TU LÀ ĐI NGƯỢC DÒNG ĐỜI- TS. TT. Thích Chân Quang (Spiritual Exertion Is To Go The Opposite Way Of Life)

75.000₫

Thông tin sản phẩm

Thương hiệu: GIÁC HOME Tình trạng: Còn hàng

Ai sống trên đời mà không gặp được một đạo lý cao thượng để dẫn dắt tâm linh; không có một mục tiêu chân chính để theo đuổi, hướng về; không có một bậc thầy vĩ đại để nương tựa, học hỏi và dâng trọn niềm tôn kính, thì người đó vẫn là người bất hạnh.

Số lượng:

Ai sống trên đời mà không gặp được một đạo lý cao thượng để dẫn dắt tâm linh; không có một mục tiêu chân chính để theo đuổi, hướng về; không có một bậc thầy vĩ đại để nương tựa, học hỏi và dâng trọn niềm tôn kính, thì người đó vẫn là người bất hạnh.

Vì họ chưa thể định hướng cuộc đời mình sẽ đi về đâu, chưa đủ trí tuệ để phân biệt thiện-ác, đúng-sai và chưa đủ sức mạnh để vượt qua những cám dỗ, thử thách của cuộc đời. Một lúc nào đó, trên dòng đời hối hả bon chen này, họ sẽ bị cuốn theo những thú vui tầm thường, sẽ mắc phải những lỗi lầm đáng tiếc. Để rồi khi kết thúc một kiếp người, điều họ mang theo chỉ là sai lầm, tội lỗi và sự trôi lăn trong vô số kiếp về sau.

TU LÀ ĐI NGƯỢC DÒNG ĐỜI tập hợp những câu chuyện phân tích về sự tu hành, cùng nhau trả lời câu hỏi tu là gì, tu làm sao cho đúng, để hiểu rõ hơn về con đường mà mình sẽ đi.

MỤC LỤC

Lời mở đầu
Chương 1: Tu là gì
Chương 2: Tu cho ai
Chương 3: Tu thế nào cho đúng
Chương 4: Sao khó tu đến thế
Chương 5: Tu là đi ngược dòng đời
Chương 6: Ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng
Lời kết

 TRÍCH DẪN NỘI DUNG  

KHIÊM TỐN SỬA LỖI CỦA MÌNH (trích dẫn Chương 2 bài TU CHO AI trang 33-34-35)

Chúng ta hãy nhìn vào tâm mình, vào lời nói, hành động của mình để tìm lỗi. Ví dụ ta thấy mình còn ghét ai đó thì phải bỏ nó đi, không được để cái ghét tồn tại trong tâm mình nữa. Hoặc khi đứng trước quyền lợi thì ta hay nghĩ đến mình trước, muốn giành được phần hơn thì biết ngay là mình còn ích kỷ lo cho bản thân.

Hay trong công việc, khi ta đưa ra ý kiến thì chỉ thấy ý của mình là hay, ai nói gì cũng không công nhận thì đó là ta đang có tâm hơn thua. Có khi người bên cạnh được ưu ái, thành công, ta khó chịu, thậm chí còn mong cho họ gặp thất bại thì chắc chắn ta đang có cái ganh tỵ, ác độc chi phối.

Rồi đến khi mình đi chùa, chỉ muốn mình được chú ý, được quan tâm thì biết là bản ngã mình lớn quá v.v... Đó là mới chỉ trong tâm ta thôi đã đủ thứ chuyện, chưa kể lời nói, hành động của ta thì lại còn vô số lỗi nữa.

Đơn giản như việc chê bai người khác chẳng hạn. Mỗi khi nói chuyện qua lại với người, ta dễ dàng chê người này, trách kẻ kia. Bao giờ cũng vậy, con người ta dễ nhìn thấy nhược điểm của người khác hơn là ưu điểm và cũng dễ thốt lên lời chê bai hơn là khen ngợi. Đó là bản chất của con người.

Ta thử để ý kỹ lại trong đời sống, trong từng lời ăn tiếng nói của mình, có phải mình hay chê bai người hơn là khen ngợi họ hay không? Vì ta còn hay chê bai, nói xấu, còn hơn thua, ganh ghét... nên ta biết đạo đức của mình chưa hoàn thiện. Và những cái bất toàn trong đạo đức của ta chính là lỗi. Nên từ nay ta phải tập nhìn cho ra những cái sai, cái xấu trong tâm mình, trong hành vi, lời nói của mình để bắt đầu sửa lại cho đúng.

Ví dụ ta thấy mình còn hay chê người, thì từ nay ta tập khen người nhiều hơn. Mỗi ngày trôi qua ta đều tự hỏi mình ngày hôm nay đã khen được ai hay chưa, để tự nhắc mình sửa cái lỗi hay chê người đi. Nhưng khi tập như vậy ta mới phát hiện ra là để khen một người thì không dễ chút nào. Vì sao? Vì từ trước tới giờ lòng ta không rộng mở để nhìn thấy ưu điểm của mọi người.

Nhưng từ nay biết tu rồi, ta sẽ lật ngược nó lại, tức là ta sẽ mở lòng mình ra, tập nhìn những người xung quanh với con mắt khác. Không phải ánh mắt săm soi, bới móc cái xấu nữa, mà là ánh mắt yêu thương, thông cảm và tìm kiếm ưu điểm để khen ngợi. Ta cứ tập như vậy mỗi ngày, từng bước thay đổi mình; đến một ngày khi muốn mở miệng chê ai là ta thấy ngượng nghịu, khó chịu, còn mở miệng khen ai thấy dễ dàng, vui vẻ là thành công.

Nhưng vượt được một lỗi chưa phải đã xong, mà ta luôn hiểu là mình còn vô số lỗi lầm nữa mà mỗi ngày trôi qua ta lại thấy thêm được nhiều hơn. Và ta nỗ lực vượt qua từng lỗi, từng lỗi để hoàn thiện dần đạo đức của mình. Những con người biết khiêm tốn sửa mình như vậy khi đến chùa sẽ làm ngôi chùa ấm lên, về đến nhà làm ngôi nhà hạnh phúc hơn, bước ra xóm làng làm làng xóm vui tươi, thân thiện hơn.

KHƯỚC TỪ HƯỞNG THỤ (trích dẫn...)

Có những trường hợp ta rơi vào hoàn cảnh phải hưởng cho hết phước, dù bản thân không ý thức, hoặc không hề muốn. Tức là đời xưa vất vả tích luỹ rất nhiều phước, nhưng đời này sinh ra đã bị buộc phải hưởng cho hết luôn. Lạ lùng như vậy!

Ví dụ như con vua, vừa mở mắt chào đời đã là một hoàng tử, công chúa, từ bé đã có người hầu kẻ hạ, lớn hơn một chút, vừa lẫm chẫm biết đi là bao nhiêu người phải cúi lạy vâng lời. Họ hưởng phước quá nhiều, mà nếu trong đầu không có ý thức nào về việc cống hiến lại cho đất nước, thì phước phải hết dần. Chỉ ngồi không ăn thì núi còn phải lở, cho nên không cái phước nào chịu nổi.

Vì vậy, có những bậc vua chúa đã buộc con mình phải rèn luyện, gánh vác, cống hiến từ bé, hạn chế sự hưởng thụ, nhờ thế mà vương triều đó tồn tại bền vững. Còn những ông vua nào thương con một cách sai lầm, cứ bắt mọi người phải tung hô, tuân phục, hầu hạ, cho con hưởng thụ mọi điều sung sướng thì phước hết rất nhanh. Mà khi phước hết rồi đứa con sẽ không sinh ra được những thế hệ xuất sắc về sau, và vương triều đó sẽ mau chóng sụp đổ.

Nhìn lại mình, chúng ta cũng hãy cẩn trọng. Nếu mình được sinh vào gia đình khá giả, từ nhỏ đã được hưởng phước rất nhiều thì đó là điều cực kỳ nguy hiểm. Hãy sống cần kiệm, cống hiến, phụng sự, đừng hưởng thụ. Đó là ta đang giữ gìn phước cho mình và làm cho cơ nghiệp của tổ tiên được lâu bền.

Bậc cha mẹ cũng đừng khờ dại mà chiều chuộng, cung phụng cho con mình, khiến đứa con hết phước và cũng không sinh ra được thế hệ sau giỏi giắn, thành công nữa. Thương con là phải dạy, càng thương chừng nào càng buộc đứa con phải cống hiến, phụng sự cho đời nhiều chừng nấy. Đó là bậc cha mẹ khôn ngoan.

Tuy nhiên, để có được bản lĩnh này, cha mẹ phải tu tập rất nhiều, phải có lễ Phật, toạ Thiền rồi mới sáng suốt, tỉnh táo, mới kiểm tra lại được tình cảm với đứa con. Lòng vẫn thương con rất nhiều nhưng không mù quáng mà khôn ngoan dạy con, không cho con hưởng thụ, bắt con phải làm phước thật nhiều. Nếu được như vậy, gia đình, dòng họ về sau sẽ hưng thịnh bền vững.

TU CHO CẢ NƯỚC (trích dẫn Chương 2 bài TU CHO AI trang 43-44-45)

Ta không chỉ tu cho mình, cho làng xóm, mà còn tu cho cả đất nước này. Tại sao? Tại vì một người Phật tử chân chính thì luôn ủng hộ Nhà nước, làm tròn bổn phận công dân, không bao giờ cướp bóc, giết người, buôn lậu, trốn thuế, không vi phạm pháp luật... Và tất cả những điều đó giúp Nhà nước thêm thuận lợi trong việc giữ vững sự ổn định chính trị của đất nước.

Khi đạo đức người dân còn kém thì chính quyền vừa phải lo chống chọi với kẻ thù bên ngoài, vừa phải vất vả quản lý người dân bên trong. Còn nếu người dân tin nhân quả, biết làm phúc tránh tội, thì gánh nặng đó nhẹ hết phân nửa, Nhà nước chỉ phải tập trung bảo vệ đất nước trước những thế lực bên ngoài mà thôi. Vì vậy, cứ thêm một người biết tu hành là đất nước thêm một chút yên bình.

Hơn nữa, khi đã hiểu đạo ta thường cống hiến rất nhiều, hay làm vượt hơn bổn phận được yêu cầu và cái dư ra đó chính là cái phúc cho ta. Mà nhiều khi ta chỉ làm tròn bổn phận của mình cũng đã có phúc rồi. Ví dụ người cán bộ đi làm 8 tiếng, nhưng trong 8 tiếng đó họ làm việc rất có chất lượng, rất tận tụy. Mà mỗi công việc của người cán bộ thường có lợi cho dân cho nước. Nên chỉ cần làm việc tận tụy, tròn bổn phận của mình thôi cũng đã là điều phúc. Cái phúc đó được tích lũy từng ngày sẽ tạo thành quả lành rất lớn trong tương lai. Và nếu như người nào cũng ý thức được điều này, rồi thương quý, lễ độ với dân, hết lòng với công việc như thế thì chẳng bao lâu đất nước ta sẽ vượt lên.

Việt Nam chúng ta có đồng ruộng cò bay thẳng cánh, có suối, sông, khe, thác, có nhiều tài nguyên khoảng sản, nhưng ta lại chưa phát triển? Là vì chúng ta chưa xây dựng được con người mới. Cho nên chúng ta phải xây dựng con người lại, mà bắt đầu từ Phật Pháp. Nhờ Phật Pháp mà chúng ta sẽ có những con người biết cẩn trọng từng điều phúc điều tội; biết thương quý nâng đỡ nhau; biết tận tụy với công việc; lúc nào cũng sáng tạo, tìm tòi, phấn đấu... Những con người đạo đức ưu tú ấy sẽ đưa đất nước vươn lên rất nhanh, sánh vai với các cường quốc 5 châu như Bác Hồ hằng mong ước.

Vì vậy, nguyện ước của chúng ta là làm sao cho Phật Pháp được lan tỏa khắp nơi. Có thể nói vui rằng, để giữ nước thì người xưa phải cầm gươm cầm súng, còn chúng ta hôm nay phải cầm kinh, sách, băng đĩa giảng pháp đi giới thiệu, truyền bá. Giúp cho một người có tâm đạo, hiểu Phật Pháp, tin được nhân quả, chính là ta đang góp phần giữ nước, đưa đất nước vươn lên.

Ngày nay người Phật tử cũng phải là những chiến sĩ âm thầm với trái tim cháy bỏng đạo lý, mang Phật Pháp gieo vào lòng mọi người, để ai cũng sống tốt với nhau, yêu quê hương, cùng nhau xây dựng đất nước giàu mạnh, nâng cao đạo đức phẩm cách tốt đẹp cho mọi người dân. Từ đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, việc tu cho đất nước còn có một ý nghĩa quan trọng là để giữ gìn tín ngưỡng dân tộc, ngăn chặn mối họa ngoại xâm. Lịch sử đã chứng minh, một khi thực dân đế quốc muốn xâm chiếm đất nước nào, họ thường đưa tôn giáo vào trước để lấy linh hồn của người dân tại đó. Khi tâm hồn đã thuộc về ngoại đạo rồi, người ta rất dễ phản bội tổ tiên, phản bội dân tộc. Đó là sự nguy hiểm của tín ngưỡng sai lầm.

Xưa đã thế, nay cũng không khác. Thời gian gần đây có những tín ngưỡng lạ đang xâm nhập vào nước ta để lôi kéo quần chúng lấy tín đồ. Họ mang vỏ bọc tôn giáo tín ngưỡng nhưng sự thực phía sau là bóng dáng của những âm mưu chính trị do ngoại bang chỉ đạo. Do đó chúng ta phải hết sức tỉnh táo, giúp Nhà nước ngăn chặn bằng cách cảnh giác, đề phòng với bất cứ tín ngưỡng lạ nào len lỏi vào làng xóm, cộng đồng ta sinh sống. Chúng ta tu hành cũng là để giữ lại tín ngưỡng của dân tộc và ngăn chặn mối họa ngoại xâm là như vậy. 

Vì thế, đừng nói rằng việc tu là tầm thường, người đi chùa là người tiêu cực lười nhác, không có việc gì làm nên vào chùa trốn việc quan. Mà trái lại ta tu hành nghĩa là ta không chỉ đem lại lợi ích cho bản thân, cho gia đình, cho làng xóm mà còn cho cả đất nước mình. Trong đó còn có một ý nghĩa rất quan trọng là giúp cho đất nước mình vượt lên và ngăn chặn mối họa ngoại xâm.

SẢN PHẨM MỚI

popup

Số lượng:

Tổng tiền: