thì cơ hội thành công sẽ thu hẹp dần. Và nếu Phước ta hết thì chấm dứt, có ngày phải tuyên bố phá sản. Do đó, chính chỉ số về Phước sẽ quyết định sự thành công hay thất bại. Đó là cái nhìn của Nhân Quả.

Tuy nhiên, với cái nhìn về chỉ số Phước này, thoạt nghĩ như rất xa lạ với những hoạt động khác của ta. Ví dụ chúng ta phải hoạt động trên lĩnh vực tài năng, tài chánh, tính toán, liên hệ, tìm đối tác hay săn tìm những công trình, mở rộng các mối quan hệ, hoặc cân đối thu chi thế nào để ta phát triển thành công. Nhưng có một bí mật chi phối hết tất cả những điều đó là PHƯỚC. Nên ta đừng vội nghĩ rằng, đừng ỷ rằng nhờ tài năng của tôi mà tôi thành công. Không! đằng sau cái tài năng đó còn cái bí ẩn thuộc về tâm linh, cái đó mới là quan trọng. Mà cái bí ẩn đằng sau tâm linh lại không phải là chuyện gì mơ hồ, nó tách rời khỏi các hoạt động của ta. Đó chính là cuộc sống của ta, tức là cách sống và cách làm việc của ta mà tạo thành chỉ số Phước cho ta. Cái Phước của ta nhiều hay ít cũng chính nằm nơi những hoạt động này mà ta đã lầm tưởng hoạt động này riêng và tâm linh riêng.

Hôm nay ngồi đây, làm những việc này là ta mang theo cái Nhân Quả ở những kiếp trước. Không phải ngẫu nhiên mà ta chọn ngành này, nghề này. Khi ta được nghiệp nhân của quá khứ để thực hiện ngành nghề này thì bắt đầu ta tạo cái phước cho chính hoạt động của ta ngay bây giờ, để có thể bền vững được hay không. Có nhiều doanh nhân hiện đang thành công, nổi danh, giàu có nhưng lâu sau thì nghe tin họ bị phá sản hoặc đổi chủ, không phát triển tới tương lai được nữa. Đó là do những hoạt động giải trí, hưởng thụ của người này đã phá mất cái Phước quá khứ. Vì vậy, đời sống hoạt động doanh nhân của họ trở nên ngắn ngủi. Đó là lý do tại sao nói Nhân Quả điều phối âm thầm theo từng bước đi của mỗi người chúng ta trong cuộc sống này.

Và không phải ngẫu nhiên mà ta chọn cái ngành nghề đang làm. Tất cả đều có cái duyên, tức đời xưa ta làm phước về lĩnh vực nào thì đời này ta làm nghề trong lĩnh vực đó, vì nghề là nghiệp. Ví như có người thành công trong ngành xây dựng địa ốc, có người thì thành công trong ngành nhà hàng khách sạn. Lại nữa, trong một ngành nghề, tại sao có người làm chủ, làm quản lí, có tài khoản ngân hàng, còn có người chỉ làm công, làm phục vụ thôi. Hoặc có người công việc tìm đến họ, chứ họ không cần đi tìm việc, vậy nhân quả nằm chỗ nào. Hoặc có những người làm ngành nghề không thuộc chuyên môn, sở trường của mình. Điều này cho thấy cái ước muốn và cơ hội nó khác đi nhiều. Chính cái nhân duyên (cái nghiệp) của quá khứ đưa đến cái nghề của hiện tại.

Cái nghiệp của hiện tại nó vẫn can thiệp vào đường đi của nghiệp từ quá khứ, nó sẽ giúp cho ta thành công thêm hay là rút ngắn đi. Như vậy, yếu tố nào làm cho ta có được sự phát triển bền vững lâu dài? Chính là Phước. Trên căn bản Phước là cái gì mà khi ta làm lợi được cho cuộc đời thì ta có phước. Mà để làm lợi cho cuộc đời thì thường ta thiệt thòi nhiều, nhưng hãy tin nếu điều ta làm là chính đáng, không tính thiệt hơn thì luôn luôn có những may mắn bù lại. Trong kinh doanh cái vốn lớn, cái vốn thực sự chính là cái Phước của ta, còn những cái vốn mà ta liệt kê được, cái đó là vốn hữu hình, vốn tạm, vốn vô thường, mau biến đổi, nay có mai không, chính cái Phước mới chắc. Cái vốn Phước vô hình đó là của tất cả mọi người đều đóng góp, có cùng một đời sống tốt lành, cùng đời sống hy sinh phụng sự.

Ý nghĩa của đời sống hy sinh phụng sự là gì. Dựa vào đâu để đánh giá công ty đó sẽ phát triển bền vững. Khi một người có nhiều tiền thì khuynh hướng gì xuất hiện và hậu quả ra sao. Tại sao nói tiền lớn chừng nào thì trí tuệ và đạo đức phải lớn theo, ta mới quản lý được nó. Những thứ mà ta lãng phí (tiền bạc, đất đai, thời gian,…) sẽ có tai họa gì... "Giàu không phải để hưởng thụ, mà giàu là dấu hiệu cho biết ta đã đúng trong quá khứ và bây giờ làm sao để đúng tiếp tục trong tương lai". Đó mới là chuyện khó, bởi vì nhận định được cái Tội Phước trong tài sản mà mình đang có lại là một lĩnh vực mới mẻ, phải dựa vào trí tuệ và đạo đức của người đó.

Nói về tài sản khi ta sử dụng đúng, thì trong nhiều cái đúng đó có một cái Thượng Tọa mong mọi người hãy biến nó trở thành khuynh hướng tự nhiên trong tâm mình là "hay giúp đỡ người một cách hợp lý". Hãy tin rằng trời đất sẽ cho lại ta những phần thưởng khác một cách tự nhiên. Mà đã hợp lý rồi, Phước của mình sẽ tăng lên. Theo đó, sự nghiệp của ta sẽ bền vững mãi. Đó là nhân quả trong kinh doanh, bí quyết nằm ở chỗ này.

Tags: Nhân Qủa - Tội Phước
popup

Số lượng:

Tổng tiền: